Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 71)

Bình nâng chén rượu lên, uống một hớp rồi nói với Thúy: Em biết không, người đời đã nói: Nếu không có rượu thì cũng không có các nhà thơ, nhà văn và chắc chắn sẽ không có nhiều nhạc sĩ.

dac biet nguy hiem ky 71 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 70)

Ba tên kéo xác Vy vào một bụi cây. Một hồi lâu sau chúng mới ra và mang ra nhiều túi. Chúng đã xả Vy ...

dac biet nguy hiem ky 71 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 69)

Tại nhà bà Ất, Ngân và Chung ngồi thừ người ra. Ngân nói: Thế là anh Bình mất sạch cơ nghiệp rồi. Bọn chúng nó ...

Thúy:

- Thế mà bao nhiêu lần ăn cơm ở đây, cấm bao giờ em thấy anh mang loại rượu đấy ra.

Bình cười nói:

- Mọi người vẫn uống rượu đấy nhưng anh không nói đó là rượu của anh làm. Em thấy không, lần trước uống rượu ai cũng khen ngon nhưng anh không nói là rượu ở đâu. Anh chỉ nói là rượu vợ anh nấu thôi.

Thúy nhìn Bình trân trân và bảo:

- Ồ, thế thì anh cũng là người cẩn trọng quá mức rồi đấy.

Bình nói:

- Đúng thế. Anh đã hai lần ngồi tù rồi, cho nên mọi thứ cẩn trọng không bao giờ là thừa.

Hai người nói chuyện được một lúc thì Hòa phóng xe đến. Hòa mở cặp ra, đưa Bình xem giấy chứng nhận của EU về tiêu chuẩn xuất khẩu rượu của Công ty Delta cho loại rượu Việt Xưa.

Bình bảo:

- Bây giờ em có thể thoải mái gửi biếu Ủy ban Nhân dân tỉnh để họ tiếp khách. Em cứ đưa giấy này ra thì chắc chắn không ai nghi ngờ gì nữa rồi. Còn việc xuất khẩu lô rượu đầu tiên sang Phần Lan và Mỹ anh giao cho chú đích thân kiểm tra thật cẩn thận. Và sau khi hàng cập bến ở Mỹ, chú phải sang bên đấy để tổ chức quảng bá thương hiệu rượu của mình.

dac biet nguy hiem ky 71

Thúy hỏi:

- Rượu này họ nấu ở đâu?

Bình cười và bảo:

- Họ có một cơ sở chế biến ở ngay dưới chân núi Tản Viên, là nơi có thể tự hào có nguồn nước giếng sạch nhất Việt Nam hiện nay. Tất nhiên, nước giếng sạch chỉ là một phần thôi. Nước giếng ở đấy còn có những tố chất đặc biệt không nơi nào có, làm cho rượu của họ vừa giữ được mùi thơm của gạo nếp, nhưng đồng thời cũng làm giảm được nhiều độc tố.

Bình lấy trong tủ ra một chai rượu Việt Xưa rồi bảo:

- Đây. Bây giờ em uống thử loại rượu này xem thế nào?

Bình rót cho Thúy một ly, đưa cho Hòa một ly rồi rót cho mình.

Thúy nhấp thử một ngụm và không thấy cô nhăn mặt. Cô chẹp chẹp miệng rồi lại nhấp tiếp một ngụm nữa. Thúy bảo:

- Em không phải là người sành rượu và thực sự em không uống được rượu nhưng em cảm thấy rượu này uống được đấy.

Bình nâng chén rượu lên, uống một hớp rồi nói với Thúy:

- Em biết không, người đời đã nói: Nếu không có rượu thì cũng không có các nhà thơ, nhà văn và chắc chắn sẽ không có nhiều nhạc sĩ.

Thúy bĩu môi:

- Vâng, nếu không có rượu thì chắc chắn là hằng năm sẽ bớt đi số lượng người bị tai nạn giao thông do uống rượu quá nhiều, bớt đi rất nhiều những vụ án xảy ra do những người say rượu.

Bình thở dài và bảo:

- Em chẳng bao giờ nghĩ được cái gì tích cực cả. Em biết không, thời xưa những nhà thơ Trung Quốc lớn như Lý Bạch, Bạch Cư Dị đều có những vần thơ gọi là “thiên cổ hùng văn” về rượu. Ngay nước mình đây, cụ Nguyễn Du có câu thơ về rượu như thế này có hay không? “Sinh tiền bất tận tôn trung tửu/ Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi”, Có nghĩa là khi sống không uống hết rượu trong bình này đi thì chết rồi ai tưới lên mộ cho. Em thấy không, rượu có ý nghĩa như thế. Nhưng đấy là chuyện xa. Còn chuyện gần đây. Anh lấy cho em xem cái này.

Bình vào tủ sách lấy ra tuyển tập văn thơ Hồ Chí Minh. Anh giở đến gần cuối và đưa cho Thúy xem:

- Em xem bài “Quá tân xuân” của Bác Hồ đi. Đây, anh đọc cho em nghe. Dịch nghĩa ra đây:

“Tết này ta không được uống rượu, không được hút thuốc Ta là nhà thơ, dễ trở thành kẻ phàm tục Đêm nằm ngủ mơ thấy được uống rượu, hút thuốc Sáng thấy tinh thần phấn chấn hẳn lên”.

