Vũ nói: Thôi, bây giờ như thế này. Nghe cách em nói thì chắc chắn nhà Phạm Bình cũng có người nhờ em đứng ra lo giúp. Anh biết Bình cũng là người khá giả. Thôi, nếu như anh cãi được mức án từ tử hình xuống chung thân thì là hai tỉ.
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 59)
Hôm nay Trương mời Đại tá Hường và ông Tú - Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, một người nữa là Lân - ... |
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 58)
Thúy lắc đầu và nói: Không, anh Thiều ạ. Em muốn đến đây không phải để phỏng vấn anh mà em muốn anh giải đáp ... |
Chung ngắt lời:
- Nhưng mà anh ấy không giết thằng Hoàng.
Vũ nói:
- Đấy là lý của em. Còn công an có điều tra của họ. Thôi bây giờ anh với em thỏa thuận với nhau thế này: Anh nhận lời bào chữa cho Phạm Bình. Nếu như Viện Kiểm sát đề nghị mức án cho Phạm Bình là tử hình mà anh cãi được xuống chung thân thì em trả cho anh bao nhiêu?
Chung nói:
- Em không biết. Mạng người thì vô giá.
Vũ nói:
- Thôi, bây giờ như thế này. Nghe cách em nói thì chắc chắn nhà Phạm Bình cũng có người nhờ em đứng ra lo giúp. Anh biết Bình cũng là người khá giả. Thôi, nếu như anh cãi được mức án từ tử hình xuống chung thân thì là hai tỉ.
Chung giật bắn người và nói:
- Sao? Anh bảo hai tỉ?
Vũ bảo:
- Ô hay, giá của một mạng người có hai tỉ. Em biết thằng Bình giàu có như thế, đất đai trong tay nó cả trăm hécta, rồi nhà cửa. Hai tỉ đối với nó có là cái gì. Anh sợ hai mươi tỉ còn là ít ấy chứ.
Chung có vẻ nghe ra và bảo:
- Được rồi. Nếu anh bớt được thì tốt, nếu không thì em đồng ý. Anh cho làm hợp đồng đi.
Vũ nói:
- Tất nhiên là phải đặt cọc trước ba mươi phần trăm. Sau khi tòa xử xong thì thanh toán hết nếu như mức án được đúng như yêu cầu.
Chung nói:
- Vâng ạ.
Rồi Vũ lại cười và sán đến gần Chung rồi nói:
- Ngoài ra còn một điều kiện nữa.
Chung bắt đầu cảnh giác. Cô đứng dậy rồi nói:
- Anh bảo còn điều kiện gì?
Vũ nói:
- Anh muốn… Còn một điều kiện nữa. Đó là, anh được yêu em ở đây.
Chung nhìn Vũ trân trân và bảo:
- Em xin anh. Anh hãy vì anh Bình...
Vũ nói:
- Anh chẳng việc gì phải vì thằng Bình cả. Nó chẳng có ơn huệ, bạn bè, chiến hữu gì với anh. Anh bào chữa cho nó. Thứ nhất là vì nếu anh bào chữa thắng, anh có tiền. Thứ hai là bây giờ anh đang thích em.
Chung nhíu mày suy nghĩ rồi bảo:
- Em sẽ thuộc về anh bằng bất cứ giá nào nếu như anh cãi được cho anh Bình không bị tử hình.
Nói xong cô bước ra ngoài dứt khoát và bảo:
- Anh cứ cho làm hợp đồng. Ngày mai em sẽ đến ký.
Vũ chồm đến định ôm Chung nhưng cô khéo léo né tránh. Cô mở bung cửa, ra ngoài. Khi Chung chạy ra ngoài, cô thư ký ngồi ở quán cà phê cách đó khoảng ba chục mét cười và lẩm bẩm nói:
- Trông cái điệu bộ này thì chắc là lão luật sư chưa làm thịt được con bé kia.
Rồi cô lại nói với một người bên cạnh, cũng là bạn đồng nghiệp:
- Đấy, mày thấy đấy. Lão ấy có tởm không? Thế mà ra tòa, lão ấy cãi cứ như hát hay ấy. Con nào trông ngon ngon một chút đến thuê lão ấy bào chữa thế nào lão ấy cũng giở trò.
