Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 32)

Trương hừ một tiếng rồi nói: Thôi đi, chúng bay. Thằng Bình cũng là tù tha về, bây giờ nó mới mọc mũi sủi tăm lên được. Chúng mày cũng là tù tha về, chúng mày còn đang làm thuê làm mướn cho tao. Bây giờ chúng mày cung cấp tài liệu cho công an, để công an đi bắt nó thì còn ra cái thể thống gì nữa.

dac biet nguy hiem ky 32 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 31)

Ông Sâm đang tưới cây ở trong vườn thì có hai người vào đó là Phó giám đốc Công an tỉnh Đại tá Hường và ...

dac biet nguy hiem ky 32 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 30)

Trong lúc Bình vẫn còn đang vô tư lo việc làm ăn mà không nghĩ tới các băng nhóm tội phạm bên ngoài cùng với ...

Rồi Quân nói:

- Về chỗ thằng Bình các cậu có thông tin gì không?

Trương đưa đưa nắt cho Hoàng rồi nói:

- Chuyện thằng Bình thì anh phải hỏi thằng này chứ thực ra em chẳng biết gì về thằng Bình cả. Em cũng thân với nó lắm, quý nhau nữa là đằng khác.

Quân nhíu mày và nói:

- Thế à? Vậy mà có người nói với tôi rằng, ông cũng biết nhiều về thằng Bình.

Trương nói:

- Ôi! Người ta cứ đồn đại thế, họ cứ nghĩ rằng cùng là dân đại gia với nhau cả thì phải hiểu hết về nhau. Hơn nữa, giữa em với nó cũng có một thời kỳ cạnh tranh nhau ác liệt lắm đấy. Nó cũng buôn bán xe máy secondhand, xe nông cụ, cũng mua ôtô về tân trang rồi bán, cũng mua xe tay lái nghịch về để bán cả, em cũng thế. Sau này hiểu nhau hơn nên anh em chơi với nhau thì cũng tốt lắm. Hôm nọ, nó còn giúp cho chúng em đâu. Nó mua lại cho chúng em hơn một trăm xe, không có nó cú đấy em bị đọng vốn lại cũng chết. Thôi thì thằng Hoàng, nếu mày hiểu biết gì về chỗ thằng Bình thì mày nói với các anh. Nhưng mà nó có chuyện gì hả anh?

Quân ngạc nhiên khi mà hôm trước, ông Sâm đã nói như thế hôm nay anh gặp hội này để tìm hiểu thì nó lại nói như không.

Quân lảng đi và bảo:

- Thôi được rồi, cái đấy để lúc khác, hôm nay uống rượu cái đã. Nếu cần gì tôi sẽ hỏi.

Hoàng thủng thẳng nói:

- Ông anh cần gì ở chỗ thằng Bình thì để em giúp cho. Em nói thật với anh tất cả những mánh khóe làm ăn của nó có cái gì qua được mắt bọn em. Chẳng qua là anh Trương đây là người quân tử, ít khi để ý đến chuyện lặt vặt hơn nữa cũng lại lo làm ăn cho nên không để ý, chứ bọn em dân giang hồ cái gì bọn em chẳng biết. Cho nên, ông anh có cần gì thì anh cứ bảo bọn chúng em.

dac biet nguy hiem ky 32

Một gã cô hồn cũng đế vào thêm:

- Thôi ông anh cho bọn em uống tí rượu xong bọn em đi luôn. Bọn em đây ngày xưa cũng nằm kho cùng với nó em lạ gì. Đây ông anh xem.

Nói rồi hắn đứng dậy cởi áo ngực, ngực hắn săm trổ vằn vện, tên kia cũng vạch áo ngực ra, ngực hắn săm hai hình người phụ nữ khỏa thân hai bên. Quân bảo:

- Thế chúng bay ngày xưa cũng từng “tu luyện” trong trại giam à?

Một gã nói:

- Dạ vâng ạ, thưa ông anh, đời bọn em ngày xưa cũng có lúc không may. Nhưng mà từ ngày bọn em ra tù được anh Trương đây thương nhận về làm, chúng em thấy phải làm ăn cho tử tế. Chứ bây giờ bọn em mà nhỡ có làm cái điều gì không phải mà xấu mặt anh Trương đây thì anh bảo còn giời đất gì nữa.

