Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 68)

Quynh phóng xe lên Hà Nội và vào bệnh viện thăm Linh. Linh nằm trong một căn phòng được thuê riêng và có hai người phục vụ. Thấy Quynh vào, Linh nhíu mày rồi xua tay ra hiệu cho hai người phục vụ, một người đã đứng tuổi, một người còn trẻ ra ngoài.

dac biet nguy hiem ky 68 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 67)

Chiều hôm đó, tại căn lều bát giác của Trương, có Quynh, luật sư Vũ, luật sư Hân ngồi với nhau.

dac biet nguy hiem ky 68 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 66)

Ông Lương nói nhẹ nhàng: Suốt tháng vừa rồi bác ốm, không theo dõi được tình hình. Bây giờ có vụ án của tay Phạm ...

Tại căn lều bát giác của Trương.

Trương đang ngồi đọc các văn bản, giấy tờ liên quan tới việc liên doanh.

Trương nói với Quynh:

- Ông nghĩ xem, thằng Bình sẽ thế nào khi đọc được những hợp đồng được ký kết trong việc liên doanh này.

Quynh thở dài và nói:

- Tất nhiên là nó sẽ uất hộc máu mồm. Nhưng tôi đang lo lắm đây.

Trương nói:

- Ông lo cái gì?

Quynh:

- Nói thật với ông, tôi rất nể ông nên nghiến răng làm quả này. Nếu như thằng Bình sống trở về thì có lẽ nó sẽ thanh toán cả tôi và ông đấy.

Trương cười khùng khục và bảo:

- Ông cứ toàn nghĩ xa, chắc chắn tòa sơ thẩm sẽ kết án tử hình nó. Đó là điều không thể thay đổi được.

Quynh nói:

- Làm sao mà ông chắc chắn như thế? Ra tòa còn luật sư nọ, luật sư kia họ cãi, còn dư luận. Đâu có phải là xét xử một mình được.

Trương bảo:

- Ông chẳng hiểu gì về luật pháp, về thời cuộc cả. Ông biết đấy suốt từ hôm nó bị bắt đến nay, tất cả báo chí đều nói về thằng Bình. Đó là tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm. Vậy ông thấy nó có gì không nguy hiểm? Ông nói cho tôi nghe. Nó là một thằng tội phạm đội lốt doanh nhân, một thằng xã hội đen, câu kết với bọn tội phạm nước ngoài, hối lộ cán bộ, giết người. Mà giết người đây lại là giết người có chủ mưu, chứ không phải là giết người bột phát như lần nó giết con người yêu nó ngày xưa. Thế ông bảo ai dám xử thằng Bình mức án nhẹ hơn tử hình. Tôi nói cho ông biết, vụ án này, cũng có sự chỉ đạo từ các cấp rồi. Cho nên thôi, số phận thằng Bình ông không phải bàn cãi gì cả. Chỉ có điều là sau khi kết án xong, bao giờ nó ra dựa cột? Đó là điều phải nghĩ một chút. Còn không có chuyện đấy đâu.

Quynh bảo:

- Ừ. Thì đấy là tòa sơ thẩm ở tỉnh. Còn tòa phúc thẩm, tối cao nữa? Ở tỉnh thì ông có thể lo được, nhưng còn tòa tối cao thì ông lo thế nào?

Trương phẩy tay bất cần:

- Thôi đi, ông không phải nghĩ chuyện đó nữa. Bây giờ thế này, việc của ông phải làm sao giải thích cho mọi người hiểu vì sao giá đất ở đây lại rẻ như thế. Tôi sẽ nói với bên Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch Kiến trúc giúp ông.

Quynh thở dài nói:

- Tự nhiên tôi có linh cảm có cái gì đó không ổn.

Trương nói:

- Có gì mà không ổn? Đây là liên doanh thì hai bên cùng làm, cùng ăn, lỗ thì cùng chịu. Bên ông chẳng phải bỏ đồng nào, góp mỗi mảnh đất. Mà mảnh đất ấy mặc dù đã được cấp sổ đỏ, nhưng bây giờ muốn tước lại cái sổ đỏ ấy thì có khó gì. Muốn thay đổi lại quy hoạch thì có khó gì đâu. Thôi, ông không phải lo việc ấy nữa. Còn tôi sẽ thực hiện đúng lời hứa với ông. Khi liên doanh này ra mắt, ông sẽ có một triệu đô.

