Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 21)

Bình đang băn khoăn suy nghĩ thì người con gái nhìn và hơi nheo mắt, khẽ lắc đầu, ra hiệu bảo đừng đồng ý. Nhìn ánh mắt ấy, bỗng dưng trong Bình có một sự xao xuyến. Và quả thực, lúc đó, Bình cũng không bao giờ dám nghĩ rằng người con gái ấy sau này lại chính là vợ của mình.

dac biet nguy hiem ky 21 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 20)

Đêm hôm ấy, sau 7 năm nằm trong trại giam, lần đầu tiên Bình được ngủ trong một nơi gọi là gia đình, ông Can ...

dac biet nguy hiem ky 21 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 19)

Hôm đó, lâu lắm rồi Bình mới được ở gần mẹ. Cũng dễ đến hơn chục năm rồi Bình mới được ngồi ăn cơm cùng ...

Ông “à” lên một tiếng rồi bảo:

- Thôi chết rồi. Mày là thằng Bình. Hiện nay mày vẫn ở tù phải không?

Bình gật đầu và nói:

- Sao bác biết cháu?

Ông bảo:

- Tao nhớ rồi. Ngày xưa tao đã mang xe Peugeot city 102 đến đó cho mày sửa. Đúng rồi. Tao còn nhớ là đã có lần tao thưởng cho mày tiền.

Bình gãi đầu:

- Bác có trí nhớ tốt thật. Cháu thì không nhớ được.

Ông nói tiếp:

- Rồi sau này tao nghe nói mày đấm chết con Thủy Tiên vì nó chửi mẹ mày, rồi ra tòa mày bị kết án mười mấy năm. Thế bây giờ được ra tù rồi nhỉ?

Bình lắc đầu:

- Dạ không ạ. Cháu được trại giao cho đi Hà Nội để tìm hiểu hoạt động của các trung tâm rồi về mua sắm thiết bị.

Ông hỏi:

- À, được, được, hay đấy. Mày thấy không, người có nghề, có tài thì dù có vào tù cũng vẫn sống. Có gì quan trọng đâu. Mà như vậy mày còn ngồi mấy năm nữa?

Bình nói:

- Dạ, nếu như không có gì thay đổi thì cháu còn ngồi ba năm nữa.

Ông bảo:

- Ôi giời, ba năm, một cái chớp mắt, không có vấn đề gì.

Thế rồi ông lại hỏi:

- Nhưng mà trại đầu tư cho mày bao nhiêu tiền?

Bình:

- Cháu cũng chưa biết, nhưng mà, cháu sẽ phải đi tìm hiểu xem cần phải mua sắm những thiết bị gì rồi về lên kế hoạch đề xuất với họ.

Ông vui vẻ bảo:

- Bây giờ thế này, cửa hàng của bác chuyên sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ các loại xe, rồi bảo hành xe Honda, Yamaha. Nhưng mà bác cũng lại buôn bán, nhập khẩu cả các thiết bị sửa chữa. Đây, vào đây, vào đây.

Thế rồi, ông lôi Bình vào trong phòng của ông, đưa cho Bình xem ca-ta-lô về các loại máy móc, thiết bị dành cho một trung tâm sửa chữa xe. Ông gọi một cô nhân viên vào:

- Chung, mày làm cho anh đây một cái báo giá.

Người con gái tên là Chung trông rất mộc mạc, chất phác líu ríu đi vào và bảo:

- Dạ, làm báo giá như thế nào hả bác?

Ông nói:

- Mày làm báo giá thì cứ nâng giá lên bốn mươi phần trăm.

Quay sang Bình, ông bảo:

- Cái tờ báo giá này là nó tù mù lắm. Sở dĩ tao phải nâng giá lên bốn mươi phần trăm là vì thế này, tao biết là ở các cơ quan nhà nước, mua bán gì thì cũng phải có “mầu” cho cán bộ. Không có “mầu” cho người ta, còn lâu tài vụ, kế toán nó mới ký, mới duyệt. Nó chả hành, chả tỏi cho đủ mọi trò, mọi kiểu. Mà các ông giám thị công an hay ông nào thì cũng thế thôi. Khi ông ấy ký duyệt cho mày làm một cái dự án thì trong đầu các ông ấy đã nghĩ xem các ông có bao nhiêu tiền trong đó. Bây giờ với cái số thiết bị này, nếu như đầu tư hết bằng này tiền, đây, mày xem, tổng cộng hết độ khoảng một trăm ngàn đồng, thì các ông sẽ phải biết các ông ấy có bao nhiêu. Ít nhất, trong số này, các ông lãnh đạo phải có mười phần trăm, bọn kế toán cũng phải có ít nhất năm phần trăm, rồi còn bọn cấp đội, cấp phòng phía dưới nữa, nó cũng phải có vài ba phần trăm. Cứ tổng cộng cái tiền ấy lại là hết hai mươi phần trăm. Thế mày cũng phải có mười phần trăm nữa chứ. Công mày đi xem xét, mua sắm cơ mà. Còn lại mười phần trăm nữa là có cái để cho họ trừ. Mày hiểu chưa?

