Triều Tiên xác nhận với Việt Nam về cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ hai tiếng trước khi Phó thủ tướng Phạm Bình Minh rời Bình Nhưỡng.
Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong bữa tối 27/2 tại Hà Nội. Ảnh: NYT
"Sáng ngày 14/2, khi Phó thủ tướng Phạm Bình Minh chuẩn bị rời Bình Nhưỡng, kết thúc chuyến thăm chính thức Triều Tiên, đại diện của Triều Tiên đã đề nghị có một gặp lúc 7h30, hai tiếng trước khi đoàn Việt Nam xuất phát", ông Mai Phước Dũng, Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước, Bộ Ngoại giao, chia sẻ với VnExpress.
Trong cuộc gặp, đại diện Triều Tiên cho biết Chủ tịch Kim Jong-un sẽ đến Hà Nội tham dự cuộc họp thượng đỉnh lần hai với Tổng thống Mỹ Trump vào ngày 27/2 và 28/2. Đồng thời, Bình Nhưỡng cũng khẳng định ông Kim Jong-un sẽ thăm chính thức Việt Nam sau thượng đỉnh và đến bằng máy bay hoặc tàu hoả. Tuy nhiên, Triều Tiên không cho hay chuyến thăm song phương sẽ diễn ra vào ngày nào.
Khi nhận được các thông tin đó, ông Dũng cùng các đồng nghiệp mới thực sự "tĩnh tâm" để xúc tiến việc chuẩn bị cho hai sự kiện lớn của năm 2019. Xác nhận của Triều Tiên chậm hơn thông báo của Mỹ 5 ngày. Hôm 9/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng tweet cho biết ông và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ gặp nhau tại Hà Nội vào cuối tháng.
"Tôi thấy rất phấn khích khi phía Mỹ khẳng định chính thức Hà Nội là nơi diễn ra thượng đỉnh lần hai. Tự hào vì Việt Nam được chọn, nhưng phải thú thật là lúc đó cũng rất lo lắng", ông Dũng nói về cảm xúc xáo trộn của mình, do thiếu nhiều thông tin để chuẩn bị cho chu đáo và thời gian khá gấp gáp. Sức nóng từ truyền thông rất lớn, khi Tổng thống Trump là một người đặc biệt, còn Chủ tịch Kim Jong-un là một người bí ẩn.
Khoảng một tuần trước Tết Nguyên đán, ông Dũng đã nghe phong thanh về việc Việt Nam được chọn làm nơi diễn ra cuộc gặp Trump - Kim lần hai. Khi đó phía Việt Nam lên phương án Đà Nẵng là nơi tổ chức sự kiện vì là nơi Tổng thống Mỹ từng đến khi tham dự APEC 2017. Cùng lúc, vài trăm phóng viên của các hãng tin lớn trên thế giới đã đổ xô đến Đà Nẵng đặt phòng khách sạn, nhưng sau này họ lại phải chạy ào ra Hà Nội. Trong số các phóng viên quốc tế đến Việt Nam cuối tháng 2/2019, có khoảng 900 phóng viên của Hàn Quốc, 700 phóng viên Nhật Bản, gần 500 phóng viên Trung Quốc và 400 phóng viên Mỹ.
Vấn đề nan giải đầu tiên mà ông Dũng phải đối diện là kiểm tra nơi ở của hai đoàn Mỹ - Triều. Ngay từ khi Tổng thống Mỹ Trump thông báo sẽ đến Hà Nội hôm 9/2, các khách sạn ở thủ đô đã không còn phòng trống.
Ngày 16/2, đoàn tiền trạm của Triều Tiên đến Hà Nội, nêu yêu cầu cần có một khách sạn riêng, gồm 120 phòng, được đảm bảo an ninh chặt chẽ. Tuy nhiên các khách sạn ở Hà Nội có quy mô lớn hơn, nên phương án này không khả thi, họ phải ở chung với các khách khác.
Tại khách sạn Sofitel Metropole, ban quản lý đồng ý dành cho đoàn Triều 109 phòng ở phía đường Ngô Quyền, nhưng phòng dành cho Chủ tịch Kim Jong-un lại không đáp ứng được yêu cầu mà Bình Nhưỡng nêu ra. Đến khi đoàn Triều Tiên xem các phòng ở phía đường Lý Thái Tổ thì lại thiếu số lượng. Do đó Metropole bị loại khỏi danh sách. Khi đoàn tiền trạm Triều Tiên đến khách sạn Melia, chỉ còn 20 phòng trống, phòng dành cho Chủ tịch Kim Jong-un đáp ứng yêu cầu đặt ra. Các thành viên xem xong ra về mà không nói gì. Khách sạn Crown nằm trong danh sách ban đầu cũng thông báo hết phòng.
