Sau một loạt vụ cướp táo tợn, cặp đôi sát thủ Sanh – Hoàng tiếp tục chuẩn bị kế hoạch cho những vụ cướp lớn hơn. Điểm đến của chúng lần này là nhà bà C, nữ đại gia chuyên tổ chức vượt biên giàu nức tiếng Phú Hữu.
Gia đình tướng cướp khét tiếng miền Đông (Kỳ 4): Cái giá phải trả cho tướng cướp
Dù là anh nhưng Nguyễn Văn Sanh Khanh SN 1963, tự Sanh cụt thua kém xa đứa em sinh sau đẻ muộn Nguyễn Văn Hoàng ... |
Đại gia đình tướng cướp khét tiếng miền Đông (Kỳ 3): Sự độc ác của kẻ nối ngôi tướng cướp
Trong số những đứa con tướng cướp của bà Tám Lũy hung tàn nhất là Nguyễn Văn Tùng, SN 1961. Hắn được đồng nghiệp tặng ... |
Đại gia đình tướng cướp khét tiếng miền Đông (Kỳ 2): Lai lịch tướng cướp Trần Văn Rốp
Dân chúng vùng sông nước huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến nay vẫn còn truyền tai nhau câu chuyện, lúc sinh thời dù là ... |
Đại gia đình tướng cướp khét tiếng miền Đông (Kỳ 1): Thôn nữ xinh đẹp
Những năm sau giải phóng, hầu hết những băng cướp làm mưa làm gió tại Sài Gòn, Đồng Nai, Sông Bé… lần lượt sa lưới ... |
Hai lần thất trận
Gương mặt Hoàng, Sanh bớt lầm lì, thỉnh thoảng chúng nhảy chân sáo có vẻ đắc ý lắm.
Không vui sao được, tuần trước có người đã thì thầm vào tai Sanh một thông tin vô cùng quý giá, nữ “đại gia” chuyên tổ chức vượt biên C giàu có nức tiếng xã Phú Hữu, một trong những “con mồi” chúng để ý từ lâu nhưng vì “khó gặm” nên vẫn chưa thể ra tay hành động vừa mới sa thải tên làm mướn ngang ngạnh Nguyễn Văn Bưởi.
Nghe đâu tên này đã làm ở đây khá lâu nhưng bà chủ vẫn đuổi thẳng tay nên hắn rất hậm hực. Với đầu óc của kẻ cướp chuyên nghiệp, Sanh biết ngay, chúng có thể nuốt trôi miếng mồi khó nhằn này nhờ tên Bưởi.
Đúng như dự đoán của gã, vừa nghe các đại ca ngỏ lời, Bưởi đồng ý cái rụp. Hắn tuyên bố: “Tao chẳng ham tiền, chỉ muốn trả thù cái mụ chủ cho bõ ghét. Để xem lúc mất của, bản mặt mụ sẽ thế nào?”.
Tất nhiên, Bưởi cũng chẳng dại gì từ chối khoản “hậu đãi” khi phi vụ trót lọt.
Công việc của Bưởi rất đơn giản, chỉ cần mô tả lại tỉ mỉ từng ngóc ngách trong ngôi nhà, số lượng người làm lưu trú, giờ giấc hoạt động, thói quen sinh hoạt của từng thành viên và dự đoán nơi có khả năng chôn giấu tiền vàng.
Nghe “tay trong” thao thao bất tuyệt từng chi tiết, Sanh, Hoàng sướng rơn chắc mẩm, cú này sẽ thắng lớn. Nhưng trăm nghe không bằng một thấy, để chắc thắng chúng bí mật đi thị sát nhà bà C thêm nhiều lần, vẽ sơ đồ cụ thể sau đó mới lên phương án hành động.
Đúng 11g ngày 12.5.1986, cả bọn thẳng tiến về Phú Hữu.
Đêm Phú Hữu càng về khuya càng thanh vắng, tiếng ếch nhái, gió và sóng nước ì oạp vọng vào. Sau khi xem xong mớ sổ sách lời lãi hàng ngày, bà C đang lim dim ngủ, bỗng một tiếng “cạch!” khẽ vang lên làm bà C giật mình choàng tỉnh.
Với linh tính của người làm ăn, bà nhìn ngay về phía cửa. Dưới ánh trăng, hai bóng người cầm súng đổ dài trên tường đang rón rén tiến vào trong nhà.
Nhanh như cắt, bà nằm rạp xuống nền nhà, lúc hai nòng súng vừa chĩa vào người đã kịp xô chiếc bàn che tầm súng và lăn nhanh ra cửa vừa chạy vừa tri hô “cướp! cướp!”.
Không lường trước tình huống này, Sanh, Hoàng hoảng hốt bỏ chạy nhanh ra hướng bờ sông nhảy lên chiếc ghe máy đồng bọn đang chờ tẩu thoát.
Thất bại cay đắng, chúng rút ra bài học xương máu: “Không thể xem thường đàn bà, nhất là những bà lắm tiền nhiều của. Muốn thành công không chỉ liều mà cần có lực lượng hùng hậu hỗ trợ”.
