Đại gia ngập nợ nần, chỉ một cái gật đầu có ngay ngàn tỷ đút túi


Hàng loạt dự án được chuyển nhượng giữa các chủ đầu tư thời gian gần đây khiến thị trường dậy sóng. Có những thương vụ, chủ đầu tư bỏ ra cả chục triệu đô-la để sở hữu những mảng đất vàng bỏ hoang ngay giữa trung tâm Hà Nội hay TP.HCM. Chính nhờ thế, có những đại gia đang nợ ngập đầu, chỉ cần một cái gật đau, sang tay khu đất vàng bỏ hoang là có ngay ngàn tỷ. 
 

Thương vụ nghìn tỷ

Từ đầu năm 2017 tới nay, thị trường bất động sản chứng kiến hàng loạt đại gia chi hàng chục triệu USD để sở hữu các dự án đất vàng. Tại Hà Nội, đình đám nhất phải kể tới thương vụ 66,1 triệu USD của Tổng công ty Phát triển Đô Thị Kinh Bắc chuyển nhượng toàn dự án Diamond Rice Flower (Lotus Hotel) nằm trên khu đất khoảng 4,2 ha cạnh Trung tâm Hội nghị quốc gia.

Theo quy hoạch ban đầu, dự án gồm tổ hợp 1 tòa nhà 100 tầng (chiều cao khoảng 400m), 1 tòa cao 80 tầng (cao 320m) và 1 tòa 15 tầng. Chủ mới của dự án Khách sạn Hoa Sen là Công ty CP Đầu tư Mặt Trời Mọc.

Cách đó không xa, Elite Capital Resources Limited, một nhà đầu tư nước ngoài đã trở thành chủ mới của dự án Times Square Hà Nội. Dự án được phát triển bởi liên doanh giữa VinaCapital và Công ty Thăng Long GTC, một đơn vị thành viên của Tổng Công ty Du lịch Hà Nội, với tỷ lệ sở hữu tương ứng 65%-35%. Gần 1 thập kỷ qua, dự án Times Square Hà Nội án binh bất động.

Dự án bao gồm một khu đất có diện tích 40.000m2 liền kề Trung tâm mua sắm Big C Thăng Long và đối diện Trung tâm Hội nghị quốc gia. Thương vụ thoái vốn này đã đem về cho VinaCapital khoản doanh thu thuần là 41 triệu USD.

Cũng trong tình trạng xây dựng dang dở tại khu vực trung tâm của Cầu Giấy, Tòa nhà hỗn hợp AZ Lâm Viên đã được chuyển nhượng lại từ CTCP Đầu tư và Xây dựng Lâm Viên cho CTCP Bất động sản AZ (AZ Land). Sau khi khởi công năm 2009, dự án ì ạch chậm tiến độ với 2 lần thay nhà thầu.

Tại TP.HCM, Công ty CP BĐS Phát Đạt tuyên bố đã chuyển nhượng một phần dự án Everrich 3. Công ty BĐS Hưng Thịnh có chiến lược thâu tóm 20 dự án đã bị trì hoãn lâu dài, trong đó 10 dự án đã được tiến hành xây dựng và bắt đầu tung ra thị trường.

Công ty Keppel Land (Singapore) đã nắm 16% cổ phần còn lại của Tổng công ty CP Đường Sông Miền Nam (Sowatco) trong Saigon Centre thông qua công ty thành viên Krystal Investment Pte., Ltd. Hongkong Land sẽ trở thành đối tác chiến lược với Công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) để phát triển nhà ở tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Còn hồi tháng 2, Berjaya Land cho biết sẽ bán toàn bộ 70% cổ phần đang nắm giữ tại Công ty Berjaya Long Beach LLC Việt Nam (đơn vị đang điều hành một khách sạn nghỉ dưỡng quốc tế 4 sao tại Phú Quốc) cho Công ty TNHH Dịch vụ Sulyna với giá tương đương 333,25 tỷ đồng. Thương vụ dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2018.

Ì ạch vì khan hiếm \'đất sạch\'

Theo khảo sát của JLL Việt Nam, phân khúc nhà ở vẫn là thị trường hấp dẫn nhất. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư hiện nay đang có xu hướng chuyển sang thị trường bất động sản thương mại, đặc biệt tập trung vào các dự án văn phòng hạng A có vị trí đắc địa, tiềm năng tăng trưởng về giá trị vốn và lợi suất đầu tư (7-8%). Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng cho thấy sự quan tâm đặc biệt đối với những dự án khách sạn.

Tổng giá trị giao dịch trong 9 tháng đầu năm của bất động sản đạt trên 1,18 tỷ USD, đạt kỷ lục. Con số này so với năm 2016 là 921 triệu USD.

Nhiều thương vụ mua bán sáp nhập trong đầu năm 2017

Thực tế, việc thực hiện thành công được những thương vụ M&A trong lĩnh vực này lại không dễ dàng, đặc biệt là đối với các đối tác là nhà đầu tư nước ngoài muốn chuyển nhượng lại các dự án trong nước. Do tính phức tạp về thủ tục liên quan đến BĐS ở Việt Nam nên việc chuyển nhượng dự án gặp nhiều rủi ro trong tất cả các khâu, từ làm thủ tục bị kéo dài, đến đền bù giải tỏa, pháp lý.

Tuy nhiên, ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam, cho rằng 2017 sẽ là năm kỷ lục của M&A bất động sản. Theo ông, kinh tế Việt Nam liên tục được cải thiện với các chỉ số kinh tế tích cực và được công nhận là một trong những thị trường triển vọng nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, điều này giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

“Thị trường bất động sản Việt Nam đang đón nhận nhiều luồng quan tâm mạnh mẽ đến từ các nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp diễn ra trong thời gian tới. Nhà đầu tư nước ngoài luôn ưu ái đến các dự án tạo ra lợi nhuận, tuy nhiên các dự án này vẫn còn hạn chế trên thị trường”, JLL nhận định.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng nhận định M&A sẽ tiếp tục là hướng đi chủ đạo của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong những năm tới. Đặc biệt, năm 2017, mua bán sáp nhập doanh nghiệp sẽ mạnh hơn, bởi cơ hội và điều kiện cho các thương vụ M&A rất lớn khi TP.HCM đang có 500 dự án tạm ngưng triển khai.

Theo đánh giá của ông Marc Townsend, M&A bất động sản trong năm 2017 sẽ tiếp tục sôi động và lộ diện nhiều gương mặt mới với tiềm lực tài chính khá mạnh. Đây là một trong những điểm sáng của thị trường bất động sản năm nay.

/ Theo Vietnamnet