Võ sư Bát Cực quyền được đánh giá cao ở khả năng thực chiến, và hứa hẹn đủ sức gây khó khăn cho võ sĩ MMA.
Ngay từ khi Cừu Bảo Long mở lời hẹn tỉ thí, Từ Hiểu Đông tỏ ra nhã nhặn một cách hiếm thấy, trang Qjhm cho biết. Võ sĩ MMA thậm chí từng thừa nhận: "Ông ấy là người làm tôi khâm phục. Tôi chưa gặp Cừu lần nào, nhưng qua những gì ông ấy làm trong làng võ, tôi nghĩ có một sự đồng cảm giữa chúng tôi".
Từ Hiểu Đông thuộc tuýp người đã mở miệng là phải nói những lời đao to búa lớn. Tuy nhiên, trước cuộc đấu này, Từ như thể một người khác. Không hẳn bởi đề nghị lên sàn đấu chuyên nghiệp EM Legend của Cừu Bảo Long, mà bởi danh tiếng môn phái của đối thủ sắp tới đủ khiến võ sĩ MMA dè chừng.
Cao thủ Cừu Bảo Long (trái) trên sàn tập.
Bát Cực quyền, tên đầy đủ là "Khai môn Bát Cực quyền" hay "Nhạc sơn Bát Cực quyền", tương truyền xuất phát từ chùa Nhạc Sơn, tỉnh Hà Nam. Theo ghi chép có hai thuyết giải thích nguồn gốc môn phái này. Một là do một đạo sĩ họ Lại dạy cho Ngô Chung (người thôn Hậu Trang Khoa, huyện Khánh Vân, tỉnh Hà Bắc). Thứ hai là do Trương Nhạc Sơn, người Hà Nam, truyền cho Ngô Chung. Theo cả hai thuyết, Ngô Chung được xem là người khai tông lập phái, trước khi truyền cho con là Ngô Vinh. Về sau, họ Ngô đến trấn Mạnh thôn, huyện Thương, tỉnh Hà Bắc. Nơi này về sau trở thành địa điểm phát triển Bát Cực quyền.
Võ truyền thống Trung Quốc đi theo ba hướng tu tập chính, gồm nội công, ngoại công và ngạnh công. Bát Cực quyền đi theo hướng thứ ba. Môn phái này chú trọng vào những đòn thế nhanh mạnh, lấy khí lực hiếp người. Trang QQ cho biết, Bát Cực quyền hấp thụ được tinh hoa của những môn võ phái như Không Động, Thiếu Lâm (cách sử dụng binh khí)... Những bài quyền của Bát Cực đều chủ về tấn công, nhấn mạnh tính đơn giản mà hiệu quả. Môn võ này từng được nhiều thanh niên ở Bắc Trung Quốc theo học bởi tính thực tiễn và dễ áp dụng vào chiến đấu hàng ngày. Thời cực thịnh của Bát Cực quyền là đời vua Khang Hy, khi chưởng môn Đinh Phát Tường được ban danh hiệu "dũng sĩ". Nhờ sự kiện này, Bát Cực quyền vang danh Trung Quốc, và có thêm nhiều cao đồ như Ngô Tú Phong, Mã Hiển Đạt.
Cừu Bảo Long, đối thủ sắp tới của Từ Hiểu Đông, là đệ tử chân truyền của Ngô Liên Chi, con thứ của đại sư Ngô Tú Phong, một trong những cao thủ nổi tiếng nhất của Bát Cực quyền. Với nhiều người Trung Quốc, khả năng của họ Cừu là một dấu hỏi nhưng với làng võ Nhật Bản, ông được đánh giá cao thông qua những khoá giảng dạy và truyền thụ của sư phụ Ngô Liên Chi tại xứ hoa anh đào. Trang Qjhm tiết lộ, người Nhật coi Bát Cực quyền là môn võ có tính thực chiến cao nhất của Trung Quốc hiện nay.
"Bát Cực quyền được xem gần giống như quyền Anh bởi những đòn tay đa dạng và khả năng di chuyển chân linh hoạt", trang mạng này nhận xét.
Cừu Bảo Long được sư phụ đánh giá là có thiên phú học võ.
