UBND huyện Tân Châu (Tây Ninh) cho biết, cơ quan chức năng đang củng cố hồ sơ xử lý việc một số người tụ tập gây rối, quỳ lạy trước nhà chủ tịch huyện và đăng tải thông tin không đúng sự thật.
Mới đây, cộng đồng mạng xôn xao trước clip nhiều người dân ở xã Tân Hưng gào thét, quỳ lạy trước nhà Chủ tịch UBND huyện Tân Châu (Tây Ninh) để phản ứng việc chính quyền cưỡng chế đất trồng hoa màu và đền bù không thỏa đáng, đồng thời yêu cầu thả một số người dân bị tạm giữ.
Sau khi đoạn clip xuất hiện với nhiều ý kiến trái chiều, UBND huyện Tân Châu đã có báo cáo sự việc cho UBND tỉnh.
Người dân trồng khoai mì trên đất dự án
Theo báo cáo của UBND huyện Tân Châu, khu vực đất bị thu hồi khiến người dân Tân Hưng phản ứng thuộc dự án Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1, 2, 3 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngày 4/1/2018, UBND tỉnh Tây Ninh đã có thông báo về việc thu hồi đất thuộc quyền sử dụng của công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa.
Ngày 7/5/2018, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành quyết định thu hồi 7.200.000m2 đất thuộc quyền sử dụng của công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa để thực hiện dự án Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1, 2, 3 (cụ thể là để cho Công ty Cổ phần năng lượng dầu Tiếng Tây Ninh thuê đất để thực hiện dự án).
Cắm mốc, rào đất dự án Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1, 2, 3 ở xã Tân Châu.
Tuy nhiên trên diện tích đất này, một số hộ dân tận dụng đất để trồng khoai mì tự phát. Qua rà soát, có tổng cộng 133 hộ gia đình, cá nhân và 4 tổ chức đang tận dụng đất thuộc diện phải giao mặt bằng để thực hiện dự án. Trong đó, xã Tân Hưng có 86 hộ, xã Tân Phú có 47 hộ.
Để thu hồi đất sản xuất, UBND tỉnh Tây Ninh bồi thường như sau: Mức 1, hỗ trợ 18% giá đất nông nghiệp cây trồng hàng năm, giá 5.220 đồng/m2 (52,2 triệu đồng /ha). Mức 2, hỗ trợ 10% giá đất nông nghiệp cây trồng hàng năm, giá 2.900 đồng/m2 (29 triệu đồng/ha).
Ngoài ra, huyện hỗ trợ nhà cửa, công trình hình thành trước khi có thông báo thu hồi bằng 40% mức xây dựng mới nhà, công trình. Riêng cây trái, hoa màu trên đất có trước khi thông báo thu hồi được hỗ trợ 100% theo đơn giá của UBND tỉnh Tây Ninh đưa ra.
Qua công tác tuyên truyền, vận động đã có 59/86 hộ nhận kinh phí hỗ trợ bồi thường .
Ngày 4/6, UBND huyện Tân Châu ban hành thông báo đề nghị các hộ dân nhận kinh phí, thu dọn đồ đạc để bàn giao mặt bằng nhưng một số hộ dân không chấp hành.
Sau đó, theo đề nghị của Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa, UBND huyện Tân Châu đã hỗ trợ công ty này bàn giao mặt bằng cho Công ty cổ phần năng lượng Dầu Tiếng Tây Ninh (chủ đầu tư dự án) 164,09 ha, do 58 hộ đang tận dụng đất sản xuất.
Việc bàn giao đất được cụ thể hóa bằng việc cắm cột bê tông, rào lưới để phân định ranh giới.
Cánh đồng khoai mì của anh Vũ bị cưỡng chế.
Xử lý người dân quỳ lạy trước nhà chủ tịch huyện
UBND huyện Tân Châu cho biết, trong quá trình hỗ trợ, bàn giao mặt bằng một số người dân đã có hành vi cản trở, phá hoại tài sản của chủ đầu tư.
Cụ thể, sáng 14/7/2018, khi chủ đầu tư và các lực lượng chức năng triển khai nhiệm vụ hiện trường, một số người dân đã có hành vi quá khích, cản trở, chống đối lực lượng chức năng.
Lúc 8h sáng cùng ngày, lãnh đạo UBND huyện Tân Châu làm việc với 4 hộ dân thuộc diện phải thu dọn mặt bằng thì những người này đề nghị cho thời gian 2 - 3 tháng để thu hoạch khoai mì và phải bồi thường theo giá thị trường.
Qua làm việc, chủ đầu tư đồng ý gia hạn thời gian giao đất của người dân đến ngày 21/7/2018.
Tuy nhiên, một số hộ không kí vào biên bản làm việc nên đến 16h cùng ngày (14/7/2018) lực lượng chức năng đã triển khai dọn tài sản các hộ này.
