Buổi sáng, tại nhà Bình. Bình, Thúy và Chung cùng ngồi ăn sáng. Cháu Quốc An và Quốc Trung đã được các chú xe ôm đến đón đi học.
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 138)
Trương vào nhà. Nhìn thấy ông Thiều, Thượng tá Trung và một số người lạ mặt ở đấy, Trương hiểu ngay ra sự tình. |
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 137)
Thượng tá Trung mở băng video quay lại buổi hỏi cung cho Đại tá Thiều và một số cán bộ trong Ban Chuyên án xem. |
Sáng sớm hôm sau, Phạm Bình đến cổng trại giam công an tỉnh.
Anh cảnh sát bảo vệ hỏi:
- Anh đi đâu sớm thế?
Bình nói:
- Anh làm ơn vào báo với giám thị, tôi là Phạm Bình, người đã cưa chấn song vượt trại giam hồi trước xin đến đầu thú.
***
Buổi sáng, tại nhà Bình.
Bình, Thúy và Chung cùng ngồi ăn sáng. Cháu Quốc An và Quốc Trung đã được các chú xe ôm đến đón đi học.
Chung nhìn Bình, tủm tỉm cười và bảo:
- Em thấy công ty xe ôm của anh hay thật.
Bình nói:
- Công ty gì của anh. Anh có làm xe ôm đâu. Đấy là công ty của các chú ấy làm.
Chung bảo:
- Thì cũng là của anh còn gì nữa?
Thúy nói với Chung:
- Chung à, vợ chồng mình phải sinh thêm một cô con gái nữa thôi.
Chung nói:
- Em cũng thích con gái lắm, nhưng mà nếu lại ra một thằng cu nữa thì… Người ta bảo “Tam nam bất phú”.
Bình xua tay:
- Em chẳng hiểu về câu ấy đâu. Câu ấy không phải là nhà có ba con trai thì nghèo, nhà có bốn con gái thì là giàu. Nghĩa của nó khác cơ.
Thúy ngạc nhiên hỏi:
- Thế nghĩa của nó là thế nào?
Bình giảng giải:
- À, ngày xưa các cụ nhà ta là có tư tưởng trọng nam, khinh nữ. “Tam nam bất phú” có nghĩa bóng rằng, nhà có ba con trai không có nghĩa là đã là giàu có. “Tứ nữ bất bần” nghĩa là nhà có nhiều con gái thì không có nghĩa là sẽ nghèo. Câu này có ý nghĩa là đả phá tư tưởng trọng nam khinh nữ.
Chung “à” lên một tiếng, rồi nói:
- Thế thì phải đẻ thêm đứa nữa thôi. Nhưng sang năm không tốt. Em muốn đẻ vào năm rồng.
Bình nhăn mặt:
- Trời ạ, bây giờ đến sinh con mà cũng phải xem năm, tháng, ngày, giờ... Việc sinh đẻ là quy luật tự nhiên. Mình sinh được con thì mình cứ sinh, còn nó nên người hay không thì do gia đình, do xã hội dạy dỗ. Chứ còn nếu cứ chọn ngày, giờ tốt mà đẻ thì đứa nào cũng lên làm vua hết.
Chung xua tay:
- Thôi, không cãi lý với anh nữa. Anh là người cứ nghe tiếng là đọc kinh Phật nhiều, anh am hiểu Phật pháp, nhưng anh cũng là người không coi thần thánh ra gì cả.
Bình bật cười và bảo:
- Không. Anh kính trọng thần thánh lắm. Nhưng mà “kính nhi viễn chi”. Với các bậc thần thánh thì mình cứ giữ thái độ kính nhường, nhưng mà xa lánh ra, chớ có gần gũi.
Chung ăn xong, đứng dậy và nói:
- Thôi, em đi đây. Hôm nay em đi cùng với Hội Phụ nữ tỉnh thăm một số Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Bình hỏi:
- Thế em đi thì mang gì đi?
Chung ngạc nhiên hỏi:
- Ơ, anh hay nhỉ. Hôm nọ, chính anh đã nói với em rằng chuyển cho Hội Phụ nữ ba trăm triệu để ủng hộ các mẹ và cho trường học. Em đã giao hết cho Hội rồi. Bây giờ Hội làm thế nào thì làm sao em biết được.
Bình gật gù:
- Ừ.
Chung đi rồi.
Còn lại hai người, Thúy hỏi:
- Hôm qua anh kể đến đoạn anh đi đầu thú ở trại giam. Em muốn hỏi anh, lúc anh quay lại trại giam, tâm trạng của anh thế nào?
Bình “à” lên, rồi nói:
- Một câu hỏi thật hay.
Nhưng Bình chưa kịp trả lời thì có chuông gọi cửa.
Người giúp việc chạy ra mở cổng ngoài.
