Ngày 9/8 tại Hải Phòng, Tiểu ban Hoá – Chế biến Dầu khí thuộc Hội đồng Khoa học Công nghệ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nhiệm kỳ 2017 – 2019 đã tổ chức Kỳ họp lần thứ V với chủ đề “Đa dạng hoá nguồn nguyên liệu và sản phẩm cho các dự án/nhà máy chế biến dầu khí của PVN”.
Chủ trì kỳ họp là TS Lê Xuân Huyên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR), Trưởng Tiểu ban Hoá - Chế biến Dầu khí; TS Phan Minh Quốc Bình, Hiệu trưởng Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU), Phó Viện trưởng Dầu khí Việt Nam (VPI), Phó trưởng Tiểu ban Hoá - Chế biến Dầu khí; TS Nguyễn Anh Đức, Viện trưởng VPI, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Công nghệ PVN.
Tham dự kỳ họp còn có Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San, các chuyên gia Hội Dầu khí Việt Nam, Viện Dầu khí Việt Nam, lãnh đạo các Ban chuyên môn Tập đoàn, lãnh đạo các đơn vị thành viên PV GAS, BSR, PVCFC, PVFCCo, PVTEX, các đồng chí ủy viên Tiểu ban Hoá – Chế biến dầu khí; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, các bộ ngành liên quan.
Toàn cảnh Kỳ họp
Phát biểu khai mạc kỳ họp, TS. Lê Xuân Huyên, Trưởng Tiểu ban Hoá – Chế biến Dầu khí nhấn mạnh đảm bảo nguồn nguyên liệu dầu khí là nhiệm vụ “sống còn” nhằm đảm bảo công tác, vận hành an toàn, hiệu quả của các dự án/nhà máy chế biến dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Chính vì vậy, việc đa dạng hoá nguồn cung cấp nguyên liệu, sản phẩm của các nhà máy khâu sau là một nhiệm vụ bắt buộc trong tình hình nguồn nguyên liệu đầu vào trong nước cũng như trên thế giới đang gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân như sản lượng khai thác dầu khí suy giảm, giá nguyên liệu nhập khẩu cao…
TS. Lê Xuân Huyên, Trưởng Tiểu ban Hoá - Chế biến dầu khí phát biểu tại Kỳ họp
Tại kỳ họp, các chuyên gia đã thảo luận tập trung làm rõ một số vấn đề như khả năng đáp ứng nguyên liệu cho các nhà máy/dự án chế biến dầu khí của PVN; giải pháp cung cấp dầu thô cho NMLD Dung Quất; cung cầu khí Việt Nam giai đoạn 2020 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Đồng thời, các chuyên gia đã đưa ra các ý kiến, đóng góp cho các giải pháp, phương án đa dạng hoá nguồn nguyên liệu cho các nhà máy/ dự án chế biến dầu khí của Tập đoàn.
TSKH Hồ Sỹ Thoảng đóng góp ý kiến tại Kỳ họp
Theo báo cáo của Ban Khí và Chế biến Dầu khí PVN, về tình hình cung cấp nguyên liệu trên thế giới hiện tại, các nước châu Á Thái Bình Dương trong đó có Đông Nam Á ngày càng phụ thuộc vào nguồn dầu khí nhập khẩu. Cùng với đó, dầu thô Mỹ đang làm thay đổi đáng kể thị trường nguồn cung dầu thô thế giới đặc biệt với sự phát triển của dầu đá phiến trong khi tỷ trọng nguồn cung dầu thô nhẹ tăng lên. Những điều này là nguyên nhân chính dẫn tới những khó khăn về nguồn cung nguyên liệu cho các nhà máy lọc hoá dầu.
Bên cạnh đó, nguồn cung nguyên liệu trong nước cho các dự án/nhà máy lọc hoá dầu, ngày càng thiếu hụt do sản lượng khai thác dầu khí trong nước ngày càng suy giảm. Giá nguyên liệu dầu, khí đầu vào cho các nhà máy khâu sau tăng do chi phí khai thác tăng và giá nhập khẩu nguyên liệu cao. Chưa kể đến, việc khó khăn do thiếu hụt nguyên liệu đầu vào sẽ ảnh hưởng tới tính khả thi khi triển khai các dự án lọc hoá dầu trong thời gian tới.
Các đại biểu tham dự Kỳ họp
Tại kỳ họp, đại diện các đơn vị thuộc lĩnh vực khí và chế biến dầu khí đã có những tham luận, ý kiến hướng đến việc tìm kiếm các nguồn nguyên liệu thay thế, bổ sung cho các nguyên liệu đầu vào truyền thống cũng như tính khả thi của từng loại nguyên liệu trong sản xuất. Đồng thời, đưa ra các giải pháp cụ thể của từng dự án/nhà máy theo từng giai đoạn ngắn, trung và dài hạn nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu dầu khí. Đại diện các đơn vị cũng kiến nghị với Tập đoàn báo cáo với các cấp có thẩm quyền về phương án đảm bảo nguyên liệu dầu khí cũng như có các cơ chế phù hợp đối với từng dự án/nhà máy để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Kết luận kỳ họp, TS. Lê Xuân Huyên, Trưởng Tiểu ban Hoá – Chế biến dầu khí ghi nhận và đánh giá cao các tham luận của các đơn vị, các ý kiến đóng góp của các chuyên gia về các vấn đề được đặt ra tại kỳ họp. TS. Lê Xuân Huyên cũng đề nghị các đơn vị tiếp thu các ý kiến, đóng góp sửa đổi tham luận, tổng hợp để báo cáo lãnh đạo Tập đoàn có phương án, định hình chiến lược giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong việc đa dạng hoá nguồn nguyên liệu và sản phẩm của các dự án/chế biến dầu khí của Tập đoàn, nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh Tập đoàn ổn định, mang lợi ích cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế biến dầu khí, đóng góp vào nền kinh tế đất nước.