Quynh thừ người ra rồi bảo:

- Tôi đề nghị thế này có được không?

Trương nói:

- Ông nói đi.

- Ông đưa cho tôi một triệu đô bằng tiền mặt, đừng chuyển qua tài khoản.

Trương đang ngậm ngụm rượu trong miệng, phì ra và cười phá lên. Trương bảo:

- Sao ông ngây thơ thế? Bây giờ một triệu đôla tôi chuyển cho ông, dù là quy đổi ra tiền Việt thế rồi đến lúc có việc gì, công an họ để yên à? Được, ông cứ chuẩn bị đi. Tìm lấy bốn thằng vệ sĩ thật tốt, tậu một cái xe thật oách. Nếu có khả năng tậu được xe chống đạn thì tốt, rồi đến đây mà chở đống tiền đó về. Tôi chuẩn bị sẵn cho ông. Tất nhiên, trong đó có một nửa là tiền Việt, còn một nửa là tiền đô. Đồng ý chứ?

dac biet nguy hiem ky 68

Quynh nói:

- Thế cũng được.

Rồi Quynh thở dài và bảo:

- Nhưng có lẽ sau quả này tôi phải biến thôi. Chứ ở đây không ổn.

Trương nói luôn:

- Việc đấy thì tùy ông tính. Ông không lừa đảo, chẳng phạm tội trộm cắp, không phạm tội hối lộ. Ông có đi đâu, ai tìm làm gì? Mà khi trong tay ông đã có một triệu đô rồi thì thế giới này đâu chẳng là thiên đường. Nhưng ông đi thì vợ con ông thế nào?

Quynh nói:

- Chúng tôi ly thân sáu năm nay rồi.

Trương ngạc nhiên hỏi:

- Sao? Ly thân là thế nào? Tại sao phải ly thân? Nghe nói vợ ông là giáo viên nết na lắm cơ mà?

Quynh bộc bạch:

- Đấy, chính vì nết na, tử tế nên nó không chịu được cái tính của tôi. Mà ông bảo làm gì có thứ đàn bà nào tử tế mà chịu được thằng chồng như tôi, mà có khi cả như ông nữa. Làm ra tiền thì nhiều thật đấy, nhưng mà chơi bời, trai gái, đĩ bợm thì cũng phát tởm. Vợ tôi là giáo viên, bố cũng giáo viên, mẹ cũng là giáo viên, mấy đứa em cũng là giáo viên. Cả nhà sống mô phạm. Đến bây giờ ông già vẫn còn dạy con “Giấy rách phải giữ lấy lề”, “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Ông bảo một người phụ nữ như thế sống với mình cũng là đọa đày còn gì nữa. Cho nên thôi, sáu năm nay chúng tôi không sống với nhau cũng là giải thoát. Tất nhiên cũng vì đứa con, nó đang đi học, đang ở tuổi dở dở ương ương, thế nên cũng đành im lặng.

Trương hỏi:

- Vợ ông có biết chuyện ông với con Linh không?

Quynh nói:

- Biết quá đi chứ. Chính vì nó biết nên nó có coi tôi ra gì đâu. Mà thôi, không nhắc chuyện đấy nữa. Đúng là tôi cũng phải biến khỏi vùng đất này.

Mắt Trương lóe lên một tia sáng hiểm độc.

Trương nói:

- Bây giờ ông cũng nên sống thực tế một chút. Giờ là thời buổi kim tiền, đồng tiền quyết định tất thảy. Ông đã có tiền rồi thì đi đâu lập nghiệp cũng dễ. Tôi thấy ông với con Linh nặng nợ lắm. Theo tôi, ông chờ cho con Linh mẹ tròn con vuông, rồi sau đó hai người biến vào trong Sài Gòn mà sống. Thế là xong. Bao giờ con cái lớn, mọi chuyện qua đi êm đẹp, lúc đấy mình cũng có tuổi rồi thì quay trở về. Hơn nữa, ông là con út trong gia đình, không phải lo thờ cúng. Trên ông còn hai ông anh trai thì việc gì ông phải lo kiếm đứa nối dõi tông đường. Vấn đề là mình phải lo thân mình.

