Thế rồi sau cái lần đó, Bình thường xuyên nhận được tin nhắn của Linh - những tin nhắn hết sức tình cảm. Và rồi cái gì đến đã phải đến, Bình không thể thoát ra được khỏi tình cảm của một cô gái mà đến với mình một cách tự nguyện như thế.
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 22)
Từ khi Trung tâm sửa chữa ôtô - xe máy trại Ba được đầu tư mới thì số lượng khách mang xe tới sửa chữa ... |
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 21)
Bình đang băn khoăn suy nghĩ thì người con gái nhìn và hơi nheo mắt, khẽ lắc đầu, ra hiệu bảo đừng đồng ý. Nhìn ... |
Bình đang ngồi thì bỗng có một cô gái rất xinh đẹp đến bên cạnh và nói:
- Em chào anh. Em xin giới thiệu, em là Linh. Lúc nãy, khi em hát bài của Trịnh Công Sơn thấy anh nghe rất chăm chú. Em mong rằng sẽ có lúc em được hát lại cho anh nghe.
Những lời nói dịu dàng của Linh cùng với sắc đẹp của cô đã khiến Bình nao lòng.
Không ngần ngại, Bình bảo:
- Anh sẵn sàng đón em bất cứ lúc nào.
Dưới gầm bàn, Linh cầm bàn tay Bình và nói:
- Anh là đại gia, là giám đốc. Lúc này anh đang vui, anh nói thế, nhưng rồi liệu anh có giữ lời hứa không?
Linh cầm bàn tay Bình bóp nhẹ như dò hỏi.
Bình rút card visit ra, ký vào đó rồi nói:
- Em cứ đưa cái card visit có chữ ký của anh đây cho bất cứ nhân viên nào ở công ty anh thì họ đều phải tiếp đón em như một bà chủ.
Sau tối hôm ấy, ngày hôm sau, Linh đến thăm công ty của Bình. Bình đưa Linh đi thăm nom các cơ sở sản xuất, sửa chữa ở trong công ty và hào hứng khoe với Linh về những dự án trong tương lai. Bình đưa Linh vào phòng khách và chỉ cho Linh xem những tấm bản đồ quy hoạch vùng đất này, vùng đất khác. Linh lắng nghe với một con mắt tò mò rồi nói:
- Trời ạ, anh thế thì bây giờ giàu nhất Việt Nam rồi.
Bình lắc đầu và nói:
- Không đâu, tài sản của anh như thế này đã ăn thua gì.
Thế rồi Linh lại ỡm ờ hỏi Bình:
- Vậy anh có người quản lý chưa?
Bình thật thà bảo:
- Ối, quản lý của anh có cả một bộ máy. Kế toán trưởng này, thủ quỹ này, rồi cả hội đồng công ty. Không đi đâu được một xu nào.
Linh cười và bảo:
- Không. Ý em nói là quản lý con người anh ấy.
Bình hiểu ý của Linh và nói:
- Ừ, cái đấy thì anh chưa nghĩ đến.
Thế rồi sau cái lần đó, Bình thường xuyên nhận được tin nhắn của Linh - những tin nhắn hết sức tình cảm. Và rồi cái gì đến đã phải đến, Bình không thể thoát ra được khỏi tình cảm của một cô gái mà đến với mình một cách tự nguyện như thế.
***
Kể đến đấy, Bình cười buồn và bảo:
- Đúng là, đó là một cuộc hôn nhân cay đắng. Mà cũng phải thôi, một cậu thanh niên như anh, chẳng va vấp tình trường bao giờ mà lại vớ phải một cô sành sỏi, lọc lõi như vậy thì làm gì mà chả chết.
Thúy hỏi:
- Em có nghe nói rằng ngày xưa mẹ anh, gia đình và rất nhiều người phản đối chuyện anh lấy cái cô Linh đấy. Thế thì tại sao lại cứ đâm đầu vào?
Bình bảo:
- Thế mới nên chuyện.
Rồi câu chuyện lại được tái hiện bằng hình ảnh.
