Năm nào cũng vậy, cứ gần đến Tết Nguyên đán là các hành vi buôn lậu và gian lận thương mại diễn biến phức tạp.
Vào thời điểm này, gian thương tìm đủ mọi cách, tính trăm phương nghìn kế để những lô hàng lậu, hàng giả, hàng nhái... trị giá hàng tỷ, hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đồng vẫn có thể qua mắt lực lượng phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại. Vậy, vì sao gần Tết lại là thời điểm buôn lậu và gian lận thương mại “lên ngôi”?
Lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ hàng hóa không rõ nguồn gốc.
Câu trả lời rất đơn giản, bởi theo truyền thống của dân tộc thì đây là thời điểm người người, nhà nhà “mở hầu bao” để chi tiêu, mua sắm. Quy luật tất yếu của thị trường là có cung tất có cầu, song thay vì đáp ứng đủ số lượng hàng đảm bảo chất lượng để bán cho người tiêu dùng thì các gian thương lại vì cái lợi trước mắt của riêng mình mà trà trộn hàng lậu, hàng giả, hàng nhái kém chất lượng vào hàng thật.
Xét về mặt lý thuyết, hàng lậu tức là những mặt hàng bất hợp pháp (hoặc là bị cấm kinh doanh, hoặc là không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ). Theo đó, người tiêu dùng nếu mua phải hàng lậu chưa chắc đã là sản phẩm không tốt, chỉ có điều chất lượng của sản phẩm đó sẽ không có ai đảm bảo. Còn nếu mua phải hàng giả, hàng nhái... tuy giá thành rẻ hơn rất nhiều so với hàng thật nhưng chất lượng thì không cần phải nói chắc ai cũng có thể hình dung ra sao rồi. Tóm lại là dù mua phải hàng lậu, hàng giả hay hàng nhái... người tiêu dùng cũng sẽ bị thiệt thòi.
Đó là mới bàn về người tiêu dùng, còn về phía Nhà nước, xã hội thì sao? Đương nhiên là nạn hàng lậu, hàng giả, hàng nhái càng nhiều thì trật tự thương mại, thị trường chắc chắn sẽ đảo lộn, khó kiểm soát. Đơn cử, nếu hàng lậu bị thẩm thấu qua biên giới không kiểm soát được thì không chỉ khiến người tiêu dùng thiệt hại, mà ngay cả các doanh nghiệp trong nước cũng điêu đứng. Hàng lậu đương nhiên là không chịu bất kỳ loại thuế nào, trong khi các sản phẩm tương tự được sản xuất trong nước, hay thậm chí nhập khẩu chính ngạch đều phải chịu các khoản thuế thì làm sao có thể cạnh tranh nổi? Cùng một cái tivi Sony 32in, người ta sẽ mua với giá 9 triệu hay 10-11 triệu?
Doanh nghiệp là một trong những nền tảng đóng góp rất lớn trong GDP của đất nước, vậy nếu các doanh nghiệp chết dần chết mòn rồi phá sản thử hỏi hậu quả sẽ ra sao? Nhiều doanh nghiệp phá sản không chỉ khiến nguồn thu ngân sách giảm, mà còn dẫn đến hệ lụy tiến trình phát triển kinh tế - xã hội dậm chân tại chỗ, tệ hơn nữa là bước tụt lùi. Đặc biệt, với việc thẩm thấu hàng lậu càng nhiều cũng đồng nghĩa với việc Nhà nước càng thất thu thuế, phí, lệ phí, các doanh nghiệp làm dịch vụ cũng sẽ “ngồi chơi xơi nước” không có việc làm. Thuế là nguồn thu chính của ngân sách nhà nước, nếu mức thất thu thuế quá lớn thì lấy gì để bù vào khoản thiếu hụt thu ngân sách hàng năm?
Mới điểm sơ vài nét về hàng lậu đã thấy hệ lụy của nó gây nguy hại cho nền kinh tế đến như thế nào. Ấy vậy mà hàng giả, hàng nhái còn có mức độ “tàn phá” ghê gớm hơn. Liệu có ai đủ “bản lĩnh” để tiếp tục mua sản phẩm của một thương hiệu (dù là trong nước hay nước ngoài) khi đã từng một lần mua phải sản phẩm thương hiệu đó mà chất lượng quá tồi, thậm chí là không sử dụng được? Chắc chắn là không có ai rồi, bởi chẳng có ai dại đến hai lần cả. Lẽ tất nhiên khi mà nhiều người tiêu dùng cùng quay lưng lại với thương hiệu đó thì doanh nghiệp chỉ còn nước đóng cửa hoặc tuyên bố phá sản chứ còn biết làm sao hơn. Hệ lụy trực tiếp của hàng giả, hàng nhái là thế đó.
Đôi khi hàng nhái “cao cấp” hơn hàng giả một chút về chất lượng. Chẳng hạn như người ta làm nhái các thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ có uy tín như Rolex, Tissot... hoặc nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Adidas, Valentino... thì dù chất lượng không thể bằng được hàng “xịn” nhưng cũng không đến nỗi quá kém (tùy theo cấp độ fake) hoặc không thể sử dụng được. Song, ngay cả khi chỉ là “kém tí ti” cũng sẽ phá hoại hình ảnh thương hiệu sản phẩm của các doanh nghiệp.
Ngoài việc gây mất uy tín của thương hiệu, thực tế là càng nhiều hàng giả, hàng nhái trôi nổi thì lượng hàng thật của doanh nghiệp tiêu thụ được cũng giảm đi đáng kể, ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất kinh doanh, cũng như doanh thu của doanh nghiệp.
Chính từ những điều nguy hại đó mà Nhà nước đã phải thành lập hẳn một BCĐ quốc gia về phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại (BCĐ 389). Từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có các BCĐ 389, song trong nhiều năm qua vẫn chưa thực sự trấn áp được nạn buôn lậu và gian lận thương mại. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc phát hiện, bắt giữ, xử lý các đối tượng gian thương, song tất cả vẫn như muối bỏ bể, nạn buôn lậu và gian lận thương mại vẫn hoành hành, có nơi, có lúc diễn biến hết sức phức tạp, khó lường.
Chẳng phải một thương hiệu nổi tiếng như Lụa Khaisilk ngang nhiên làm hàng giả trong bao nhiêu năm mà vẫn không bị phát hiện, khiến cho nhiều người tiêu dùng, trong đó có không ít quan chức ngoại giao bị lừa đó sao? Hay có bao nhiêu chiếc đồng hồ bày bán ở các tiệm đồng hồ là hàng “xịn” chứ không phải là hàng fake? Nạn buôn lậu thuốc lá phía biên giới Tây Nam đã bao giờ chấm dứt?...
Còn rất nhiều ví dụ khác mà trong khuôn khổ bài viết không thể liệt kê hết. Song, với sự cố gắng của các lực lượng chức năng, dư luận xã hội vẫn hy vọng sẽ có một ngày nạn hàng lậu, hàng giả, hàng nhái sẽ được chấm dứt. Hy vọng cuộc chiến chống gian thương sẽ có hồi kết.
Đưa ra khỏi ngành nếu phát hiện cán bộ thuế, hải quan gian lận
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thuế và hải quan là 2 ngành thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp và người dân, cần ... |
"Thiên đường thuế" mới
Hơn 7 năm trước, nước Mỹ đi đầu nỗ lực đối phó với vấn đề mà mọi chính phủ phải đối mặt: Khoảng 2.500 tỉ ... |