Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 49)

Đại tá Hường cảm thấy khó chịu với giám đốc và nói: Báo cáo giám đốc, với tất cả kinh nghiệm nghề nghiệp và sự hiểu biết của tôi thì đám này có tội rõ ràng. Còn nếu như sau này kết luận chúng vô tội, tôi xin vào ngồi tù thay và tôi xin chịu hoàn toàn kỷ luật.

dac biet nguy hiem ky 49 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 48)

Trong lúc Thúy đi công tác, Hoan ở nhà gọi người đến dọn đồ. Hắn dọn sạch giường, tủ, tất cả những gì có thể ...

dac biet nguy hiem ky 49 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 47)

Một hôm Đại tá Hường - Phó giám đốc công an tỉnh cùng hai cán bộ điều tra khác vào trại giam hỏi cung Bình. ...

Quynh Kova nói tiếp:

- Chuyện thứ hai là người ta sẽ khép nó vào tội buôn lậu, trốn thuế và câu kết với bọn xã hội đen Đài Loan. Chuyện này cũng đầy đủ chứng cứ rồi.Với những chứng cứ đó thì nhẹ là thằng Bình lĩnh án 15 năm tù. Tội thứ ba là tội hối lộ quan chức. Bây giờ, một loạt người đã khai ra, trong đó có thằng Trần Vũ, cả con Chung và một số người nữa đều khai ra thằng Bình đã đi hối lộ như thế nào. Mà hồ sơ về chuyện nó đi hối lộ người này người khác, từ ông Tấn, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc đô thị 150 triệu đến nhiều người khác, thì nhẹ là 10 tù. Thế em thử tính xem, cộng ba mức án lại thì nó có đáng tử hình không? Mà nếu như không tử hình thì cũng phải ngồi chung thân. Mà ngồi chung thân thì em biết đấy, án chung thân thì phải sau ít nhất 15 năm nó mới được ra tù. Coi như cuộc đời chấm hết.

Linh rùng mình và bảo:

- Thế thì ghê quá nhỉ?

Quynh nói:

- Cho nên bây giờ, em phải tự lo thân em, chứ không chờ gì vào thằng Bình được đâu.

Linh nói:

- Thì tất nhiên em phải tự lo thân em chứ. Bây giờ, chồng bị bắt như thế thì còn trông mong gì nữa.

Quynh cười nham hiểm:

- Em ơi là em, lo không phải là em đi kiếm miếng cơm manh áo. Mà bây giờ em là phó tổng giám đốc công ty thì em phải làm thế nào để thằng Bình ở trong trại giam, chuyển toàn bộ cổ phiếu, cổ phần của nó ở trong công ty cho em. Và em giành lấy quyền điều hành công ty. Khi em có quyền điều hành công ty rồi thì lúc đấy em bán công ty cho thằng khác, làm một cục tiền vài trăm tỉ rồi “phắn” ra nước ngoài mà sinh sống. Ở đây làm gì. Nói gì thì nói, mang tiếng là vợ một thằng bị tử hình hay ho gì.

dac biet nguy hiem ky 49

Linh nghe Quynh nói có lý.

Linh đứng phắt dậy, nói:

- Liệu có làm được như thế không?

Quynh nói:

- Sao lại không. Thứ nhất, em đang mang trong bụng đứa con của thằng Bình, hoặc không thì cứ coi là của thằng Bình đi, rồi sau này tính sau. Vì đứa con này, thằng Bình chắc chắn phải nghe theo lời em. Cho nên em phải tính.

Linh nói:

- Nhưng mà cũng không đơn giản đâu.

Quynh bảo:

- Cuộc đời này có cái gì là đơn giản. Nhất là em lại định lấy hết tất cả cơ nghiệp của nó. Nhưng em yên tâm, sẽ có một đội ngũ luật sư giúp em về việc này. Em cứ làm theo ý họ.

***

Tại cuộc họp của công an tỉnh, gồm có Giám đốc Công an tỉnh Trần Thiều, Phó giám đốc Hường và một loạt các cán bộ chỉ huy của các phòng, ban nghiệp vụ, trong đó có Thượng tá Trung, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự. Đại tá Hường báo cáo:

- Báo cáo đồng chí giám đốc, tình hình vụ án Phạm Bình cho đến nay, sau khi chúng tôi cho bắt khẩn cấp một số đối tượng như Trần Vũ, Nguyễn Thị Kim Chung và một số tay chân của Bình thì bước đầu các đối tượng đã khai ra những việc Bình đi hối lộ như thế nào. Hôm trước, chúng tôi đã có báo cáo riêng gửi giám đốc và các đồng chí chỉ huy. Bây giờ, chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh với các đối tượng này.