Quân cười ha hả và nói:

- Được, hai thằng này biết thế là tốt đấy, sống thế chúng mày cần phải bảo vệ bạn bè, bằng chính việc làm của chúng mày.

Rồi rượu được vài tuần Quân bảo:

- Thôi, hôm nay dừng ở đây. Anh phải đi về có việc đây. Được rồi, nếu chúng mày hiểu thằng Bình thì lúc nào chúng mày giúp cho anh.

Một gã cô hồn nói:

- Ông anh ngồi đây uống rượu tí đã, vội về làm gì, vẫn sớm. Ông anh yên trí uống rượu với bọn em ở đây trong sạch trăm phần trăm. Không có gái gú gì cả, không có chân dài chân ngắn gì. Em chúa ghét cái thứ anh em ngồi uống rượu mà gọi mấy con bà cô đến, sà vào lòng ông này một tí, sà vào lòng ông kia một tí rồi õng a õng ẹo “mình ơi, anh ơi”. Bọn ấy chỉ có tiền thôi. Em nói thêm để ông anh biết về thằng này. Ngày xưa chúng em ở cùng trại với nó em lạ gì nó. Có ngày xưa chẳng qua nó được ông Can nhận làm con nuôi. Nó cậy thế cậy thần, nó lên mặt, nhưng ngày đó chính là người giúp ông Can để nhận tiền của phạm.

Quân nhíu mày và nói:

- Có chuyện đấy cơ à?

Một gã nói:

- Ôi anh ơi, ông anh làm cảnh sát kinh tế, ông anh có hiểu về thế giới tội phạm và thế giới trại giam đâu. Em nói thật với ông anh nhé, ở trong trại giam ấy, mỗi một cán bộ quản giáo thì phải có một thằng đệ để sai để nó làm cầu nối giữa gia đình phạm nhân với cán bộ công an. Còn hằng năm bao nhiêu dịp để lễ tết cán bộ chúng em biết chứ: nào là tết âm lịch này, tết dương lịch này, 2/9 này, 1/5 này, ngày thành lập công an này đều phải có lễ hết. Rồi thì nữa cưới xin, giỗ bố giỗ mẹ, tất cả phạm nhân phải đóng góp. Thế muốn đóng góp phải đóng góp vào đâu? Lúc đấy lại phải có một thằng, ví dụ như thằng Bình nó ra bên ngoài. Gia đình đưa cho nó, nó đưa cho mình một phần, còn lại nó lại đưa cho ông Can. Nói thật với anh nhé không thế làm sao mà ông Can giàu mà lắm đất như thế được. Chỉ có các ông quản giáo là lắm tiền. Ông Can ông ấy khôn, ông ấy mua đất, nay dăm bảy sào, mai dăm bảy sào. Cho nên ông ấy giàu, đến khi đất ông ấy có giá ông ấy bán đi. Mà thằng Bình, nó khôn là nó được ông Can cho cả cơ nghiệp đấy. Nhưng những cái đấy cũng chẳng ăn thua gì, nếu chỉ là làm ăn chăm chỉ thì cũng chỉ khá thôi. Nó được một thằng cũng là người Đài Loan ở đây buôn bán ma túy giúp cho. Thằng Xíu, anh biết rồi đấy, anh nghe thấy nó bao giờ chưa?

Quân nhíu mày và nói:

- Thằng đấy ở trên Hà Nội về đây, chứ nó có phải ở đây đâu.

Một gã nói:

- Đúng rồi, nó đấy, nó là thành viên của Đảng 3K về đây làm ăn, nó buôn ma túy và mở sòng bạc. Nó bị bắt và lĩnh án mười lăm năm tù. Nó vào và thân với thằng Bình đến khi nó ra tù thì hai thằng móc nối lại với nhau. Dùng công ty thằng Bình làm nơi tẩy rửa tiền và hàng hóa đưa sang. Và qua thằng này lại móc nối với một nhóm Tam Hoàng chi nhánh ở Singapore. Những cái này, nếu ông anh muốn hiểu rõ thì ông anh tìm lên cục Cảnh sát Hình sự Bộ Công an mà tìm hiểu.

Quân bảo:

- Thế tại sao trên Cục Cảnh sát Hình sự họ biết mà lại để yên?