dac biet nguy hiem ky 21

Bình lắc đầu:

- Dạ, cháu hiểu. Nhưng mà làm cao như thế này, nếu mà các cán bộ điều tra ra rằng cháu khai thêm giá cả thì chết với các ông ấy.

Ông chủ cửa hàng cười khoái trí và bảo:

- A, thằng này ở trong tù lâu rồi, không biết ở ngoài cuộc sống xã hội nó ra làm sao. Mày cứ yên tâm đi, có tội vạ gì cứ đổ hết cho tao.

Bình đang băn khoăn suy nghĩ thì người con gái nhìn và hơi nheo mắt, khẽ lắc đầu, ra hiệu bảo đừng đồng ý. Nhìn ánh mắt ấy, bỗng dưng trong Bình có một sự xao xuyến. Và quả thực, lúc đó, Bình cũng không bao giờ dám nghĩ rằng người con gái ấy sau này lại chính là vợ của mình.

***

Bình dứt khoát không đồng ý và nói:

- Cháu đề nghị bác cứ cho cháu cái báo giá đúng. Có như vậy thì cháu về mới dễ ăn, dễ nói với họ. Còn nếu như sau này tài vụ, kế toán, họ xuống đây đàm phán giá cả với bác như thế nào, bác nâng hay giảm giá cho họ thế nào thì ấy là việc khác. Còn cháu không muốn để cho họ nghi ngờ cháu chút nào cả.

Ông chủ cửa hàng bảo:

- Thằng này được đấy. Có lẽ là thế này, mày cầm cái bản báo giá về. Tao cho mày thêm cả một bản kế hoạch xây dựng trung tâm sửa chữa xe máy ở đây về mà tham khảo. Nếu như mày thuyết phục được các ông ấy xuống mua thiết bị ở đây mang về lắp đặt trên đấy, thì dù giá cả lên xuống thế nào, mày cũng sẽ được bảy phần trăm. Chỗ bác cháu mình, tao cũng quý cái tay nghề của mày từ ngày xửa ngày xưa. Còn cứ để họ xuống đây họ đàm phán, tao khắc biết cách nói chuyện với họ.

Đến ngày thứ ba, Bình trở về trại giam và thuyết trình với các cán bộ ở trại về kế hoạch xây dựng trung tâm. Bình thuyết trình xong và tính toán rằng trung tâm ấy sẽ không bị lạc hậu ít nhất trong vòng năm năm nữa thì ban giám thị phấn khởi lắm. Rồi chỉ trong thời gian, trại giam đã làm tờ trình lên và được cấp trên duyệt đầu tư cho việc mở rộng trung tâm sửa chữa xe máy. Bình lại được cán bộ giao cho đi cùng với hai ông cán bộ tài chính nữa xuống Hà Nội để gặp ông chủ cửa hàng đàm phán giá cả. Nhưng lần này, Bình tế nhị không muốn đi. Bình nói với ông Can:

- Dạ, thưa chú. Việc đàm phán giá cả này cháu không biết. Cho nên, theo cháu, chú cứ để các anh ấy về, các anh ấy đàm phán làm sao. Thế rồi, nên về hỏi ở Bộ Công an nữa, các cán bộ ở Bộ sẽ biết giá cả đắt rẻ như thế nào. Cháu đi theo như thế không tiện.

Ông Can nhìn Bình gật đầu và bảo:

- Ý của mày cũng phải. Thôi, cứ để cho họ đi làm. Mình tốt nhất là không dính vào chuyện tiền nong. Chìa khóa tủ chú đưa cho mày rồi, không biết mày mở ra chưa bao giờ chưa, trong đó có khối tiền đấy.

