Cuộc sống trầm lắng ở Brunei

Thứ 6, đường phố ở thủ đô Brunei vốn vắng vẻ lại càng thêm yên tĩnh vì mọi người bận tới các nhà thờ Hồi giáo để hành lễ. 

cuoc song tram lang o brunei
Đền thờ Hồi giáo Omar Ali Saifuddien ở thủ đô Bandar Seri Begawan, Brunei. Ảnh: AFP.

Brunei trở thành tâm điểm chú ý toàn cầu vào tháng trước khi thông báo sẽ áp dụng hình phạt ném đá đến chết đối với các hành vi phạm tội như ngoại tình và kê gian (quan hệ tình dụng đồng tính nam), nhưng tại đất nước này, cuộc sống vẫn rất yên ắng.

Khi đặt chân đến thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei, thoạt nhìn, người ngoài có cảm giác như đang ở Singapore. Thành phố được chăm chút cảnh quan kỹ lưỡng với nhiều cây xanh và không gian dành cho người đi bộ cũng như những con đường bằng phẳng, được bảo dưỡng tốt. Bandar Seri Begawan có thể được gọi là thành phố của an toàn, trật tự và yên tĩnh.

Tại Bandar Seri Begawan, dấu ấn Brunei hiện rõ trên những mái vòm nổi bật của các đền thờ Hồi giáo với một số mái được mạ vàng rực rỡ cùng những bảng hiệu lớn viết bằng chữ Arab và vô số bức chân dung lớn của Quốc vương Hassanal Bolkiah.

Brunei là một trong số ít các chế độ quân chủ chuyên chế còn lại trên thế giới. Quốc vương Brunei có đầy đủ quyền hành pháp và không bị hạn chế quyền lực bởi các chính trị gia hoặc quốc hội. Ông đồng thời là Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Tài chính và là lãnh tụ Hồi giáo.

Năm 1984, sau khi tuyên bố độc lập khỏi Anh, Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah cho ra đời khái niệm về một chế độ quân chủ Hồi giáo Mã Lai.

Giờ đây, người dân Brunei đã thấm nhuần khái niệm này giống như triết lý quốc gia, trong khi đó, theo định nghĩa từ chính phủ Brunei, quân chủ Hồi giáo Mã Lai là "sự pha trộn giữa ngôn ngữ, văn hóa với phong tục Mã Lai, giáo lý và giá trị của luật Hồi giáo với hệ thống quân chủ, phải được tất cả người dân tôn trọng và thực hành".

Kể từ khi giành độc lập, Quốc vương Brunei không ngừng thúc đẩy người dân tuân thủ nghiêm ngặt các giáo luật Hồi giáo.

Dominik Mueller, chuyên gia nghiên cứu Hồi giáo ở Đông Nam Á tại Viện Nhân chủng học xã hội Max Planck ở Halle, Đức, cho biết "Quốc vương Brunei ngày càng sùng đạo trong ba thập kỷ qua, đặc biệt kể từ chuyến hành hương đầu tiên của ông đến thánh địa Mecca năm 1987. Ông đã nhiều lần nhấn mạnh bổn phận được Thánh Allah giao phó phải giới thiệu bộ luật hình sự dựa trên luật Hồi giáo Sharia hà khắc vì điều này sẽ mang lại những phúc lành trong cuộc sống hiện tại và cả ở thế giới bên kia".

Brunei cấm sự chống đối Hồi giáo cũng như chính phủ và gần như không có tổ chức xã hội dân sự độc lập nào tồn tại kể từ khi độc lập. Đất nước vẫn được cai quản dưới tình trạng khẩn cấp được tuyên bố vào năm 1962, trong đó hạn chế chặt chẽ quyền tự do hội họp và biểu đạt.

Truyền thông không thể đưa tin một cách tự do và những cơ quan báo chí vi phạm những quy định chính thức có thể bị đóng cửa, như đã xảy ra với tờ Brunei Times năm 2016. Một số luật, đáng chú ý là luật chống nổi loạn, có thể được sử dụng để chống lại những người chỉ trích chính phủ.

Điều này gây khó khăn cho các nhà báo nước ngoài. Người dân Brunei hiếu khách và sẵn sàng giúp đỡ họ nhưng họ không thể thuyết phục bất cứ ai bình luận trước máy ghi âm về bộ luật hình sự Sharia mới của Brunei.

Các tín đồ Hồi giáo ở đền thờ Hồi giáo Omar Ali Saifuddien tại Bandar Seri Begawan cho biết chỉ người có thẩm quyền mới được phép nói về những vấn đề như vậy. Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên BBC, một số người đồng tính Brunei sử dụng tên giả nói họ không tin các hình phạt nghiêm khắc trong bộ luật hình sự mới, chẳng hạn ném đá đến chết, sẽ được thực thi.