Một hôm, Bình đưa Linh về nhà giới thiệu với mẹ và các em. Lúc này thì gia đình nhà Bình đã rời quê lên khu ở mới của Bình. Bình đã xây được cho gia đình một ngôi nhà khang trang rộng rãi. Nhà được làm theo kiểu ngày xưa, có gian thờ ở giữa, có hoành phi câu đối. Và tất cả những vật dụng, kỷ vật của ông Thiếu ngày xưa để lại được chuyển từ dưới quê lên đặt trang trọng trong ngôi nhà. Hồi xây nhà Bình đã có ý định là làm thế nào đó để mẹ anh thấy quen thuộc với ngôi nhà đang ở dưới quê. Nói gì thì nói, chuyển một bà cụ đã sống cả cuộc đời ở một vùng quê có họ hàng, làng nước đi một nơi khác đâu có phải chuyện đơn giản. Phải mất hơn một năm giời, Bình mới chuyển được mẹ lên trên này.
Bình đưa Linh về nhà. Linh mặc rất rất thời trang. Nhưng quả thật, đối với người nông thôn, nhìn cách ăn mặc đấy thì họ không chịu nổi. Cái áo hai dây hở cả trước, cảã sau, váy thì ngắn cũn cỡn. Bình nhìn cũng còn thấy nhức mắt. Từ trên xe xuống, Bình cằn nhằn bảo:
- Sao em ăn mặc thế này? Mọi người cười cho đấy!
Linh bĩu môi:
- Cười cái gì? Em nói thật với anh, em là người mẫu, lại là ca sĩ hát hay nhất ở cái vùng này. Thiên hạ trông thấy em là phải lác mắt. Em muốn ăn mặc thế này đi với anh để cho mọi người thấy anh là người như thế nào.
Rồi Linh cười giả lả và nói:
- Phụ nữ đẹp là đồ trang sức của đàn ông đấy. Anh không biết à?
Quả nhiên, khi vào trong nhà, bà Ất vừa nhìn thấy đã lộ ánh mắt khó chịu. Câu đầu tiên Linh chào “Cháu chào bác ạ!” thì bà Ất đã đáp lại ngay “Dạ, không dám chào chị!”.
Cái câu “chào chị” của bà Ất nghe nặng nề, cách biệt làm sao. Linh hiểu ngay ý tứ trong câu nói đấy nhưng cô vẫn làm như không. Cô tiếp tục ra vẻ ân cần:
- Bác có khỏe không ạ?
Bà Ất:
- Dạ, cám ơn chị. Nhờ giời, tôi cũng được.
Thế rồi, các em của Bình đến nhìn. Ngân thì thở dài. Còn Tiền thì sán đến và bảo:
- Ôi, chị Linh mặc đẹp thế. Thế này mà ở Hà Nội thì đẹp lắm đây.
Linh nói:
- Ôi, chị mặc thế này đã ăn thua gì. Chị mà đi biểu diễn ở Hà Nội thì nó phải khác xa, còn ở nơi này mình phải giản dị em ạ.
Triệu thì vào ngó bà chị dâu tương lai một cái rồi lẳng lặng quay ra nói với Ngân:
- Ông Bình dở hơi. Lấy cái loại này thì khác gì lấy đĩ về làm vợ.
Ngân lườm em:
- Mày cứ nói linh tinh. Người ăn mặc như thế nhưng biết đâu đấy…
Triệu lẩm bẩm:
- Em trông cái mặt bà chị dâu này, rồi lại tan cửa nát nhà thôi.
Ngân nói:
- Ơ, thằng này hay nhỉ!
Bình đưa Linh đi xem nhà cửa, giới thiệu vườn tược.
Linh nói:
- Anh ạ, em thấy hình như mẹ và mấy cô em anh không có thiện cảm gì lắm với em. Bà cụ nói chuyện với em cứ lành lạnh.
Bình bảo:
- Ôi, bà mẹ chồng nào mà chả thế em. Vấn đề là bây giờ em phải làm thế nào để cho mẹ anh quý. Đấy mới là làm dâu chứ. Người ta bảo “dâu là con, rể là khách” mà.
Linh nói:
- Thế thì khó nhỉ. Em nói thật với anh em được chiều chuộng từ bé. Ở nhà nói thế thôi chứ bố mẹ em sợ em một phép.
Rồi Linh cười nói:
- Em là loại mà “con cái đặt đâu, cha mẹ ngồi đấy”.