***
Buổi sáng, Phạm Bình đang tập chống đẩy tay trên sàn thì cánh cửa buồng giam rít lên khô khốc. Một giọng nói lạnh lùng cất lên:
- Phạm Bình, đi ra ngoài.
Bình được dẫn lên phòng hỏi cung. Tuy nhiên, khác với mọi lần, lần này Bình không bị bịt mắt. Nhìn cảnh vật xung quanh, Bình ngờ ngợ và nhận thấy với quy mô này thì đây chỉ là một trại giam nhỏ. Một số phạm nhân đang làm vườn ngoài sân. Trông thấy Phạm Bình, có một phạm nhân reo lên:
- Bình ơi, có phải Phạm Bình đấy không?
Bình quay lại nhìn người đó, định nói gì đó nhưng chưa kịp nói gì thì hai người quản giáo đi cùng vội vàng đẩy Bình đi. Trong tâm trạng mệt mỏi và chán chường, Bình cũng chẳng muốn nói gì nữa. Bình được dẫn vào phòng hỏi cung. Ở đó đã có ba cảnh sát và một cán bộ Viện Kiểm sát ngồi. Một anh đeo quân hàm thiếu tá, Bình trông rất lạ mặt nói:
- Anh Bình, hôm nay Cơ quan Điều tra đã hoàn tất kết luận điều tra về vụ án mà anh gây ra. Anh ngồi xuống và đọc đi.
Bình hoa cả mắt, không đọc được chữ vì có lẽ anh bị giam trong buồng tối lâu ngày quá. Thứ hai là do chế độ ăn uống quá tồi nên mắt Bình kém nhìn chữ không được rõ. Bình lấy tay dụi mắt và nói:
- Thưa cán bộ, mắt tôi nhìn chữ không rõ. Tôi nhìn cái gì cũng nhòe nhoẹt.
Anh cán bộ Viện Kiểm sát hỏi với vẻ ngạc nhiên:
- Tại sao anh lại không nhìn thấy chữ? Trước đây có cận không?
Bình nói:
- Dạ không. Trước đây tôi không cận, mà cũng không viễn. Nhưng cán bộ thấy đấy, tôi bị giam trong buồng gần như không có ánh sáng mặt trời. Tôi không biết bị giam bao nhiêu ngày ở đây rồi. Mỗi lần bị đưa lên đây để các cán bộ hỏi cung thì đều bị bịt mắt, bao nhiêu ngày nay tôi cũng không được thăm nuôi thì cán bộ bảo làm sao mà mắt tôi còn nhìn thấy gì nữa?
Anh cán bộ Viện Kiểm sát quay sang nhìn hai cán bộ công an và bảo:
- Tại sao lại có chuyện này?
Một sĩ quan công an nhún vai nói:
- Cái này tôi cũng chịu. Bọn tôi chỉ thi thoảng vào đây hỏi cung thôi chứ có biết gì khác đâu. Còn chế độ giam giữ thế nào thì phải là do trại.
Anh cán bộ Viện Kiểm sát nói với vẻ khó chịu:
- Thôi bây giờ thế này, chúng tôi gửi anh bản kết luận điều tra này. Anh có thể về lúc nào tỉnh táo thì đọc. Ngày mai chúng tôi sẽ quay lại để anh ký vào kết luận điều tra.
Bình cười nhạt và bảo:
- Thôi bây giờ các cán bộ làm ơn đọc cho tôi nghe bản kết luận điều tra này. Sau đó tôi ký ngay.
Anh cán bộ Viện Kiểm sát nói:
- Thế cũng được.
Một cán bộ cảnh sát đọc kết luận điều tra. Bản kết luận điều tra nói rõ Phạm Bình do có mâu thuẫn tình ái, đồng thời trong một lần cãi vã với Hoàng do Hoàng đe dọa nên Phạm Bình đã chủ mưu giết Hoàng.
Bình ngồi bình thản nghe đọc. Sau khi đọc xong, một cán bộ điều tra hỏi:
- Thế nào, anh thấy kết luận điều tra sao?
Bình cười nhạt và nói:
- Cán bộ đưa bút cho tôi để tôi ký.