Bình tò mò hỏi:

- Thế sao chú lại có nhiều tiền?

Ông Can bảo:

- Thì mày bảo, tao có tiêu gì đến tiền đâu. Lương được đồng nào, tao cứ cất vào đấy. Năm này qua năm khác, tháng này qua tháng khác. Ngoài ra, tao cũng có những khoản khác. Người này cho, người kia cho. Mà chú nói thật với mày, ở trại giam này, chẳng cần phải ăn của đút của ló. Mình cứ sống tử tế, mình cứ lo cho phạm nhân theo đúng cái đạo làm người, cái tâm của người quản giáo, thì khi người ta được ra tù, người ta cám ơn mình cũng đã khá rồi, chứ việc gì mà phải tìm cách bóp nặn. Tao làm quản giáo bao năm, nhưng tao nói thật với mày, chưa bao giờ tao bắt phạm nhân phải cống nạp cho tao cái gì cả. Có người ra trại, mang đến đây cám ơn tao cả tải khoai lang. Có người biếu con gà, con vịt. Có người lại biếu cả mấy cân sắn. Cái gì tao cũng nhận. Và cũng có người biếu tao tiền. Ừ thôi, thì người ta cám ơn, tao nhận, chứ tao không đòi hỏi cái gì cả. Mày bây giờ đang được các anh trên trại quý mến thì cố mà giữ gìn. Sang năm, có đợt đặc xá, tao sẽ xin cho.

Nghe ông Can nói thế, Bình mừng lắm. Và rồi các cán bộ tài chính đã đi về Hà Nội đàm phán với ông chủ mua thiết bị. Ít hôm sau, khi chở thiết bị lên, ông chủ cửa hàng cũng đi theo lên cùng để chỉ huy việc lắp đặt.

Trong lần ngồi ăn cơm với cán bộ trại giam, ông nói:

- Ở đây các anh có một thằng phạm nhân rất kỳ lạ. Đó là thằng Bình.

Ông giám thị hỏi:

- Anh bảo nó kỳ lạ cái gì?

Ông chủ cửa hàng nói:

- Tôi biết thằng Bình từ khi nó mới tập tọe chữa xe ở phố Khâm Thiên. Nó là thằng có năng khiếu đặc biệt về sửa chữa môtô, xe máy. Nó phát hiện ra nhiều căn bệnh mà không ai nghĩ ra được xe lại mắc cái bệnh đấy. Mà nó lại có hoa tay nữa. Nhưng thằng này có cái hay là nó chữa xe mà không bao giờ lợi dụng, bới thêm bệnh để tìm cách lấy tiền của khách. Làm thế nào để cho khách giảm tiền được là nó làm. Tôi nói thật với các anh, các anh đã có được một phạm nhân tay nghề giỏi và có đạo đức đấy.

Ông giám thị tò mò hỏi:

- Tốt là như thế nào?

Ông chủ cửa hàng:

- Tốt là như thế này. Khi nó về Hà Nội hỏi tôi giá cả thiết bị, tôi có nói với nó rằng tôi sẽ nâng giá tiền lên để cho nó một ít nhưng nó dứt khoát từ chối. Nó nói rằng cán bộ đã tin nó thì nó không thể làm thế được. Tôi rất quý những người như thế và tôi nói thực là tôi cám ơn các anh, bởi các anh đã dạy dỗ được một con người trở thành tử tế.

Rồi rút ra một phong bì, ông nói:

- Theo luật làm ăn thì thằng Bình nó dẫn khách đến cho chúng tôi, chúng tôi phải cho nó. Thì đây là số tiền mà chúng tôi cho nó, là bảy phần trăm. Tôi gửi các anh, các anh cho lại cháu hoặc các anh làm gì thì tùy.

Rồi ông lại lấy một phong bì nữa, đặt lên bàn:

- Còn đây là tôi xin cám ơn các anh ở trại đã hợp tác với chỗ chúng tôi, mua thiết bị của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng về sau, chúng tôi sẽ được hợp tác lâu dài với lại trại của chúng ta.

Cách xử lý hết sức sòng phẳng, thật thà và có tình của ông chủ cửa hàng khiến cho các cán bộ trại giam không thể từ chối. Chiều hôm ấy, Bình được gọi lên. Có ông Giám thị, một ông Phó giám thị, ông Can và cả cán bộ tài chính nữa. Ông Giám thị nói:

- Sáng hôm nay, ông Tuấn có gửi tiền cám ơn. Đây là số tiền ông Tuấn cám ơn cậu Bình. Về số tiền này, ý cậu Bình định xử lý thế nào?