Bình ngạc nhiên nhìn Linh:
- Sao lại có thể thế được?
Linh:
- Anh biết không, thời buổi này, người nào làm ra nhiều tiền, người đấy là chủ. Bố mẹ em ở nhà, làm không được nhiều tiền. Tất cả mọi chu cấp là em. Việc lớn, việc bé ở nhà là em. Thế thì em phải có quyền sai khiến chứ. Cái ông anh cả, mang danh là con trưởng, biết mỗi việc thắp hương, khấn vái. Mà rồi cũng chẳng biết mua đồ lễ cho tử tế cơ. Mỗi lần lễ bái, Thanh minh, rồi tết nhất các thứ, sắm đồ lễ là phải em. Tiền nong em cũng bỏ ra, còn ông ấy chỉ thắp hương. Ông ấy khấn vái toàn chữ nho, chữ Tàu như thế này: “Huynh đệ, tử tôn, cô di, tỉ muội”, rồi “phục duy thượng hưởng” em chẳng hiểu gì cả. Nhưng mà thôi, em thấy thế này, tốt nhất là, để cho nó bền. Nếu như mà chúng mình cưới nhau được thì anh xây một cái nhà, tách ra chỗ khác, mình ở riêng. Không nên ở chung. Em ngẫm thấy rồi, đối với mẹ chồng là vừa đủ gần để thăm nom những lúc bà trái gió trở trời và làm sao để “Xa vừa đủ nhớ, gần vừa để sai”.
Bình bảo:
- Anh là con trưởng, anh phải có trách nhiệm trông nom mẹ anh. Chẳng lẽ để cho chú Triệu à? Thế rồi còn hai cô nữa, các cô ấy cũng chuẩn bị lấy chồng rồi. Thế mà các cô ấy lấy chồng thì các cô phải về lo nhà chồng chứ.
Linh nói:
- Thì thế. Tốt nhất là anh để cái nhà đấy cho chú Triệu, chú ấy ở đấy, rồi chú ấy lấy vợ về, chú ấy trông nom mẹ. Còn anh ở tách ra một chỗ khác.
Bữa cơm hôm đó, em của Bình làm cơm khá sang. Có thịt gà luộc, có cá rán. Bữa cơm có đến bảy, tám món. Linh vào bữa cơm ăn và gảy gót cảnh giả. Bình nói:
- Em ăn các món này không hợp à?
Linh bảo:
- Dạ, không ạ. Em cũng ăn được. Nhưng mà bây giờ thịt gà, thịt lợn họ nuôi tăng trọng, ăn hôi lắm, em không nuốt được.
Bà Ất nói mát mẻ:
- Đúng đấy cháu ạ. Cho nên là, người mẫu như cháu, tốt nhất là, để có miếng ăn ngon thì mua lấy một khoảng đất, tự trồng rau nuôi gà lấy mà ăn cho sạch, cho ngon.
Linh nói ngay:
- Ôi, cháu cũng định thế lắm. Tất nhiên cháu thì chẳng thể nuôi gà, nuôi lợn được, nhưng mà, cháu sẽ thuê người làm.
***
Tối hôm ấy, ở nhà Bình có một cuộc họp gia đình. Bà Ất nói luôn:
- Anh Bình này, tôi là tôi không đồng ý cho anh lấy cái con bé người mẫu, người miếc đấy đâu nhé! Anh là con trưởng, anh phải lấy một đứa nó xứng đáng là chị dâu trưởng nhà này. Anh đưa cái con đấy về, tôi trông cái con đấy, thôi thì chả biết nó là người thành thị, thành thiếc thế nào, hay là tôi là bà già nông dân chân đất mắt toét, tôi không hiểu biết xã hội. Nhưng tôi nhìn cái con đấy tôi biết, nó là cái loại có học nhưng không có văn hóa đâu.
Bình tái mặt. Anh không dám cãi mẹ. Em trai Bình là Triệu lại đế thêm vào:
- Em nói thật với anh, trông cái mặt cái con ấy, biếu em cũng chả thèm. Mà chả hiểu tại sao anh lại yêu được nó.
