Công ty Liên doanh Điều hành Cửu Long (Cửu Long JOC) là nhà khai thác dầu lớn thứ 2 ở Việt Nam chỉ sau Vietsovpetro. Đến nay, trải qua 25 năm hoạt động, Cửu Long JOC đã khai thác hơn 400 triệu thùng dầu, doanh thu gần 30 tỉ USD, nộp ngân sách nhà nước hơn 13 tỉ USD.
Giàn điều khiển trung tâm mỏ Sư Tử Vàng |
Cách đây ít hôm, tôi có gặp lại Lê Đắc Hóa - bây giờ anh là Tổng Giám đốc của Cửu Long JOC (Công ty Liên doanh Điều hành Cửu Long). Tôi với Hóa biết nhau từ rất lâu, khi anh còn là Giám đốc dự án Chế tạo giàn tiếp trợ nửa nổi nửa chìm PVD V. Rồi tôi cũng đã cùng anh đi xuống vùng hoang mạc ở Châu Mỹ La Tinh. Cùng chứng kiến những ngọn lửa cháy lan trên mặt đất, cùng chia nhau từng đĩa cơm… Rồi tôi cũng được đi cùng anh đến mỏ Piranha trong rừng rậm Amazon, cùng chia nhau từng chút thuốc chống muỗi, cùng chịu những cơn mưa rừng như có ai xách nước đổ từ trên trời xuống …!
Thực sự, có cảm giác rằng những nơi nào khốn khó nhất, phức tạp nhất, xa xôi nhất thì đều có mặt Lê Đắc Hóa.
Nhưng thôi, chuyện về anh, tôi sẽ kể vào một dịp khác. Còn bây giờ gặp anh, với cương vị là Tổng Giám đốc Cửu Long JOC, tôi cũng thấy hơi ngạc nhiên. Bởi lẽ, dù đã về làm ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) hơn 10 năm, nhưng thú thực, tôi không có một chút hiểu biết gì về Cửu Long JOC.
Anh Lê Đắc Hóa, Tổng Giám đốc Cửu Long JOC (ngoài cùng bên phải) nghe báo cáo về tình hình hoạt động trên các công trình của Cửu Long JOC |
Mặc dù tất cả các dự án lớn của Petrovietnam trong và ngoài nước tôi đều có mặt như Biển Đông 01, Đại Hùng 01, Hoàng Long – Hoàn Vũ, Chim Sáo, Vietsovpetro... nhưng với Cửu Long JOC, tôi chỉ nghe tên chứ không hề biết gì.
Nghe Lê Đắc Hóa kể rằng, Cửu Long JOC là nhà khai thác dầu lớn thứ 2 ở Việt Nam chỉ sau Vietsovpetro. Đến nay, trải qua 25 năm hoạt động, Cửu Long JOC đã khai thác hơn 400 triệu thùng dầu, doanh thu gần 30 tỉ USD, nộp ngân sách nhà nước hơn 13 tỉ USD. Hiện nay, sau hàng chục năm khai thác, sản lượng dầu đã suy giảm rất nhiều nhưng vẫn ở mức 35.000 thùng/ngày. Và điều đáng nói, Cửu Long JOC có một bộ máy điều hành và có số lượng nhân lực cực kỳ tối ưu.
Với 25 năm đồng hành phát triển cùng ngành Dầu khí Việt Nam, Cửu Long JOC đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, tạo nguồn thu ngoại tệ, đặc biệt trong giai đoạn đất nước vừa mở cửa nền kinh tế, còn nhiều khó khăn, đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động và góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Nghe Lê Đắc Hóa nói tôi ngạc nhiên vô cùng, bởi những thông tin thú vị như vậy đến nay mình mới biết.
Hóa ra, câu chuyện lại là vấn đề khác.
Đó là Cửu Long JOC là một liên doanh khởi đầu gồm 5 công ty của 4 quốc gia: Anh, Hàn Quốc, Monaco, và Việt Nam. Vì là liên doanh điều hành chung nên hầu hết các sự việc trong công ty cần phải có sự đồng thuận của tất cả các bên tham gia với những nền văn hóa, quan điểm và mục tiêu khác nhau. Mà với họ, công tác truyền thông là thứ mà họ không cần, không quan tâm, và thậm chí họ còn “dị ứng” với việc đưa thông tin lên báo chí – mặc dù họ rất nể phục cách làm việc, cách điều hành, quản lý và vận hành của đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật và công nhân Việt Nam. Họ hoàn toàn tin tưởng vào khả năng của người Việt, nhưng nói đến truyền thông là họ gạt đi ngay.
