9h30 sáng ngày 1112013, thi thể một thanh niên 26 tuổi treo cổ tự vẫn được tìm thấy tại nhà riêng ở Brooklyn New York, Mỹ. Cảnh sát sau đó đã xác định đây chính là thiên tài máy tính vốn vẫn được cộng đồng tin tặc Mỹ ca ngợi.
Cái chết của hacker thiên tài Aaron Swartz là sự mất mát lớn đối với cộng đồng tin tặc. |
Hacker “tốt bụng”
Aaron Swartz sinh ngày 8/11/1986 tại Chicago, Illinois trong một gia đình gốc Do Thái. Cha câu - Robert Swartz đã thành lập một công ty phần mềm, cho nên ngay từ khi còn nhỏ, cậu đã được tiếp xúc và nhanh chóng hình thành niềm đam mê với máy tính cũng như thế giới ảo.
Ngay từ năm 13 tuổi, được sự hỗ trợ đắc lực từ cha, Aaron đã nổi đình nổi đám trong giới viết phần mềm chuyên nghiệp Mỹ. Swartz đã thắng Giải ArsDigita, một cuộc thi dành cho những người trẻ tuổi tạo ra những trang web "có tính hữu dụng, giáo dục, và hợp tác".
Tới năm 2002, khi mới 15 tuổi, A. Swartz là đồng tác giả của hệ thống Creative Commons, đang được trang từ điển trực tuyến wikipedia cũng như trang web của nhiều tổ chức khác áp dụng, giúp mọi người biết cách làm sao để chia sẻ những tài liệu có giới hạn do mình tạo ra.
Năm 19 tuổi, anh thành lập Infogami, về sau sát nhập vào Reddit và trở thành một trong những người đồng sở hữu website nổi tiếng này.
Không giống những hacker khác, Aaron Swartz là một tin tặc đấu tranh cho tự do internet, tự do thông tin. Swartz luôn cảm thấy bất công với việc thu phí đọc tài liệu nhưng số tiền đó chỉ được trả cho nhà xuất bản chứ không phải cho các tác giả. Anh muốn phân phát tài liệu này đến càng nhiều người càng tốt.
Với mục tiêu hoạt động này, Aaron Swartz còn được mệnh danh là “hacker tốt bụng”.
Giới tin tặc khóc thương cho một thiên tài
Năm 2008, thanh niên này xâm nhập website PACER, nơi lưu trữ nhiều tài liệu pháp lý cấp liên bang, do Văn phòng các tòa án Mỹ quản lý.
Sau đó, Swartz tải xuống 4,8 triệu bài viết mang tính học thuật trong cơ sở dữ liệu của JSTOR. Sau vụ việc này, Swartz bị truy tố vì hành vi gian lận trực tuyến, lấy thông tin một cách bất hợp pháp từ máy tính được bảo vệ và làm hỏng máy tính được bảo vệ.
Với nhiều người, Swartz giống như một người hùng, người luôn tin rằng Internet là công cụ giúp con người dễ dàng tiếp cận kho kiến thức khổng lồ của nhân loại. "Thông tin là quyền lực, nhưng giống như các loại quyền lực khác, nó đang bị một số người chỉ muốn giữ cho riêng họ", Swartz từng nói. "Chia sẻ dữ liệu không phải là việc trái đạo đức".
Tuy nhiên, hành động lấy tài liệu chia sẻ cho cộng đồng có phải việc làm chính nghĩa hay không còn gây nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, Chính phủ Mỹ lại có góc nhìn khác về việc làm của Swartz. FBI từng liệt Swartz với những hành vi của mình vào danh sách tội phạm mạng cực kỳ nguy hiểm cần ngăn chặn càng sớm càng tốt.
Ngày 6/1/2011, A. Swartz bị Cảnh sát thành phố Boston bắt quả tang khi đang đột nhập khuôn viên Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), dùng máy tính xách tay nối mạng truy cập trái phép vào kho dữ liệu JSTOR, nơi lưu trữ hàng triệu tác phẩm khoa học, bài báo, bản thảo... của MIT theo dạng kỹ thuật số.
Sau đó, hacker này đã phải đối mặt với khoản bồi thường lên tới cả triệu USD và 35 năm tù giam - mức án đã ám ảnh Swartz trong suốt 2 năm vì được cho là quá nặng với một tội phạm mạng.
Nhiều ý kiên cho rằng, hành vi tự sát của anh là kết quả của những tháng ngày trầm cảm kéo dài. Tuy nhiên, dù lý do thực sự dẫn đến hành động của Swartz có thể không bao giờ được giải đáp và những việc anh đã làm còn gây nhiều tranh cãi, nhưng điều người ta không thể phủ nhận là Swartz thực sự là một tài năng và cái chết này được gói gọn trong 5 từ: "His death is a tragedy" (Cái chết của anh là một bi kịch).
http://danviet.vn/the-gioi/cuoc-doi-bi-kich-cua-hacker-bi-fbi-coi-la-dac-biet-nguy-hiem-809731.html