Hàng trăm cán bộ thuộc diện điều động đều không muốn xuống quận, huyện.
Từng là Bí thư Thành uỷ Hà Nội trước và sau mở rộng, ông Phạm Quang Nghị nói lo lắng lớn nhất thời điểm đó là công tác cán bộ, khả năng quy tụ, đoàn kết cán bộ sau hợp nhất.
Ông Nghị khẳng định việc sắp xếp bộ máy cán bộ hồi đó "rất dân chủ, trong sáng". Không ít người thiệt thòi, đang từ trưởng xuống phó, đang phó thường trực thành phó thường, đang cấp thành phố giờ về quận, huyện.
Ông Tưởng Phi Chiến (nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Phó bí thư Thường trực tỉnh ủy Hà Tây) nhìn nhận, có không ít tâm tư, nhất là những cán bộ thấy vị trí được phân công không đáp ứng được nguyện vọng.
Từ hai địa bàn dồn vào làm một “hai anh trưởng chỉ một anh làm trưởng tiếp, một anh phải xuống phó”, động chạm đến tâm tư cán bộ. “Cán bộ ở đây không phải cán bộ cấp thấp, toàn cán bộ cấp cao của thành phố, từ Ban thường vụ Thành ủy đến lãnh đạo các sở, ban, ngành”.
Ông Chiến cho hay, thành phố đã tập trung làm công tác tư tưởng, giải thích để cán bộ nhận thức rõ, vì yêu cầu, lợi ích chung của thành phố.
"Ai bảo Hà Nội to hơn Hà Tây, quan trọng hơn Hà Tây, thủ trưởng của Hà Tây chỉ làm phó cho Hà Nội, không có quy định nào như thế. Nhưng quả thật để việc sắp xếp thành công tôi cho rằng, còn có cả sự hy sinh sự nghiệp cá nhân của không ít người", nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chia sẻ
Ông Nguyễn Thế Thảo đắc cử Chủ tịch UBND Hà Nội mới và giữ chức vụ này đến cuối năm 2015. Ảnh: Võ Hải. |
Hàng nghìn vị trí thay đổi
Nguyên Phó bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Công Soái cho biết, sau khi hợp nhất, số lượng công chức thành phố có quy mô khoảng 100.000 người, trong đó gần 1.000 cán bộ thuộc diện thành ủy quản lý.
Nhiều sở, ngành có hơn 10 lãnh đạo như Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch với 13 phó giám đốc; Ban Tổ chức Thành ủy có 2 trưởng, 8 phó... Sau 10 năm, đội ngũ lãnh đạo được tinh giản dần theo đúng quy định của Trung ương.
Về nguyên tắc, cán bộ Thường trực Thành uỷ và Tỉnh uỷ do Trung ương sắp xếp; cán bộ diện sở, ngành đến ban thường vụ Thành uỷ do Thành uỷ sắp xếp; trưởng các sở, ngành của hai địa phương thì một người làm trưởng, một xuống làm phó hoặc điều động nhiệm vụ khác; phó các sở, ban, ngành giữ nguyên; ban chấp hành của hai đảng bộ được giữ nguyên, tổng lúc đó là 99 người; ban thường vụ cũng được giữ nguyên, tổng là 23 cán bộ.
Nguyên Phó bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Công Soái kể lại quá trình sắp xếp bộ máy Hà Nội mở rộng. Ảnh: Võ Hải. |
Theo ông Soái, việc điều động cán bộ đang là phó sở, ngành về làm phó bí thư, phó chủ tịch UBND quận, huyện là "cực kỳ khó khăn". Gần 150 cán bộ thuộc diện điều động hầu hết không muốn xuống quận, huyện. Thành uỷ sau đó đã xây dựng đề án, tiêu chí, nguyên tắc, chế độ, xem xét hoàn cảnh cụ thể của những trường hợp khó khăn.
Khi nghị quyết 15 về điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội được thông qua, Thường trực Thành uỷ Hà Nội và Tỉnh uỷ Hà Tây đã họp thống nhất nguyên tắc, thời gian… sắp xếp cán bộ. Danh sách dự kiến được gửi đến từng cán bộ Ban thường vụ xin ý kiến. Kết quả, đa số các vị trí dự kiến sắp xếp đều có số phiếu nhất trí cao.
Ổn định được bộ máy lãnh đạo cao nhất, Ban tổ chức Thành uỷ, Ủy ban kiểm tra tiếp tục đến các sở, hướng dẫn sắp xếp lại đội ngũ phòng ban.
Lễ công bố bộ máy lãnh đạo Hà Nội mới ngày 4/8/2008. Ảnh: TTX. |
"Cán bộ có tâm tư không, tôi khẳng định là có. Nhưng cách làm công khai dân chủ của Thành uỷ đã phần nào giải tỏa tâm tư của cán bộ. Trên hết, chính các cán bộ được sắp xếp đã vì thành phố, vì cái chung xây dựng thủ đô", ông Soái đánh giá.
Những người nắm trọng trách của Hà Nội thời kỳ mở rộng địa giới đều cho rằng, sắp xếp bộ máy là khó khăn nhất nhưng đã thực hiện thành công. Hàng nghìn cán bộ thay đổi vị trí nhưng theo lãnh đạo Hà Nội, thời kỳ đó "không có đơn thư khiếu nại lên thành phố hay Trung ương".
Mặc dù các vị lãnh đạo đều khẳng định sự thành công của công cuộc sắp xếp nhân sự chưa từng có trong lịch sử Hà Nội, nhưng nhiều cán bộ, kể cả những người đã về hưu từ chối chia sẻ khi đề cập đến sự kiện này.
Thực hiện Nghị quyết 39 về tinh giản bộ máy, sau 10 năm, thành phố giảm được 59 phòng, ban; giảm 130 đơn vị sự nghiệp; giảm 27 ban quản lý dự án; tinh giản hơn 1.500 biên chế. Tổng số công chức, viên chức thành phố hiện hơn 150.000 người (tăng khoảng 50.000 người so với thời điểm sáp nhập). * Infographic: Quy mô bộ máy hành chính, biến động dân số... của Hà Nội sau mở rộng |
Hợp nhất Hà Nội: Biệt thự nhà vườn 10 năm "nằm trên giấy"
10 năm hợp nhất: 10 năm về Thủ đô, xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) hiện đang là xã có nhiều dự án treo nhất ... |