Ông Thiều hỏi:

- Tôi có được nghe thông tin như thế này. Tôi muốn các đồng chí báo cáo cho tôi trung thực. Các đồng chí bắt Trần Vũ, Kim Chung và các đối tượng khác là các đồng chí chuyển đi các trại giam khác nhau, đưa về trại tạm giam của huyện. Thế rồi, đưa sang gửi nhờ trại tạm giam của tỉnh đội. Rồi các đồng chí chuyển Phạm Bình đi trại giam khác có đúng không?

Đại tá Hường nói:

- Báo cáo anh, đúng ạ. Bởi vì chúng tôi biết là Phạm Bình ngày xưa đã từng ở tù lâu. Cho nên hắn có mối quan hệ rất rộng, đặc biệt là trong giới phạm nhân. Để tránh chuyện thông cung và cũng đề phòng lộ, lọt thông tin ra ngoài cho nên chúng tôi chuyển chúng đi các trại giam khác nhau.

Đại tá Trần Thiều thở dài nói:

- Tôi thấy, có mỗi một việc như thế này mà các đồng chí làm án cứ như là ở tỉnh ta đang có bạo loạn. Tôi không thể hiểu nổi các đồng chí làm án kiểu gì mà tại sao lại có lối xe công an đi trước, xe nhà báo “rồng rắn lên mây” chạy theo sau. Làm án, một trong những yếu tố thắng lợi đó là phải bí mật, bất ngờ. Thế bây giờ các đồng chí đi bắt tội phạm, mà chắc gì người ta đã là tội phạm. Đây là những đối tượng mà các đồng chí nghi có liên quan. Tôi thấy, tất cả những báo cáo của các đồng chí chẳng có chứng cứ cụ thể nào cả, toàn theo lời khai, theo lời khai. Thế mà các đồng chí sử dụng báo chí làm công cụ cho các đồng chí đến mức như thế này thì tôi thấy rất lạ. Mấy năm gần đây, liên tục xảy ra các vụ án mà lực lượng công an sử dụng báo chí làm công cụ. Cứ trinh sát, cán bộ điều tra lén cung cấp tài liệu cho báo chí để báo chí phóng bút viết lên, gây áp lực cho các cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng. Báo này nói theo nguồn tin riêng, báo kia nói theo nguồn tin riêng. Làm gì có nguồn tin riêng nào, nếu như không có từ trinh sát của các đồng chí kể ra. Đây, hôm nay Bí thư Tỉnh ủy sẽ gọi tôi lên để hỏi về việc này. Và trên Văn phòng Chính phủ cũng mới có công văn gửi xuống là tại sao lại có thứ làm án như thế này.

Đại tá Hường phân bua:

- Báo cáo anh, chúng tôi cũng không hiểu quân báo chí làm sao mà thính thế không biết. Họ cử hẳn phóng viên báo chí ngồi phục ở công an tỉnh. Cứ xe anh em đi ra là bất kể xe nào họ cũng bám theo. Báo cáo anh, hôm nọ tôi đi xe của tôi đi về dự đám giỗ bố của một anh bạn cũng bị báo chí bám theo. Đến lúc họ về đến làng, thấy tôi vào đám giỗ họ mới quay đi. Chứ chúng tôi dại gì cung cấp thông tin cho báo chí.

Đại tá Thiều nói:

- Đồng chí nói tôi không thể tin được. Thế tại sao họ có các tấm ảnh các đồng chí bịt mắt Trần Vũ? Đến cả cô Chung các đồng chí cũng bịt mắt là như thế nào? Một cô gái chân yếu tay mềm, không phải thuộc loại trọng tội, cướp của, giết người, không buôn bán ma túy. Nghi người ta phạm tội kinh tế thế mà bắt người ta cũng bịt mắt. Các đồng chí làm thế này còn ra cái gì nữa? Mà báo chí đăng ảnh lên. Các đồng chí xem đấy. Nhìn những bức ảnh như thế này, liệu các đồng chí nghĩ gì?

