Cuộc "di cư ngược" của lao động Trung Quốc

Sau nhiều năm cố gắng kiếm tiền ở các thành phố, một số lao động nhập cư của Trung Quốc đang trở về nhà.

Dân số già, chi phí sinh hoạt cao và các hoạt động kinh doanh mới như livestream bán hàng đang góp phần làm đảo ngược làn sóng lao động nông thôn đổ xô đến các thành phố lớn - nơi đóng vai trò trụ cột của tăng trường kinh tế Trung Quốc trong vài thập kỷ qua.

Dữ liệu chính thức cho thấy hàng triệu người Trung Quốc đã không quay trở lại các khu vực đô thị để làm việc sau đại dịch năm ngoái. Tính đến cuối tháng 3, cơ quan thống kê cho biết vẫn còn ít hơn 2,46 triệu lao động nhập cư so với cùng kỳ năm 2019. "Di cư từ nông thôn ra thành thị đã chậm lại trước khi có Covid-19 và lần đầu tiên giảm vào năm 2020", Dan Wang, Nhà kinh tế trưởng tại Hang Seng China ở Thượng Hải, cho biết.

Vị chuyên gia dự báo, di cư ngược sẽ tăng nhanh trong những năm tới, một phần vì người lao động không đủ tiền mua nhà ở thành phố và không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại đó. Đặc biệt, yếu tố chính là tình trạng già hóa, với tỷ lệ lao động nhập cư trên 50 tuổi đã tăng hơn gấp đôi trong 12 năm qua, lên 26%.

Cuộc "di cư ngược" của lao động Trung Quốc

Công nhân nhập cư tại ga xe lửa Tây Bắc Kinh ở Bắc Kinh vào ngày 26/2/2020 từ một chuyến tàu đặc biệt vận chuyển 470 công nhân nhập cư từ Trùng Khánh. Ảnh: Xinhua.

Chính sách của chính phủ cũng góp phần vào xu hướng này. Trong vài thập kỷ qua, hàng chục triệu người Trung Quốc đã theo đuổi việc làm ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thâm Quyến. Chính quyền địa phương đã xây dựng tàu điện ngầm và các cơ sở hạ tầng đô thị khác để hỗ trợ tăng trưởng.

Tuy nhiên, nhiều người di cư đối mặt với điều kiện làm việc khắc nghiệt khi làm công nhân trong các nhà máy hoặc nhân viên giao hàng cho các gã khổng lồ thương mại điện tử.

Cùng với đó, một hệ thống hộ khẩu nghiêm ngặt - được gọi là "hukou" - đã ngăn cản những người di cư tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe công và trường học, hoặc mua tài sản ở thành phố mà họ làm việc. "Cơn lũ’ người nhập cư đã góp phần làm cạn kiệt nguồn tài nguyên tại các đô thị hàng đầu, khiến chính quyền phải tìm cách cho họ phải hồi hương.

Trong khi đó, các thành phố nhỏ hơn như Tây An thì cố gắng thu hút lao động có trình độ hoặc kỹ năng cao bằng cách cung cấp các lợi ích về cư trú. Chính vì vậy, dữ liệu hiện cho thấy thay vì đi đến các thành phố lớn nhất như Bắc Kinh hoặc Thượng Hải, nhiều lao động đang làm việc ở gần nhà hơn, trong cùng một tỉnh.

Đồng thời, Trung Quốc cũng đã thử các hình thức đô thị hóa khác, như xây dựng cơ sở hạ tầng ở các vùng nông thôn nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Các số liệu chính thức cho thấy, năm ngoái, lượng người quay về nông thôn để bắt đầu kinh doanh thông qua trợ cấp đã nhiều hơn 1,6 triệu so với năm 2019. Hơn một nửa số dự án khởi nghiệp tập trung vào hình thức livestream và các phương pháp khác để bán hàng trực tuyến.

Nhiều người sống bên ngoài các thành phố lớn đang nhận công việc trong nền kinh tế kỹ thuật số này. Họ có thể làm việc từ xa cho các công ty đặt trụ sở tại các khu trung tâm đô thị.

Qingtuanshe, một nền tảng tìm kiếm việc của Alipay, cho biết số lượng công việc làm người dẫn livestream và liên quan đã tăng lên đáng kể trong năm ngoái. Đồng thời, tỷ lệ lao động làm nghề này ở các đô thị loại 3 và 4 đang tăng.

Trong số hàng loạt các doanh nghiệp nhỏ đã phát triển trong ngành, công ty quan hệ công chúng Vyoung có trụ sở tại Bắc Kinh tuyên bố rằng họ nhận được cuộc gọi từ 20 đến 30 người mỗi ngày - ngày càng tăng từ các thành phố nhỏ - để đề nghị đặt quan hệ hợp tác làm influencer (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) cho các thương hiệu thời trang lớn.

Báo cáo từ các cơ quan của chính phủ Trung Quốc cho biết nền kinh tế kỹ thuật số ước đóng góp tới hơn một phần ba tổng GDP. Trong khi, khu vực nông thôn có thêm 50 triệu người dùng Internet vào năm ngoái.

Jialu Shan, nhà kinh tế và học giả về các thị trường châu Á và mới nổi tại Viện Phát triển Quản lý Quốc tế cho biết, mặc dù không dễ dàng để những người mới tham gia vào ngành livestream có thể trở thành ngôi sao lúc này, nhưng thị trường vẫn cần nhiều influencer hơn ở phân khúc "trung bình".

Shan cho biết, sự phát triển bùng nổ của livestream vào năm ngoái đã kéo theo nhiều lời phàn nàn về sản phẩm giả mạo và tỷ lệ trả hàng cao. Bà hy vọng ngành này có thể phát triển lành mạnh hơn, trong khi vẫn tiếp tục tạo ra các cơ hội mới.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ nền kinh tế kỹ thuật số có thể đóng góp bao nhiêu vào phục hồi sau dịch. Doanh số bán lẻ tăng chậm hơn dự kiến và tỷ trọng doanh số bán hàng trực tuyến bị đình trệ - mối lo ngại đối với một nền kinh tế đang cố gắng dựa nhiều hơn vào tiêu dùng cá nhân.

Theo khảo sát của Ant Group và trung tâm tài chính hộ gia đình tại Đại học Kinh tế Tài chính Tây Nam, trong quý I, sự lạc quan của người tiêu dùng tăng lên ở tất cả các mức thu nhập, nhưng thước đo mức tăng chi tiêu vẫn không cải thiện.

Trong các ngành công nghệ có giá trị cao như chất bán dẫn, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cảnh báo về sự thiếu hụt nhân tài. Đại học Thanh Hoa hàng đầu của Trung Quốc thậm chí đã khai trương một trường cao đẳng vào tháng 4 để tập trung vào chip.

Phiên An (theo CNBC)

Người lao động Trung Quốc ám ảnh vì phần mềm giám sát Người lao động Trung Quốc ám ảnh vì phần mềm giám sát
"Lời nguyền" tuổi 35 của lao động Trung Quốc "Lời nguyền" tuổi 35 của lao động Trung Quốc
Gần 1.000 lao động Trung Quốc sẽ đến Quảng Ngãi Gần 1.000 lao động Trung Quốc sẽ đến Quảng Ngãi
/ vnexpress.net