Mọi người có vẻ hơi ngạc nhiên trước thái độ bình thản của Bình. Anh cán bộ Viện Kiểm sát rút cây bút bi ở túi áo ngực ra đưa cho Bình. Bình hỏi:
- Thưa các cán bộ, tôi phải ghi thế nào đây?
Một anh nói:
- Anh cứ ghi vào là anh đã được đọc và nhận bản kết luận điều tra này.
Bình ghi vào bản kết luận điều tra:
“Tôi đã được nghe bản kết luận điều tra này và tôi không đồng ý bởi đây là sự bịa đặt và vu khống cho tôi tội giết người”.
Viết xong Bình ký tên một cách dứt khoát, rồi đặt bút xuống và nói:
- Tôi đã ghi rồi, còn các cán bộ bây giờ muốn xử tôi thế nào thì tùy.
Anh cán bộ Viện Kiểm sát nói:
- Thôi được, viết anh không đồng tình với kết luận điều tra là việc của anh, còn việc xét xử phải dựa trên các chứng cứ. Viện Kiểm sát sẽ quyết định truy tố anh với tội giết người và đưa anh ra xét xử trong thời gian sớm nhất.
Bình nói với vẻ bất cần:
- Các ông muốn xử tôi thế nào thì xử. Còn bảo tôi nhận tội danh giết người thì không bao giờ tôi nhận. Đúng là lúc đấy tôi thấy có người ngã ở đấy, tôi đến thì thấy thằng Hoàng. Tôi sẵn ghét nó nên đá cho nó mấy cái. Có thế thôi. Nhưng khi tôi đá vào thì lúc đấy tôi thấy người nó đã mềm nhũn rồi. Tôi biết nó đã bị ăn đòn từ trước.
Anh cán bộ Viện Kiểm sát hỏi:
- Anh đã định thuê luật sư nào bào chữa cho anh chưa?
Bình lắc đầu và nói:
- Tự tôi bào chữa cho tôi. Tôi không thuê luật sư.
Anh cán bộ Viện Kiểm sát lại bảo:
- Không. Nếu anh không thuê luật sư thì tòa án cũng chỉ định luật sư bào chữa cho anh.
Bình nói:
- Tôi nhờ các cán bộ một việc. Nếu các cán bộ cho phép tôi viết thư về nhà thì tốt quá, nếu không thì các cán bộ đến nói với em gái và vợ tôi không được thuê luật sư. Tôi không chấp nhận bất cứ luật sư nào bào chữa cho tôi.
Một anh công an hỏi:
- Tại sao anh cố chấp thế? Có luật sư bào chữa, họ bảo đảm quyền lợi hợp pháp chính đáng cho anh thì cũng là tốt chứ sao? Biết đâu nếu luật sư cãi giỏi, họ còn làm cho anh được trắng án ấy chứ.
Bình cười khẩy:
- Thưa các cán bộ, tôi đã từng vào tù một lần rồi. Tôi đã ở với nhiều phạm nhân rồi. Tôi hiểu thế nào là giá trị của luật sư trong các phiên tòa. Tất nhiên không phải phiên tòa nào cũng thế, nhưng tôi không tin luật sư. Hơn nữa, tôi cũng không muốn phí tiền vô ích. Tôi biết với cách điều tra của các cán bộ và cách các cán bộ hành hạ tôi suốt từ hồi ấy đến nay như thế này thì rõ ràng chẳng cần phải đưa ra xử, tôi cũng biết rằng người ta sẽ khép tôi vào án tử hình. Thôi, tôi nói thế là hết. Tôi nhờ các cán bộ nói lại giúp với gia đình tôi, đó là không được thuê luật sư. Còn nếu như có thuê luật sư nào thì đó là việc tôi không bao giờ chấp nhận.
***
Trở về cơ quan, anh cán bộ Viện Kiểm sát lên nói với Viện trưởng. Ông Lý, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh đang ngồi đọc tài liệu thì anh cán bộ Viện Kiểm sát vào. Nghe tiếng gõ cửa, ông nói:
- Ai đấy? Mời vào.
Anh cán bộ Viện Kiểm sát mở cửa khe khẽ và nói:
- Dạ thưa chú, cháu Lê đây ạ.
Ông Lý ngẩng đầu lên nhìn rồi nói:
- Lê đấy à. Cậu vào đây. Nghe nói hôm nay cậu vào chỗ thằng Phạm Bình phải không?
