Ông Sâm đang tưới cây ở trong vườn thì có hai người vào đó là Phó giám đốc Công an tỉnh Đại tá Hường và Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế - Thượng tá Quân.
Bình nói:
- Cám ơn em, anh sẽ tính.
Bình trở về công ty, anh gọi Phó tổng giám đốc Trần Vũ và kế toán trưởng Thảo lên anh bảo:
- Này, các vị phải chuẩn bị sổ sách chứng từ tất cả các khoản cho nó cẩn thận. Đặc biệt là chỗ thuế. Có thể mấy hôm nữa là phòng thuế sẽ vào kiểm tra chúng ta đấy. Ngay kể cả thuế thu nhập cá nhân cũng phải làm cẩn trọng.
Kế toán trưởng Thảo người mới thay Chung:
- Anh yên tâm, em với chị Chung trước đây đã rà soát kỹ rồi, không có một khoản nào là không minh bạch cả.
Phó tổng giám đốc Vũ nói:
- Được rồi anh để bọn em kiểm tra lại có gì em sẽ báo với anh.
Vũ lấy ôtô đi sang bên công ty của Chung. Vào phòng làm việc Vũ ngồi xuống ghế và nói luôn:
- Sắp có chuyện rồi.
Chung hỏi:
- Chuyện gì hả anh?
Vũ nói:
- Ông Bình vừa cho biết là mấy hôm nữa phòng thuế sẽ vào kiểm tra công ty mình đấy.
Chung ngạc nhiên:
- Quái lạ, phòng thuế vừa kiểm tra đợt đầu năm rồi mà. Kiểm toán nhà nước vừa vào kiểm tra xong thế họ còn kiểm tra cái gì nữa?
Vũ nói:
- Thế mới nên chuyện. Nhưng mà em thử xem lại có điều gì sơ hở không?
Chung:
- Được rồi để em nghĩ đã, nhưng mà theo em biết thì không có gì sơ hở cả. Tất cả số tiền mà em tách ra để cho anh Bình có cái phòng thân sau này thì em xử lý xong rồi.
Vũ:
- Em xử lý cách nào?
Chung nói:
- Nói thật với anh là em đi mua vàng. Em cất rồi.
Vũ nói:
- Cô cất ở đâu?
Chung bảo:
- Anh cứ biết thế nhưng em không để ở công ty này đâu.
***
Buổi chiều tại nhà ông Sâm.
Ông Sâm đang tưới cây ở trong vườn thì có hai người vào đó là Phó giám đốc Công an tỉnh Đại tá Hường và Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế - Thượng tá Quân. Nhìn thấy ông Sâm đang tưới phong lan bằng máy phun nước cầm tay.
Đại tá Hường nói:
- Ôi! Trông chủ tịch tưới cây thế này, thấy an nhàn quá!
Ông Sâm nói vui vẻ:
- Mời các cậu vào nhà.
Ông Sâm gọi vợ:
- Mình ơi! Làm cái gì cho mấy anh em tôi nhâm nhi một chút nhé!
Tiếng bà Sương nói vọng lên:
- Vâng! Anh em nhà các ông cứ ngồi chơi đi tôi sẽ làm xong ngay thôi.
Đại tá Hường đưa mắt nhìn Thượng tá Quân. Quân hiểu ý và nói:
- Thôi thôi ông anh, bảo chị đừng làm cho vất vả. Nếu hôm nay ông anh cho uống rượu thì để em chạy ù ra mua mấy thứ về.
Ông Sâm ngăn lại:
- Không được, các cậu đến nhà, tớ là chủ, mà trong nhà có thiếu gì đồ uống rượu đâu. Rồi, các cậu ngồi chờ tớ một tí nhé!
Thế rồi ông Sâm bỏ bình tưới phong lan ở đấy và đi vào nhà cùng hai người.
Quân nhìn vườn phong lan tấm tắc:
- Anh có vườn phong lan đẹp quá. Mỗi một giò phong lan này bây giờ chắc là cũng nhiều tiền lắm đây.