Tổng Giám đốc Cửu Long JOC Lê Đắc Hóa kiểm tra hoạt động trên FPSO Thái Bình Việt Nam |
Và chỉ đến bây giờ, khi Lê Đắc Hóa về, anh phải giải thích trong rất nhiều các cuộc họp rằng trong bối cảnh thông tin bùng nổ như hiện nay, truyền thông đi trước một bước là một nguyên nhân để tạo ra được sự đồng thuận, thông cảm, chia sẻ của cộng đồng. Chỉ đến lúc ấy, họ mới “à” lên và báo chí mới bắt đầu được tiếp cận Cửu Long JOC.
Và tôi cũng là nhà báo may mắn được đi cùng Lê Đắc Hóa ra những giàn khai thác mang tên loài thú dữ Sư Tử đen, Sư Tử Vàng…
Cụm mỏ Sư Tử Vàng, Sư Tử Đen, Sư Tử Nâu, Sư Tử Trắng của Cửu Long JOC nằm khá gần đất liền về phía tỉnh Bình Thuận.
Tiềm năng dầu khí của cụm mỏ này được Công ty ExxonMobil phát hiện ra từ trước những năm 1975. Truyền thống của ExxonMobil là lấy tên các loài thú dữ đặt cho các mỏ… Vì thế ở Việt Nam, ExxonMobil lấy tên Sư Tử, Sói… để đặt cho các mỏ phát hiện được.
Người lao động Cửu Long JOC |
Cụm mỏ Sư Tử nằm trên vùng bồn trũng Cửu Long, là khu vực có tiềm năng dầu khí lớn trên vùng thềm lục địa của Việt Nam.
Từ đây, vào những ngày trời đẹp, có thể nhìn thấy lờ mờ đất liền, và vào ban đêm, có thể thấy ánh sáng từ ngọn hải đăng nổi tiếng Kê Gà…
Trở lại chuyện của Cửu Long JOC
Công ty Liên doanh Điều hành Cửu Long (Cửu Long JOC) được thành lập ngày 16/9/1998 trên cơ sở Hợp đồng Dầu khí Lô 15-1 giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và tổ hợp các nhà thầu, hiện tại gồm Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Công ty Perenco, Công ty Dầu khí Quốc gia Hàn Quốc (KNOC), Tập đoàn SKEO và Công ty Geopetrol. Lô 15-1 nằm trong bồn trũng Cửu Long thuộc phần lục địa phía Nam Việt Nam, bao gồm các mỏ dầu khí đang được khai thác gồm Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Sư Tử Nâu và Sư Tử Trắng.
FPSO Thái Bình Việt Nam |
Mỏ Sư Tử Đen được phát hiện năm 2000, công bố thương mại vào ngày 8/8/2001 và cho dòng dầu đầu tiên vào 29/10/2003.
Mỏ Sư Tử Đen – Đông Bắc, một phần của Mỏ Sư Tử Đen tiếp tục được Cửu Long JOC đưa vào khai thác tháng 4/2010.
Mỏ Sư Tử Vàng được phát hiện vào ngày 23/10/2001, đưa vào khai thác từ ngày 14/10/2008.
Các mỏ Sư Tử Vàng Đông Bắc và Sư Tử Vàng Tây Nam lần lượt đón dòng dầu đầu tiên vào tháng 11/2013 và tháng 9/2014.
Mỏ Sư Tử Nâu được phát hiện vào tháng 9/2005 và chính thức cho dòng dầu đầu tiên vào tháng 9/2014.
Mỏ khí Sư Tử Trắng được phát hiện vào ngày 19/11/2003. Tháng 11/2016, mỏ Sư Tử Trắng bắt đầu đi vào khai thác giai đoạn 1. Tiếp theo đó vào tháng 6/2021, mỏ Sư Tử Trắng ghi nhận cột mốc mới giai đoạn 2A, đón nhận dòng khí đầu tiên.
Với hàng loạt các mỏ được phát hiện và đưa vào phát triển khai thác liên tục, Cửu Long JOC đã trở thành nhà khai thác dầu lớn thứ 2 tại Việt Nam với các cột mốc sản lượng: 100 triệu thùng vào tháng 12/2007, 200 triệu vào 3/2011, 300 triệu vào tháng 6/2016, 350 triệu vào năm 2019 và xác lập cột mốc thành công mới với thành tích khai thác dầu đạt 400 triệu thùng dầu vào ngày 11/11/2022.
Cửu Long JOC là một liên doanh khai thác dầu cực kỳ hiệu quả. Trong ảnh là hoạt động xuất bán dầu thô tại mỏ Sư Tử Vàng |
Phải khẳng định rằng, Cửu Long JOC là một liên doanh khai thác dầu cực kỳ hiệu quả về nhiều mặt.