Anh Lê bảo:
- Dạ vâng. Sáng nay cháu vào chỗ Phạm Bình nhưng có việc này cháu muốn báo cáo chú.
Ông Viện trưởng hỏi:
- Có chuyện gì? Nói đi xem nào.
Lê nói:
- Báo cáo chú, hóa ra người ta biệt giam Phạm Bình suốt mấy tháng nay, không cho gia đình tiếp tế, thăm nuôi, không cho nhận quà cáp. Phạm Bình bị giam trong buồng tối nên bây giờ Phạm Bình mắt mờ, không đọc được chữ nữa. Và cũng không hiểu tại sao mỗi lần đi hỏi cung, người ta lại phải bịt mắt Phạm Bình.
Ông Lý giật mình và nói:
- Trời ạ, có chuyện như thế cơ à?
Lê nói:
- Dạ vâng. Hôm nay cháu có hỏi mấy anh ở bên điều tra đi cùng nhưng họ cũng nói không biết việc ấy.
Ông Lý nhíu mày rồi nói:
- Được rồi, để tôi hỏi tay Hường xem sao.
Ông Viện trưởng gọi điện cho Đại tá Hường:
- Alô, anh Hường à? Vâng. Tôi Lý đây. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đây.
Tiếng ông Hường:
- Em chào anh. Hôm nay quý viện gọi cho em đột ngột thế này không biết là chuyện lành hay chuyện dữ đây.
Ông Lý nói:
- Tôi muốn hỏi anh về thông tin này. Trước hết là tôi gọi điện hỏi anh, tôi cũng không muốn làm công văn. Bởi làm công văn thì có khi chuyện nhỏ lại thành ra chuyện lớn. Tôi muốn hỏi anh tại sao các anh không giam Phạm Bình ở trại giam công an tỉnh mà lại phải đưa xuống một trại giam ở huyện.
Đại tá Hường nói:
- Dạ, báo cáo anh. Thằng Bình nó quan hệ rộng, cho nên anh em muốn đưa nó đi trạm giam ở xa để tránh chuyện thông cung.
Ông Lý lại nói:
- Thế tại sao lại giam nó trong buồng tối? Không cho tiếp tế, thăm nuôi. Thế là sao?
Đại tá Hường nói:
- Dạ, báo cáo anh. Việc này tôi cũng không rõ nhưng làm gì có chuyện ngăn cấm, không cho thăm nuôi chứ.
Ông viện trưởng nói:
- Cho đến bây giờ, gia đình nhà Phạm Bình vẫn không biết Phạm Bình bị giam ở đâu. Người ta làm đơn hỏi lên Viện, hỏi Công an tỉnh. Nhưng các anh đều lờ đi, không trả lời. Các anh nói là đang trong quá trình điều tra, không cho tiếp xúc. Ừ thì các anh có thể không cho tiếp xúc, nhưng tại sao không cho gia đình người ta thăm nuôi? Làm gì đến nỗi như vậy. Mà tôi nói thật với anh nhé, đến hôm nào họp ba ngành tôi cũng sẽ hỏi về chuyện tại sao đi bắt đối tượng, các anh bịt mắt, lôi như chuẩn bị ra pháp trường. Thậm chí kể cả một cô là kế toán, các anh cũng làm việc như vậy.
Đại tá Hường nói:
- Báo cáo anh, việc này cũng là do anh em hình sự ở dưới quá tay. Chuyện đấy là chúng em có lỗi. Thôi, ông anh đại xá cho chúng em.
Ông Lý nói luôn:
- Tôi đề nghị anh nên cho kiểm tra lại công tác giam giữ thằng Bình. Tôi nói với anh điều này, trước hết là với tư cách bạn bè nói với nhau, anh nên cư xử với phạm nhân cho có nhân đạo. Người ta làm nên tội, người ta phải chịu tội trước pháp luật của Nhà nước. Còn không nên có lối đày ải người ta như thế. Tôi có cảm giác rằng các anh muốn cho tay Bình chết luôn trong trại giam thì phải.
Đại tá Hường nhăn mặt:
- Chết. Sao ông anh lại nặng lời thế. Chúng em có thù oán gì với nó đâu. Nhưng thôi, ông anh đã có ý chỉ như vậy, em sẽ cho sửa sai ngay.