Ông Sâm bảo:
- Nói thật, ngày trước tớ không biết gì về phong lan đâu. Thế nhưng gần đây tết nhất anh em các nơi cứ mang biếu chậu hoa. Mà các cậu bảo anh em người ta mang biếu chậu hoa chứ có mang biếu tiền nong gì đâu mà không nhận. Hết tết bỏ đi thì phí, cho nên tớ phải trông nom chăm bẵm nó. Từ khi có mấy chậu phong lan này kể ra cũng vui. Đi làm về tưới phong lan một tí cũng thấy thanh thản.
Đại tá Hường nói:
- Đúng đấy anh ạ. Anh trăm công nghìn việc mà không có một chút thư giãn kiểu này thì ốm mất. Mà này em không hiểu anh lấy đâu ra sức lực mà anh làm việc lắm thế nhỉ. Nói ông anh bỏ quá cho, em đã biết nhiều đời chủ tịch tỉnh rồi, nhưng em chưa thấy ai như anh, có lẽ anh là người đi nhiều nhất. Hôm nọ em thấy cậu Trưởng phòng An ninh văn hóa cậu ấy bảo anh đi không còn sót một xã nào ở tỉnh mình nữa.
Ông Sâm nói:
- Ôi giời, các cậu cứ nói nó quá lên. Làm chủ tịch tỉnh mà không xuống được mỗi xã vài ba lần thì làm làm cái gì. Mà tớ thì tớ nói thật tớ chúa ghét cái trò có một tí chức tí quyền rồi bắt đầu chỉ tay năm ngón. Làm lãnh đạo mà cứ bắt cấp dưới phải thế này thế nọ, phải trồng cây này phải nuôi con nọ để bà con bớt đói bớt nghèo. Nói thì dễ nhưng làm thì khó. Tôi chỉ cần nói đơn cử một việc, bây giờ bà con ở xã Hòa Vân đang chống lại chủ trương thu hồi đất để xây dựng khu đô thị. Tôi cho rằng bà con kiện là đúng. Bởi vì đất dự án này từ đời anh Thạch trước đây. Bây giờ mình phê phán thì lại mang tiếng là người thế hệ sau phê phán thế hệ trước. Nhưng theo tôi không nên thu hồi đất bờ xuôi ruộng mật của người ta. Mà thử hỏi đền bù được nhiều nhặn gì cho cam, mỗi một sào vài chục triệu bạc, nhưng vài cái chục triệu bạc đó mang về làm gì, người nông dân có biết tích cóp đâu. Họ chỉ biết tích cóp chum gạo, chum thóc, vò tương. Còn có tiền trong tay, họ cũng không biết đầu tư, sản xuất và cũng không biết làm thế nào để sinh lãi. Thế là nhiều thì xây nhà xây cửa, ít thì mua xe máy, tivi rồi chia cho con lớn, con bé mỗi đứa một chút gọi là tiền đền bù. Thế là chúng nó có tiền lại đâm ra cờ bạc, rượu chè, nghiện ngập đề đóm. Lấy đất của bà con có nghĩa là tước đi công cụ lao động của người ta, và đẩy người ta ra đường thế thôi.
Đại tá Hường nói:
- Anh nói phải lắm. Nói thật với anh, cứ đi tới những vùng nông thôn bây giờ nhất là những nơi giàu sổi vì được đền bù đất đai thì mới biết, cứ lấy đất của họ rồi đẩy họ ra đường thì gay lắm. Thanh niên mười mấy tuổi phóng xe máy Tàu vè vè. Số người bị tai nạn giao thông của xã nhiều hơn số thương binh, liệt sĩ thời chiến. Cái vụ ở xã Hòa Vân cũng phức tạp anh nhỉ.
Ông Sâm nói:
- Cũng phức tạp, nhưng tôi đã có cách giải quyết rồi. Bắt doanh nghiệp lấy đất của dân phải tính tiền đền bù lại, trả thêm cho người ta. Làm gì có chuyện các ông lấy đất của người ta xong, các ông san ủi sơ sơ, xây mấy cái nền lên đấy rồi bán đắt gấp mấy chục lần, làm thế thì không được. Phải thỏa thuận lại, nếu như là đất đai cho các công trình dân sinh, công trình công cộng các công trình an ninh quốc phòng thì tôi đảm bảo rằng bà con thế nào cũng nghe. Dân mình tốt lắm, người ta hiểu cả đấy. Nhưng mà anh lấy đất để anh kinh doanh thì anh phải trả người ta theo giá thỏa thuận, giá thị trường. Thuận mua vừa bán, chứ không có cái lối là cứ cậy là dự án, mang danh nhà nước để muốn làm gì thì làm là không được. Hôm nay tôi xuống họp dưới xã tôi cũng nói rõ rồi. Nghe tôi nói xong bà con phấn khởi lắm.
