Các ĐBQH cho rằng, do tính nhạy cảm với xã hội, vị trí tư lệnh ngành Y tế luôn gây tranh cãi và Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến không phải là ngoại lệ.
Ngày 22/11, trả lời PV VTC News bên hành lang kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, trong số các tư lệnh ngành thì lĩnh vực Y tế và Giáo dục gắn liền với đời sống thiết thực của người dân. Đây chính là nguyên nhân khiến chiếc ghế Bộ trưởng Y tế và Giáo dục bao giờ cũng là ghế "nóng".
Đối với nhiệm kỳ của bà Nguyễn Thị Kim Tiến, ông Phạm Văn Hòa cho rằng, thực tế nữ Bộ trưởng làm được những điều mà số đông dư luận chưa nhìn ra, chưa đánh giá đúng. Trong đó, hoạt động cộng đồng trong lĩnh vực Y tế là một ví dụ.
ĐBQH Phạm Văn Hòa. |
“Hiện nay, nhiều bệnh viện trang bị được hệ thống cơ sở hiện đại, chuyên nghiệp. Việc chăm sóc đối với người bệnh rất tốt. Những cái người ta đã làm được không thấy ai nói đến”, ông Hòa chia sẻ.
Cũng theo vị đại biểu Đồng Tháp, ngành Y tế có những đặc thù riêng. “Ở đó có nhiều nhà khoa học, bác sĩ thuộc dạng bậc thầy, hàng đầu. Bộ trưởng có thể là người đứng đầu về quản lý nhưng trong chuyên môn có thể không bằng họ. Vì thế, đôi khi trong chỉ đạo vẫn có thể gặp khó”, đại biểu đoàn Đồng Tháp phân tích.
Cuối cùng, ông Hòa nhấn mạnh, y tế là vấn đề chung của mỗi nhà, liên quan đến từng người, “vì thế, không có gì khó hiểu khi người đứng đầu lĩnh vực này luôn phải ngồi “ghế nóng".
Cũng bình luận về nhiệm kỳ của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) cho rằng, công tác cán bộ là vấn đề nổi cộm của ngành y tế hiện nay.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng. |
“Công tác cán bộ của Bộ Y tế còn rất nhiều xáo động, có thể dẫn đến khủng hoảng về cán bộ. Thực trạng cho thấy, lực lượng cán bộ bồi dưỡng đặt vào các vị trí lãnh đạo ở Bộ Y tế hiện nay là rất căng thẳng. Xét về khía cạnh tầm chiến lược, công tác cán bộ như vậy là rất yếu.
Đối với lĩnh vực có nhiều nhà khoa học hiện nay mà lại để rơi vào tình trạng “rỗng” như thế là không được. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kém dẫn đến việc khó khăn trong bố trí vị trí lãnh đạo”, ông Nhưỡng cho hay.
Cũng theo đại diện đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre, hệ thống bác sĩ gia đình trong ngành y tế cũng bộc lộ nhiều vấn đề. “Chúng ta đang thiếu một hệ thống bác sĩ gia đình – vấn đề phát triển chiến lược đối với ngành y tế được đặt ra nhiều năm trước. Hiện nay, việc huy động nguồn lực đối với lĩnh vực này còn bị động và bị lệ thuộc vào sự cung cấp tài chính của ngân sách.
Nếu là tư lệnh ngành giỏi thì phải chăm lo xây dựng huy động xã hội. Một mặt, tập trung xây dựng hệ thống bệnh viện tư nhân để doanh nghiệp đóng góp vào hoạt động y tế của Nhà nước. Mặt khác huy động doanh nghiệp cá nhân khác bỏ tiền ra quyên tặng cơ sở vật chất kỹ thuật, xây dựng cơ sở và tặng lại cho các cơ sở khám chữa bệnh địa phương. Điều này lẽ ra chúng ta phải triển khai, xây dựng từ lâu.
Tôi từng nói với Bộ trưởng Bộ Y tế, có hai hệ thống người dân càng đặt kỳ vọng thì càng nhận về nhiều thất vọng, đó là Y tế và Giáo dục”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ.
Hôm nay, Quốc hội miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến |
Infographic: 10 phát ngôn ấn tượng của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến |
Lý do miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến |