Sáng 5.6, trao đổi với Lao Động, đại diện Vụ Kế hoạch- Tài chính, Bộ Y tế cho hay Bộ Y tế đã yêu cầu Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh giải trình về việc tăng học phí .
Đại diện Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế - cho biết qua báo chí, Vụ đã nắm được thông tin trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh tăng học phí. Thời điểm trường công bố mức học phí dự kiến từ 30-70 triệu đồng/năm, Bộ Y tế không hề nhận được thông báo.
Đại diện Vụ Kế hoạch- Tài chính đã liên lạc với nhà trường, yêu cầu giải trình vấn đề này. Hiện đơn vị này đang tiếp tục tiến hành gửi công văn yêu cầu nhà trường báo cáo, giải trình cụ thể việc tăng học phí dựa trên cơ sở nào.
Vụ Kế hoạch- Tài chính, Bộ Y tế cũng sẽ có văn bản gửi Bộ Giáo dục- Đào tạo để làm rõ xem các trường được tự chủ chi thường xuyên xây dựng học phí thế nào, có cần khống chế mức trần không.
Được biết, hiện các cơ sở giáo dục xây dựng giá học phí theo Thông tư 14 của Bộ Giáo Dục- Đào tạo, quy định chi tiết định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ đào tạo.
Trong đó có 2 loại hình: Thứ nhất, các trường sử dụng ngân sách nhà nước, sẽ áp theo định mức kĩ thuật do Bộ Giáo dục- Đào tạo ban hành, trên cơ sở đó các trường xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị mình nhưng không được vượt quá mức trần.
Thứ hai, các trường thực hiện tự chủ chi thường xuyên sẽ tự xây dựng mức giá trên cơ sở định mức kinh tế kĩ thuật do trường ban hành.
Khi đó, nhiều trường tự chủ dù cùng ngành học nhưng có thể sẽ có nhiều mức học phí khác nhau do cách đào tạo, cơ sở vật chất… khác nhau.
Theo thông tư 14, chi phí đào tạo trực tiếp chiếm 62%, trong đó tiền lương chiếm 33%; chi phí quản lý, chi phí gián tiếp chiếm 25%, còn lại là chi phí cho thu nhập tăng thêm, phúc lợi lễ tết, các quỹ…
Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh là 1 trong 11 trường đào tạo y, dược trực thuộc Bộ Y tế. Đây là đơn vị duy nhất bắt đầu thực hiện tự chủ từ năm 2020.
Trước đó, trong đề án tuyển sinh 2020, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đưa ra mức học phí dự kiến cho khóa tuyển sinh năm nay. Mức học phí tăng rất cao, từ khoảng 13 triệu đồng/năm ở năm học 2019-2020 lên 30-70 triệu đồng/năm. Ngoài ra, lộ trình học phí tăng 10% mỗi năm.
Thông tin này khiến cả thí sinh và phụ huynh đều lo lắng. Một số thí sinh thậm chí phải từ bỏ nguyện vọng vào trường, xem xét đăng ký xét tuyển vào trường có học phí thấp hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng việc tăng học phí đột ngột, tăng quá nhiều như vậy sẽ khiến rất nhiều học sinh thuộc nhóm đối tượng không đến mức nghèo để được hỗ trợ sẽ bị chơi vơi, không có cơ hội học tập.
Ước tính, với mức học phí 70 triệu đồng/năm, mỗi học sinh sẽ phải mất ít nhất hơn 10 triệu đồng/tháng để sống tối thiểu, chưa tính tiền mua sắm tài liệu, giáo trình.
Thùy Linh
GS.TS Phạm Tất Dong: Đừng vì lợi nhuận mà thu học phí vô lối
GS-TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam – cho biết, ông rất phản đối việc một số trường đại ... |