Ngay ngày hôm sau hai tên cướp bí mật liên lạc, thuyết phục thêm một số đối tượng “đầu trộm đuôi cướp” Lê Minh Sơn, Phạm Văn Em (Mười tặc), Nguyễn Văn Tiên, Nguyễn Văn Tiến tham gia vào vụ cướp.
Để chắc ăn, ngoài hỏa lực là hai khẩu M16 và Colt 45 đầy ắp đạn, chúng cầm thêm Rulo, lựu đạn, mã tấu và cả một cây súng giả để tăng tính uy hiếp. Năm ngày sau, chúng đã có mặt tại “chòi vịt” để chuẩn bị hành động.
Theo kế hoạch, chúng sẽ đi xuồng từ căn cứ đến Phú Hữu tấp vào bờ sông sau lưng nhà bà C, Sanh cầm khẩu Colt 45 đột nhập vào cổng trước, còn Hoàng sẽ thủ M16 đứng ở cửa sổ yểm trợ, những tên còn lại cầm Rulo, lựu đạn, mã tấu, súng giả chia nhau chặn chốt xung quanh nhà.
Khi ghe đã neo đậu an toàn, Sanh ôm khẩu Colt 45 lẹ làng phóng lên bờ đi nhanh đến trước ngôi nhà. Hắn nhẹ nhàng dùng mũi chân kéo nhẹ cánh cửa trước, ánh đèn hắt ra, gã yên trí chắc chắn con mồi đang ở phòng khách.
Cửa vừa mở, hắn lách nhanh người vào hai tay ôm chặt báng súng chĩa vào trong rít lên: “C..ứ..ơ..p..!” nhưng khựng lại, trước mặt hắn không phải là bà C mà hàng chục người trang bị đầy đủ vũ khí sững sờ nhìn hắn rồi nhất loạt hô lớn: “Cướp! Cướp!”, tiếp đó là những loạt đạn xé tan màn đêm yên tĩnh.
Thì ra hắn đụng phải tổ dân quân tự vệ đang đang trên đường tuần tra bắt những kẻ vượt biên ghé vào nhà bà C tìm hiểu một số chuyện. Sau vài giây chết sững, Sanh đã nhanh tay đóng sập ngay cửa lại, cuộn tròn lăn ra ngoài.
Biết là có biến, Hoàng thọc ngay nòng súng qua cửa sổ vào trong nhà vãi đạn yểm trợ đồng bọn. Nhờ đó cả bọn kịp chạy xuống bờ sông tẩu thoát.
Cuộc truy kích trong đêm
Theo nhận định từ CA huyện Long Thành, vụ cướp táo tợn này là do băng cướp Tám Lũy gây ra. Chắc chắn chúng chưa dám chạy về căn cứ ngay mà đi vòng vèo để tránh bị truy kích.
Ngay lập tức, lực lượng CA, dân quân các xã Đại Phước, Phú Hữu nhanh chóng tập trung lực lượng tinh nhuệ nhất phục kích tại Ba Đào, “cửa ngõ” đi vào sào huyệt Tám Lũy. 23g, tiếng xuồng máy từ phía sông Cầu Cháy vọng về.
Khi gần đến căn cứ, năm bóng đen nhảy xuống hì hục đẩy xuồng vào bờ. Đúng lúc đó, một tiếng hô chắc nịch cất lên: “Các anh đã bị bao vây, yêu cầu tất cả đúng yên”.
Tiếng hô chưa dứt, 5 bóng đen đã lăn nhanh xuống bùn nổ súng bắn trả dữ dội và bỏ lại ghe lẫn vào đám lau sậy, dừa nước biến mất.
Hàng chục trinh sát lập hàng rào bao vây quanh khu chòi vịt. Người chỉ huy trưởng gọi loa yêu cầu tất cả thành viên có mặt trong chòi phải ra ngoài chấp hành lệnh kiểm tra hành chính.
Thời gian trôi qua, bên trong vẫn không có chút động tĩnh, phía ngoài đã có tiếng lên đạn soàn soạt. Bỗng có tiếng ai đó hắng giọng rồi bóng hai thanh niên ló ra từ trong chòi vịt, đó là Sanh “cụt” và Mười “tặc”.
Đúng lúc đó, du kích xã áp sát bấm ngay còng số 8 vào tay hai tên cướp, Sanh la hét: “Tại sao lại còng tui, tui ngủ cũng phạm tội à, bớ người ta CA bắt dân”.
Thế nhưng tiếng hét của hắn im bặt khi một đồng chí CA dọi thẳng đèn pin xuống bàn chân hắn giọng sắc lạnh: “Ngủ mà bùn đất dính đầy chân vậy hả anh Sanh?”. Hắn giật mình nhìn xuống. Thì ra quá vội vàng, hắn đã rửa không hết bùn đất.
Cả hai bị giải ra xuồng. Tại đây CA thu giữ ba khẩu súng thật, một súng giả, một lựu đạn, và rất nhiều mã tấu.