Ông Thiều chỉ vào những tờ báo đăng bức ảnh cảnh sát dẫn Chung và Vũ ra xe bị bịt mắt băng trắng, rồi ông nói với vẻ bức xúc:

- Làm án, phải mạnh tay với bọn tội phạm hình sự. Đó là chuyện phải làm, nhưng làm gì các đồng chí cũng phải nghĩ đến chuyện giữ danh dự cho người ta. Và rồi còn tính đường lùi chứ. Tôi hỏi các đồng chí, mấy hôm nữa không khép tội được những đối tượng này thì các đồng chí ăn nói với thiên hạ như thế nào về những bức ảnh này?

Đại tá Hường cảm thấy khó chịu với giám đốc và nói:

- Báo cáo giám đốc, với tất cả kinh nghiệm nghề nghiệp và sự hiểu biết của tôi thì đám này có tội rõ ràng. Còn nếu như sau này kết luận chúng vô tội, tôi xin vào ngồi tù thay và tôi xin chịu hoàn toàn kỷ luật.

Đại tá Hường nói xong ngồi xuống. Đúng lúc ấy, Đại tá Trần Thiều có điện thoại di động. Thấy đèn điện thoại nhấp nháy, Đại tá Trần Thiều cầm máy, nhìn thấy số máy của Bí thư Tỉnh ủy. Ông ra hiệu cho mọi người im lặng rồi nói:

- Bí thư Tỉnh ủy gọi.

Nói xong ông bật loa to lên để cho mọi người cùng nghe.

Trần Thiều:

- Dạ, báo cáo anh. Tôi, Trần Thiều nghe đây.

Tiếng ông Hương, Bí thư Tỉnh ủy:

- Anh Thiều ạ, tôi không hiểu công an bây giờ làm ăn kiểu gì nữa. Tôi vừa đi công tác nước ngoài về. Tôi đọc một loạt tờ báo nói đến vụ án của anh Phạm Bình. Họ đăng những bức ảnh công an bắt người, bịt mắt như thế này. Trong đó có cả đàn bà con gái. Và tôi cũng không hiểu tại sao, làm án kiểu gì mà tất cả mọi thông tin về án lên hết mặt báo thế nào. Nào là trinh sát này cho chúng tôi biết, cán bộ điều tra này cho chúng tôi hay. Thế là thế nào? Tôi đề nghị anh kiểm tra lại tất cả về công tác điều tra vụ án này và đặc biệt là kỷ luật phát ngôn. Đồng thời phải chấm dứt ngay tình trạng này. Trên Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng. Các đồng chí nghiên cứu rồi làm báo cáo khẩn cấp cho tôi.

Đại tá Thiều nói:

- Dạ, báo cáo anh, chúng tôi cũng đang họp rút kinh nghiệm về việc này và cũng xin hứa với anh tình trạng này sẽ chấm dứt ngay.

Tiếng Bí thư Tỉnh ủy bực bội:

- Lại rút kinh nghiệm à? Lúc nào các anh cũng rút kinh nghiệm. Toàn kiểu rút kinh nghiệm lần này rồi lần sau vẫn thế. Bây giờ các anh phải làm thật nghiêm túc việc này và phải có hình thức xử lý kỷ luật các cán bộ đã để lộ, lọt thông tin. Sáng ngày mai, anh mang văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ lên cho tôi.

Bí thư nói xong ngắt máy luôn. Đại tá Thiều nhìn mọi người và bảo:

- Các đồng chí nghe rõ chưa?

Vừa lúc đấy Đại tá Thiều lại có điện thoại. Ông nhìn máy và nhận ra số máy của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh. Ông giơ tay ra hiệu cho mọi người im lặng và bảo:

- Đây là Viện trưởng Viện Kiểm sát gọi cho tôi. Các đồng chí nghe xem có ý kiến gì nhé.

Đại tá Trần Thiều:

- Dạ chào anh, tôi Thiều đây ạ.

Tiếng ông Lý Viện trưởng:

- Anh Thiều ạ, về vụ Phạm Bình, chắc chắn trong chiều nay các anh sẽ nhận được công văn của Viện Kiểm sát. Chúng tôi sẽ không phê chuẩn lệnh khởi tố, bắt tạm giam các đối tượng như Trần Vũ, Kim Chung đâu. Tôi thấy chứng cứ như thế này là không thể được, chỉ dựa vào những lời khai vu vơ, rồi đặt dấu hỏi nghi ngờ. Các anh bắt người như thế, tôi thấy không thể được. Viện chúng tôi cũng sẽ có quan điểm rõ ràng về việc này. Tôi đề nghị anh nên tổ chức họp xem xét lại vụ án này.

