Khẳng định vẫn phối hợp với bên cấp nước, song bên thủy điện cho biết hồ đã không còn nước, có thời điểm phải phát dưới mực nước chết.
Liên quan đến việc Đà Nẵng "xin" nước thủy điện để đẩy mặn và giải quyết nước sinh hoạt cho người dân, ngày 13/9, ông Ngô Xuân Thế, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương cho biết, công ty vẫn chưa nhận được văn bản của phía TP Đà Nẵng nhưng Thủy điện A Vương đã phối hợp tốt với nhà máy cấp nước Đà Nẵng từ cách đây 3 tuần.
Theo lời ông Ngô Xuân Thế, phía Thủy điện A Vương và lãnh đạo Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng thường xuyên liên lạc trực tiếp để phối hợp cấp nước rất tốt. Tuy nhiên, các hồ trên lưu vực theo chế độ vận hành điều tiết hàng năm, trước mùa mưa thì đã dùng hết thể tích nước dự trữ trong hồ, đến thời gian mùa mưa từ đầu tháng 9 đến nay thì lưu lượng thấp nên rất khó khăn.
"Chúng tôi đã chủ động phối hợp với nhà máy nước Cầu Đỏ tăng lượng nước xả bằng cách phát dưới mực nước chết. Việc này có nhiều điều kiện kỹ thuật khắt khe nhưng chúng tôi vẫn đang làm như vậy.
Thực ra Thủy điện A Vương và Công ty Cấp nước Đà Nẵng vẫn liên lạc, tôi đã thông báo với bên cấp nước rằng hồ chứa đến cuối mùa rồi nên nước ít, chúng tôi sẽ phối hợp thế nào đó cho tốt nhất.
Còn thời điểm này nước không còn, đã ở mức nước chết rồi. Có thời điểm chúng tôi phát dưới mực nước chết cả nửa mét, dù điều kiện kỹ thuật rất khó khăn, dễ gây hư máy nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận", Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương chia sẻ.
Hạ du các con sông ở Quảng Nam trơ đấy vì thủy điện tích nước. Ảnh: Dân Việt
Tình trạng Đà Nẵng bị nhiễm mặn vào cuối vụ hè thu đã diễn ra phổ biến từ 2010. Đến hẹn, Đà Nẵng lại phải đi "xin nước" từ thuỷ điện để đẩy mặn và có nước sạch cung cấp cho người dân.
Báo cáo của Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng cho hay, do thời tiết nắng nóng kéo dài cộng với lượng nước thượng nguồn về ít dẫn đến tình trạng nguồn nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn, ảnh hưởng đến tình hình cấp nước cho thành phố.
Từ ngày 31/8 đến nay, nguồn nước thô tại cửa thu nhà máy nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn, độ mặn thường xuyên dao động ở mức 260 - 2000 mg/l. Để đảm bảo nguồn nước thô cho nhà máy nước Cầu Đỏ, sân bay, công ty phải kết hợp lấy nước tại cửa thu Cầu Đỏ và bơm nước thô từ Trạm bơm phòng mặn An Trạch.
Tuy nhiên, công suất tại đây chỉ đáp ứng được 70% công suất cấp nước hiện nay, dẫn đến tình trạng không đủ lượng nước thô để xử lý, lượng nước sạch dẫn đến khu vực cuối nguồn quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu rất yếu.
Cũng trong khoảng thời gian này, theo kết quả quan trắc tại Ái Nghĩa, mực nước chỉ ở 2,52m, thấp hơn mực nước trung bình 3,51m so với cùng kỳ nhiều năm nên tình hình khả năng nhiễm mặn sẽ kéo dài.
Về vấn đề này, GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhận xét, việc mỗi lần mực nước xuống thấp hạ du lại xin các nhà máy thủy điện mở là cách làm thủ công và bị động.
"Trong ngành thủy lợi, Bộ NN-PTNT đã có quy định, đầu mùa vụ những nơi có nhu cầu nước đều phải lập kế hoạch gửi nhà máy thủy điện xem năm nay nhà máy xả bao nhiêu khối cho hạ du để cấy cày và sinh hoạt.
Đà Nẵng ở dưới nhiều hồ chứa và thủy điện nên phải nắm được hồ chứa nào xả nước cho hạ du, từ đó gửi kế hoạch cho phía hồ chứa, trừ khi nào phía hồ chứa không đồng ý cấp nước cho hạ du thì lúc ấy có thể kiện cáo.
Bên cạnh việc dự báo nhu cầu nước của hạ du trong năm, địa phương còn phải nắm được dự báo thủy văn xem năm nay mùa nước có cạn hay không, khô hạn có kéo dài... Đó là về mặt thủy lợi. Còn thủy điện thì phức tạp hơn, phải lấy dự báo về nhu cầu điện nữa.
Khi nắm được kế hoạch, nhu cầu của nhau, các bên sẽ làm việc với nhau và khi ấy có thể sẽ có sự dàn hòa giữa thủy lợi và thủy điện. Chẳng hạn, thủy điện có thể gợi ý vào mùa kiệt không cấp nước được, thì phía bên kia cần trồng cây dùng ít nước...
Nguyên tắc là như vậy nhưng thực tế trước nay cho thấy, nhiều nơi làm việc rất ngẫu hứng, không theo chuẩn, cuối cùng lại kêu cứu", GS.TS Vũ Trọng Hồng cho biết.
Từ những phân tích ở trên, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam đặt câu hỏi liệu Đà Nẵng đã lập kế hoạch gửi cho thủy điện để từ đó phía thủy điện đưa vào kế hoạch của họ, báo cáo lên trên xem nếu mở nước thì thất thu bao nhiêu và cấp trên cho ý kiến? Trong trường hợp Đà Nẵng vẫn làm những việc trên mà phía thủy điện không cấp nước vì lý do nào đó thì TP có thể có ý kiến.
Trước đó, ngày 10/9, UBND TP Đà Nẵng có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) chủ trì, phối hợp Sở NN-PTNT, Sở Công thương, Sở Xây dựng và các đơn vị khẩn trương kiếm tra, báo cáo trình UBND TP ký gửi chủ đầu tư các nhà máy thủy điện tại tỉnh Quảng Nam điều tiết nước về hạ lưu để đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt và hoạt động sản xuất cho TP Đà Nẵng.
Đến ngày 12/9, Cục Quản lý Tài nguyên nước có công văn gửi các công ty quản lý, vận hành các hồ chứa: A Vương, Đăk Mi 4, Sông Bung 4, Sông Tranh 2 và Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng về việc điều tiết, cấp nước cho hạ du sông Vu Gia.
Cục Quản lý Tài nguyên nước cho biết: Từ đầu mùa lũ đến nay, mực nước tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa đang ở mức thấp và tại khu vực lấy nước của Nhà máy nước cầu Đỏ trên sông Vu Gia (sông Cầu Đỏ) đã xảy ra hiện tượng xâm nhập mặn, làm ảnh hưởng đến việc cấp nước cho TP Đà Nẵng.
Thủy điện ở Quảng Nam xả nước, đẩy mặn cho Đà Nẵng
Nhà máy nước Cầu Đỏ - nơi cung cấp 80% nước sinh hoạt cho Đà Nẵng, đã thoát khỏi tình trạng nhiễm mặn sau khi ... |
Đà Nẵng \'xin\' nước thuỷ điện để đẩy mặn
Có thời điểm Đà Nẵng thiếu hơn 50.000 m3 nước sinh hoạt mỗi ngày do nguồn nước thô bị nhiễm mặn, khiến nhiều người dân ... |