Bình gãi đầu, gãi tai bảo:

- Dạ, thưa cán bộ. Cháu không biết cái tiền này. Nhưng cháu nghĩ rằng đây là tiền của trại, nếu ông ấy cho cháu, tức là cũng là tiền của trại, thì các cán bộ xử lý thế nào là tùy. Nhưng mà… tiền này cháu không dám nhận.

Ông Can gật đầu tươi tỉnh bảo:

- Thôi thế này. Tôi đề nghị số tiền này đem sung vào công quỹ nhưng ghi rõ đây là tiền thưởng của phạm nhân Bình. Còn các anh quyết định thưởng cho thằng Bình như thế nào thì đó là tùy các anh.

Bàn đi tính lại, cuối cùng, trại giam quyết định mua cho Bình một chiếc xe máy để Bình lấy làm phương tiện đi lại.

Việc đầu tư của trại cho Trung tâm sửa chữa xe quả là một nước cờ đi rất chính xác, bởi vì mấy tháng sau đó, một loạt các khu công nghiệp mọc lên như nấm và trung tâm lúc đó trở thành một nơi sửa chữa ôtô, xe máy tốt nhất ở tỉnh này. Xe vào nhiều, chữa không xuể. Số lượng công nhân tăng thêm, thậm chí, trại còn phải tuyển thêm công nhân ở ngoài. Còn Bình, từ vị trí một phạm nhân, bây giờ, Bình đã trở thành gần như vào điều hành công tác của Trung tâm. Bình chỉ mong ngóng đến ngày, đến giờ được ra trại. Và với cái chức vụ gọi là phụ trách kỹ thuật ở trung tâm sửa chữa thì ngoài chuyện được trại nuôi ăn, nuôi ở như tiêu chuẩn phạm nhân thì Bình còn được thưởng hàng tháng. Số tiền ấy, Bình gom góp lại, một phần gửi về cho mẹ ở quê.

Cũng từ ngày Bình ra trung tâm thì mẹ và em gái Thu Tiền hay lên thăm Bình hơn và khỏi phải nói, bà như trẻ ra khi thấy con trai được ở như vậy. Một lần, khi lên thăm, trong bữa cơm, bà Ất bảo con trai:

- Bình ạ, mẹ nghe bác Can nói là tầm này sang năm con sẽ được ra trại. Cố mà giữ gìn con nhé!

Bình đáp:

- Vâng, chắc là sang năm con ra thôi. Đủ niên hạn rồi. Con đang định sẽ về Hà Nội tìm thuê một cửa hàng để mở cửa hàng sửa chữa xe máy chứ về quê thì…

Bà Ất nói:

- Bây giờ thì mày về quê cũng không được nữa. Quê mình bây giờ chán lắm, tan nát hết cả. Cả làng rặt những bọn nghiện, bọn nhiễm HIV. Nó đi đào đãi vàng các nơi về, tiền của ở đâu chả thấy nhưng toàn rước bệnh, rước tật về. Con gà, con chó cũng bị mất trộm, thậm chí đến cái quần của phụ nữ phơi ở dây bọn nghiện cũng lấy. Mày mà về đấy cũng không được, rồi chúng nó lại rủ rê, kéo vào con đường hư hỏng mất thôi. Mẹ thấy mày ở đây được các cán bộ quý mến thì theo mẹ, sau khi ra tù, mày xin ở lại trại đây mà làm việc, rồi trở thành công nhân, rồi thành cán bộ. Mà bây giờ mày cũng là cán bộ rồi còn gì?

Nghe mẹ nói mà Bình thấy trước mắt mình như mở ra một hướng đi mới.

Bình bảo:

- Ô, ý của mẹ hay thật.

Nhưng nghĩ thêm một lúc, Bình lại bảo tiếp:

- Thế nếu như bây giờ con ở đây mà con xây được nhà cửa tử tế, thì mẹ có lên đây ở với con không?

Bà Ất đáp:

- Các em mày bây giờ phương trưởng, nó đi hết rồi. Thôi thì, con ở đâu, cha mẹ theo đấy. Mày ở đây thì mẹ lại lên đây với mày.