Đại tá Thiều nói:

- Dạ vâng ạ. Như vậy là bên Viện không phê chuẩn ạ?

Tiếng Viện trưởng Viện Kiểm sát:

- Không. Chúng tôi không phê chuẩn và chúng tôi yêu cầu phải trả tự do cho họ.

Nói xong Viện trưởng cúp máy.

Đại tá Hường cười nhạt và bảo:

- Không ngờ bọn này chạy giỏi đến như thế. Khiếp thật. Chứng cứ đến như thế mà quý Viện không phê chuẩn. Đến thế này thì thôi, kệ, tôi thấy chẳng nên làm án từ kiểu này nữa. Mình muốn đấu tranh, muốn nhổ cỏ phải nhổ tận gốc, tận rễ. Bây giờ Viện thì không chấp nhận, cấp trên như thế này thì tôi chẳng hiểu tại sao lại đi bảo vệ mấy đứa tội phạm này.

Đại tá Thiều nói:

- Đề nghị đồng chí Hường phát ngôn nghiêm túc. Tôi thấy ý kiến của Viện trưởng là đúng. Tôi đọc báo cáo của các đồng chí và tôi cũng đang tự hỏi, nếu như người thân, con cháu của các đồng chí với những chứng cứ này mà bị người ta bắt, bịt mắt tống giam rồi bị réo đưa lên báo chí như thế liệu các đồng chí nghĩ sao?

***

Chiều hôm đó, tại khu vườn của Lê Văn Trương, Đại tá Hường cùng hai cán bộ điều tra khác đến. Trương đang ngồi câu cá, nét mặt vui vẻ. Khi giật lên được một con cá to, mấy đệ tử chạy ùa ra. Một tên nói:

- Ối giời ơi. Hôm nay ông anh sát cá quá. Anh câu như thế này thì quả thật, dân cần thủ chuyên nghiệp Hà Nội cũng phải lắc đầu.

Trương nói:

- Chúng mày cứ toàn nịnh vớ vẩn. Hồ này mà không câu được cá thì nói làm gì. Bây giờ có câu giỏi thì về Hà Nội, đi ra hồ Tây mà câu xem có câu được con nào không.

Có người chạy vào bảo Trương:

- Anh ạ, ông Hường đến cùng mấy người nữa.

Trương vội vàng vứt cần câu, ra đón Hường. Nhìn thấy Hường nét mặt hăm hằm, Trương chột dạ biết là có chuyện không hay. Trương hỏi:

- Sao ông anh hôm nay có vẻ buồn bã thế?

Trương và ông Hường chưa kịp nói chuyện gì với nhau thì lại có tiếng còi xe bấm ngoài cổng. Nghe tiếng còi Trương biết ngay là tiếng xe của mẹ đến. Trương nói với ông Hường:

- Mẹ em đến đấy.

Hường nói:

- Thế cũng may. Có bà chị ở đây nói luôn một thể để cho bà chị biết.

Bà Sương xuống xe, nét mặt cũng hằm hằm.

Hường:

- Em chào chị ạ.

Bà Sương không nói gì, lừ lừ đi vào ngồi phịch xuống ghế.

Bà Sương nói:

- Tôi vừa nhận được thông tin về cuộc họp chiều nay và thái độ của ông Thiều.

Hường bảo:

- Chị đã biết rồi cơ à?

Bà Sương cười khẩy:

- Tôi nói thật nhé, chẳng có việc gì ở công an tỉnh nhà các chú mà tôi lại không biết. Có điều là tôi có muốn biết hay không mà thôi. Còn nếu tôi muốn biết thì tôi còn biết được buổi trưa chú ăn cơm với món gì, chú ngồi với ai.

Đại tá Hường cười sằng sặc nói:

- Trời ạ. Thế này thì bà chị gài cơ sở bí mật ở khắp công an tỉnh. Thảo nào, em thấy nhiều người nói rằng, nếu để chị Sương làm chỉ huy công an thì có khi công tác nghiệp vụ cơ bản thì còn được phát triển mạnh nữa.