Trước sự phẫn nộ của quốc tế và những lời kêu gọi tẩy chay các khách sạn thuộc sở hữu của Brunei từ những người nổi tiếng ở Hollywood, Quốc vương Brunei mới đây tuyên bố lệnh tạm hoãn các trường hợp hành quyết theo bộ luật hình sự Sharia mới.

Song người dân Brunei đang chia rẽ về ý nghĩa của bộ luật hình sự này đối với cộng đồng LGBT (người đồng tính luyến án, song tính luyến ái và người chuyển giới).

Theo Dean, một người đồng tính nam mang quốc tịch Brunei nhưng đang sống ở nước ngoài, miễn là sống khép kín và hạn chế để lộ thân phận, người đồng tính ở Brunei sẽ không gặp rắc rối.

"Chúng tôi không bị từ chối các quyền cơ bản của con người", Dean nói. "Chúng tôi cũng không bị từ chối cơ hội làm việc và học tập, đi bộ nơi công cộng. Không giống như những gì báo chí quốc tế đưa tin, cuộc sống của người đồng tính vẫn diễn ra như bình thường", anh nói thêm.

Nhưng Sarah, một người đồng tính nữ ở Brunei, lo lắng với sự khuyến khích của bộ luật hình sự mới, hội chứng sợ và kỳ thị người đồng tính sẽ gia tăng ở Brunei.

"Luật mới không áp dụng cho phụ nữ đồng tính nhưng tôi vẫn không cảm thấy an toàn khi nói với mọi người giới tính của mình", Sarah giãi bày.

cuoc song tram lang o brunei
Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah. Ảnh: Reuters.

Nguồn lực dầu khí, vốn mang lại sự thịnh vượng cho Brunei, sẽ suy kiệt dần trong hai thập kỷ tới. Giá dầu thấp đã buộc chính phủ Brunei phải gánh các mức thâm hụt ngân sách rất lớn trong những năm gần đây. Tăng trưởng kinh tế giậm chân tại chỗ và tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao nhất Đông Nam Á khi nguồn việc làm truyền thống ở khu vực chính phủ cạn kiệt.

Chính phủ Brunei có một chương trình mang tên Tầm nhìn 2035 với mục tiêu giúp quốc gia đa dạng hóa đầu tư và loại bỏ sự phụ thuộc quá lớn vào dầu khí. Nhưng tiến triển của chương trình trên đến nay vẫn rất hạn chế.

Từ giữa trưa ngày thứ 6 hàng tuần ở thủ đô Bandar Seri Begawan, những con đường vốn thường yên ắng thậm chí còn trở nên vắng vẻ hơn khi tất cả các tín đồ Hồi giáo đều đến những đền thờ trong thành phố để hành lễ vì đây là điều bắt buộc theo luật. Các cơ quan nhà nước, văn phòng làm việc và cửa hiệu đều đóng cửa.

Vào tối thứ bảy, các cửa khẩu biên giới đi vào lãnh thổ nước láng giềng Malaysia trở nên đông đúc với dòng người Brunei chờ để làm thủ tục xuất cảnh sang nước bạn, nơi họ có thể thưởng thức các thú vui như uống rượu, hút thuốc, vốn bị cấm ở Brunei. Họ chỉ mất một tiếng rưỡi để đến Limbang, thị trấn nhỏ ven sông trên đảo Borneo của Malaysia.

Các khách sạn và quán karaoke ở đây đầy ắp khách và hầu hết xe của khách đều mang biển số Brunei. Tại một quán bar, một nhóm người đàn ông Brunei không theo đạo Hồi đang tận hưởng cuộc chơi đêm. Khi được hỏi liệu bộ luật hình sự Sharia mới của Brunei có khiến họ thấy phiền toái không, họ trả lời rằng khi nào còn được tự do đến đây và vẫn có cuộc sống thoải mái nhờ chế độ phúc lợi cao ở Brunei thì họ không có lý do gì để lo ngại về luật mới.

cuoc song tram lang o brunei
Một con đường ở thủ đô Brunei. Ảnh: Dreamstime.com.

Hồng Vân (Theo BBC)

cuoc song tram lang o brunei Brunei đình chỉ luật tử hình người quan hệ đồng tính

Trước sức ép từ cộng đồng quốc tế nhiều tuần qua, quốc vương Brunei ra lệnh hoãn thực thi luật ném đá chết người quan ...

cuoc song tram lang o brunei Giáo luật Sharia hà khắc và những góc tối xa hoa của hoàng gia Brunei

Việc quốc vương Brunei áp dụng luật hình sự bị chỉ trích là man rợ có thể là nỗ lực nhằm gột rửa hình ảnh ...

/ VnExpress