Em gái Thu Tiền góp lời:

- Đúng rồi, anh cứ ở đây. Về làm cái gì. Còn cái nhà đấy, rồi sau này sẽ tính. Nhưng mà… về đấy bây giờ không ở được nữa đâu anh ạ.

Câu chuyện mới dừng lại ở đó thì cũng chiều hôm đó, ông Can ở trong trại ra. Ông ngồi nói chuyện với bà Ất rồi gọi Bình vào:

- Thằng Bình lại đây tao bảo.

Ông nói:

- Bây giờ thế này nhé. Chú vừa nói với mẹ cháu rồi. Sang năm, cháu ra tù, thì thôi, đừng về quê nữa, ở luôn đây. Mày phụ trách cái trung tâm sửa chữa này là được rồi, coi như cũng có công ăn việc làm tử tế. Mà rồi tới đây, trại giam sẽ chuyển đi chỗ khác, đi xa hơn. Thế còn đây là khu vực thành phố. Mà nghe nói sẽ có một tập đoàn nước ngoài về đây đầu tư lớn lắm. Cho nên là mày phải ở đây. Thế còn bước đầu chưa có nhà, có cửa gì, thì đây, cả cái lô đất này của chú là năm nghìn mét vuông, tao cắt cho mày một nghìn mét vuông ở trong góc. Mày xây nhà, xây cửa, mày muốn làm gì thì làm.

Lúc này Bình thấy cuộc đời như được bước sang một trang khác.

Bình chỉ biết nói với ông Can rằng:

- Dạ, mẹ con nhà cháu cám ơn chú.

Ông nhăn mặt bảo:

- Cám ơn, cám huệ gì. Mày còn có trách nhiệm nặng nề nữa đấy!

Bình ngạc nhiên:

- Thưa chú, trách nhiệm gì ạ?

Ông cười hì hì và bảo:

- Trách nhiệm chôn tao.

Nói đến đây rồi tự dưng nét mặt ông Can buồn hẳn đi. Ông nói với bà Ất như người em nói với chị:

- Chị ạ, tôi không con không cháu. Mà người tôi nhiễm chất độc da cam nặng lắm. Cái sống, cái chết với tôi nó cũng không biết thế nào. Mà tôi nghĩ mình sống đến giờ là đã lãi lắm rồi. Bao nhiêu đồng đội tôi đầu xanh tuổi trẻ vẫn còn đang vùi thân xác ở Trường Sơn kia. Tôi được như thế này đã là phúc đức tổ tiên, ông bà để lại nhiều lắm. Tôi không mong gì hơn. Tôi cũng chỉ vài ba năm nữa là về hưu, nên tôi muốn thằng cháu Bình ở đây với tôi. Đấy, tôi nói là cho nó một nghìn mét vuông đất là tôi nói thế thôi, để cho nó khỏi băn khoăn suy nghĩ, chứ thực ra là tôi muốn giao cho nó tất cả cái cơ nghiệp này.

Rồi ông nói tiếp:

- Mà cơ nghiệp này có cái gì đâu, mỗi năm nghìn mét vuông đất với lại cái nhà như thế này. Còn trung tâm thì là của trại rồi.

Việc ông Can nói cho Bình một nghìn mét vuông đất lúc đầu Bình cứ tưởng ông nói cho vui. Nhưng rồi hóa ra đó là chuyện thật bởi mấy hôm sau ông gọi người đến cắm mốc, đo đạc, rồi thuê thợ xây một bức tường bao quanh khu đất mà ông bảo ông cho Bình. Ông dẫn Bình ra khu đất đấy và nói:

- Chỗ đất này, sau này làm gì thì làm. Vừa làm nhà, nhưng phải có mảnh đất trồng rau, trồng cỏ, rồi phải có một cái chuồng nuôi gà, nuôi lợn.

Bình bảo:

- Dạ, một nghìn mét vuông như thế này thì thoải mái chú ạ.

Ông lắc đầu, cười bảo:

- Không thoải mái đâu, nhưng phải trồng được cái rau mà ăn, chứ không phải cái gì cũng một chốc là chạy ra chợ được. Hơn nữa, trồng được rau ăn, nuôi được con gà, con lợn cũng là một thú vui đấy. Bây giờ thì chúng mày chưa hiểu được điều đấy đâu, rồi sau này khắc biết.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong / Tiểu thuyết Đặc biệt nguy hiểm - NXB Công an nhân dân