Ngô Liên Chi, trong lần hiếm hoi nhận xét về đệ tử, nói Cừu Bảo Long là người "tâm đắc nhất" và có "thiên phú học võ". Sohu thông tin thêm, rằng Cừu có thể hình gần tương đương với Từ Hiểu Đông và đang nỗ lực tập luyện để ngang bằng khối lượng với võ sĩ MMA trước ngày thượng đài. Về tuổi tác, Cừu mới ngoài 40, và đang trong độ chín của nghiệp võ.
Bạn tập của Cừu Bảo Long, một võ sĩ họ Lý nói với Qjhm rằng cao thủ Bát Cực có tốc độ ra đòn rất nhanh. Võ sĩ này cũng hé lộ thời điểm mà Cừu đấu Từ nhiều khả năng sẽ là ngày 4 hoặc 5/6, tuỳ thuộc vào sự kiện EM Legend ấn định vào hôm nào.
Hồi đầu năm 2019, trong buổi phỏng vấn với Sohu sau khi ký hợp đồng đánh với Từ Hiểu Đông, Cừu Bảo Long bày tỏ: "Cậu ta đang muốn vạch mặt những võ sư giả mạo. Đó là thứ tôi từng nghiền ngẫm những ngày đầu học võ. Nhưng rồi tôi phát hiện ra, rằng võ thuật thực sự đã tồn tại rất lâu. Mọi thứ tồn tại bên trong nó cũng giống như cuộc sống ngoài kia, có thật giả, trắng đen lẫn lộn. Tôi không muốn đi sâu vào sở thích của mỗi người, nhưng tình yêu của tôi với võ thuật vẫn vẹn nguyên như ngày đầu. Chuyện tỉ thí và giao lưu giữa các nền võ thuật là một trong số ấy".
"Giữa họ có những điểm chung", Sohu bình luận về trận đấu giữa Từ Hiểu Đông và Cừu Bảo Long. "Rõ ràng Cừu cũng ghê tởm về những hành vi giả tạo và mạo nhận của các võ sư võ truyền thống. Đó là lý do ông ấy bỏ ngoài tai những lời trêu chọc khi thách đấu Từ Hiểu Đông".
Cừu Bảo Long theo học Bát Cực từ khi còn rất trẻ. Ông được cho là có hơn 20 năm công phu.
Cừu Bảo Long là cao thủ võ truyền thống thứ sáu tỉ thí với Từ Hiểu Đông. Ngoại trừ trận đánh với Mã Bảo Quốc bị huỷ do cảnh sát can thiệp, Từ thắng cả bốn trận còn lại. Khi được hỏi về khả năng lấy lại thanh danh cho võ truyền thống, cao thủ Bát Cực đáp:
"Khi nhìn tôi diện đồ tập, nhiều kẻ đã chế nhạo và hỏi tôi đang tập quyền Anh hay môn gì?
Lúc đầu tôi rất bực và chỉ muốn cho họ một trận. Nhưng giờ tôi nghĩ khác. Người khác có thể coi thường bạn, nhưng bạn không thể coi mình như một con khỉ. Cần phải sống sao cho đúng với tâm của mình".
Bát Cực quyền được giới võ lâm Trung Quốc coi trọng. Vua Càn Long từng nói: "Văn dụng Thái Cực an thiên hạ, Vũ hữu Bát Cực định càn khôn" khi ban khen cho môn phái này. Nhiều hoàng tử nhà Thanh cũng chọn học Bát Cực để tráng thân kiện thể.
Năm 2013, Bát Cực quyền xuất hiện trong phim bom tấn "Nhất đại tông sư". Trong phim, đạo diễn lấy ý "Cửu Châu Bát Cực" để cắt nghĩa tên của phái võ này (Cửu Châu - tên cũ của Trung Quốc), hàm ý nơi sâu xa nhất của trời đất.
Thắng Nguyễn
Hèn nhát bỏ chạy, võ sư Vịnh Xuân vẫn cao giọng đòi tái chiến Từ Hiểu Đông
Võ sư Vịnh Xuân Lữ Cương cho rằng sau trận đấu kéo dài 47 giây, ông đã tìm ra cách đánh bại Từ Hiểu Đông. |
Từ Hiểu Đông khốn đốn vì sỉ nhục võ thuật truyền thống Trung Quốc
Nhà báo Nicolas Atkin cho rằng Từ Hiểu Đông sẽ đối mặt với cơn thịnh nộ từ chính quyền vì liên tục sỉ nhục võ ... |