Ông Lý buông máy điện thoại, ngồi thừ ra rồi bảo:
- Lạ nhỉ? Tại sao vụ án như thế này mà người ta lại phải cư xử như vậy?
Anh Lê nói:
- Báo cáo chú, trong vụ án này cháu thấy có rất nhiều điều không bình thường. Nếu chú tin cháu, chú để cho cháu tìm hiểu.
Ông Viện trưởng bảo:
- Cứ từ từ, việc đâu có đó. Mình làm gì cũng phải theo đúng quy định của luật pháp.
***
Tối hôm ấy, tại nhà bà Ất.
Bà Ất đang ngồi tụng kinh trước ban thờ thì Chung tới. Bà Ất cùng Ngân ra đón Chung ở ngoài cửa. Bà Ất nhìn Chung xót xa và nói:
- Khổ thân cháu quá. Thằng Bình nó như vậy khiến cháu cũng liên lụy.
Chung nói:
- Bác ơi, bác không phải nói thế. Cháu phải có trách nhiệm với anh Bình chứ.
Rồi Chung nói luôn:
- Hôm nay cháu đi thuê luật sư bào chữa cho anh Bình, nhưng vớ phải thằng luật sư khốn nạn bác ạ.
Ngân hỏi:
- Chị định thuê luật sư nào?
Chung nói:
- Chị định thuê luật sư Vũ. Chị đến nhưng không ngờ hắn vừa đòi hai tỉ để bào chữa cho anh Bình, đặt trước ba mươi phần trăm và tệ hại hơn hắn lại gạ gẫm cả chị nữa.
Ngân nhăn mặt nói:
- Thế mà nhiều người ca tụng lão luật sư này là thế nọ thế kia.
Chung thở dài rồi bảo:
- Thôi, chắc chắn vài hôm nữa họ sẽ cho gặp anh Bình. Lúc ấy mình sẽ hỏi xem anh ấy muốn thuê luật sư nào.
Rồi Chung quay ra hỏi:
- Mấy hôm nay chị Linh có về đây không?
Bà Ất mỉa mai:
- Cô ấy làm gì coi đây là cái gia đình. Cô ấy cũng có phải là con dâu cái nhà này đâu. Từ hôm thằng Bình bị bắt, cô ấy về đây đúng một lần. Cô ấy về vào buổi chiều, đâu cũng được dăm bảy phút gì đấy. Cô ấy đưa cho tôi một cái phong bì. Con Ngân mở ra, trong đó có năm triệu. Tôi vẫn còn để kia. Tôi không dám tiêu.
Ngân nói:
- Em biết chuyện mụ Linh mang lời ông Bình nói lúc say rượu chửi bới, đe giết thằng Hoàng kể cho thằng bồ nó, là thằng Quynh nghe. Thằng ấy ghi âm lại, mang nộp cho Cơ quan Công an. Nếu không có lời đấy thì có khi chẳng làm gì được anh Bình đâu.
Chung thở dài rồi bảo:
- Bây giờ chị lo lắm. Bà ấy lại đưa thằng Quynh về làm phó tổng giám đốc. Chắc là chuyến này nhân chuyện anh Bình bị lao lý như vậy chúng nó sẽ tìm cách lấy hết cơ nghiệp này.
Ngân rít lên:
- Mà em cũng không hiểu ông Bình nhà em bị cho ăn bùa mê thuốc lú thế nào mà đâm đầu vào lấy cái con “nửa đời nửa đoạn” ấy. Lần đầu tiên dẫn về đây cả nhà em ai cũng phản đối. Mà chẳng hiểu ông ấy khôn ngoan ở đâu mà lại chọn người vợ như vậy.
Chung thở dài rồi bảo:
- Quả thật chuyện này đúng là khó lý giải. Thôi, việc của anh chị ấy kệ. Miễn sao chuyến này chị ấy sinh cháu mẹ tròn con vuông, nhà mình có đứa cháu nối dõi tông đường. Thế là được rồi.
Ngân nói:
- Ôi, trông mong gì chuyện này hả chị? Em chẳng tin. Chắc gì đã là con anh Bình.
Chung nói:
- Con anh Bình hay không thì biết ngay. Có gì khó đâu.
(Xem tiếp kỳ sau)