Ai nấy đều thắc mắc người con nào sẽ vinh dự được tiếp quản cơ ngơi đồ sộ của tỷ phú Bernard Arnault.
Một buổi chiều tháng 7, không lâu sau khi được Forbes vinh danh là người giàu nhất hành tinh, Bernard Arnault - người đàn ông đứng đầu đế chế hàng xa xỉ LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton đã tham gia một buổi lễ với sự góp mặt đông đảo của quan chức và phóng viên.
Ngồi hàng ghế đầu là bốn trong số năm đứa con ông. Người con thứ năm khi ấy đang theo dõi sự kiện từ New York. Đây đều là những người thừa kế sáng giá, một ngày nào đó sẽ tiếp quản tập đoàn LVMH.
Trên sân khấu, ông Arnault thông báo rằng LVMH sẽ chi 150 triệu euro (khoảng 161 triệu USD) tài trợ cho Thế vận hội Paris 2024. Huy chương Olympic sẽ được thiết kế bởi một thợ kim hoàn có tiếng. Rượu vang Moët Hennessy cũng sẽ được chuẩn bị đầy đủ và phục vụ riêng tại khách sạn.
“Sự hợp tác sẽ giúp quảng bá hình ảnh nước Pháp ra toàn thế giới”, ông Arnault tuyên bố.
Đó là khoảnh khắc chiến thắng - một chỉ dấu cho thấy LVMH gắn bó với nền kinh tế Pháp như thế nào. Trong hơn 30 năm, Bernard Arnault đã đưa LVMH trở thành tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới. Hầu hết các thương hiệu đều được coi là ‘ngôi sao’, chẳng hạn như Louis Vuitton, Christian Dior, Tiffany, Dom Pérignon Champagne và tất cả giúp Bernard Arnault có cơ hội tiếp cận những lãnh đạo đứng đầu nước Pháp.
Tuy nhiên, thành công này cũng đã mang lại nhiều những rắc rối cho riêng Bernard Arnault, chẳng hạn như biểu tình phản đối bất bình đẳng kinh tế. Vào tháng 4, 10 ngày sau khi được Forbes đưa vào danh sách những người giàu nhất thế giới, người đàn ông này đã bị đoàn người biểu tình xông vào văn phòng vì quá phẫn nộ trước chính sách tăng độ tuổi nghỉ hưu.
Thời gian trôi đi, người ta lúc này đặt ra câu hỏi rằng người con nào sẽ vinh dự được tiếp quản cơ ngơi đồ sộ mà ông Arnault để lại. Đây đều là những gương mặt ưu tú, có cơ hội hưởng điều kiện giáo dục tốt nhất và mang trên vai ước mơ của cả tập đoàn.
Trong những tháng gần đây, cổ phiếu của LVMH giảm mạnh 19% kể từ khi đạt đỉnh vào tháng Tư. Công ty báo cáo doanh số bán hàng tại Mỹ sụt giảm trong quý II trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc, nguồn thu lớn của LVMH, đang chững lại.
Cổ phiếu giảm đồng nghĩa với việc ông Arnault bị tụt xuống vị trí người giàu thứ hai thế giới vào tháng 6, xếp sau Elon Musk. Danh xưng công ty giá trị nhất châu Âu cũng bị chuyển sang Novo Nordisk đến từ Đan Mạch.
Ở tuổi 74, Arnault đang cố gắng đảm bảo rằng tập đoàn LVMH sẽ nằm chắc trong tay gia đình ông. Năm ngoái, ông đã phải thuyết phục hội đồng quản trị tăng tuổi nghỉ hưu bắt buộc đối với giám đốc điều hành và chủ tịch từ 75 lên 80, đồng thời cơ cấu công ty nhằm đảm bảo quyền kiểm soát LVMH. Con ông cũng được đảm nhận những vị trí cấp cao, có thể đưa ra những quyết định quan trọng.
Tăng độ tuổi nghỉ hưu đồng nghĩa với việc ông Arnault sẽ không phải nghỉ hưu vào năm sau. Ai nấy đều không ngừng suy đoán về việc liệu người cha này có thể đảm bảo rằng các con của mình tránh được những bi kịch như trong phim ‘Succession’ (Kế nghiệp) hay không.
Các phương tiện truyền thông Pháp tràn ngập các bài báo so sánh Arnaults với Roys, một gia đình trong loạt phim HBO. Còn có những video TikTok giải thích lý do tại sao nhà Arnaults lại là một gia tộc kiểu ‘Succession’.
Người anh cả Delphine, 48 tuổi, hiện đang là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Christian Dior Couture; đồng thời là thành viên hội đồng quản trị LVMH. Antoine, 46 tuổi, ngoài vai trò xây dựng hình ảnh và phát triển tính bền vững, còn là giám đốc điều hành thương hiệu quần áo nam Berluti, chủ tịch hãng thời trang xa xỉ Ý Loro Piana, giám đốc điều hành Christian Dior SE kiêm thành viên hội đồng quản trị LVMH. Đây đều là những người con chung của ông Arnault với bà Anne Dewavrin - vợ cả.
Sau cuộc hôn nhân thứ hai với bà Hélène Mercier, nghệ sĩ piano người Canada, ông Arnault có thêm 3 người con: Alexandre, 31 tuổi, phó chủ tịch điều hành sản phẩm và truyền thông tại Tiffany; Frédéric, 28 tuổi, giám đốc điều hành Tag Heuer và Jean, 24 tuổi, giám đốc hãng đồng hồ Louis Vuitton.
Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi tại trụ sở của LVMH, ông Arnault đã gạt bỏ mọi sự so sánh giữa gia đình mình với Roys.
