Dân ‘chết mòn’ bên lò luyện gang thép Hòa Phát Dung Quất

Để cho ra lò hàng triệu tấn thép mỗi năm, nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất nhả lượng khí thải khổng lồ ra môi trường.

Dân ‘chết mòn’ bên lò luyện gang thép Hòa Phát Dung Quất - 1

Tròm trèm 2 năm nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất (thuộc Khu Kinh tế Dung Quất) đi vào vận hành tinh luyện thép là ngần ấy thời gian người dân xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi lầm than trong nỗi bức xúc tột cùng.

Dân ‘chết mòn’ bên lò luyện gang thép Hòa Phát Dung Quất - 2

Giữa trưa tháng 6. Nắng như đổ lửa. Con đường trồi sụt đất cát dẫn vào khu dân cư số 4, thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận phả cơn nóng hầm hập, bỏng rát mặt người. Nhà nào nhà nấy đóng cửa im lìm.

Bà Lê Thị Muốn, 57 tuổi, có nhà cách ngã tư rẽ lối vào cổng phụ nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất chừng 50 mét. Hôm nay, chồng ở lại chỗ công trình đang thi công, cậu con trai cũng lu bu công việc không về nên bà ăn trưa một mình. Bữa cơm đơn giản với chỉ vài đọt rau luộc, lát cá kho nấu từ đêm qua mới được hâm nóng lại. Bà Muốn lọ mọ bưng bát cơm đầy từ dưới gian bếp lên nhà trên, ngồi chồm hổm ăn ở góc tường tối om.

Xúc đâu đôi ba muỗng cơm chưa đủ lót dạ, người phụ nữ với gương mặt khắc khổ đành bỏ dở bữa ăn giữa chừng. Bên ngoài, gió thổi thốc từng luồng, cuốn theo mùi hôi khó chịu xộc thẳng vào trong nhà. Bà Muốn lật đật khép nốt cánh cửa bên hông, lục tìm trong hộc tủ rồi lôi ra mớ mảnh xốp. Thoáng chốc, toàn bộ các lỗ khuôn bông cũng được che kín mít. Vừa ngơi tay, bà Muốn buông tiếng thở dài, ca thán: “Ông bà thường bảo trời đánh tránh bữa ăn. Ấy thế mà vừa bưng bát cơm đã ngửi thấy mùi hôi khủng khiếp do nhà máy thép phát tán. Chừ thì chẳng còn nuốt nổi đồ ăn nữa, ráng uống thêm nước cầm hơi thôi. Trời nóng như lò nung mà cực chẳng đã phải đóng cửa kín mít chứ không tài nào chịu thấu”.

Chờ bầu không khí lắng dịu mùi hôi thối, bà Muốn lại tranh thủ lấy khăn nhúng nước, lau sạch bộ bàn ghế ngoài sân. “Nhà máy thép đâu chỉ có tra tấn người dân bằng khí thải độc hại mà bụi bặm từ công trình trong nhà máy cũng theo gió bám từng lớp dày cộm trên cửa, bàn ghế của nhà dân”, bà Muốn than vãn.

Dân ‘chết mòn’ bên lò luyện gang thép Hòa Phát Dung Quất - 3

Mấy hôm nay, nhà máy thép xả khí thải cả ngày lẫn đêm, vợ chồng ông Ngô Đỗi chẳng còn đụng tay vào chuyện bếp núc. Ngày 3 bữa ăn, hai vợ chồng xách xe máy đèo nhau sang xã Bình Đông dùng cơm bụi. Cũng như gia đình bà Muốn và hàng trăm hộ dân khác ngụ cư lân cận nhà máy thép, nhà ông Đỗi cứ luôn đặt trong tình trạng cửa đóng then cài.

“Mùi khí thải xả ra từ các ống khói trong nhà máy khủng khiếp tới nỗi ngửi thoáng qua cũng buồn nôn, đau đầu. Bà con tụi tui ở đây cắn răng cắn cỏ chịu đựng sống chung với bầu không khí ô nhiễm nặng nề suốt 2 năm ròng rã. Nhiều đêm đang ngủ, ai nấy giật mình tỉnh giấc bởi hít phải khí có mùi hôi quái ác”, ông Đỗi giãi bày.

Dân ‘chết mòn’ bên lò luyện gang thép Hòa Phát Dung Quất - 4
Dân ‘chết mòn’ bên lò luyện gang thép Hòa Phát Dung Quất - 5

Dẫn lối PV dạo một vòng khắp các khu dân cư tiệm cận nhà máy thép, ông Đỗi bùi ngùi chia sẻ, Đông Lỗ vốn là ngôi làng bình yên nằm nép mình vào vách núi. Cuộc sống bà con tuy còn cơ cực nhưng đổi lại bầu không khí không bị bủa vây bởi ô nhiễm như bây giờ.

