Đại học Việt Nam... lọt sổ

Theo bảng xếp hạng thường niên các trường đại học châu Á do tạp chí Times Higher Education vừa công bố, Việt Nam không có trường nào lọt vào danh sách

Đứng đầu bảng xếp hạng thường niên các trường đại học (ĐH) châu Á mà tạp chí Times Higher Education công bố là Trường ĐHQG Singapore, tiếp theo là ĐH Thanh Hoa và ĐH Bắc Kinh (cùng của Trung Quốc).

Giáo dục ĐH Việt Nam đang ở đâu?

Đặc biệt, năm nay Hồng Kông có tới 3 trường ĐH nằm trong tốp 10 trường xuất sắc nhất châu Á, gồm: Trường ĐH Hồng Kông (xếp thứ 4), ĐH Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (xếp thứ 5) và Trường ĐH Trung Quốc của Hồng Kông (xếp thứ 7, lần đầu tiên lọt tốp 10). Hàn Quốc cũng có 2 trong số 10 đại diện hàng đầu.

Trước đó, theo kết quả xếp hạng năm 2017 khu vực châu Á được Tổ chức xếp hạng QS công bố hồi tháng 10-2017, có 5 trường ĐH của Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng này. Năm 2017, bảng xếp hạng ĐH châu Á mở rộng từ 350 đến 400 trường, trong đó 250 trường thuộc tốp đầu được xếp theo thứ hạng và 150 trường còn lại được xếp vào các nhóm 251-260, 261-270… 351-400.

dai hoc viet nam lot so

ĐHQG Hà Nội xếp hạng 139 trong bảng xếp hạng QS năm 2017

Dù bảng xếp hạng được mở rộng nhưng so với năm 2016, Việt Nam vẫn chỉ có 5 trường góp mặt. Trong đó, ĐHQG Hà Nội dẫn đầu nhưng xếp hạng thứ 139. Các vị trí tiếp theo là ĐHQG TP HCM (tăng từ vị trí 147 lên 142), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (tăng từ nhóm 301-350 lên nhóm 291-300), Trường ĐH Cần Thơ (từ nhóm 251-300 xuống nhóm 301-350) và ĐH Huế (từ nhóm 301-350 xuống 351-400).

Nhìn vào những bảng xếp hạng này có thể thấy vị trí của các trường ĐH Việt Nam rất khiêm tốn. Thực tế này khiến nhiều người băn khoăn, vì lý do gì mà các trường ĐH Việt những năm qua được bổ sung một lượng giảng viên là GS, PGS, tiến sĩ lại có thứ hạng thấp, thậm chí là hoàn toàn không có tên trong các bảng xếp hạng ĐH châu Á? "Giáo dục ĐH Việt Nam đang ở đâu?" là câu hỏi mà nhiều người đặt ra và đi tìm câu trả lời.

Dưới mức trung bình của thế giới!

Nói về sự phát triển vượt bậc của Trường ĐH Thanh Hoa, lãnh đạo trường này cho biết năm nay Thanh Hoa có lượng bài báo khoa học xuất bản cao hơn ĐH Bắc Kinh, đồng thời thu nhập của các nghiên cứu viên cũng tăng cao hơn.

Ông Li Jinliang, Hiệu trưởng Văn phòng Hợp tác Quốc tế của ĐH Thanh Hoa, cho hay trường đã "ban hành một loạt cuộc cải cách toàn diện kể từ năm 2012, nhằm tăng khả năng cạnh tranh của trường trong bối cảnh toàn cầu". Ông cho biết thêm, các nghiên cứu hiện nay của trường tập trung vào nghiên cứu chéo, hội nhập các công nghệ quốc phòng và dân sự, nghiên cứu tiên tiến và thương mại hóa các tiến bộ công nghệ. Đồng thời, trường đã "vượt ra khỏi biểu đồ trong giáo dục tiên tiến", bằng cách thay đổi cách thức phân loại ngành học cho việc nhập học ĐH và "tăng cường giáo dục tự do".

Trả lời câu hỏi tại sao các trường ĐH Việt Nam ít có tên trong các bảng xếp hạng, GS Đào Trọng Thi, nguyên Giám đốc ĐHQG Hà Nội, cho rằng việc này là bình thường, vì không phải trường nào cũng hào hứng tham gia việc xếp hạng. "Muốn tham gia những bảng xếp hạng này phải có thời gian chuẩn bị và thực tế là không phải bảng xếp hạng nào cũng thực chất" - GS Thi nói.

Trong khi đó, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ Giáo dục và Đào tạo, không ngại ngần cho rằng chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam đang ở dưới mức trung bình chứ không phải là trung bình của thế giới. "Với chất lượng như vậy thì rất nhiều trường biết rằng mình có tham gia xếp hạng cũng chẳng được, nên họ không hào hứng với việc xếp hạng này" - TS Khuyến thẳng thắn nói.

Chia sẻ thêm về chất lượng giáo dục ĐH hiện nay, GS Đào Trọng Thi cho rằng tỉ lệ GS, PGS, tiến sĩ của các trường hiện nay chưa phải là nhiều. "Các trường ĐH lớn trên thế giới đều có khoảng 60% giảng viên là GS, PGS, số còn lại là tiến sĩ, trong khi ở các trường của ta thì rất thấp. Ngay cả trường lớn là ĐHQG Hà Nội thì tỉ lệ này cũng chưa đến 20%" - GS Đào Trọng Thi nói.

Phong GS, PGS không đúng người

GS Đào Trọng Thi trao đổi thẳng thắn, thiếu về số lượng, chất lượng đội ngũ giảng viên cũng có nhiều vấn đề. Cái yếu của chúng ta là nhiều GS, PGS không đạt chuẩn so với yêu cầu và khoảng cách thì còn xa so với thế giới. GS phải là người đạt chuẩn chuyên môn, có đủ năng lực để thực hiện việc giảng dạy chất lượng cao cũng như nghiên cứu khoa học. Thời gian qua, các GS của chúng ta thiếu những tiêu chí đó.

"Tôi thấy có điều lạ là những điều thế giới cần thì Việt Nam lại không quan tâm mà chỉ quan tâm đến hình thức, số lượng, thủ tục. Đối chiếu những tiêu chuẩn của Việt Nam thì nhiều nhà khoa học lớn của Việt Nam đang làm việc trên thế giới đều…trượt. Tôi thấy chức danh GS, PGS được phong cho không đúng người, có những người rất bình thường thì lại được phong, trong khi những người giỏi thì lại không đáp ứng được yêu cầu không giống ai của mình" - GS Đào Trọng Thi nói.

dai hoc viet nam lot so Việt Nam có bao nhiêu giảng viên trình độ tiến sĩ?

Trong hơn 72.000 giảng viên đại học Việt Nam, số thạc sĩ là 43.000, tiến sĩ là 16.500.

dai hoc viet nam lot so Bị phản biện gay gắt, tác giả bảng xếp hạng đại học Việt Nam nói gì?

Nhóm nghiên cứu xếp hạng đại học gây tranh cãi thừa nhận mọi xếp hạng đều phiến diện và sẽ cân nhắc cải tiến bảng ...

/ nld.com.vn