Đại tá Hường nói:
- Ôi thế thì chúng em nhẹ người. Cả cái năm vừa rồi cứ lo ngay ngáy ở ngòi nổ Hòa Vân. Chẳng biết nó bùng phát lúc nào. Hôm nọ, mấy tay nhà báo đi xuống lúc bà con đang phản đối không cho làm. Dân quân du kích đã giăng ra bảo vệ thế mà mấy ông cậy là nhà báo cứ xông vào. Anh em du kích nó không biết, nó đánh cho thế là nói rằng chống người thi hành công vụ. Em nói thật với anh, anh em họ có biết là nhà báo đâu. Thẻ thì không có, hỏi ra thì mới hay là mấy ông mới ra trường vừa ti toe ký được hợp đồng vào làm ở cái báo gì ấy, vỗ ngực ta đây là báo chí. Trong khi bao nhiêu các báo xuống bọn em đón tiếp, giải thích rồi tạo điều kiện cho quay phim chụp ảnh. Ai người ta nói gì đâu. Em nói thật với anh là bây giờ chả ai dại gì mà dây với cánh nhà báo.
Ông Sâm cười hì hì rồi bảo:
- Ôi, công an các cậu tiếp xúc với báo chí còn là ít. Tôi nói thật với các cậu, với báo chí bây giờ nó như cái đám âm binh ấy, không có phù thủy cao tay không trị được. Đến Tổng thống Mỹ còn phải sợ nhà báo cơ mà. Người ta hay nói là gì nhỉ, các cậu có biết không nhỉ, à: Tránh xa thằng say ba bước, tránh xa con bò mười ba bước và tránh xa thằng nhà báo ba mươi bước đấy. Với báo chí các cậu phải cảnh giác cao độ. Các cậu mà tin là chết đấy.
Thượng tá Quân gật gù:
- Vâng, anh nói đúng lắm, nói thật với các anh, báo chí bây giờ càng ngày càng lộng quyền, lộng hành. Em thấy nhiều báo đào bới xới lộn tam tứ đại đồng đường nhà người ta lên, chửi như chan tương đổ mẻ. Đến lúc sai thì “nói lại cho rõ”. Đính chính thì không thèm xin lỗi, đăng cái mẩu bằng bao diêm ấy.
Bà Sương mang ra một mâm trong đó có cả thịt quay, dưa hành, bánh chưng, trong đó có cả một chai rượu Tây, bà xoa tay bảo:
- Chẳng mấy khi các chú đến có việc với anh. Ngồi đây mấy anh em uống chén rượu. Nào, anh em nhà ông uống rượu gì nhỉ? Uống rượu tây hay rượu ta?
Ồng Sâm hỏi:
- Đại tá Hường, cậu thích uống rượu gì?
Đại tá Hường:
- Thưa anh! Anh cho uống rượu gì cũng được nhưng mà theo em cứ cho uống rượu ta cho chắc ăn.
Ông Sâm cười khà khà và bảo:
- A, tay này giống tớ, tớ cũng thế, rượu tây người ta cho cũng nhiều xếp đống kia. Tý nữa các cậu về mỗi cậu cầm mấy chai về mà uống. Tớ có uống được đâu. Rượu tớ uống cũng ít, hơn nữa tớ cũng chẳng tin được cái thứ rượu tây có mặt ở đất nước Việt Nam này là rượu tử tế. Hôm nọ tớ có đọc ở báo Công an Nhân dân hay An ninh thế giới gì đấy, họ nói rất rõ đấy. Hóa ra nước Pháp có cho ai đóng nhãn rượu của chúng nó trên thế giới đâu. Toàn là rượu đểu ở Trung Quốc hết.
Rồi ông cao giọng bảo vợ:
- Mình mang cho tôi cái chai rượu nếp hôm nọ tôi đặt mang ra đây.
Bà Sâm vào trong nhà lấy một chai rượu đục đục ra.