Ông Đỗi kể, năm 2018, Đông Lỗ và Thuận Phước là 2 thôn của xã Bình Thuận nằm trong quy hoạch. Hàng trăm hộ dân thuộc diện giải tỏa “trắng” sẽ được bố trí tái định cư. Hiện tại, thôn Đông Lỗ có gần cả trăm ngôi nhà bị đập bỏ nham nhở hoặc xuống cấp không người ở.

Theo ông Đỗi và bà con địa phương, phần lớn chủ nhân của các công trình này đã nhận đền bù, bố trí tái định cư. Số còn lại vì không chịu nổi cảnh ô nhiễm do nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất “tra tấn” nên chấp nhận khăn gói rời đi. Trường hợp của anh Ngô Hải (con ông Đỗi) là một minh chứng rõ nhất cho thấy việc nhà máy thép “đầu độc” môi trường không khí đã vượt ngưỡng chịu đựng của người dân.

Ông Đỗi nhớ như in, 15 năm trước, Hải kết hôn và cất nhà ra ở riêng. Cuộc sống của vợ chồng Hải cứ êm đềm trôi cùng niềm vui khôn xiết khi 2 đứa con lần lượt chào đời. Ấy nhưng, tất cả bị đảo lộn trong chớp mắt kể từ năm 2019 – thời điểm nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất đi vào vận hành sản xuất. Trớ trêu, tổ ấm của vợ chồng Hải lại nằm ngay vị trí sát vách nhà máy gây ô nhiễm. “Trải qua khoảng thời gian chưa đầy nửa năm chịu đựng sống chung với mùi hôi do nhà máy phát tán, vợ chồng con trai tôi đành khăn gói, dắt díu các cháu qua bên xã Bình Trị mướn nhà trọ ở. Hai năm nay, ngôi nhà hai vợ chồng chạy vạy vay mượn để xây dựng rơi vào cảnh bỏ hoang”, vừa nói ông Đỗi vừa chỉ tay vào cửa sổ nhà cậu con trai với tấm gương nứt từa lưa.

Dân ‘chết mòn’ bên lò luyện gang thép Hòa Phát Dung Quất - 6

Ông Đỗi thẳng thừng tố chính hoạt động cơ giới tạo rung chấn mạnh của nhà máy thép là nguyên nhân khiến nhà cửa của Hải xuống cấp. Nhiều mảng tường nứt ngang nẻ dọc và các cửa chính, cửa sổ bằng kính vỡ toang.

Dân ‘chết mòn’ bên lò luyện gang thép Hòa Phát Dung Quất - 7

Hôm chúng tôi thực tế ở khu vực mà người dân xếp vào loại ô nhiễm bậc nhất trên địa bàn tỉnh, cổng số 1 của nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất đang bị án ngữ bởi căn lều tạm.

Theo quan sát của PV, bên trong khu vực nhà máy, 2-3 ống khói cứ liên tục nhả khói ngùn ngụt, bất chấp bà con địa phương đang kêu gào phản đối.

Bà Võ Thị Tư, một người dân túc trực thường xuyên trong lều cho hay, những ngày đầu tháng 6, hoạt động của nhà máy khiến bầu không khí ô nhiễm trầm trọng. “Nhà máy cứ liên tục thải khói, mùi hôi khét lẹt cứ thế xông thẳng vào nhà. Buổi chiều, trời hay đổ mưa dông, việc xả thải càng khủng khiếp hơn trước", bà Tư nói.

Sau nhiều ngày bị "tra tấn" bởi mùi hôi do nhà máy phát tán, chiều 7/6, bà Tư cùng hàng chục người dân quyết định mang lều bạt, dây nhợ đến trước cổng nhà máy để dựng lên căn lều nhỏ. Mọi người thay phiên nhau túc trực ở đây 24/24 nhằm ngăn không cho xe vận chuyển hàng hóa ra vào nhà máy.

Dân ‘chết mòn’ bên lò luyện gang thép Hòa Phát Dung Quất - 8

Vừa chống gậy lọ mọ vượt quãng đường hơn 1 cây số từ nhà đến trước cổng nhà máy, cụ Ngô Thị Rứa (72 tuổi) chia sẻ, đây không phải lần đầu người dân Bình Thuận phản đối hoạt động sản xuất gây ô nhiễm của nhà máy. 2 năm qua, không dưới 10 lần, bà con sinh sống lân cận nhà máy rủ nhau tập trung để yêu cầu doanh nghiệp ngưng xả thải gây ô nhiễm.