Ngân gạt đi:
- Thôi, cái chuyện yêu đương khó nói lắm, nhân duyên mà. Biết đâu kiếp trước anh với chị ấy đã có nợ nần gì với nhau rồi thì sao. Bây giờ theo con thì như thế này, việc cưới vợ của anh Bình là quyền của anh ấy và là ý thích của anh ấy. Các cụ nói rồi “cứt ai vừa mũi người ấy”, có nói cũng chả được. Thôi, tốt nhất là thế này, anh đã quyết cưới thì anh cứ cưới. Nhưng mà theo em, không nên đưa chị ấy về đây ở.
Em gái thứ ba của Bình là Phạm Thị Thu Tiền cũng nói đế vào:
- Em cũng thấy không ở chung nhà này được đâu. Mà rồi em nói thật nhé, trông cái mặt đấy, anh lấy rồi khéo khổ. Người ấy chả giúp đỡ gì được anh đâu.
Bình ngồi nghe mà lặng hết cả người.
Nhưng lúc này thì đầu óc anh đã lú lẫn bởi nhan sắc và cái danh tiếng của Linh. Bình nhắm mắt lại và hình dung ra những tờ báo đưa ảnh hai người đi chơi với nhau, rồi những lời phát biểu hết sức hay ho của Linh. Nào là: “Nhiều người bảo kiếp trước tôi phải tu đến mấy đời nay mới quen được anh Bình”; rồi “Tôi thấy từ ngày tôi có tình yêu với anh Bình, tôi thấy cuộc đời tôi thay đổi hẳn. Ước mơ của tôi không phải là sau này thành ca sĩ, người mẫu ngôi sao nổi tiếng, mà tôi sẽ là người nội trợ đảm đang để cho anh Bình theo đuổi sự nghiệp kinh doanh phát triển của mình và đóng góp nhiều cho đất nước”…
Bình bảo:
- Thôi mẹ ạ. Con cũng biết là cái Linh thì không phải được như mẹ mong muốn. Nhưng thời buổi này cuộc sống nó khác rồi, đòi hỏi nó phải theo nề nếp các cụ thì khó lắm. Cho nên là, thôi việc này mẹ cứ để con lo. Vâng, các cô không muốn chị dâu các cô ở đây thì anh sẽ xây nhà để anh chị sống nơi khác, như thế là khỏi phải mất đoàn kết.
Cưới nhau xong mới được ba ngày. Một hôm, Bình đi công tác Hà Nội thì Linh xuống gặp Chung và nói với giọng trịch thượng:
- Cô Chung này. Cô là kế toán trưởng của anh Bình đúng không?
Chung lễ phép:
- Dạ vâng ạ. Em là kế toán trưởng.
Linh nói:
- Thế việc quản lý chi tiêu tiền nong ở cái công ty này là như thế nào?
Chung bắt đầu cảnh giác nói:
- Dạ thưa chị, ở đây toàn bộ công tác tài chính là do anh Bình chịu trách nhiệm. Anh Bình là Chủ tịch Hội đồng quản trị và kiêm Tổng giám đốc, đồng thời phụ trách trực tiếp công tác nhân sự và tài chính. Cho nên, tất cả những việc chi tiêu gì đều phải qua tay anh Bình duyệt hết.
Linh ngần ngừ một lúc rồi bảo:
- Thế thì Trưởng phòng Tài vụ ở đây thì làm cái gì?
Chung nói:
- Dạ thưa chị. Đúng là ở đây có trưởng phòng tài vụ thật nhưng chị lạ gì, ở các công ty tư nhân, trưởng phòng tài vụ nhiều khi cũng chỉ là làm theo lệnh của giám đốc thôi. Chứ còn không có lệnh của giám đốc thì một xu cũng không được chi ạ.
Linh nói:
- Cô có thể cho tôi xem sổ sách thu chi của anh Bình được không?
Chung nói:
- Dạ thưa chị. Sao chị lại xem ạ? Cái này thì không được đâu.
Linh cười nhạt và bảo:
- Ơ cô này hay nhỉ! Tôi là vợ anh ấy cơ mà. Chẳng lẽ vợ lại không có quyền được biết một chút gì về chi tiêu tài chính của chồng hay sao?
