Đã đến thời điểm bỏ độc quyền trên thị trường vàng?

Không thể phủ nhận sau hơn 11 năm thực hiện, Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã phát huy hiệu quả, giúp ổn định thị trường. Song, nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh hiện nay, Nghị định 24 đã không còn thực sự phù hợp với những tác động thị trường, khiến giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với vàng thế giới.

Khơi thông thị trường, thu hẹp khoảng cách về giá

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trước đây khi chưa có Nghị định 24, tất cả các giá trị thanh toán lớn trong nền kinh tế hầu hết không được niêm yết giá, không được định giá bằng VND mà được định giá, giao dịch bằng vàng. Điều này có nghĩa là Luật NHNN không được thực thi, đồng tiền Việt Nam không được tôn trọng. Sự ra đời của Nghị định 24 đã tháo gỡ được tình trạng trên, đến nay các giao dịch trong nền kinh tế đều được thực hiện bằng VND, nền kinh tế không bị vàng hóa, không bị đô la hóa. Đây là thành tựu quan trọng nhất mà NHNN đã triển khai thực hiện theo quy định của Nghị định 24 và cần được duy trì, bảo vệ.

gia-vang-hom-nay-5464-2379
Nghị định 24/2012/NĐ-CP giúp xóa bỏ tình trạng vàng hóa nền kinh tế và đã tới thời điểm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ này

NHNN cho rằng, Nghị định 24 đã phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ quốc gia, góp phần ổn định tâm lý của người dân, duy trì giá trị đồng Việt Nam thông qua việc kiểm soát chặt lạm phát nên người dân chuyển hóa một lượng lớn vàng vật chất sang tiền VND và dùng nó để tạo ra nguồn lực đầu tư, tái đầu tư cho nền kinh tế. Tuy nhiên, thời gian qua, giá vàng trong nước đã trải qua rất nhiều biến động, đặc biệt là có sự chênh lệch rất lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Trong đó, giá vàng SJC trong nước thường xuyên cao hơn hàng chục triệu đồng/lượng so với giá vàng quốc tế, thậm chí có thời điểm cao hơn tới 15 đến gần 20 triệu đồng/lượng.

Lý giải nguyên nhân, các chuyên gia cho biết, kể từ khi Nghị định 24 có hiệu lực từ (tháng 5-2012), thị trường không có nguồn cung vàng nguyên liệu. Sau đó, NHNN quản lý và sản xuất độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC, song Nhà nước cũng không sản xuất thêm vàng miếng SJC. Trong khi đó, người dân luôn muốn nắm giữ vàng miếng SJC khiến giá của loại vàng này ngày càng tăng và cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới. Thực trạng này khiến nhiều ý kiến cho rằng Nghị định 24 đã không còn thực sự phù hợp trong bối cảnh hiện tại.

Nếu không cho mở cửa thì nguồn vàng không chính ngạch vẫn vào thị trường khi cung vàng trong nước khan hiếm, giá cao hơn quốc tế. Trong khi đó, ngành sản xuất nữ trang vàng đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước, nhưng không có nguyên liệu để làm. Vì thế, cần có chính sách cho doanh nghiệp sản xuất nữ trang được nhập vàng nguyên liệu về sản xuất.

Ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng ViệtNam (VGTA)

Ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng, hiện nay tình hình đã thay đổi, do đó cần điều chỉnh nhằm khơi thông thị trường vàng và thu hẹp khoảng cách về giá trong nước và quốc tế. Do đó, đại diện VGTA kiến nghị sửa đổi Nghị định 24 để không còn độc quyền thương hiệu, đẩy giá vàng SJC cao hơn thế giới đến hàng chục triệu đồng, làm méo mó thị trường vàng.

Về lo ngại việc nhập khẩu vàng sẽ làm ảnh hưởng đến thị trường ngoại tệ, ông Khánh cho rằng điều này là không đúng, vì lượng vàng nhập có thể được xuất trở lại khi vàng quốc tế tăng hoặc bình ổn giá vàng trong nước. Theo đề xuất của VGTA, nếu được nhập khẩu thì trước hết cần chính sách cho nhập vàng nguyên liệu để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nữ trang vàng trong nước khỏi thu gom vàng trôi nổi.