“Người tài giỏi nhất sẽ là người kế vị. Trong tương lai gần, tôi hy vọng đây sẽ không trở thành một cuộc chiến quá tàn khốc”, ông Arnault nói.
Được biết, ông Arnault lớn lên ở Roubaix, nơi từng được coi là trung tâm dệt may lớn nhất nhì miền bắc nước Pháp và đã chứng kiến rất nhiều các gia tộc sụp đổ vì con cháu phung phí tài sản thừa kế. “Sai lầm đó tôi sẽ không phạm phải. Tôi không cho phép các con phung phí tham dự các bữa tiệc xa hoa. Tôi phải khiến chúng làm việc chăm chỉ”.
Hàng tháng, năm anh chị em sẽ gặp bố tại trụ sở LVMH. Trong suốt một tiếng rưỡi đó, họ cùng thảo luận về công việc kinh doanh và đồng thời cũng được ông Arnault âm thầm theo dõi và đánh giá sự tiến bộ.
Tốt nghiệp trường École Polytechnique ưu tú của Pháp, ông Arnault truyền lại kiến thức cho con mình gần như mỗi tối trước giờ ăn. Antoine nhớ lại rằng việc đạt điểm thấp trong các kỳ thi quan trọng là “không thể chấp nhận được”, trong khi Jean nói đùa về việc có “24 năm kinh nghiệm” vì bữa ăn nào cũng luôn xoay quanh công việc”.
“Việc học kinh doanh của Alexandre bắt đầu từ năm 9 tuổi, trên bàn ăn sáng”, Ian Rogers, cựu giám đốc kỹ thuật số của LVMH, kể lại.
Năm 10 tuổi, Delphine đã cùng cha đến các cửa hàng Dior. “Lúc 7 tuổi, tôi đã nghĩ: ‘Tại sao cha cứ lặp lại cùng một câu hỏi với cùng một nhân viên bán hàng vào mỗi thứ Bảy’?”, Delphine nhớ lại.
Trước khi ‘đủ lông đủ cánh’, 5 anh em đều được cha gửi gắm kèm cặp bởi một cố vấn giàu kinh nghiệm. Tất cả đều ngầm hiểu rằng bản thân gia đình mình chính là một ‘thương hiệu xa xỉ’ và họ không được phép lãng phí thời gian để quảng bá sự hiện diện của mình.
Trong vòng chưa đầy 2 năm làm việc tại Tiffany, Alexandre đã giúp thương hiệu ký kết thỏa thuận với Beyoncé và Jay-Z. Anh cũng thuyết phục cha mình mua lại Rimowa - một nhà sản xuất vali nhôm của Đức.
Trong khi đó, Delphine chủ trì Giải thưởng LVMH dành cho những nhà thiết kế thời trang trẻ. Antoine thì mở rộng cánh cửa quảng bá hình ảnh, mời công chúng có thể vào hẳn nhà máy và các kho xưởng để tham quan cơ ngơi. Tất cả đều cống hiến hết sức cho đế chế cha mình kỳ công xây đắp.
Ông Arnault sinh ra trong một công ty do chính cha và ông nội gây dựng và điều hành. Ở tuổi 28 tuổi, ông đã được trao chìa khóa kinh doanh, tái tập trung vào bất động sản và ngay sau đó chuyển đến New Rochelle, NY, để mở rộng hợp tác với các doanh nhân. Ngày trở lại Paris ở tuổi 35, Arnault đã khá không thành công trong việc phát triển khu chung cư ở Palm Beach, Fla.
Thời điểm chính phủ Pháp muốn dỡ bỏ một tập đoàn dệt may phá sản, trong đó có Dior, ông Arnault đã mua lại với giá 1 franc, sa thải 9.000 người và gây dựng lại từ đầu mọi thứ ngoại trừ Dior - công ty sau này được dùng để tài trợ vốn cho việc tiếp quản LVMH.
Phong cách của Bernard Arnault khiến giới kinh doanh chấn động, để rồi đặt cho ông cái tên “Con sói khoác áo Cashmere”. Đây chính là khởi đầu của quá trình xây dựng đế chế kéo dài 3 thập kỷ sau một loạt các thương vụ thâu tóm đắt giá.
Năm 1989, Bernard Arnault, chủ sở hữu của Dior, giành quyền kiểm soát LVMH. Trong rất nhiều các cuộc phỏng vấn, người đàn ông này liên tục khẳng định mục tiêu chính của ông không phải là lợi nhuận. “Tôi muốn đảm bảo rằng 50 năm sau, tập đoàn này vẫn đứng đầu”, Bernard Arnault nói.
“Sự khao khát” chính là cụm từ miêu tả rõ ràng nhất động lực phát triển của LVMH. Câu hỏi đặt ra là người con nào có thể duy trì những khát khao đó, bất chấp sự bất ổn kinh tế toàn cầu.
Năm ngoái, ông Arnault nỗ lực cơ cấu và tập trung quyền hành cho 5 người con. Mỗi người đều nắm trong tay 20% cổ phần và họ không thể bán chúng trong 30 năm nếu không có sự chấp thuận của hội đồng quản trị.
Theo Sidney Toledano, người đứng đầu tập đoàn thời trang LVMH kiêm giám đốc điều hành lâu năm nhất của ông Arnault, 5 người thừa kế sáng giá đều đã được đào tạo bởi những chuyên gia giỏi nhất thế giới. Tất cả đều rất giỏi kinh doanh, song chính Alexandre phải thừa nhận rằng có lẽ, không ai trong số các anh em có thể đủ xuất chúng bằng cha.
Theo: The New York Times