- Đây, rượu này là rượu nếp chính cống nhưng cũng có ngâm một tý cao hổ.
Thượng tá Quân nói:
- Ô, anh kiếm đâu ra cao hổ vào cái thời này nhỉ?
Ông Sâm nói:
- Tớ có anh bạn ở trên Sơn La. Chả biết các ông ấy chung nhau bộ xương hổ mua từ bên Lào về nấu, tớ lên công tác họ biếu một lạng. Mà nghe nói cái thứ cao hổ mà nấu kiểu này thì phải ngót ba mươi triệu đồng một lạng chứ không phải là cái thứ cao hổ mà nấu bán năm bảy triệu một lạng đâu. Các cậu chớ có mua, uống vào có khi mang bệnh vào thân.
Nói xong, ông cẩn trọng rót rượu ra cái ly hạt mít rồi ông nâng lên và nói:
- Nào, chúc sức khỏe các cậu. Ta cứ làm một ly rồi có việc đây.
Đại tá Hường và Thượng tá Quân nâng ly:
- Em chúc sức khỏe anh chị.
Rượu uống được vài ba ly, lúc này ông Sâm mới nói:
- Hôm nay tôi mời các cậu đến đây, gọi là giao nhiệm vụ cũng được, mà gọi là hỏi ý kiến các cậu cũng được, hay là mách các cậu.
Đại tá Hường hỏi:
- Dạ có việc gì thế hả anh?
Ông Sâm:
- Tôi nói việc này nhưng hai cậu phải tuyệt nhiên bí mật. Hở ra là các cậu không xong với tôi đâu. Nó mà thoát tội thì tôi nói trước là tôi sẽ kỷ luật hai cậu.
Đại tá Hường bảo:
- Dạ, xin anh cứ tin chúng em.
Ông Sâm nhìn hai người như dò hỏi nói:
- Sở dĩ tôi gọi hai cậu đến vì tôi biết hai cậu vào cạ với nhau và cũng là những người nổi tiếng ở công an tỉnh. Cậu Quân là Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế thế mà bây giờ cậu vẫn đi cái xe Honda ghẻ đấy thì tôi biết cậu là người như thế nào rồi. Còn cậu Hường Phó giám đốc chỉ huy cảnh sát mà đến bây giờ vẫn ở cái nhà bốn mươi mét vuông cấp từ ngày xửa ngày xưa thì tôi biết các cậu là những người trong sạch. Giờ tôi hỏi hai cậu việc này: Các cậu có biết gì về chuyện làm ăn của thằng Phạm Bình không?
Đại tá Hường nói:
- Báo cáo anh, riêng về thằng này thì bọn em biết không nhiều, chỉ biết là ngày xưa nó đi tù vì cái tội nhỡ tay đánh chết người. Thế rồi vào tù thì nó cũng là cái thằng làm ăn tử tế. Nó giỏi sửa chữa xe máy rồi duyên số thế nào nó được ông Can nhận làm con nuôi. Sau đó, ông ấy giao hết cơ nghiệp của ông cho nó thành lập công ty, rồi ăn nên làm ra. Chúng em cũng chưa thấy có thông tin trinh sát nào về việc làm ăn của nó có điều gì khuất tất cả. Hơn nữa, những lô hàng nó nhập về toàn là máy xúc, máy ủi, máy sản xuất seconhand, là hang được ưu đãi về thuế suất. Thế còn đúng là nó giàu có thật, nó có đến cả gần hai trăm hécta đất, nhưng mà do nó mua chỗ nọ, bán chỗ kia thôi, chứ chúng em cũng chưa thấy có dấu hiệu phi pháp.
Ông Sâm cười nhạt rồi bảo Quân:
- Thế nào cậu Quân, có nghe thông tin gì về nó không?
Thượng tá Quân trả lời:
- Dạ thưa anh, chúng em cũng không biết gì về thằng này, chỉ biết rằng nó hào phóng lắm, nó giúp đỡ các tỉnh cũng nhiều, nhất là về y tế và giáo dục. Riêng cái tiền nó xây trường học rồi xây nhà ở cho giáo viên mấy năm vừa rồi cũng phải bảy tám trăm triệu. Nhưng mà anh đã hỏi chúng em như thế thì chắc có chuyện gì hả anh?
