Cuộc chiến chống rác thải của cô bé 12 tuổi

Bỏ học để đi nhặt rác trên con kênh ô nhiễm, Lilly coi nhiệm vụ của mình là thay đổi thói quen sử dụng túi nilon của người dân. 

"Cháu là một đứa trẻ tham gia cuộc chiến này", cô bé 12 tuổi nói sau hàng giờ cần mẫn nhặt rác trên con kênh như một thói quen. "Cháu cố gắng lạc quan nhưng cũng rất tức giận. Thế giới của chúng ta đang dần biến mất".

Thái Lan là quốc gia gây ô nhiễm đại dương nhiều thứ 6 trên toàn cầu và rác thải nhựa là một thảm họa ở nước này. Mỗi người Thái dùng 3.000 túi nilon sử dụng một lần mỗi năm, cao gấp 12 lần so với một số nước ở châu Âu.

Hồi tháng 6, Lilly giành được chiến thắng đầu tiên khi thuyết phục siêu thị Central ở Bangkok, ngừng cung cấp túi nhựa trong các cửa hàng mỗi tuần một lần. "Cháu tự nhủ rằng nếu chính quyền không lắng nghe, cháu cần phải nói chuyện trực tiếp với những người cung cấp túi nhựa và thuyết phục họ dừng lại", cô bé giải thích.

Lilly tự chèo thuyền gom rác trên một con kênh ô nhiễm ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP.

Trong tháng này, một số thương hiệu lớn ở Thái Lan, bao gồm chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven, cũng cam kết ngừng cung cấp túi nhựa dùng một lần vào tháng 1 năm sau.

Tư duy của người dân Thái Lan bắt đầu thay đổi trong năm nay, sau cái chết thương tâm của một số động vật biển do rác thải nhựa.

Cái chết của một con bò biển mới sinh vào tháng trước đã dấy lên làn sóng thương xót trên mạng xã hội, dẫn đến các cuộc thảo luận trong chính phủ về đề xuất ban hành lệnh cấm hầu hết các loại nhựa dùng một lần vào năm 2022.

Hiện tại, các nhà hoạt động trẻ tuổi như Lilly có thể giúp thu hút sự chú ý đối với tình trạng này. "Bạn có thể phớt lờ mọi dẫn chứng và lập luận, nhưng thật khó để bỏ qua một đứa trẻ khi chúng hỏi tại sao chúng ta lại phá hủy hành tinh mà chúng đang sống", Kakuko Nagatani-Yoshida, điều phối viên môi trường Liên Hợp Quốc, cho biết.

Lilly tên thật là Ralyn Satidtanasarn, mang trong mình dòng máu Mỹ - Thái. Cô bé bắt đầu chiến dịch bảo vệ môi trường từ năm 8 tuổi, sau khi chứng kiến bãi biển toàn rác trong kỳ nghỉ ở miền nam Thái Lan.

"Cháu đã cùng bố mẹ dọn sạch, nhưng điều đó chẳng có ích gì vì rác thải lại được ném ra biển ngay hôm sau", Lilly nhớ lại.

Lấy cảm hứng từ Greta Thunberg, nhà hoạt động môi trường Thụy Điển 16 tuổi, Lilly thường bỏ học, ngồi trước trụ sở chính quyền Thái Lan để nâng cao nhận thức về môi trường. "Greta Thunberg đã cho cháu sự tự tin. Khi người lớn không làm gì, trẻ em phải hành động", cô bé khẳng định.

Ngay cả khi muốn nghỉ ngơi và "đi chơi" như những đứa trẻ khác, Lilly cũng tham gia vào các buổi dọn dẹp được hiệp hội địa phương có tên Trash Hero tổ chức.

Lilly tham gia buổi don dẹp của tổ chức môi trường có tên Trash Hero. Ảnh: AFP.

Trở ngại lớn nhất với những nỗ lực như của Lilly là ngành công nghiệp hóa dầu, một trong những thị trường chính của nhựa, chiếm 5% GDP của Thái Lan và tạo ra hàng chục nghìn việc làm. "Lilly là một tiếng nói rất tốt cho giới trẻ nước này, nhưng hoạt động vận động hành lang từ doanh nghiệp rất mạnh mẽ, khiến bất cứ sự thay đổi nào cũng trở nên khó khăn", Nattapong Nithiuthai, người thành lập một công ty chế biến rác thải, cho biết.

Lilly cũng có thể dựa vào sự hỗ trợ của cha mẹ mình, những người giúp cô viết bài phát biểu trước Liên Hợp Quốc và các quan chức chính phủ. "Lúc đầu, tôi nghĩ đó đơn giản là sở thích của một đứa trẻ, nhưng Lilly vẫn tiếp tục, vì vậy tôi quyết định ủng hộ con bé", Sasie, mẹ của Lilly, từng là một nhà hoạt động môi trường, khẳng định.

Ngọc Ánh (Theo AFP)

Hội An hướng tới Du lịch không rác thải nhựa
Chợ Trung thu phố Hàng Mã nhếch nhác, ngập tràn rác thải
Người Việt tiêu thụ nhựa "khủng khiếp" thế nào trong một năm?
Hơn 8,5 tấn rác thải được sinh viên tình nguyện thu gom từ các bãi biển
Rác tràn xuống thung lũng Đà Lạt sẽ được chôn lấp
/ vnexpress.net