Đến ngày 17/2, phía Triều Tiên đi khảo sát ga Đồng Đăng ở Lạng Sơn. Hôm sau họ đề nghị Melia cung cấp 120 phòng, từ tầng 17 đến 22 nhưng đại diện của Melia nói họ không có đủ phòng.
"Lúc đó Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung phải họp với Hiệp hội các khách sạn Hà Nội, đề nghị các khách sạn 5 sao hợp tác, nhận bớt khách từ Melia, để có dư thêm 100 phòng", ông Dũng kể lại cuộc dàn xếp "căng thẳng".
Trong số đó, đại diện khách sạn Metropole từ chối nhận khách của Melia, cho biết "không thể giải thích lý do". Nghe vậy, ông Dũng đã lờ mờ đoán Mỹ - Triều có thể họp chung ở Metropole.
Đến ngày 22/2, Melia trả lời tổng cộng chỉ có 80 phòng. Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung đã phải gọi trực tiếp cho Tổng giám đốc Melia, đề nghị cung cấp thêm, họ chốt lại là có 90 phòng. Cuối cùng phía Triều Tiên chấp thuận số lượng này. Khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và đoàn tuỳ tùng đến, Melia đã phải trao "toàn quyền" sử dụng khách sạn cho họ. Các nhân viên của Melia được yêu cầu không tiếp cận, trừ khi họ đề nghị, kể cả dọn phòng hay cung cấp các dịch vụ khác. Trong khi cả đoàn Triều Tiên ăn bình thường tại khách sạn, Chủ tịch Kim Jong-un được phục vụ ở bếp riêng ở tầng 20, thực phẩm được mang từ Bình Nhưỡng sang.
Về phương thức di chuyển của Chủ tịch Triều Tiên đến Việt Nam, ông Dũng cho biết tối 15/2, đoàn Triều Tiên gọi điện thông báo là ngày 16/2 sẽ có đoàn tiền trạm tới Hà Nội và "khi gặp sẽ bàn cụ thể". Hôm sau họ cho biết Chủ tịch Kim Jong-un sẽ đến bằng tàu hoả, đỗ tại ga Đồng Đăng, đề nghị Việt Nam chỉnh sửa ga. Trước đó, ông Dũng đã nghe thông tin này khi đoàn tháp tùng Phó thủ tướng Phạm Bình Minh dừng chân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, trở về sau chuyến thăm chính thức Triều Tiên. Khi liên hệ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay khổ đường đủ rộng để tàu đi đến ga Yên Viên, Gia Lâm. Tuy nhiên Triều Tiên không duyệt phương án cho tàu đi đến Yên Viên, do lo ngại hạ tầng và an ninh không được đảm bảo.
Ngày 17/2, đại diện Việt Nam và Triều Tiên đến ga Đồng Đăng khảo sát. Ông Dũng vui mừng vì ga có khuôn viên đẹp, không cần chỉnh trang nhiều. Triều Tiên yêu cầu đặt một bục thoai thoải làm đường xuống cho ông Kim Jong-un, trên độ cao 1,3m, có trang trí thảm đỏ. Họ cũng đề nghị đặt một bục thép có thể chịu được trọng tải 6 tấn để cho ô tô chở Chủ tịch Triều Tiên xuống. Chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã cho một xe lu có trọng tải 10 tấn đi thử. Các hạng mục này do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thiết kế và thực hiện, có sự giám sát của Triều Tiên. Sau một tuần thì các công việc được hoàn thành.
"Cái khó là chúng tôi phải thi công trong điều kiện đảm bảo bí mật tuyệt đối, không để báo chí tiếp cận", ông Dũng nhớ lại.
Về địa điểm họp chung Mỹ - Triều, phía Việt Nam đề nghị hai nước thông báo sớm về điểm họp chung để đảm bảo an ninh, hậu cần. Tuy nhiên việc này cũng chỉ được chốt sát ngày.
Trong số các phương án, cả đoàn tiền trạm Mỹ và Triều Tiên đều không chọn Trung tâm Hội nghị quốc gia (NCC). Washington cho rằng NCC quá rộng, không phù hợp cho không gian ấm cúng và đặc trưng cho Hà Nội. Bình Nhưỡng không muốn họp chung ở gần nơi Tổng thống Trump dự kiến ở (khách sạn Marriot).