Một ngã hỏi:

- Thế mới là nên chuyện. Anh làm công an anh không hiểu được thế nào là “triệt để” à? Vấn đề là phải “triệt” chỗ nào, “để” chỗ nào, đấy mới là cái nghệ thuật của người công an. Anh bảo nếu chỗ nào cũng “triệt” thì công an biết lấy gì mà sống? Còn chỗ nào cũng “để” thì xã hội này có mà loạn à?

Quân nghe chúng nó nói xong và phá lên cười và bảo:

- Tao thấy chúng mày nói chuyện cũng có vẻ cũng hiểu công an nhỉ.

Một gã bảo:

- Ôi ông anh ơi, thì bọn em đây cũng từng vào tù ra tội rồi. Chúng em biết cái giá của nó chứ. Nói thế thôi ông anh đại xá cho. Chứ đời chúng em cũng chịu ơn nhiều các bác công an. Ở trong trại này cũng có nhiều bác tốt lắm. Nhưng thôi chuyện đấy không nói nữa. Còn nếu như ông anh cần tìm hiểu về thằng Bình cái gì chúng em giúp.

Trương hừ một tiếng rồi nói:

- Thôi đi, chúng bay. Thằng Bình cũng là tù tha về, bây giờ nó mới mọc mũi sủi tăm lên được. Chúng mày cũng là tù tha về, chúng mày còn đang làm thuê làm mướn cho tao. Bây giờ chúng mày cung cấp tài liệu cho công an, để công an đi bắt nó thì còn ra cái thể thống gì nữa. Không, cái việc đấy tao cấm chúng mày không được hé răng ra nói. Còn việc chỗ bác Quân này bác ấy làm như thế nào, bác ấy sử dụng “đặc tình, đặc báo” ra làm sao thì đấy không phải việc của anh em mình. Nào, mời ông anh uống chén rượu.

Cuộc rượu tan, Thượng tá Quân ra về, Trương ra ngoài cửa và giúi vào tay Quân một phong bì dày cộp, nói:

- Chẳng mấy khi được ngồi uống rượu với ông anh. Ông anh cầm mấy đồng về mua quà cho các cháu.

Quân:

- Sao mày cho anh lắm thế?

Trương bảo:

- Ôi giời ông anh sao lại câu nệ thế nhỉ? Ông anh là đệ ruột của bố em. Bố em nói rằng: Tao tin thằng Quân, thằng Hường còn hơn là tin chúng bay thì đủ biết rằng là bố em coi trọng ông anh như thế nào. Hôm nọ em nghe bố em nói chuyện với bí thư tỉnh ủy, bàn cơ cấu là tới đây phải đưa ông anh lên và vị trí của anh Hường cũng phải thay đổi.

Quân sáng mắt lên và nói:

- Có chuyện đấy à? Nhưng tớ có nằm trong quy hoạch đâu. Công an tỉnh cũng không đả động gì đến việc này cả.

Trương nói:

- Ông anh ngây thơ lắm. Cái việc quy hoạch với đào tạo cán bộ nguồn chỉ là cái thứ bánh vẽ để anh em đấu đá nhau. Nếu như ông anh đã coi bố em là ông anh thì em cũng coi ông anh là người trong nhà chúng em có bổn phận phải giúp đỡ ông anh.

Quân ra về và trong lòng sướng lâng lâng. Bốn gã lại quay vào mâm rượu. Trương nói:

- Bây giờ tao giao nhiệm vụ cho thằng Hoàng, mày phải nhồi thật nhiều thông tin về thằng Bình cho ông Quân.

Rồi hắn cười khùng khục và nói:

- Bây giờ với thằng Bình không thể nói ngọt được nữa mà phải sử dụng còn mấy ông công an. Chúng mày cứ chơi cái trò “xuỵt chó” bụi rậm cho tao.

***

Buổi sáng, ở nhà Bình. Bình và vợ cùng các con ngồi ăn sáng. Bình hỏi Chung:

- Thế nào em? Từ hôm cho thằng bé đi học bằng xe ôm tốt chứ?

Chung cười:

- Ồ, các chú đấy phục vụ tốt thật anh ạ, rất chu đáo, ngày nào đi rất đúng giờ. Mà đưa nó đến trường bằng xe ôm em cũng thấy đỡ ngượng.

Bình hỏi:

- Ngượng sao?

