Đại tướng Phùng Quang Thanh là vị tướng trưởng thành qua chiến đấu, cuộc đời binh nghiệp của ông là một tấm gương sáng về tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường.
Sáng 11/9, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho biết, Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã từ trần sau một thời gian lâm bệnh.
Đại tướng Phùng Quang Thanh sinh ngày 2/2/1949 tại xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc (nay là Hà Nội). Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa IX, X, XI; Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, XI; Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII.
Đại tướng Phùng Quang Thanh là vị tướng trưởng thành qua chiến đấu, ông phát triển từ chiến sĩ lên đến Bộ trưởng, từ binh nhì lên Đại tướng. Cuộc đời binh nghiệp của ông là một tấm gương sáng về tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, ý chí và nghị lực vươn lên.
Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng. (Ảnh: Tùng Đinh) |
Theo báo Quân đội nhân dân, trong cuốn sách "Trường Sơn Huyền Thoại" của Thiếu tướng Hoàng Kiền có viết về chiến dịch Đường 9 Nam Lào (địch gọi là cuộc hành quân Lam Sơn 719 năm 1971), mà qua chiến dịch này ông Phùng Quang Thanh được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Theo đó, ngày 30/1/1971, cuộc hành quân Lam Sơn 719 của địch đánh vào khu vực Đường 9 bắt đầu. Hơn 4 vạn quân chủ lực ngụy quyền và 6.000 quân Mỹ, gồm những đơn vị tinh nhuệ nhất với số lượng lớn binh khí kỹ thuật.
Quân giải phóng đã mở chiến dịch phản công quy mô lớn. Ông Phùng Quang Thanh đã tham gia chiến dịch này. Ngày 11/2/1971, Phùng Quang Thanh là Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 trực tiếp chỉ huy một tiểu đội chốt giữ đồi Không Tên. Địch dùng 1 Đại đội có máy bay yểm trợ, chia làm 2 mũi tấn công chốt. Phùng Quang Thanh chỉ huy tiểu đội chờ địch vào gần mới nổ súng, diệt 38 tên, đẩy lùi địch ra xa, riêng ông diệt 8 tên.
Hai ngày sau địch lại tiến công lên chốt, Phùng Quang Thanh bị thương, cấp trên cho lui về tuyến sau nhưng ông xin ở lại chiến đấu. Ông nhờ đồng đội tháo nắp cho 17 quả lựu đạn cho vào túi đeo quanh người, nhờ y tá băng và treo cánh tay trái cho đỡ vướng rồi dẫn đầu tiểu đội xung phong đánh tạt sườn quân địch, phối hợp đơn vị bạn diệt gọn 1 đại đội địch. Riêng tiểu đội do ông chỉ huy diệt 37 tên, bắt 1 tên, thu 2 súng.
Sau khi đất nước thống nhất, năm 1983, ông được đào tại Học viện thực hành Liên Xô, sau đó học tiếng Nga tại Trường Đại học Ngoại ngữ quân sự và Học viện Quân sự cao cấp khóa VIII. Từ năm 1989-1991, ông là học viên Học viện Vôrôsilốp, Bộ Tổng tham mưu Liên Xô, sau đó là học viên tại Học viện Quân sự cao cấp.
Từ năm 1993 đến 2006, ông lần lượt được phòng quân hàm Thiếu tướng, Trung tướng rồi Thượng tướng, trải qua các chức vụ từ Cục trưởng Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu; Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân khu 1 đến Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (2006), ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và phân công làm Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Năm 2007, ông được phong quân hàm Đại tướng.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (2011), ông tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và phân công làm Phó bí thư Quân ủy Trung ương. Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII, Đại tướng Phùng Quang Thanh được Quốc hội phê chuẩn tiếp tục làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tháng 4/2016, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng với Đại tướng Phùng Quang Thanh.
Với nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự phát triển, trưởng thành của Quân đội, Đại tướng Phùng Quang Thanh được Đảng, Nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều danh hiệu cao quý khác.
XUÂN TRƯỜNG (tổng hợp)
Đại tướng Phùng Quang Thanh từ trần |
Chiến dịch Biên giới 1950 và phong cách cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp |