Xem cảnh nước hồ tây cuốn phăng kết quả thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch của chuyên gia Nhật, GS Lương Ngọc Huỳnh bày tỏ đồng cảm vì đây không phải thất bại lần đầu.
Việc công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội “ứng xử” tại sông Tô Lịch khiến dư luận tranh cãi trái chiều. Bởi lẽ, sông Tô Lịch được đề xuất làm sạch bằng rất nhiều công nghệ nhưng bất thành.
Hai tháng trở lại đây, nước sông Tô Lịch (đoạn ngã tư Hoàng Quốc Việt - Bưởi) dần có sự chuyển biến khi người Nhật áp dụng phương pháp Nano Bioreactor. Đây là phương pháp có sự kết hợp giữa vật liệu xử lý nước thiên nhiên Bioreactor và máy sục khí Nano.
Hệ thống này sẽ kích hoạt những vi sinh vật có lợi sẵn trong môi trường cần xử lý, tự phân hủy các chất gây ô nhiễm và chất độc hại khiến các vi sinh vật có lợi phát triển, tăng khả năng tự làm sạch sẵn có của tự nhiên.
Chuyên gia người Nhật lội xuống sông Tô Lịch kiểm tra chất lượng nước |
Cứu sông Tô Lịch đến "phút 89" lại đổ bể
Khi những tín hiệu vui mừng bắt đầu lóe lên hy vọng “cứu” được dòng sông chết thì bỗng hàng triệu m3 nước từ Hồ Tây đổ ập về, cuốn phăng công sức, kết quả nghiên cứu của các chuyên gia Nhật.
GS Lương Ngọc Huỳnh cho biết, trước đó, ông cùng nhiều nhà khoa học có tâm, muốn làm sông Tô Lịch “sống lại” đã rơi vào hoàn cảnh tương tự.
“Cuối năm 2009 đến đầu năm 2010, tôi đã vấp phải muôn vàn khó khăn khi đưa công nghệ xử lý nước thải bằng từ tính của Nga kết hợp với Israel về định bụng làm sạch sông Tô Lịch và các hồ nước không sạch để chào mừng 1000 năm Thăng Long.
Năm đó, ngoài công nghệ của tôi còn có nhiều công nghệ của nhiều nước khác như: Bỉ, Hàn Quốc và một vài trường hợp khác của Việt Nam cùng mong muốn cống hiến.
Chúng tôi họp và báo cáo rất nhiều lần. Tất cả các nhóm muốn tham gia đều phải 'biểu diễn' thí nghiệm.
Thời điểm ấy, chúng tôi là đơn vị đưa ra giá thành rẻ nhất: 8 ngàn đồng cho 1m3 nước thải được làm sạch đạt chất lượng từ B2 - loại nước có thể sử dụng trong sinh hoạt như tắm rửa...
Tất cả công nghệ khác đều báo giá từ 25-45 ngàn cho việc làm sạch 1m3 nước thải.
Các công ty khác chủ yếu xử lý nước thải bằng công nghệ vi sinh, hoặc hoá chất, chỉ có mỗi chúng tôi là không dùng bất kỳ loại hoá chất nào”.
Nước đổ ào ạt qua đoạn đang thử nghiệm công nghệ làm sạch |
Ông cho biết, thời điểm đó các lãnh đạo cấp cao rất nhiệt tình ủng hộ: “Lúc bấy giờ, Thứ trưởng KH-CN Nguyễn Văn Lạng rất nhiệt tình giúp đỡ và mong đưa các công nghệ tiên tiến vào để xử lý môi trường. Anh Lạng ngày đêm cùng chúng tôi ra những nơi thử nghiệm để trực tiếp kiểm tra đánh giá kết quả khách quan. Nhiều lãnh đạo nhà nước lúc bấy giờ cũng rất quan tâm và ủng hộ.
Tôi xin làm thí điểm ở một đoạn sông Kim Ngưu, mấy ngày đầu làm tốt, tiến triển từng ngày, thậm chí có lãnh đạo của Đảng, Nhà nước vì thương anh em vất vả đêm đến còn đưa cho tôi bánh nói rằng mang ra cho anh em ăn đỡ đói.
Đến ngày thứ 3 tự nhiên nước dâng lên đột ngột, các loại nước bẩn ầm ầm kéo đến tràn vào khu vực thực nghiệm cuồn cuộn cuốn phăng kết quả thí nghiệm...
“Điện thoại báo cáo với anh Lạng rồi điều tra thì biết anh cấp thoát nước mở cống. Cho nên bây giờ tôi rất thương các bạn Nhật Bản...”, ông Huỳnh bày tỏ.
Công sức 2 tháng bị cuốn trôi
TS Tadashi Yamamura, chuyên gia LHQ về môi trường, Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản cho hay: Việc Hà Nội xả hơn 1 triệu m3 nước hồ Tây vào sông Tô Lịch khiến toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi do các tấm Bioreactor kích hoạt gần 2 tháng qua trong chốc lát bị cuốn trôi, bây giờ phải làm lại từ đầu.
Ông Lê Vũ Quảng Sương, Phó TGĐ công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội giải thích: "Chúng tôi vận hành theo quy trình hệ thống thoát nước của TP. Lượng mưa lớn khiến nước hồ Tây lên cao, đạt ngưỡng mức nước tối đa nên bắt buộc phải xả ra để đảm bảo an toàn, chống ngập”.
Sông Tô Lịch đen ngòm, hôi thối trở lại |
Sau khi được xả 1 triệu m3 nước từ Hồ Tây vào, hiện sông Tô Lịch đã cạn nước, một số điểm lộ rõ bùn đáy sông. Mùi hôi thối đã quay trở lại như trước...
Tranh cãi
Khi công công ty CP Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) khởi công dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây thì công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cũng đề xuất xây trạm bơm để bơm nước sông Hồng vào Hồ Tây tạo lưu thông. Khi Hồ Tây sạch thì dẫn nước từ hồ vào hai cửa xả đến sông Tô Lịch để thau rửa, làm sạch nguồn nước ô nhiễm của sông.
Nếu đề xuất được lãnh đạo TP thông qua, công ty sẽ xây dựng, lắp đặt một trạm bơm chìm ở ngoài cửa khẩu An Dương với công suất cấp nước 156.000m3/ngày đêm dẫn vào Hồ Tây.
Trước đó, công ty này cũng đề xuất dùng nước sông Hồng thau rửa nước sông Tô Lịch. Để thực hiện kế hoạch, công ty huy động công nhân xuống nạo vét lòng sông Tô Lịch để khơi thông lòng chảy trước khi triển khai.
Tuy nhiên, phương án này vấp phải nhiều ý kiến tranh cãi của các chuyên gia. PGS.TS Trần Hồng Côn (trường ĐH Khoa học Tự nhiên) cho rằng việc thau rửa nước sông Tô Lịch không khác gì quét nhà rồi đổ rác sang nhà hàng xóm. Đây là giải pháp đơn giản, dễ thực hiện nhưng không thể lâu dài.