Quynh nói:

- Ý của ông cũng phải.

Vừa lúc ấy có tin nhắn ở máy Quynh. Quynh đọc tin thì thấy đó là tin nhắn của Linh. Linh nhắn:

Em đã sinh con trai, 3,7kg. Em phải mổ đẻ. Em thấy nó giống anh lắm. Anh lên thăm em nhé.

Quynh đưa tin nhắn cho Trương xem và bảo:

- Đấy, ông thấy không? Cuộc đời đến thế này, biết thế nào mà nói trước. Hóa ra thằng cu kia lại là con mình. Không phải con thằng Bình. Trời ạ. Nếu như bây giờ thằng Bình biết chuyện này thì nó phát điên.

***

Hai ngày hôm sau, Quynh phóng xe lên Hà Nội và vào bệnh viện thăm Linh.

Linh nằm trong một căn phòng được thuê riêng và có hai người phục vụ. Thấy Quynh vào, Linh nhíu mày rồi xua tay ra hiệu cho hai người phục vụ, một người đã đứng tuổi, một người còn trẻ ra ngoài.

Linh nói:

- Anh xem đi, nó có đúng con anh không?

Quynh mỉm cười, bế thằng bé lên, ngắm nghía hồi lâu rồi bĩu môi:

- Có lẽ em vì yêu anh quá nên mới nghĩ thằng cu này giống anh. Nhìn cái miệng này, cái trán này, anh thề với em, không cần giám định gen thì cũng biết rằng đây là dòng giống thằng Bình.

Linh gượng ngồi dậy và nói:

- Em thấy mắt nó giống anh lắm.

Quynh cười:

- Nhìn thế này mà em lại bảo nó giống anh được thì lạ thật. Nếu em không tin, ngay bây giờ anh gọi người đến lấy mẫu máu giám định gen. Em đồng ý nhé?

Linh cười nhăn nhó và bảo:

- Thế à? Em tưởng nếu là con anh thì tốt quá.

Quynh thắc mắc:

- Em bảo con anh thì làm sao mà tốt?

Linh thở dài bảo:

- Nếu là con anh, em muốn bỏ tất cả, em với anh đi nơi khác. Em không muốn sống ở đây nữa. Mà bây giờ như này, sống làm sao được. Ông Bình mà bị tử hình thì cả họ nhà nó oán em đến chết. Mà rồi chưa biết thằng em ông Bình sẽ giở những trò gì. Nếu như ông Bình sống, trở về thì làm sao em có thể nhìn mặt được nữa?

Quynh gật đầu và bảo:

- Anh cũng nghĩ đến điều ấy. Thôi, em cứ yên tâm tĩnh dưỡng cho khỏe và đừng về nữa. Để anh về thu xếp mọi việc ở nhà. Xong xuôi đâu đó thì anh đưa mẹ con em đi.

Linh nói:

- Anh bảo đưa mẹ con em đi? Không? Nếu như đúng dòng giống của ông Bình, em sẽ trả lại. Em không muốn con em sau này lớn lên cứ ám ảnh chuyện bố nó là kẻ giết người, bị tử hình.

Nghe Linh nói thế, Quynh giật mình nhưng rồi cũng bảo:

- Cái đấy cứ từ từ rồi tính. Bây giờ anh phải đi đã. Anh đến ông bạn anh có chút việc.

Rồi Quynh lấy trong túi ra một tệp tiền năm trăm nghìn đưa cho Linh rồi nói:

- Em cầm lấy để chi tiêu. Có thiếu thốn gì không?

Linh nói:

- Không. Không thiếu thốn gì. Nhưng mà anh chớ hé răng nói với ai em đang ở trên này nhé. Nhà ông Bình mà biết là họ tìm đến đấy.

Quynh bảo:

- Em cứ yên tâm.

Quynh rời bệnh viện đến nhà một người quen. Đó là một tay xem tử vi tên là Tu, mà Quynh đã chơi rất nhiều năm.

Tu trông thấy Quynh thì vui vẻ:

- Ôi giời. Lâu lắm rồi tôi mới trông thấy cậu. Dạo này trông phởn phơ thế này, ăn nên làm ra lắm phải không?