“Nếu không cho mở cửa thì nguồn vàng không chính ngạch vẫn vào thị trường khi cung vàng trong nước khan hiếm, giá cao hơn quốc tế. Trong khi đó, ngành sản xuất nữ trang vàng đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước, nhưng không có nguyên liệu để làm. Vì thế, cần có chính sách cho doanh nghiệp sản xuất nữ trang được nhập vàng nguyên liệu về sản xuất” - ông Huỳnh Trung Khánh nói. Ngoài ra, VGTA cũng kiến nghị sớm sửa Nghị định 24 theo hướng xem vàng nữ trang là mặt hàng kinh doanh bình thường thay vì mặt hàng kinh doanh có điều kiện như hiện nay.

gia-vang-2675-2126
Thương hiệu vàng SJC thường xuyên cao hơn rất nhiều so với giá vàng thế giới

Cùng quan điểm, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng đề xuất cần xem xét có thêm nguồn cung đối với thị trường vàng. Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, hiện giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới, giá bán ra cao hơn so với giá mua vào. “Có lẽ nên cho phép một số nhà kinh doanh vàng được nhập khẩu vàng thế giới để giá vàng có thể liên thông với thế giới” - ông Nguyễn Trí Hiếu nói.

Sẽ sửa Nghị định 24 nếu cần thiết

Liên quan đến Nghị định 24, NHNN cho biết thời gian qua đã triển khai nhiều hoạt động để phục vụ cho việc tổng kết, đánh giá nghị định này. NHNN đã tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra trên cả nước để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vàng, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền (nếu có), yêu cầu khắc phục tồn tại phát hiện sau kiểm tra, thanh tra.

Cụ thể, NHNN đã tổ chức 2 đợt thanh tra, kiểm tra bao gồm: Đợt 1 vào tháng 5-2022, NHNN đã chỉ đạo NHNN chi nhánh TP Hà Nội và TP.HCM thành lập các đoàn kiểm tra một số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng có trụ sở chính trên địa bàn. Đợt 2 vào tháng 7-2022, NHNN đã mở rộng địa bàn thanh tra, kiểm tra qua việc yêu cầu chi nhánh NHNN tại 63 tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan chức năng có liên quan trên địa bàn (Cục Quản lý thị trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Công an…) triển khai thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức kinh doanh vàng. NHNN đã báo cáo kết quả công tác kiểm tra tại cuộc họp liên ngành về tình hình thị trường vàng và chênh lệch giá vàng thế giới với giá vàng miếng SJC trong nước do Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Tháng 7-2022, NHNN đã tổ chức họp lấy ý kiến về chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng với các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách bao gồm: Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam và 33 tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh vàng miếng.

Cùng với đó, trong tháng 11-2022, NHNN đã tiến hành lấy ý kiến 63 NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố về đánh giá, tổng kết Nghị định 24. Trên cơ sở đó, NHNN đã tu chỉnh dự thảo báo cáo đánh giá, tổng kết Nghị định 24. Đầu tháng 6-2023, NHNN và Bộ Tư pháp đã có buổi trao đổi trực tiếp với một số hiệp hội kinh doanh vàng để tìm hiểu kinh nghiệm quản lý thị trường vàng tại một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Cuối tháng 9-2023, NHNN đã tổ chức buổi tọa đàm, trong đó có mời đại diện VGTA và một số chuyên gia kinh tế - tài chính, đại biểu quốc hội quan tâm về lĩnh vực vàng.

“Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các bên, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục tu chỉnh, hoàn thiện dự thảo báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 24 trình Chính phủ và đề xuất các chính sách quản lý vàng phù hợp (nếu cần thiết)” - NHNN cho hay.

Nhật Linh / ANTĐ