Mặt cầu Thuận Phước tiếp tục hư hỏng, buộc Đà Nẵng phải chi hơn 4 tỷ đồng để sửa chữa, cấm xe tải trên 1 tấn đi qua cây cầu có trọng tải thiết kế 13 tấn này.
Ngày 21/10, theo ghi nhận của phóng viên, Ban Quản lý dự án (QLDA) Xây dựng và Bảo trì hạ tầng giao thông Đà Nẵng và đơn vị thi công lại sửa chữa, bảo trì 2 làn biên chính mặt cầu Thuận Phước.
Toàn bộ lớp phủ mặt cầu được cào bóc. |
Hai đầu cầu cũng được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Đà Nẵng cho lắp biển báo cấm ô tô tải có tải trọng trên 1 tấn.
Theo Ban QLDA Xây dựng và Bảo trì hạ tầng giao thông Đà Nẵng, bề mặt nhịp chính cầu Thuận Phước có kết cấu đặc biệt là lớp phủ bê tông nhựa trên dầm hộp thép. Do đó, giải pháp thi công lần này có sự kết hợp kỹ thuật mới nhằm tăng khả năng hoạt động của bê-tông nhựa trên dầm hộp thép.
Công nhân mài vệ sinh mặt dầm sắt của cầu. |
GIải pháp trên được Sở GTVT, Ban QLDA Xây dựng và Bảo trì hạ tầng giao thông cùng các đơn vị liên quan thử nghiệm trước đó, cho kết quả rất tốt.
Kinh phí sửa chữa mặt cầu Thuận Phước lần này là khoảng 4,1 tỷ đồng, lấy từ nguồn vốn sự nghiệp giao thông năm 2019. Hiện đơn vị thi công hoàn thành xong việc sửa chữa làn biên hạ lưu và đang tiếp tục công việc ở làn biên phía thượng lưu, dự kiến hoàn thành trong tháng 10.
Sau khi mặt dầm thép được vệ sinh, đơn vị thi công hàn neo thép D8 cách khoảng 50cm/neo. |
Cách đây 6 năm, mặt cầu Thuận Phước được sữa chữa 2 làn giữa. Năm 2018, mặt cầu tiếp tục xuống cấp và phải sửa chữa.
Cầu Thuận Phước được thiết kế theo mô hình cầu treo dây võng với 3 nhịp liên tục có khẩu độ lớn nhất Việt Nam (405m), rộng 18m, dành cho 4 làn xe. Cầu có 2 trụ tháp cao 80m tính từ đỉnh bệ cọc.
Dự kiến việc sửa chữa mặt cầu Thuận Phước được hoàn thành trong tháng 10. |
Với chiều dài 1.856m, Thuận Phước là cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam đến thời điểm hiện tại. Công trình nối liền cảng Tiên Sa và đường Nguyễn Tất Thành đến hầm Hải Vân này được khởi công năm 2003, khánh thành năm 2009, tổng vốn xây dựng khoảng 1.000 tỷ đồng.
Theo thiết kế ban đầu, cầu có tải trọng 13 tấn, được xây dựng nhằm lưu thông hàng hóa từ cảng Tiên Sa đi các tỉnh phía Bắc, giảm áp lực giao thông qua cầu Sông Hàn và phục vụ du lịch.
Theo thiết kế, cầu Thuận Phước có tải trọng 13 tấn, nhưng xe tải trên 1 tấn bị cấm qua cầu. |
Tuy nhiên từ năm 2013, Sở GTVT tải Đà Nẵng đặt trạm gác ở 2 đầu cầu, treo biển cấm các loại xe tải trọng tải từ 1,5 tấn trở lên. Mới đây, ngày 27/9, thành phố tiếp tục cấm xe tải tải trọng trên 1 tấn qua cầu.
Theo lý giải của Sở GTVT, cầu Thuận Phước là điểm nhấn của thành phố, thu hút khách du lịch nên để đảm bảo trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị, sở đề xuất điều chỉnh như trên và được UBND thành phố chấp thuận.
Phương án kỹ thuật vá cầu Thuận Phước lần này
Sau khi cào bóc toàn bộ lớp phủ mặt cầu Thuận Phước trong phạm vi hư hỏng, vệ sinh sạch sẽ mặt cầu, công nhân sẽ hoàn trả với kết cấu gồm: Hàn neo thép D8 cách khoảng 50cm/neo, lưới thép mạ kẽm ô lục giác, mắt lưới D63, Tưới nhựa polime PMB-III liều lượng 0,8kg/m2, bê tông nhựa chặt polime PMB-III 12,5 cốt sợi thủy tinh dày 4cm, tưới dính bám nhựa polime PMB-III, trải lưới sợi thủy tinh cường độ 100KN và lớp trên cùng là bê tông nhựa polime PMB-III 12,5 cốt sợi thủy tinh dày 4cm.
Xuân Tiến
Cận cảnh ‘tấm áo vá’ trên mặt đường cầu dây võng lớn nhất Việt Nam
Sau gần 1 thập kỷ đưa vào sử dụng, mặt đường trên cây cầu dây võng lớn nhất Việt Nam đã bộc lộ sự xuống ... |