Quynh cười và bảo:

- Em thấy những điều anh xem cho em đúng quá. Năm nay em đúng là hoạnh phát. Làm việc gì cũng “ngon như ăn chè” ấy. Em muốn đến để ông anh gieo cho em một quẻ, xem ra làm sao.

Tu lắc đầu:

- Tôi có gieo quẻ đâu mà quẻ cái gì. Tử vi của anh thì tôi đã xem cho anh rồi. Ngày nào cần tránh, ngày nào tốt, ngày nào xấu, tôi ghi hết rồi. Ông quên à?

Quynh nói:

- Em nói đùa thôi. Hôm nay em đến nhờ thầy việc này.

Quynh nói xong rồi móc trong túi ra đưa cho ông khoảng năm triệu.

Tu nhìn tập tiền và ngạc nhiên bảo:

- Sao ông cho tôi lắm thế này?

Quynh nói:

- Thôi, cứ đút vào túi rồi có việc em nhờ thầy.

***

Hơn một tiếng đồng hồ sau Quynh và ông Tu đi vào bệnh viện.

Cô hộ lý vừa đến, cho thằng bé ăn sữa bình.

Cô hộ lý nói với Linh:

- Cô thật tốt phúc. Thằng bé nó phàm ăn quá. Mới đẻ được hai, ba ngày mà đã ăn được năm mươi mililit rồi. Gớm, con nhà người ta mà như thế này thì có khi dỗ dành mãi cũng chỉ được hai chục. Thằng này sau này lớn lên khỏe lắm đây.

Linh cười nhăn nhó và bảo:

- Nếu nó phàm ăn thì cũng dễ nuôi chị nhỉ?

Cô hộ lý nói:

- Tất nhiên, trẻ con thì chỉ mong nó ăn lắm, ngủ nhiều. Mà thằng cu này ít khóc thật. Ngoan thế chứ. Nhưng mà này, những đứa trẻ con ít khóc là sau này lì lợm lắm đấy nhé.

Quynh và Tu vào.

Linh ngạc nhiên hỏi:

- Ơ, em tưởng anh về rồi?

Quynh nói:

- Anh giới thiệu với em, đây là bác Tu, người xem tử vi bậc nhất Hà Nội hiện nay đấy. Anh muốn đưa bác ấy đến để bác ấy xem cho thằng cu này. À, mà em đặt tên nó là gì nhỉ?

Linh nói:

- Em cũng chưa định đặt tên, nhưng mà ngày xưa ông Bình bảo nếu đẻ con trai thì đặt tên là Phạm Quốc An. Còn là con gái thì đặt tên là Hương. Ông ấy bảo cứ đặt tên là Phạm Thị Hương cho nó lành.

Ông thầy bói Tu lấy trong túi ra một quyển sổ to và hỏi:

- Cô đọc cho tôi cháu nó sinh ngày, giờ nào?

Linh nói:

- Dạ, nó sinh bảy giờ sáng ngày hôm kia.

Ông thầy nhẩm nhẩm tính rồi bắt đầu kẻ ô và viết rất nhanh. Chừng độ khoảng mười lăm phút xong, ông ta đã kẻ xong bảng tử vi cho thằng bé. Ông ta xem kỹ bảng tử vi và nét mặt căng thẳng dần.

Linh chột dạ hỏi:

- Sao? Tử vi nó sau này thế nào? Có khá không?

Tu vo bảng tử vi vào túi và nói:

- Thôi, cô ạ. Nó là con mình, nếu chuyện sau này nó lớn lên, thành người hay thành tướng cướp thì đó là phúc ông bà tổ tiên để lại. Không nên nói trước làm gì. Bây giờ tôi có nói cho cô biết con cô sau này là bộ trưởng nọ, bí thư kia thì liệu cô còn tin không? Mà ngược lại tôi bảo con cô sau này thành tướng cướp thì cô có tin không? Thôi, con mình đẻ ra thì mình cứ trông nom nó bằng hết tấm lòng của mình, bằng trách nhiệm làm cha, làm mẹ. Xã hội bây giờ phức tạp thế này, cha mẹ bảo thế nào được con cái.