Chung lắc đầu và bảo:
- Chị thông cảm. Chúng em chỉ có bổn phận trình hồ sơ tài chính nếu như: một là, anh Bình ra lệnh; hai là, có lệnh của các cơ quan kiểm toán, tài chính, thanh tra cấp trên.
Linh ngồi gật gù, gõ tay lên bàn rồi bảo:
- A, cô này làm có nguyên tắc nhỉ! Thế cô làm cho anh Bình được mấy năm rồi?
Chung vẫn nhũn nhặn:
- Dạ, thưa chị. Em làm được ba năm rồi.
Linh nói:
- Ba năm. Thế bây giờ lương của cô được bao nhiêu?
Chung nói:
- Dạ, thưa chị. Lương của em được mười triệu một tháng ạ.
Linh cười và bảo:
- Ôi, cao thế! Cô chưa có gia đình thế thì tiêu làm sao cho hết được nhỉ? Mà cô lại ăn mặc giản dị thế này, lại cũng không son phấn, thế thì chắc tiền tiết kiệm để thừa ra được nhiều. Ờ mà kế toán trưởng thì bao giờ cũng lại có các khoản bổng lộc thêm nữa chứ!
Chung bắt đầu khó chịu:
- Chị nói thế là có ý gì ạ? Đúng là đồng lương của em cũng đủ để cho em sống dư dả, nhưng em còn gia đình, còn bố mẹ nữa. Hơn nữa, chị bảo bổng lộc, em làm kế toán trưởng ở đây thì có bổng lộc gì? Nếu là kế toán trưởng ở cơ quan nhà nước thì còn có thể có chuyện này, chuyện khác, chứ còn kế toán trưởng ở công ty này, chị bảo, tất cả mọi việc đều một tay anh Bình quyết, làm sao em có thể qua mặt anh ấy được.
Linh phá lên cười và nói:
- Thôi, cô không phải giải thích. Tôi lạ gì những cách làm ăn bây giờ của dân tài chính kế toán. Như tôi đây này, đi biểu diễn đây, được xã hội tung hô, nể trọng như thế, được đón rước như thế, nhưng mà rồi nhiều khi đi thanh toán tiền vẫn phải nộp cho tài vụ với thủ quỹ mới có tiền đấy. Chứ cô đừng tưởng là ký được hợp đồng biểu diễn mỗi một tối vài chục triệu rồi là có tiền đút túi ngay đâu. Thôi cái này tôi hỏi riêng cô, thế lương anh Bình một tháng được bao nhiêu?
Chung nói:
- Dạ đây, chị xem sổ lương đây thì biết. Cái sổ lương này là công khai cả công ty biết và chúng em đưa lên mạng.
Chung đưa tờ khai lương mới vừa mới phát lương cho nhân viên xong cho Linh. Linh xem và bảo:
- Ồ, lương Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc mà tháng lại có bốn mươi triệu bạc. Thế thì chi tiêu thế nào nhỉ?
Chung nói:
- Dạ, thưa chị. Tất nhiên anh ấy là giám đốc thì những khoản tiếp khách, rồi các chi tiêu đối ngoại thì nó cũng khác. Nói chung lương thì như thế nhưng thực chất anh ấy tiêu bao nhiêu trong tài khoản của anh ấy thì làm sao chúng em biết được.
Linh nghe xong rồi gật gù bảo:
- Thôi được rồi. Tôi cũng đang tính có lẽ tôi sẽ bỏ nghề rồi về công ty giúp anh ấy. Chứ ông Bình này nói thế thôi, chứ ông ấy thật thà lắm. Quản lý kinh tế chả biết gì. Ai nói gì cũng ừ, cũng gật. Tôi thấy nhiều khi ông ấy chi tiền cho người ta làm từ thiện, đi cho chỗ này, chỗ khác mà xót hết cả ruột.
Chung gật đầu và bảo:
- Dạ, đúng đấy chị ạ. Anh Bình nhiều khi cũng rộng rãi quá, nhất là trong làm từ thiện xã hội. Nhưng mà tính anh ấy thế rồi nên cũng khó.
Linh cười bảo:
- Khó gì cũng phải thay đổi. Đồng tiền liền khúc ruột. Mình đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có đồng tiền chứ có phải nhặt được ra đâu mà cứ tiêu vung lên.
(Xem tiếp kỳ sau)