Ông Sâm nói:
- Theo thông tin tôi nắm được có người nói cho tôi biết thằng này quan hệ với bọn xã hội đen 3K ở Đài Loan. Và lại chơi với một nhánh của bọn Tam Hoàng ở Singapore. Bọn này đã dùng thằng Bình để tẩy rửa tiền. Chúng nó đưa hàng hóa về cho thằng này là máy ủi, máy xúc và nhiều thứ khác nữa. Cho nên làm sao mà những cái thứ này về nó lại rẻ như thế. Một cái nữa là nó giao du với rất nhiều cán bộ ở vùng này, nó dùng tiền, thậm chí dùng cả gái để mua chuộc làm tha hóa cán bộ. Đây mới là cái điều nguy hiểm nhất. Những chuyện ăn chơi của nó, rồi những chuyện nó đưa mấy con người mẫu chân dài chân ngắn gì đấy cho mấy ông cán bộ ở tỉnh này là có. Tất nhiên chưa có ai bắt được trai trên gái dưới. Nhưng mà khi người ta nói như thế có nghĩa là có đấy các cậu ạ. Cho nên hôm nay tôi gọi hai cậu lên đây, tôi giao cho hai cậu phải trinh sát thằng này, tìm hiểu xem việc làm ăn của nó ra làm sao, tại sao nó giàu như thế, nó dùng thủ đoạn nào để mua chuộc cán bộ, tha hóa cán bộ. Trước hết mình phải làm cho nó rõ để mình bảo vệ anh em mình. Nếu như không bảo vệ nó làm hư hỏng cán bộ thì chết. Các câụ thấy không, phấn đấu cả đời mới lên được chức nọ chức kia vậy mà chỉ vì mấy đồng bạc của nó rồi chỉ một phút buông thả tặc lưỡi. Thế là thôi, bao nhiêu công lao đổ xuống sông xuống bể. Chết sông chết biển chả chết, chết ở vũng trâu đằm. Cho nên các cậu phải làm với hai mục đích: Nếu như đúng nó là thằng doanh nhân chân chính thì mình phải bảo vệ nó thật tốt vì rõ ràng nó có đóng góp cho tỉnh mình. Còn nếu như nó có những thủ đoạn mua chuộc làm tha hóa cán bộ thì cũng phải làm cho rõ, để bảo vệ anh em mình. Tất nhiên việc này các cậu phải trinh sát thật khéo. Tôi nghe nói bây giờ vợ chồng nhà nó mặt giăng mặt giời với nhau, cho nên các cậu có thể tìm từ chỗ con Linh. Ở cái chỗ công ty thằng Trương nhà tôi có một thằng rất am hiểu về thằng này.
Quân nói:
- Dạ thưa anh! Ai ạ!
Ông Sâm:
- Tôi nghe thằng Trương nhà tôi nói, cái thằng nó rất hiểu về thằng Bình đó là thằng Hoàng, Đấy hôm nay tôi mời hai cậu đến đây là cái việc này. Nào, thêm ly nữa đi.
Ông Sâm nâng ly uống hết một hơi rượu rồi nói:
- Nhé, hôm nay không phải là chủ tịch tỉnh giao việc cho Phó giám đốc với Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế mà là công dân báo tội phạm với chính quyền. Như vậy có được không?
Cả Quân và Hường cười khà khà và nói:
- Anh cứ nói thế làm chúng em khó xử. Nhiệm vụ anh giao, chúng em sẽ làm. Anh cứ yên tâm, nếu như thằng này nó có thủ đoạn đấy thì chạy lên giời cũng không thoát được tay chúng em.
***
Tại một nhà hàng sang trọng, Thượng tá Quân ngồi với Trương và Hoàng cùng với hai gã mặt mũi nom như hai thằng cô hồn mà hôm nọ đã đến nhà Bình. Họ ngồi trong một phòng ăn nhỏ nhưng sang trọng và trên bàn bầy các món như tôm hùm, cá hấp…
Trương nâng ly nói với Quân:
- Em chúc ông anh sức khỏe
Quân cầm ly và cũng chúc mọi người:
- Chúc các cậu ăn nên làm ra.
(Xem tiếp kỳ sau)