Đến xem Nhà khách Chính phủ, đoàn Mỹ rất ưng, từ kiến trúc đến ý nghĩa lịch sử và phong cảnh xung quanh. Mỹ muốn Việt Nam thuyết phục Triều Tiên nhưng Bình Nhưỡng không đồng ý địa điểm này và không nêu lý do. Ngày 17/2, khi đến Nhà Hát Lớn khảo sát, hai bên đều thích vì kiến trúc đẹp, có không gian để đi dạo, nhưng lại thiếu các phòng họp chức năng và cần có thêm hành lang. Mỹ và Triều Tiên đều lo ngại về an ninh vì phòng chính lại đối diện với một loạt nhà cao tầng xung quanh. Nếu dùng rèm che thì mất vẻ đẹp của nhà hát, phương án làm kính chống đạn cũng không khả thi.
Đến tối 26/2, sau khi ông Kim Jong-un đến, Triều Tiên thông báo cho Việt Nam là sẽ ăn tối vào 27/2 ở Metropole. Vào 0h ngày 27/2, phía Mỹ xác nhận cuộc họp chung với Triều Tiên sẽ diễn ra tại Metropole vào ngày 28/2. Trước đó, Việt Nam đã triển khai các phương án đảm bảo an ninh và trang hoàng ở quanh Metropole. Ông Dũng đánh giá việc Metropole được chọn làm điểm họp chung vì đây là khách sạn lâu đời, có các phòng đáp ứng yêu cầu của hai bên và đảm bảo an ninh.
"Áp lực của chúng tôi là biết thông tin rất muộn và gấp, hai bên chỉ đưa từng phần, không nói hết các kế hoạch", ông Dũng chia sẻ.
Khi tháp tùng Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đến Triều Tiên hôm 12/2, ông Dũng đã hy vọng thu thập được thông tin về ông Kim Jong-un, nhưng Bình Nhưỡng không chia sẻ. Trên đường trở về qua Bắc Kinh, ông đã gặp được một người tiết lộ rằng ông Kim rất tinh tế về ẩm thực và văn hoá.
Tham khảo thêm từ phía Singapore, nơi tổ chức Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu tiên năm ngoái, và các nguồn khác, ông Dũng được biết Chủ tịch Triều Tiên thích cafe, rượu vang. Sau tiệc chiêu đãi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, ông Kim Jong-un bày tỏ rất yêu thích ẩm thực và văn hoá Việt Nam. Chủ tịch Triều Tiên ngỏ ý muốn xin lại băng ghi hình chương trình ca nhạc chiêu đãi, để mở khả năng mời các nghệ sĩ Việt Nam sang Bình Nhưỡng biểu diễn. Ông cũng mong muốn sẽ trở lại để đi thăm vịnh Hạ Long.
Không có nhiều thời gian giao tiếp riêng với ông Kim Jong-un vì có nhiều vệ sĩ xung quanh nhưng ông Dũng cho hay ông cảm thấy Chủ tịch Triều Tiên là người rất thân thiện và cởi mở. Trong chương trình làm việc song phương, đoàn đại biểu Triều Tiên đã đến thăm các cơ sở tiêu biểu của Việt Nam để tìm hiểu về mô hình tư nhân hoá. Các cơ sở này gồm các doanh nghiệp chế tạo ôtô, viễn thông, công nghiệp tiêu dùng, nông nghiệp.
Về phía Mỹ, các đề nghị không khác nhiều so với lần Tổng thống Trump thăm Đà Nẵng hồi 2017. Washington có yêu cầu rất lớn về an ninh, đảm bảo cho việc vận chuyển các trang thiết bị cầu kỳ.
"Kết thúc hội nghị, tôi cảm thấy tự tin rằng chúng ta hoàn toàn có đủ năng lực để tổ chức tốt các sự kiện mang tầm quốc tế. Việt Nam có thể bảo đảm được mọi khía cạnh lễ tân và an ninh, không để xảy ra sơ sót nào", ông Dũng nói.
Ông Mai Phước Dũng, ngoài cùng bên phải, giới thiệu món quà của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam tặng Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Trí Dũng.
Lý do Triều Tiên khôi phục bãi phóng tên lửa sau thượng đỉnh Trump - Kim
Triều Tiên có thể sắp tiến hành một vụ phóng vệ tinh ở cơ sở Sohae nhằm tạo thêm sức ép chính trị với Mỹ ... |
Bắt mạch tâm lý ông Kim Jong-un vào phút cuối thượng đỉnh Mỹ - Triều
Các nguồn tin của đài CNN tiết lộ Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un "đến Hà Nội trong tâm thế rất tự tin" và "không ... |