Hiện nay, Cửu Long JOC đã và đang nỗ lực tối đa thực hiện khai thác an toàn hiệu quả các mỏ dầu khí và đảm bảo hoàn thành mục tiêu sản lượng khai thác hàng năm trong bối cảnh khi các mỏ hiện hữu đã đi vào giai đoạn suy giảm nhanh (khoảng 13-15% mỗi năm) đòi hỏi phải liên tục nghiên cứu, tìm tòi các biện pháp công nghệ mới để nâng cao hệ số thu hồi dầu và duy trì sản lượng khai thác. Bên cạnh đó, Hợp đồng Dầu khí hiện tại Lô 15-1 chuẩn bị kết thúc vào 09/2025 dẫn đến những thách thức trong triển khai một số hạng mục công việc những năm tiếp theo, đặc biệt là dự án phát triển mỏ Sư Tử Trắng giai đoạn 2B có vốn đầu tư lớn và liên quan mật thiết tới chiến lược ký hợp đồng mới Lô 15-1 sau năm 2025.
Theo anh Lê Đắc Hóa, nhận thức được thực trạng của Cửu Long JOC cũng như tầm quan trọng của sự phát triển Cửu Long JOC đối với Nhà đầu tư và trong chuỗi giá trị mà Petrovietnam đang định hướng, Cửu Long JOC sẽ tập trung vào các nhiệm vụ sau:
Trước hết cần tập trung duy trì sản lượng khai thác các mỏ hiện hữu. Trong bối cảnh giá dầu hiện nay khá tích cực, việc duy trì sản lượng khai thác đóng vai trò quan trọng giúp các nhà đầu tư có nguồn tiền để tái tạo đầu tư và tạo động lực cho những dự án phát triển dài hạn hơn.
Cửu Long JOC đang nỗ lực nghiên cứu và áp dụng đồng bộ các nhóm giải pháp bao gồm nâng cấp, cải tiến hệ thống thiết bị bề mặt và các giải pháp địa chất – công nghệ mỏ nhằm nâng cao hệ số thu hồi của mỏ.
Về kế hoạch phát triển Cửu Long JOC trung hạn và dài hạn, Lê Đắc Hóa cho biết: Trước mắt cần tập trung phát triển mỏ Sư Tử Trắng pha 2B. Đây là nhiệm vụ trong tâm cốt lỗi trong chiến lược phát triển Cửu Long JOC trung và dài hạn. Việc phát triển Sư Tử Trắng pha 2B không chỉ giúp Cửu Long JOC nâng cao sản lượng khai thác cả dầu và khí mà còn giải quyết bài toán thiếu hụt khí trong tương lai gần; tạo ra chuỗi giá trị cho các công ty khâu sau: khí, điện, đạm và các công ty dịch vụ trong ngành của Petrovietnam như PV Drilling, PTSC, Vietsovpetro…
Song song với việc phát triển mỏ Sư Tử Trắng pha 2B, chiến lược mở rộng thăm dò, thẩm lượng tối đa các tiềm năng còn lại cũng là một mục tiêu trung hạn và dài hạn. Cửu Long JOC sẽ tập trung ưu tiên thăm dò những cấu tạo triển vọng còn lại có tiềm năng cao, rủi ro thấp, gần khu vực đã có cơ sở hạ tầng hiện hữu để có thể sớm đưa vào khai thác nếu có phát hiện thương mại.
Cần nhấn mạnh rằng, để hiện thực hóa được mục tiêu trung hạn và dài hạn thì điều kiện tiên quyết là phải có Hợp đồng Dầu khí mới được ký kết. Hiện nay, tổ hợp nhà thầu cùng với Petrovietnam đang rất tích cực công tác chuẩn bị trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt Hợp đồng Dầu khí mới trên cơ sở luật dầu khí 2022 có hiệu lực từ 01/07/2023.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, việc quan trọng nhất hiện nay là phải có chủ trương được chính phủ phê duyệt Hợp đồng dầu khí mới. Vì chỉ khi có chủ trương thì các đối tác nước ngoài mới yên tâm đầu tư mở rộng tìm kiếm, thăm dò, hoặc cải tạo các giếng khai thác.
Cửu Long JOC đang hướng tới kỷ niệm 25 năm ngày thành lập (16/9/1998 - 16/9/2023) để đánh dấu một chặng đường phát triển thành công. Cột mốc 25 năm là cột mốc đặc biệt đối với tập thể người lao động quốc tế Cửu Long JOC, một hành trình đủ dài để khẳng định những giá trị cống hiến của người lao động Cửu Long JOC qua các thời kỳ. Cửu Long JOC sẽ tiếp tục hành trình chinh phục mốc sản lượng mới - 500 triệu thùng dầu và giữ vững vị thế là nhà khai thác dầu khí lớn thứ hai Việt Nam trong nhiều năm nữa.
https://petrovietnam.petrotimes.vn/nhung-con-su-tu-giau-minh-690186.html