Chung nói:

- Thì mọi lần đi ôtô đến cứ mỗi lần mở cửa xe xuống là em lại thấy bao nhiêu cặp mắt dòm ngó, mà em chẳng thấy có cặp mắt nào thiện cảm cả.

Bình cười và bảo:

- Em phải thấy rằng người Việt Nam mình có một cái tính rất xấu, thấy người ta giàu thì ghen tức và không mấy khi nghĩ rằng, người ta giàu đó là nhờ người ta làm ăn chân chính, người ta sáng tạo và người ta có may mắn, mà chỉ nghĩ rằng người ta giàu đó là do người ta buôn gian bán lận, làm ăn phi pháp. Thấy người ta nghèo thì lại coi thường cho nên tốt nhất cứ phải làm người bình thường em ạ!

Ăn sáng xong thì Chung lại dắt con ra một chú xe ôm đã chờ sẵn ở cổng. Người lái đang ngồi trên xe anh nhanh nhẹn xuống xe rồi bế thằng bé đặt lên xe rồi anh bảo với Chung.

- Chị ạ! Thằng cu này giờ thích em chở rồi, hôm qua nghe nó nói với người khác là cháu không đi xe chú.

Chung cười và bảo:

- Ừ thì anh cứ chở cháu đi học, cũng tốt. Tôi xem ra nó cũng quý anh thật. À mà nghe nói là ngày xưa anh từng là thầy dạy võ có phải không?

Người xe ôm nói:

- Dạ, vâng ạ!

Chung bảo:

- Thế thì anh sắp xếp thời gian, buổi chiều anh đưa nó về đây, anh dạy cho nó khoảng một tiếng chứ trẻ con bây giờ hoạt động ít thế rồi ăn uống no đủ, suốt ngày cắm đầu cắm cổ vào xem tivi cho nên người cứ bấy đi.

Người xe ôm hào hứng:

- Đúng đấy chị ạ, rồi chị cứ giao nó cho em. Em sẽ dạy võ cho nó.

Chung nói:

- Được, chú dạy võ cho nó thì tốt, nhưng chú phải nhớ anh Bình nhà tôi cũng giỏi võ lắm đấy nhé!

Người xe ôm nói:

- Em biết rồi, chị không phải nói! Về võ nghệ thì ông anh là bậc đại sư phụ của bọn em. Nhưng thôi, anh làm gì có thời gian dạy, chị cứ để em dạy.

Chung bảo:

- Nhưng chú dạy cho nó võ ngoài cái rèn luyện sức khỏe ra chú cũng phải dạy cho nó cái đạo của võ thuật, chứ không phải là sau này biết ti toe một tí ra đường cà khịa đánh nhau là không được đâu.

Người lái xe ôm nói:

- Chị yên tâm đi.

Hai người đang nói chuyện thì Thúy phóng ôtô đến. Thúy quay cửa xe xuống rồi nói đon đả:

- Chào Chung, thế nào hôm nay ông Bình đã khỏe chưa?

Chung cười và nói:

- Chị vào nhà đi, nhà em đang chờ chị đấy.

Rồi Chung hỏi Thúy

- Khoảng bao lâu nữa thì kết thúc cái cuộc này hả chị ?

Thúy nói:

- Thì anh ấy cũng bận việc, mỗi ngày dành cho được một hai tiếng đồng hồ không ăn thua gì nhưng mà thế là cũng tốt rồi.

Hai người đang đứng nói chuyện thì có còi xe đằng sau, họ quay lại thì thấy đó là xe của Phó Tổng giám đốc Hoàn tới.

Mọi người vào nhà, Chung pha nước mời mọi người.

Bình hỏi:

- Sao hôm nay có việc gì mà chú đến sớm thế?

Phó tổng giám đốc Hoàn bảo:

- Báo cáo anh, cũng là muốn đến xin ý kiến anh từ hôm có tổ hợp tác chạy xe ôm thì nhiều người làm đơn xin vào quá, thì ý anh như thế nào?

Bình nói:

- Nếu họ xin vào thì cũng tốt, nhưng phải quản lý thật chặt. Theo tôi, chú nên mời anh Liêu trưởng phòng Cảnh sát hình sự để anh ấy tư vấn cho. Mình mở rộng ra lại quản không được, có thằng nào vác con người ta đi bán thì chết. Quan trọng là phải biết cách giám sát.