Quyến dắt một đứa bé chừng ba tuổi vào.
Bình trông thấy Quyến thì reo lên vui vẻ:
- Ơ, thằng Quyến. Lâu rồi mới lại thấy chú.
Quyến bảo con gái:
- Con chào bác đi.
Cháu bé mới hơn ba tuổi khoanh tay lại:
- Cháu chào bác ạ.
Bình hỏi:
- Thế mẹ nó đâu?
Quyến nói:
- Dạ, nhà em ở nhà trông cửa hàng. Hôm nay, em mang cháu lên đây là để mời anh Chủ nhật này, em làm giỗ cho bố em. Em mời anh đến ăn cơm với gia đình em.
Bình nói:
- Nhất trí. Anh sẽ đến. Chú làm giỗ buổi sáng hay chiều?
Quyến nói:
- Dạ, em làm buổi sáng ạ.
Bình nói:
- Anh sẽ đến. Nhưng mà này, anh dạo này lắm việc nên hay quên. Tốt nhất là đến sáng sớm hôm đấy, chú điện thoại nhắc anh một câu nhé. Dạo này công việc làm ăn của chú thế nào?
Quyến:
- Dạ, cũng tốt anh ạ. Nhờ số tiền anh đầu tư, em mở được cửa hàng bán xe máy. Nói chung là cũng được.
Bình nói:
- Ừ. Nhớ tích cóp đấy. Các cụ dạy: “Tiểu phú do cần. Đại phú do thiên”. Muốn giàu có thì do trời, còn muốn no đủ thì chịu khó tích cóp làm ăn đấy nhé, lỡ anh có làm sao thì chú còn có mà nuôi anh.
Quyến bật cười và nói:
- Anh cứ dại mồm. Làm gì còn chuyện ấy nữa.
Bình quay sang hỏi cháu:
- Thế cháu đi mẫu giáo chưa?
Cháu bé lại khoanh tay, nói:
- Dạ, cháu đi mẫu giáo rồi ạ.
Bình vui hẳn lên và nói:
- Thế cháu biết bài hát nào, hát cho bác nghe.
Cháu bé ngượng ngùng cúi đầu và tự nhiên bật lên:
- Cháu hát không hay.
Bình nói:
- Cháu cứ hát đi. Chắc chắn là hay.
Con bé quay sang hỏi bố:
- Bố ơi, hát bài gì?
Quyến vui vẻ bảo con:
- Con hát cho bác nghe bài gì nhỉ?... Bài “Chị ong nâu” ấy.
Cháu bé đứng lên và hát.
Quyến nhìn Thúy và nói:
- Em trông chị dạo này trẻ ra đấy.
Thúy gõ vào đầu Quyến và nói:
- Tốt nhất là cậu đừng nên nói những lời đãi bôi ấy. Chị bây giờ chẳng tin những lời cánh con trai các cậu khen.
Quyến bật cười và bảo:
- Người ta bảo phụ nữ ai chẳng thích khen đẹp.
Quyến quay sang hỏi Bình:
- Anh ạ, em nghe nói thằng Toán dạo này gay rồi.
Bình hỏi:
- Gay làm sao?
Quyến nói:
- Em nghe thông tin chúng nó vào TP HCM buôn bán làm ăn gì đó, bị bọn giang hồ đánh dằn mặt. Dập lá lách, gãy mấy xương sườn. Bây giờ sức khỏe tàn tạ lắm.
Bình giật mình hỏi:
- Thế bây giờ nó ở đâu?
- Chỉ nghe nói nó ở trong TP HCM, đang sống nhờ ở nhà một người bà con. Hằng ngày nó ngồi bán vé số.
Bình trầm tư, rồi hỏi:
- Thế chú có biết gia đình nhà nó ngoài này thế nào không?
Quyến thở dài và nói:
- Cũng khổ lắm anh ạ. Hồi ấy, sau khi ra tù, anh giúp cho ít vốn liếng. Em nhớ rằng, anh có bảo nó về công ty làm nhưng nó lại bảo nó muốn vào trong TP HCM để làm ăn hơn. Số tiền anh cho nó làm vốn nhưng hết sạch rồi.
Bình thở dài nói:
- Anh giao cho chú nhiệm vụ tìm cho ra thằng Toán và đưa nó về đây cho anh.
Quyến nói:
- Dạ, vâng ạ. Mấy hôm nữa em sẽ đi vào TP HCM tìm nó. Nhưng em sợ nó không về đâu.
Bình nói:
- Tại sao lại sợ? Nguyên do gì? Cứ đưa nó về đây xem sức khỏe thế nào. Nếu có gì thì tao nuôi nó, chứ có sao đâu.
Quyến nói:
- Vâng. Mấy hôm nữa em sẽ đi tìm nó về.
(Xem tiếp kỳ sau)