Việc dừng thi công một số dự án do bệnh dịch COVID-19 được xem là một trong những lý do khiến tốc độ giải ngân vốn đầu tư công của Đà Nẵng không đạt như kỳ vọng. Trước thực trạng này, UBND TP.Đà Nẵng đã giao các quận, huyện quyết định việc cho phép thi công các công trình, dự án (không phân biệt nguồn vốn). Thế nhưng, việc triển khai dự án, đặc biệt dự án đầu tư công tại một số địa phương đến nay còn chậm trễ, không đạt được như kế hoạch đặt ra.
Chưa tận dụng tốt thời cơ
Ngày 18.8, Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ giao Chủ tịch UBND các quận, huyện xem xét, quyết định việc cho phép thi công tại các công trình, dự án trên địa bàn quận, huyện quản lý (không phân biệt nguồn vốn).Trong quá trình hoạt động, Đà Nẵng lưu ý các chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án cần nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng điều kiện thực tế, lập kế hoạch thi công đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, chủ động báo cáo với UBND các quận, huyện xem xét quyết định việc cho phép thi công tại các công trình, dự án có sử dụng thiết bị, máy móc là chủ yếu…
Ngay khi thành phố Đà Nẵng có chủ trương trên, trên cơ sở đề xuất của chủ đầu tư, nhiều địa phương đã chủ động rà soát để một số dự án sớm thi công trở lại như tại dự án cải thiện môi trường nước phía đông quận Sơn Trà, dự án đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan, tuyến đường vành đai phía Tây đoạn từ QL 14B đến đường Hồ Chí Minh; dự án nâng cấp, cải tạo đường ĐT 601…
Tuy vậy, hiện còn một số dự án trọng điểm nằm giữa trung tâm TP.Đà Nẵng chưa được triển khai như Dự án Cải tạo nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý.
Ông Trần Văn Tứ (56 tuổi, quận Hải Châu) cho rằng, các công trình trọng điểm ở trung tâm thành phố Đà Nẵng bình thường gây ùn tắc giao thông, thế nên trong thời điểm giãn cách xã hội, bên cạnh việc đảm bảo các quy định phòng chống dịch, thì việc triển khai đầu tư sẽ tạo công ăn việc làm cho công nhân, rút ngắn thời gian thi công cũng như hạn chế tình trạng ùn tắc như ngày thường.
Vẫn đang cân nhắc?
Cũng có ý kiến của người dân cho rằng, sở dĩ có việc chậm triển khai các dự án trọng điểm là bởi UBND TP.Đà Nẵng giao quyền quyết định cho phép thi công tại các công trình, dự án về tay các quận huyện dựa trên tính cấp bách của công trình và các quy định về phòng chống dịch. Thế nhưng ở thời điểm dịch COVID-19 còn phức tạp, nhiều địa phương và cả chủ đầu tư vẫn tỏ ra lúng túng, thiếu quyết đoán bởi lo ngại rủi ro có thể xảy ra bởi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hoàng - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng, dù UBND TP.Đà Nẵng đã có chủ trương về việc tái khởi động lại các dự án công trình trọng điểm thế nhưng Dự án Cải tạo nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý chưa thể đi vào hoạt động trở lại. Theo ông Hoàng, đơn vị vẫn đang rà soát, cân nhắc vì dự án này nằm ở khu vực trung tâm nên các rủi ro về dịch bệnh khá cao.
Không chỉ riêng dự án trên mà từ khi Đà Nẵng có chủ trương khởi động lại công trình trọng điểm đến nay đã 6 ngày thế nhưng đến nay trên địa bàn quận Hải Châu, việc triển khai chủ trương của TP.Đà Nẵng vẫn chưa đạt như kỳ vọng.
Ông Nguyễn Minh Huy - Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu thừa nhận, trên địa bàn quận mới chỉ có một dự án được phép triển khai thi công trở lại.
Trước đó, quận Hải Châu đã giao cho Quy tắc đô thị tiếp nhận hồ sơ, tham mưu kiểm tra, rà soát các quy định về an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19 trước khi có phép một số dự án thi công trở lại. Đến nay đã mới có 8 chủ đầu tư gửi hồ sơ để xét duyệt.
Hiện tại, tình hình dịch đang kiểm soát thế nên UBND TP.Đà Nẵng một mặt chuẩn bị sẵn sàng các thủ tục đầu tư, thanh quyết toán cũng như các giải pháp tăng cường thi công, gỡ vướng mặt bằng… đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ở mức cao nhất, mặt khác, do bị tác động trực tiếp từ dịch COVID-19 nên Đà Nẵng vừa qua kiến nghị Thủ tướng được kéo dài thời hạn thực hiện giải ngân đầu tư công so với quy định. Tình trạng một số dự án trọng điểm đến nay vẫn còn “đóng băng” sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải ngân vốn đầu tư công của thành phố trong những tháng cuối năm 2020.
Theo báo cáo của UBND TP.Đà Nẵng, dù địa phương được bố trí hơn 12,3 nghìn tỉ đồng vốn đầu tư công thế nhưng đến nay chỉ mới giải ngân được hơn 3,7 nghìn tỉ đồng (đạt 49% kế hoạch trung ương giao và 30,3% thành phố giao).
Theo báo cáo của UBND TP.Đà Nẵng, dù địa phương được bố trí hơn 12,3 nghìn tỉ đồng vốn đầu tư công thế nhưng đến nay chỉ mới giải ngân được hơn 3,7 nghìn tỉ đồng (đạt 49% kế hoạch trung ương giao và 30,3% thành phố giao).
Hữu Long
Đà Nẵng: Hầm chui 118 tỉ đồng bị ngấm nước sau 4 tháng thông xe |
Năm công trình trọng điểm kỳ vọng giảm ùn tắc cho TP HCM năm 2018 |
Hà Nội điều chỉnh bổ sung danh mục 55 công trình trọng điểm |