Đơn cử, cuối năm 2019, trong quá trình căn chỉnh chạy thử máy móc thiết bị ban đầu ở nhà máy luyện thép của Hòa Phát Dung Quất, bộ phận quạt hút của hệ thống lọc bụi tĩnh điện lò thổi xảy ra sự cố khiến bụi phát sinh trong lò thổi không được hút hết mà bay thẳng lên, phát tán qua mái nhà xưởng. Phát hiện sự việc, người dân đã nhanh tay ghi lại hình ảnh khí thải màu nâu đỏ bất thường bốc lên từ phía nhà máy. Quá hoang mang, họ tụ tập giăng hàng ngang trước cổng với quyết tâm chặn xe ra vào nhà máy gây ô nhiễm.

Ngoài xả khí thải, hoạt động san lấp mặt bằng của nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất trong thời gian qua khiến bụi bay mù mịt, bủa vây môi trường không khí nơi người dân sinh sống. "Nhiều năm nay, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cứ hứa giải quyết tái định cư cho hàng trăm hộ dân xã Bình Thuận nhưng dân chờ mãi vẫn chưa thấy triển khai. Nếu cứ sống chung với bầu không khí ô nhiễm thế này, chúng tôi sẽ chết dần chết mòn đi mất", cụ Rứa than thở.

Đề cập đến tình trạng ô nhiễm kéo dài tại nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất, một lãnh đạo Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên – Môi trường Quảng Ngãi) cho hay, hai năm nay, đơn vị triển khai giám sát việc xả thải của nhà máy thông qua hệ thống online của Sở truyền về. Bên cạnh đó, Tổng cục Môi trường cũng thường xuyên lấy mẫu quan trắc và đưa đi kiểm tra. Tuy nhiên, theo vị này nhận định, quá trình tinh luyện thép của nhà máy chắc chắn không tránh khỏi việc xả khí thải.

Dân ‘chết mòn’ bên lò luyện gang thép Hòa Phát Dung Quất - 9

Ngoài nỗi bức xúc tột cùng trước hoạt động xả thải của nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất, hàng nghìn người dân xã Bình Thuận đang mang trong mình nỗi khắc khoải, mong chờ ngày nhận đất tái định cư. Vì chỉ có khi thoát khỏi khu vực tinh luyện thép của nhà máy, bà con nơi đây mới thoát cảnh sống chung với ô nhiễm.

Ông Ngô Văn Vương - Chủ tịch UBND xã Bình Thuận xác nhận, đến thời điểm hiện tại, việc đền bù, giải phóng mặt bằng cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã vẫn chưa dứt khoát nên bà con cực chẳng đã phải ở ngay khu vực gần nhà máy.

“Một số hộ không chịu đựng nổi đã chủ động bỏ đi nhưng họ không báo cáo nên xã cũng không nắm được. Hiện tại, người dân Bình Thuận vẫn đang mong mỏi sớm được bố trí tái định cư ở Vạn Tường”, ông Vương nói thêm.

Lý giải về sự chậm trễ trong việc bố trí tái định cư cho người dân nằm trong vùng quy hoạch, ông Đỗ Thiết Khiêm - Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn chỉ ra rằng, trước đây khu tái định cư Vạn Tường do Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất thực hiện. Tuy nhiên, đơn vị này đã không làm được nên tỉnh quyết định giao lại cho huyện.

“Hiện nay, huyện đang tiếp tục kiểm kê giai đoạn 1 và dự kiến hết quý 2/2022 mới có đất để bố trí tái định cư cho khoảng 650 hộ dân Bình Thuận. Khi di dời đến nơi ở mới, bà con sẽ không còn phản ứng với hoạt động của nhà máy nữa", ông Khiêm khẳng định.

Khi “bài toán” tái định cư còn đang chờ lời giải đáp của chính quyền địa phương ở tương lai thì hiện tại, hàng ngàn người dân vẫn đang gồng mình “sống dở chết dở” tại nơi đang bị bủa vây bởi ô nhiễm. Và dĩ nhiên, với họ, không có nhiều sự lựa chọn!

Dân ‘chết mòn’ bên lò luyện gang thép Hòa Phát Dung Quất - 10

THANH BA (Đồ họa: Hà Thành)

Cựu tổng giám đốc Gang thép Thái Nguyên phải bồi thường 130 tỷ đồng Cựu tổng giám đốc Gang thép Thái Nguyên phải bồi thường 130 tỷ đồng
Tòa tuyên án 19 bị cáo gây thất thoát 830 tỷ đồng dự án Gang thép Thái Nguyên Tòa tuyên án 19 bị cáo gây thất thoát 830 tỷ đồng dự án Gang thép Thái Nguyên
Cổ phiếu Gang thép Thái Nguyên lao dốc sau tin loạt lãnh đạo bị khởi tố Cổ phiếu Gang thép Thái Nguyên lao dốc sau tin loạt lãnh đạo bị khởi tố

/ vtc.vn