Em thấy rượu có ý nghĩa như thế nào đối với các bậc thánh nhân. Đây là bài thơ chữ Hán cuối cùng của Bác Hồ. Anh chưa bao giờ được gặp Bác Hồ. Thế hệ bọn anh chỉ được nghe thấy tiếng. Năm Bác mất anh còn bé tí. Nhưng cứ thấy người già, người trẻ khóc như mưa, như gió khi nghe tin Bác mất, bọn anh cũng khóc theo. Bây giờ lớn, được học hành, chữ nghĩa, được đọc những cái này thì mới thấy Bác Hồ là bậc thánh nhân mà không được uống rượu, không được hút thuốc, từ bỏ một thói quen mấy chục năm nó như thế nào?

Thấy Bình nói những chuyện đó, Thúy ngạc nhiên và nói:

- Ô, hóa ra anh cũng nghiên cứu cái này.

Thúy thở dài chán nản và nói:

- Thôi, chuyện rượu chè của anh em không hiểu biết gì, em không quan tâm. Nhưng em chúc mừng anh là rượu đã được xuất sang châu Âu. Thế là ghê rồi đấy. Thôi, bây giờ trở lại câu chuyện của anh ngày xưa đi. Hồi trước anh bảo với em là chỉ kể hai ngày là hết mà sao từ hôm đó đến nay em thấy vẫn còn dài lắm.

Bình cười và bảo:

- Thì mỗi ngày làm việc với nhau được một hai tiếng. Rồi chuyện nọ, chuyện kia nữa. Làm sao mà có thể hết ngay được. Anh nói thật nhé, bây giờ chỉ cần viết lại riêng chuyện những ngày anh ở trong tù, nghĩ mưu kế trốn tù như thế nào thì có khi đã thành được một bộ tiểu thuyết.

Phó tổng giám đốc Hòa tế nhị đứng dậy và nói:

- Báo cáo anh, tôi xin phép về. Anh chị còn làm việc.

Bình bảo:

- Bây giờ là mười giờ rồi. Ông xuống dưới nhà bảo Chung xem làm gì trưa nay mấy anh em mình ăn cơm. Mừng là mình là vượt qua được cửa ải là kiểm nghiệm chất lượng rượu.

Hòa nói:

- Vâng ạ, để em xuống nói với chị Chung.

Rồi Bình tiếp tục kể lại câu chuyện của mình.

***

Trưa hôm đấy, cô ả ở cùng với Vy đi đâu về đứng ở dưới sảnh của khách sạn bấm số máy của Vy gọi Vy đi ăn cơm, đầu dây bên kia trả lời số máy quý khách vừa gọi hiện đang tạm dừng, xin quý khách vui lòng gọi lại sau.

Ả thắc mắc:

- Quái lạ, con này ngủ mà phải tắt máy hay sao?

Ả chạy vào phòng lễ tân lấy chìa khóa. Cô nhân viên nói:

- Có phải tìm chị Vy không?

Cô ả bảo:

- Đúng rồi, chị lên tìm chị Vy.

Cô nhân viên lễ tân lắc đầu và bảo:

- Chị ơi, chị Vy đi từ lúc gần trưa rồi. Có xe ôtô đến đón.

Ả thở dài ngán ngẩm và nói:

- Đi thế mà không nói gì cho mình biết. Bây giờ thế này, chị cũng chẳng chờ nó nữa. Nó mà đi như thế này thì biết đến bao giờ. Các em cho chị lên phòng lấy mấy thứ đồ lặt vặt của chị.

Cô nhân viên lễ tân nói:

- Không được chị ạ. Nếu như có chị Vy thì chị lấy gì cũng được. Nhưng không có chị Vy thì làm sao chúng em để cho chị vào phòng được. Chị thông cảm, chờ chị Vy về.

Cô ả nói:

- Gay quá nhỉ? Bây giờ chị cần phải đi mua vé máy bay. Thôi, bây giờ thế này, các em lên cho chị mở túi của chị ra. Nếu trong túi đấy có chứng minh thư của chị thì các em cho chị lấy được không?

Vừa lúc đó, bảo vệ Hữu chứng kiến cảnh Vy bị lôi tuột lên xe, sán đến và nói:

- Lúc nãy có một chiếc xe màu cánh gián đến đón cô ấy đi rồi. Chắc là đại gia nào đấy. Thôi, bây giờ mở cửa cho cô ấy lên lấy chứng minh thư, nhưng phải viết giấy cam đoan. Mình gọi người lên chứng kiến.

Thế rồi hai nhân viên bảo vệ và một cô nhân viên phục vụ đi lên mở cửa phòng Vy. Trước sự chứng kiến của mọi người, cô gái lấy ra một túi xách nhỏ, rút chứng minh thư của mình ra và nói:

- Đây là chứng minh thư của chị nhé. Đúng là túi của chị nhé. Cho chị lấy túi này.

Mọi người đồng ý, nhưng một nhân viên bảo vệ nói:

- Thôi, tốt nhất là chị cứ làm cho tôi một giấy cam đoan, xác nhận là chị đã cầm túi này. Trong túi có tiền bạc gì hay không thì chị mở ra xem.

Cô gái mở ra thì trong túi chỉ có vài chục nghìn tiền lẻ.

Tay nhân viên bảo vệ bĩu môi nói:

- Khiếp. Trông người thì mỹ miều, yêu kiều thế này mà toàn tiền lẻ.

Cô gái buồn bã nói:

- Đói đến nơi rồi. Số tiền này chẳng biết có đủ ăn bữa trưa không? Sáng Vy bảo hôm nay nó có đại gia cho nhiều tiền lắm. Tưởng nó được thì xin nó một ít mà bây giờ nó lại đi mất tích thế này.

Tại quầy lễ tân, cô gái đi cùng Vy viết giấy xác nhận đã nhận túi trong đó có chứng minh thư.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong / Tiểu thuyết Đặc biệt nguy hiểm - NXB Công an nhân dân