Cục Hàng không vừa có văn bản từ chối công ty Tiffson trước đề nghị đổi bia rượu bánh kẹo lấy máy bay cũ Boeing B727.
Theo Cục Hàng không, việc đổi bia rượu, bánh kẹo lấy máy bay cũ chưa có trong tiền lệ trao đổi và không có cơ sở pháp lý để thực hiện.
Văn bản trả lời Công ty Tiffson của Cục Hàng không nêu rõ, các hình thức xử lý tài sản theo pháp luật hiện nay đối với trường hợp là tàu bay bị bỏ lại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài như Công ty Tiffson đề cập không cho phép thực hiện bằng hình thức trao đổi tài sản. Do vậy, Cục Hàng không không có cơ sở pháp lý để thực hiện việc trao đổi theo đề nghị của Tiffson.
Tuy nhiên, phản ánh về vấn đề này, đại diện Công ty Tiffson cho hay, máy bay không thể định giá, không thể bán, không thể cho. “Nếu những tiền lệ từ trước tới nay có thể giải quyết được những vấn đề trên thì đã không phải kể tới con số 12 năm. Rõ ràng Cục Hàng không đang bế tắc vậy thì tại sao lại từ chối ngay một giải pháp mới, chỉ vì chưa bao giờ có tiền lệ trao đổi? Chưa có tiền lệ nghĩa là sẽ không bao giờ thực hiện? Không có cơ sở pháp lý hay là chưa có văn bản quy định?”, đại diện Tiffson đặt câu hỏi.
Boeing B727-200 bị "bỏ quên" ở sân bay Nội Bài 12 năm nay. |
Cũng theo Tiffson, doanh nghiệp này muốn tìm hiểu cơ sở pháp lý cần là gì để có thể được trao đổi máy bay này, bởi Tiffson hiện vẫn trao đổi những hàng hóa khác. “Hơn nữa Tiffson cũng hiện là doanh nghiệp tư nhân duy nhất nghiêm túc đề nghị trao đổi máy bay bằng công văn”, đại diện doanh nghiệp này nói.
Bày tỏ mong muốn có một cuộc làm việc trực tiếp với Cục Hàng không, đại diện Tiffson cho biết, thời gian thực sự là tài sản quý giá nhất khi trao đổi. Nói cách khác, hàng tồn đọng càng lâu càng mất đi giá trị. Đây không phải trường hợp máy bay đầu tiên đậu bãi hàng năm trời không được xử lý, còn rất nhiều những máy bay khác nữa ở Việt Nam.
Trên thực tế, việc chiếc máy bay Boeing B727-200 mang số hiệu đăng ký XU-RKJ - từng thuộc sở hữu của Hãng hàng không Royal Khmer Airlines - bị bỏ quên suốt 12 năm ở sân bay Nội Bài không phải là chuyện hiếm thấy trong ngành hàng không thế giới.
Trên thế giới hay Đông Nam Á, có nhiều quốc gia đã lựa chọn giải pháp xử lý đối với những chiếc máy bay cũ bằng cách biến chúng trở thành những địa điểm thu hút du lịch.
Đại diện Tiffson viện dẫn trường hợp xử lý máy bay cũ của Hàng không Malaysia. Tháng 12/2015, cơ quan quản lý hàng không Malaysia đã chọn giải pháp tương tự sân bay Madrid Barajas khi ra thời hạn 14 ngày để chủ sở hữu đến nhận 3 chiếc máy bay bỏ hoang nếu không sẽ đem bán đấu giá. Hành động này được thực hiện theo Đạo luật Hàng không Dân dụng Malaysia năm 1969.
Sau khi thông báo được đưa ra, Hãng hàng không SWIFT Air Cargo đột nhiên xuất hiện, tuyên bố rằng họ có quyền sở hữu hợp pháp với 3 chiếc máy bay và đã thảo luận về vấn đề này với Malaysia Airports Holdings Berhad - công ty quản lý các sân bay ở Malaysia - khoảng 2 tháng trước đó.
Bất chấp sự phản đối của SWIFT Air Cargo, tòa án vẫn phán quyết rằng 3 chiếc máy bay sẽ được bán đấu giá công khai.
Cuối cùng, 3 chiếc Boeing 747 vốn có giá hàng chục triệu USD đã bị tháo động cơ và một số linh kiện điện tử, được rao bán với giá chỉ khoảng 190.000 USD. Một số bộ phận còn bị đập nát để bán phế liệu.
Trong khi đó, những chiếc máy bay bị hoang nhưng nằm ngoài khu vực cảng hàng không có thể được tận dụng để làm địa điểm du lịch thú vị.
Một chiếc Boeing 737 hoang nát nằm giữa một cánh đồng, được bao quanh bởi các thùng container và một túp lều xập xệ ở đảo Bali, Indonesia từ lâu đã là một nơi chốn bí ẩn thu hút du khách tứ phương.
Máy bay cũ ở Malaysia trở thành điểm du lịch hấp dẫn. |
Theo Tiffson, thị trường trao đổi có thể mới ở Việt Nam nhưng đã vô cùng phổ biến ở nước ngoài. Tại các nước phát triển, trao đổi hàng hóa – dịch vụ xảy ra ở mọi cấp độ kinh doanh. Hiệp hội Thương mại đối ứng quốc tế báo cáo rằng trong năm 2011, hơn 400.000 công ty trên toàn thế giới đã sử dụng hàng đổi hàng để kiếm được khoảng 12 tỷ đô la cho các tài sản không mong muốn hoặc không được sử dụng. Họ coi việc trao đổi là một cách để điều chỉnh các hạn chế do tiền mặt và tín dụng, để trích xuất giá trị từ các tài sản dễ hỏng hoặc hoạt động kém, và để mở rộng kênh ra thị trường và tìm kiếm khách hàng mới. Vậy tại sao Việt Nam vẫn chưa bắt kịp xu thế để giải quyết những tồn động lãng phí như chuyện máy bay trên?.
Một vài ví dụ trao đổi ở nước ngoài cho thấy, Lufthansa đã trao đổi bất động sản cho các khoản tín dụng truyền thông và nhiên liệu hàng không. Honda, Kia và Subaru đã đổi xe cho các khoản tín dụng thương mại truyền thông. Các công ty điện tử hàng đầu đã ngừng cung cấp cổ phiếu, đặt nó vào các khách sạn hàng đầu để đổi lấy tín dụng truyền thông và thương mại - có thêm một tệp khách hàng mới tiềm năng trong quá trình này. Các nhà sản xuất thực phẩm đã thay đổi hàng tồn kho dư thừa để đổi lấy tín dụng truyền thông hoặc chứng nhận thương mại cho phép họ mua các dịch vụ khác như khách sạn, nhà hàng,...
Cuối cùng, Tiffson mong muốn có thể giúp các doanh nghiệp ở Việt Nam chống lại sự lãng phí đến từ hàng tồn kho. Giải pháp đối với máy bay Boeing B727-200 là trường hợp đặc biệt nhưng theo doanh nghiệp này cũng không khó để giải quyết.
Mỹ - EU trả đũa thuế vì trợ cấp cho Boeing và Airbus |
Mỹ yêu cầu kiểm tra nhiều máy bay Boeing 737 bị nứt |
Boeing bị bỏ quên 12 năm ở sân bay Nội Bài: Loay hoay định giá và tìm giải pháp |