Nhiều người dân quỳ lạy trước nhà Chủ tịch UBND huyện tân Châu. (Ảnh cắt clip).
Cũng theo báo cáo của UBND huyện Tân Châu, trong quá trình dọn dẹp, một số người dân đã có hành vi ngăn cản, chụp ảnh, quay phim, đăng tải trên các trang mạng xã hội, phản ánh thiếu khách quan, không đúng sự thực về quá trình hỗ trợ bàn giao mặt bằng, bảo vệ thi công gây dư luận không tốt.
Trước tình hình trên, Công an huyện Tân Châu đã đưa 5 người có hành vi quá khích, ngăn cản lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ về trụ sở Công an xã tân Hưng làm việc. Sau đó, người thân 5 người này tụ tập trước UBND xã gây áp lực đòi thả người .
Đến 18h30 ngày 14/7/2018, những người này kêu gọi thêm những người khác có đất trong dự án tụ tập trước cổng nhà Chủ tịch UBND huyện Tân Châu la lối, quỳ lạy, đốt nhang rồi đăng tải lên mạng xã hội gây dư luận không tốt, đồng thời gây mất an ninh trật tự địa phương.
Hiện nay, các cơ quan chức năng huyện Tân Châu đang củng cố hồ sơ xử lý theo để xử lý theo quy định của pháp luật đối với trường hợp tụ tập gây rối, đăng tải thông tin không đúng sự thực.
Báo cáo của UBND huyện Tân Châu.
Trước đó, trả lời VTC News, anh Vũ (người dân xã Tân Hưng bị cưỡng chế đất) cho rằng, lí do người dân tụ tập ở nhà Chủ tịch UBND huyện Tân Châu là vì huyện đền bù đất, hoa màu quá thấp và phản ứng việc công an giữ người.
"Nhiều người dân ở xã Tân Châu chưa nhận tiền đền bù đất, hoa màu vì giá đền bù đưa ra quá rẻ và do khoai mì chưa đến vụ thu hoạch. Khi người dân kiến nghị thì lãnh đạo huyện Tân Châu đồng ý cho kéo dài thời gian thu hồi đến khi thu hoạch khoai mì. Tuy nhiên, trong lúc 2 bên đang thống nhất dời ngày thu hồi đất thì ở ngoài hiện trường, chủ đầu tư, lực lượng chức năng vẫn triển khai cưỡng chế nên nhiều người dân bức xúc ngăn cản. Một số người dân sau đó đã bị công an tạm giữ.
Sau đó, người thân những người này và một số người khác có đất trong dự án đã đến nhà Chủ tịch UBND huyện Tân Châu để phản ánh bức xúc, yêu cầu thả người. Không thấy ai ra, nhiều người đã quỳ xuống để gây áp lực. Đến khi công an thả người thì những người trên đã ra về”, anh Vũ kể lại.
Cũng là một người dân có đất trong dự án, ông Nguyễn Tân Phong (56 tuổi, ngụ xã Tân Hưng) cho biết thêm, thời điểm UBND huyện Tân Châu xuống cưỡng chế, thì người dân xã Tân Hưng đưa quyết định mới của Ban tiếp công dân Trung ương yêu cầu tỉnh Tây Ninh xem xét giải quyết khiếu nại của người dân.
Lúc này, Chủ tịch UBND huyện Tân Châu chỉ đạo dừng cưỡng chế và gọi người dân đến UBND xã Tân Hưng để họp.
“Trong cuộc họp trưa 14/7, Chủ tịch UBND huyện Tân Châu đồng ý cho người dân thời hạn 2 tháng để thu hoạch khoai mì. Tuy nhiên, khi người dân đang họp thì lực lượng cưỡng chế đã cày bới, phá nát nhiều héc ta khoai mì”, ông Phong cho hay.
Theo ông Phong, người dân không chống đối mà bức xúc vì Chủ tịch UBND huyện đồng ý cho người dân thời hạn 2 tháng để thu hoạch mì nhưng lại không giữ đúng lời hứa.
Ông Phong cho biết thêm, diện tích đất ở đây nhiều người dân đã khai khẩn từ lâu, có chủ quyền sử dụng đất nhưng chính quyền lại thu hồi, đền bù quá rẻ mạt.
Video: Cưỡng chế nhà nổi ở hồ Tây
Chủ tịch huyện ở Tây Ninh bác tin người dân quỳ lạy trước nhà mình
Chủ tịch UBND huyện Tân Châu xác nhận sự việc người dân phản ứng sau quyết định cưỡng chế đất của chính quyền, nhưng hình ... |
Đổ \'núi tiền\' ra rồi quỳ lạy giữa đường, người đàn ông ăn xin khiến dân chúng bất ngờ
Dân mạng bất ngờ trước hành động của người đàn ông ăn xin khi ông ta đổ \'núi tiền\' ra rồi cúi gục bên đường. |