Bà Sương nói:

- Tôi cũng chẳng giỏi giang gì. Tầm nhìn đàn bà con gái, người ta bảo rằng là không quá sống mũi. Chỉ có điều là thời buổi này khôn quá cũng chết, ngu quá cũng chết. Cho nên mình phải làm thế nào để mình biết, mà muốn biết thì phải có thông tin. Mà muốn có thông tin thì cũng phải có những chỗ để người ta cung cấp thông tin cho mình. Thôi, tôi hỏi luôn chú, bây giờ thái độ của ông Thiều như thế, Viện Kiểm sát không phê chuẩn lệnh giam. Vậy thì xử lý ra sao đây?

Đại tá Hường:

- Em nghĩ là phải làm kiến nghị, chứ đấu tranh với tội phạm mà lại “đánh rắn đánh giữa khúc thế này” thì làm thế nào được. Lát nữa em sẽ làm văn bản báo cáo lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban, Viện Kiểm sát, Tòa án, công an và em cũng làm riêng một văn bản gửi cho lãnh đạo bộ. Chứ làm ăn như thế này thì chết.

Bà Sương nói:

- Nếu như chú thấy phải thì chú cứ làm. Còn ách tắc ở đâu, cần như thế nào, tôi bảo ông nhà tôi lo cho.

Đại tá Hường nói:

- Không, việc này không cần phải đến ông anh. Cứ để đấy chúng em. Chứ còn làm án mà lại đòi hỏi dân chủ theo kiểu phương Tây thì hỏng. Người Việt Nam mình có kiểu của người Việt Nam. Tây có kiểu của Tây. Không thể mang luật pháp, tố tụng của thằng Tây áp dụng vào Việt Nam được. Em nói chị nghe, ở nước ngoài có mấy khi dám chống lại cảnh sát đâu. Đấy, chị thấy ở mình đấy, cảnh sát giao thông hơi tí là bị ăn đòn. Cảnh sát hình sự cũng thế. Đi đánh án, bắt tội phạm rồi nó quây lại nó nện nó. Mà có lỡ chân lỡ tay quay lại đánh nó một tí thì lại khổ.

Bà Sương nghe xong phẩy tay rồi nói:

- Thôi, bây giờ thế này. Chú là công an, nghiệp vụ chú giỏi, đường đi lối lại trong ngành, với Viện, với Tòa thế nào chú biết. Tôi nói thật với chú là tôi cũng chẳng mong gì thằng Bình phải vào tù vào tội, để mình cầu lợi chuyện này, chuyện khác. Nhưng mà tôi cũng không nghĩ rằng nó tàn ác đến mức như thế. Chỉ vì một đứa con gái, mâu thuẫn với nhau mà rồi nó lỡ ra tay giết người ta. Còn chuyện nó trốn thuế, đi hối lộ cán bộ thì thôi tôi nghĩ cũng có thể thể tất được. Làm doanh nghiệp, có mấy ai mà không trốn thuế. Đến doanh nghiệp Nhà nước kia, có Đảng lãnh đạo hẳn hoi, còn trốn thuế, huống hồ là doanh nghiệp tư nhân. Thế rồi còn chuyện biếu xén. Văn hóa phong bì là chuyện đương nhiên ở đất nước này. Chú thấy đấy, hôm nọ báo đăng hội nghị giao ban của Tuyên giáo tỉnh bàn về chống tham nhũng và kế hoạch chống tham nhũng của tỉnh, báo chí đến nghe thì cũng phải mỗi ông tổng biên tập cũng phải một phong bì 50 nghìn. Bây giờ chuyện phong bì như là một thứ văn hóa rồi, không có cũng không được, mà có thì nhiều khi thấy nó cũng chẳng ra sao cả. Tôi thấy nhà tôi tết nhất có đơn vị huyện đến, rồi thậm chí có cả cấp xã mang phong bì đến chúc tết Chủ tịch tỉnh. Được 200, 300 nghìn bạc. Chú bảo nếu không lấy thì anh em người ta cũng ngượng, mà lấy thì có đáng gì đâu. Thôi thì, tết nhất, lễ nghĩa người ta đến, thế cũng là phải. Nhưng mà mình cũng không để cho anh em người ta thiệt.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong / Tiểu thuyết Đặc biệt nguy hiểm - NXB Công an nhân dân