Cuộc đảo chính của Myanmar làm lộ nỗi lo của Trung Quốc

Cuộc đảo chính ở Myanmar nhắc nhở Trung Quốc về sự phụ thuộc của Bắc Kinh đối với đất hiếm vào quốc gia láng giềng Đông Nam Á.

Trung Quốc sở hữu trữ lượng đất hiếm nhiều nhất thế giới. Khoáng sản này là thứ không thể thiếu trong việc sản xuất nhiều loại sản phẩm công nghệ, từ điện thoại thông minh, hệ thống phòng thủ tên lửa cho tới máy bay chiến đấu. Đồng thời, nước này cũng phụ thuộc nhiều vào nguồn đất hiếm nhập khẩu, chủ yếu từ Mỹ và Myanmar.

Báo cáo hàng năm mới nhất của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết Trung Quốc sản xuất 140.000 tấn oxit đất hiếm trong năm 2020, chiếm gần 60% sản lượng toàn cầu. Trữ lượng đất hiếm của Trung Quốc đạt khoảng 44 triệu tấn, gấp đôi quốc gia xếp thứ hai. Nhưng quốc gia tỷ dân là một trong những nước nhập khẩu quặng và tinh quặng nhiều nhất.

Đặc biệt với các nguyên tố đất hiếm nặng như terbi và dysprosi, Myanmar chiếm hơn một nửa nguồn cung của Trung Quốc.

Cuộc đảo chính hôm 1/2 nổ ra khiến nhiều người Trung Quốc nhớ lại "sự cố Myanmar" hồi năm 2018 khi quốc gia Đông Nam Á thông báo với Bắc Kinh về lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm.

Cuộc đảo chính của Myanmar làm lộ nỗi lo của Trung Quốc - 1
Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu đất hiếm từ Mỹ, Myanmar. (Ảnh: Reuters)

Các chuyên gia tin rằng lệnh cấm trên xuất phát từ thực trạng nhiều người Trung Quốc vượt biên sang Myanmar để khai thác khoáng sản kể từ năm 2016.

Myanmar lo ngại về nguy cơ môi trường bị hủy hoại và các vấn đề liên quan tới quyền khai thác trên lãnh thổ quốc gia này.

Lệnh cấm năm 2018 sau đó được gỡ bỏ, nhưng thỉnh thoảng Myanmar lại bóng gió về việc có thể ngừng xuất khẩu.

"Bất ổn chính trị ở Myanmar có thể dẫn đến sự không chắc chắn về nguồn cung cấp đất hiếm", Ma Jinlong - nhà phân tích tại Zheshang Securities nhận định.

Cho tới nay, vẫn chưa ghi nhận sự gián đoạn nào từ phía Myanmar cũng như các nhà nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Ryan Castilloux, giám đốc điều hành của Adamas Intelligence cho rằng Myanmar hiện là nguồn cung cấp thiết yếu về tinh quặng đất hiếm nặng cho Trung Quốc những năm gần đây. Viễn cảnh nguồn cung đó có thể bị gián đoạn sẽ đẩy giá một số nguyên tố đất hiếm lên cao.

Giá của một số loại đất hiếm tăng vọt sau khi nhu cầu từ Trung Quốc tăng mạnh và các hoạt động đầu cơ, tích trữ sau chính biến ở Myanmar.

Giá terbium oxit tăng 95% vào cuối tháng 2 kể từ tháng 10. Neodymium và dysprosium oxit cũng lần lượt tăng 87% và 65% cùng kỳ.

Giá cổ phiếu của các nhà sản xuất đất hiếm Trung Quốc gần đây cũng tăng mạnh. Cổ phiếu Công ty Công nghệ cao Đất hiếm Phương Bắc tăng 34% vào ngày 3/3.

Khi sức nóng tăng lên, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, Bộ Tài nguyên Trung Quốc công bố thông tư chung về việc mở rộng hạn ngạch đất hiếm.

Ông Castilloux cho rằng quyết định này là cần thiết trong bối cảnh nhu cầu với đất hiếm sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Cũng theo chuyên gia này, sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào các nguồn nước ngoài, chủ yếu ở Mỹ và Myanmar - có lẽ là dấu hiệu báo động đối với Bắc Kinh. Trong khi Mỹ là mối lo rõ ràng ở thời điểm căng thẳng hai nước gia tăng, tình hình hiện tại ở Myanmar làm nổi bật nguy cơ của sự phụ thuộc ngày càng gia tăng này.

Năm 2010, Trung Quốc ra lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản do các tranh chấp về chủ quyền. Do Tokyo phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung từ Bắc Kinh, các công ty Nhật Bản rơi vào tình trạng hỗn loạn sau lệnh cấm này.

Sau một thập kỷ, Trung Quốc dù trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới nhưng lại phải sống trong nỗi lo bị cắt nguồn cung như Nhật từng trải qua.

Chuyên gia: ASEAN ở thế khó trong vấn đề Myanmar Chuyên gia: ASEAN ở thế khó trong vấn đề Myanmar

Chuyên gia cho rằng, cả Liên hợp quốc và ASEAN ở thế khó xử trong vấn đề Myanmar, trong khi Mỹ và Trung Quốc hành ...

Mỹ kêu gọi Trung Quốc hành động để giải quyết khủng hoảng tại Myanmar Mỹ kêu gọi Trung Quốc hành động để giải quyết khủng hoảng tại Myanmar

Washington cho biết họ muốn thấy các bên bao gồm cả Trung Quốc sử dụng phản ứng chính sách thích hợp để giải quyết khủng ...

/ vtc.vn