Linh sốt ruột và nói:

- Thôi, bác cứ nói cho em đi xem nào. Nó làm sao?

Ông Tu bảo:

- Thôi, thế thì thế này. Tôi nói cho cô biết, nhưng cô cũng đừng buồn.

Rồi ông ta lại giở bảng tử vi đã bị vò nhàu ra và bảo:

- Đây cô xem. Tôi chưa thấy có bảng tử vi nào lại xấu như thằng bé này. Nó hỏng hết các cung, trừ mỗi cung bạn bè. Mà như thằng này, nói thật với cô, cung mệnh của nó lại có những ngôi sao xấu như thế, nào là Phục Binh, Thất Sát, rồi lại Tuần Triệt đóng ở đây, thằng này không thọ được. Nếu như nó qua được năm mười hai tuổi, thì cũng thành thằng phá gia chi tử, giết người không gớm tay. Nó chỉ được cái cực kỳ thông minh, sáng dạ và cũng có hiếu với bố mẹ. Nhưng mà là thằng ghê gớm lắm. Tôi xin lỗi cô, chồng cô làm gì ạ?

Linh ngạc nhiên và bảo:

- Ơ, thế anh Quynh không nói với bác ạ.

Tay thầy bói Tu nhìn Quynh và bảo:

- Không. Có nói gì đâu. Tôi không biết.

Quynh nói luôn:

- Thế anh xem tử vi thằng này thì bố nó là như thế nào. Em nói thật với ông anh, đây là bạn gái mà em rất thân đấy. Em rất thương cô ấy nên đưa bác đến để xem. Chứ chồng nó, anh thấy đấy, vợ đẻ mấy ngày rồi mà có thấy mặt đâu.

Tay thầy bói Tu lại xem chăm chú và nói:

- Tôi đồ rằng cả cô lẫn chú lừa tôi. Nhìn bảng tử vi và cung phụ mẫu của thằng này thì bố nó không phải là người vào tù ra tội cứ mang đầu tôi ra mà chặt làm ống đái.

Linh sáng mắt lên và bảo:

- Trời ơi, tử vi nói rõ như thế cơ ạ?

Tu bảo:

- Thôi thì tử vi chỉ thế nào thì tôi nói thế. Nếu không phải thì cô cũng đại xá cho. Nhưng thằng bé này khổ thân quá. Vừa mới sinh ra đã phải chịu tang cha. Chắc là bố nó đang mắc bệnh nặng lắm.

Linh thở dài và bảo:

- Bố nó thì không mắc bệnh nặng, nhưng đúng là chẳng sống được bao lâu nữa.

***

Mấy ngày sau, tại trụ sở Công ty Hưng Thịnh, một buổi lễ long trọng khai trương Công ty liên doanh Bảo Hưng là liên doanh giữa Công ty Hưng Thịnh và Công ty Vạn Bảo. Buổi lễ được tiến hành khá hoành tráng. Ở lô đất 20ha, Quynh và Trương cho dựng một sân khấu, có dựng rạp và cổng chào bằng bóng bơm hơi. Ngoài cổng chào, những hàng cờ phướn ghi “Lễ thành lập liên doanh Tổng Công ty Xây dựng và Đầu tư thương mại, dịch vụ Bảo Hưng”. Các quan chức ở tỉnh đến khá đông. Trong buổi lễ hôm đấy, người ta thấy có ông Sâm - Chủ tịch tỉnh, ông Hường - Phó giám đốc Công an tỉnh và khá nhiều quan chức ở tỉnh. Gần đến giờ làm lễ là chín giờ sáng, ông Sâm đi đến. Các quan chức ở tỉnh ùa ra chúc mừng ríu rít.

Một cán bộ ở tỉnh nói với ông Sâm:

- Chúc mừng ông anh. Cậu Trương nhà anh làm ăn giỏi quá.

Ông Sâm lạnh lùng bảo:

- Tôi mong các anh, các chị đừng có khen nó lắm. Chẳng qua là nó làm ăn cũng gặp may thôi, chứ cũng có nhiều người bảo nó dựa thế tôi đấy.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong / Tiểu thuyết Đặc biệt nguy hiểm - NXB Công an nhân dân