Hay tin Sanh “cụt”, Mười “tặc” bị bắt, tên Thành chạy lên TP HCM lẩn trốn. Mấy ngày sau, hắn đột nhập vào một chiếc tàu đang neo đậu tại bến Bạch Đằng để trộm cắp thì bị bắt giữ. Dư cùng 4 tên lâu la dạt về xã Vĩnh Thanh (huyện Long Thành) ẩn náu.
Trong lúc túng quẫn, chúng lẻn vào một trường cấp hai trộm cột cờ bằng nhôm về bán. Khi chúng vừa khiêng ra cổng thì đụng ngay tổ tuần tra xã và bị bắt gọn.
Riêng các tên Thái, Vân, Anh, Đoan, Tiên, Tiến chạy thẳng về phường Long Bình để gây dựng lại băng cướp. Một đêm nọ, chúng mò vào Tổng kho Long Bình trộm được một khẩu súng ngắn, lúc quay trở ra thì bị CA bắt giữ.
Sau khi thoát thân, Hoàng “phổi” không manh động như bọn đàn em mà nằm im quan sát động tĩnh.
Những ngày “ăn chực nằm chờ” khổ ải, lại phải chứng kiến cảnh đồng bọn lần lượt bị bắt, băng nhóm tan rã, hắn điên cuồng cho rằng, tất cả là tại anh Tiếp (Phó CA xã Đại Phước, bị tên Tùng “sát thủ” sát hại năm 1983) mà ra.
Hoàng nuôi ý định trả thù. Chiều 19.5.1986, gã đội nón lá che kín mặt, giả nông dân đi làm đồng, vác trên vai khẩu M16 quấn kỹ trong ống quần kẹp chung cùng cây cuốc. Dáng của hắn không thể nào qua mắt được ông Tám Lũy.
Ông tiến đến hỏi: “Đồng bọn bị bắt hết rồi, sao mày không đi đầu thú để hưởng khoan hồng?”. Hắn hất hàm trả lời: “Trước khi bị bắt, tôi phải ném lựu đạn giết cả nhà thằng Tiếp để trả thù cái đã”.
“Nhưng sao phải trả thù, chúng mày đã giết người ta chết rồi, còn tính giết cả nhà họ à?”. “Phải giết sạch cả nhà nó mới trả được nợ”.
Trước vẻ côn đồ của con, ông Tám van vỉ, móc tiền đưa cho hắn. Hoàng “phổi” quay về nhà vơ thêm mấy bộ quần áo bỏ trốn. Vừa đi đến sân bóng xã Đại Phước, Hoàng đã bị hàng chục họng súng chỉ vào người, đành phải tra tay vào còng.
Lục túi áo Hoàng, CA phát hiện một mảnh giấy ghi ngoằn ngoèo hàng chục tên các đồng chí CA. Sau này tên cướp thú nhận đó là danh sách những cán bộ hắn dự tính trả thù.
Ngày 26.3.1987, TAND tỉnh Đồng Nai tuyên phạt Hoàng “phổi” 20 năm tù về tội cướp và tàng trữ vũ khí. Sanh “cụt” cũng nhận án 15 năm tù. 11 tên đàn em của chúng đều nhận từ 5 - 8 năm tù.
Đây là lần hợp tác cuối cùng của cặp Sanh – Hoàng vì sau đó dù Hoàng đã vượt ngục thành công nhưng Sanh phải thụ án đến khi mãn hạn và khi hắn ra tù Hoàng đã bị bắt lại.
Tuy nhiên, đám em út của Sanh còn có tên Thâu “ròm” bản lĩnh hơn người vẫn đang tự do bay lượn. Với bản tính của Sanh, chắc chắn hẳn sẽ bắt tay với đứa em lắm tài này để tìm chỗ dựa. Và cuộc đấu tranh chống lại gia đình Tám Lũy của lực lượng CA vẫn phải tiếp tục.
Gia đình tướng cướp khét tiếng miền Đông (Kỳ 4): Cái giá phải trả cho tướng cướp
Dù là anh nhưng Nguyễn Văn Sanh Khanh SN 1963, tự Sanh cụt thua kém xa đứa em sinh sau đẻ muộn Nguyễn Văn Hoàng ... |
Đại gia đình tướng cướp khét tiếng miền Đông (Kỳ 3): Sự độc ác của kẻ nối ngôi tướng cướp
Trong số những đứa con tướng cướp của bà Tám Lũy hung tàn nhất là Nguyễn Văn Tùng, SN 1961. Hắn được đồng nghiệp tặng ... |
Đại gia đình tướng cướp khét tiếng miền Đông (Kỳ 2): Lai lịch tướng cướp Trần Văn Rốp
Dân chúng vùng sông nước huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến nay vẫn còn truyền tai nhau câu chuyện, lúc sinh thời dù là ... |
Đại gia đình tướng cướp khét tiếng miền Đông (Kỳ 1): Thôn nữ xinh đẹp
Những năm sau giải phóng, hầu hết những băng cướp làm mưa làm gió tại Sài Gòn, Đồng Nai, Sông Bé… lần lượt sa lưới ... |