Hoàn:

- Vâng ạ, em nghĩ thế này bây giờ cho phát triển lên thành công ty dịch vụ vận tải Bình Dân anh ạ. Em lấy cái bên Bình Dân. Anh nghĩ thế nào?

Bình nghĩ một lúc rồi nói:

- Không lấy cái tên Bình Dân mà lấy tên Công ty vận tải An Tâm. Nhà nào mà dùng phương tiện của mình thế là yên tâm.

Mọi người cười phá lên.

Bình nói với Thúy:

- Dạo này kết quả doanh thu giảm quá.

Thúy:

- Thì anh thấy kinh tế suy thoái như thế này thì sao chẳng giảm. Em thấy nói các tập đoàn doanh nghiệp to vật vã còn khốn khổ huống hồ công ty của anh. Mà công ty của anh như thế này còn là may đấy. Đây này, Quốc hội vừa họp, nói hai mươi mấy nghìn doanh nghiệp xin phá sản rồi.

Bình cười và bảo:

- Nhưng mà suy thoái kinh tế cũng có cái hay.

Cả Phó Tổng giám đốc Hoàn lẫn Thúy nhìn Bình ngạc nhiên.

Thúy hỏi:

- Hay cái nỗi gì?

Bình:

- Suy thoái kinh tế thì đúng là nó gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp, khổ cho người lao động, cho người dân. Nhưng nếu như doanh nghiệp nhân cái cơ hội này, biết tự nhìn lại mình, biết tìm kiếm cơ hội, cải tiến cách quản lý có hiệu quả thì đấy cũng là cái ý nghĩa tích cực, việc gì phải sợ suy thoái. Vấn đề là phải nhìn ra được bao giờ nó suy thoái để mà phòng chống thì đấy mới là người giỏi.

Thúy gật đầu và nói:

- À, như vậy thì anh là người giỏi?

Bình lắc đầu và nói:

- Không, anh chưa giỏi, mà còn có nhiều người khác giỏi hơn anh.

Thúy bảo:

- Thì chính anh nhìn thấy suy thoái kinh tế từ ba năm trước rồi cơ mà. Em không bao giờ quên được ba năm trước khi chứng khoán đang ăn nên làm ra. Người người, nhà nhà đổ xô đi đầu tư chứng khoán thì chính anh đã bảo em rằng chớ có đổ tiền vào. Chứng khoán mà đến nơi rồi. Anh gàn em không cho em mua, nếu như không có lời của anh mà hồi đấy em bán ôtô và bán mảnh đất của mẹ em cho để đầu tư vào chứng khoán thì bây giờ có khi mất sạch cơ nghiệp.

Bình bảo:

- Đúng rồi, số em thế là còn may đấy.

Thúy nói:

- Nhưng mà tại sao hồi đấy anh lại nhìn thấy chứng khoán chết?

Bình cười và bảo:

- Hồi đấy anh có mấy ông bạn làm ngân hàng ở Hà Nội. Khi họ nghe thấy anh nói rằng, định đưa công ty này lên sàn chứng khoán thì họ đã gàn anh và họ bảo phải rất cẩn thận. Họ bảo rằng, nền kinh tế của mình là nền kinh tế ảo. Chứng khoán của mình càng ảo nữa. Tất cả giá trị chứng khoán hiện nay đều là giá trị không đúng. Hơn nữa dân mình, cái tâm lý bầy đàn đã xâm nhập vào tất cả các lĩnh vực. Thấy người ta làm cái gì thì cũng đổ xô đi. Và thấy người ta từ chối cái gì thì cũng đổ xô tẩy chay mà không cần biết sự thể nói ra làm sao, đúng hay là sai. Đấy là cái nguy hiểm. Chính họ khuyến cáo anh phải cẩn trọng. Anh bình tĩnh lại, đánh giá tình hình kinh tế thì mới thấy rằng, đúng là cái quả bong bóng chứng khoán thế nào cũng vỡ. Chỉ có điều là anh không biết nó vỡ vào lúc nào. Nhưng anh linh cảm rằng, nó sẽ sắp vỡ. Mà thế cũng là may. Nếu như hồi đấy anh không bán ngay mấy lô nhà chung cư rồi hơn năm chục hécta đất thì bây giờ sự thể cũng chưa biết thế nào.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong / Tiểu thuyết Đặc biệt nguy hiểm - NXB Công an nhân dân