Cục Điện ảnh phản hồi về gần 300 bản phim điện ảnh Việt Nam bị hư hỏng nặng

Cục trưởng Cục Điện ảnh đã có phản hồi sau khi cán bộ Hãng Phim truyện Việt Nam gửi đơn kiến nghị về khoảng 300 bản phim bị Vivaso làm hỏng.

Ngày 30/3, tập thể nghệ sĩ, cán bộ Hãng Phim truyện Việt Nam đã gửi đơn kiến nghị lên Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL).

Trong đơn kiến nghị, nghệ sĩ đề nghị Bộ VH,TT&DL đánh giá, yêu cầu Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) in bù lại khoảng 300 phim bị hư hỏng, bết dính từ cuối năm 2022.

img-bgt-2021-ha204131ng-phim-1680404846-width680height907
Đơn kiến nghị 19 nghệ sĩ gửi Bộ VH,TT&DL. Ảnh: Đạo diễn Bùi Trung Hải

Trả lời về vấn đề này, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh (thuộc Bộ VH,TT&DL) cho biết, Cục Điện ảnh và Viện phim Việt Nam đã cử cán bộ xuống Hãng khảo sát, xem xét, đánh giá hiện trạng bảo quản kho phim tại Hãng Phim truyện Việt Nam.

Ông Thành xác nhận, thực trạng cho thấy những cuốn phim này đã bị hư hỏng nặng. Tình trạng này đã diễn ra vài năm nay rồi, do những cuốn phim không được bảo quản đúng điều kiện tiêu chuẩn.

Trong đơn, thành viên Hãng Phim truyện Việt Nam khẳng định, những bản phim dương bản gốc (positive) được nhắc đến (tức khoảng 300 bản phim bị hư hỏng) là một trong 2 bản duy nhất còn lại của những bộ phim cũ, kinh điển.

Trong đó, một bản được lưu trữ tại Hãng Phim truyện Việt Nam. Bản còn lại được lưu giữ tại Viện Phim Việt Nam (với mục đích lưu chiểu). Trong điện ảnh, bản positive này chính là bản gốc, là tác phẩm hoàn chỉnh, để được trình chiếu cho công chúng.

Tuy nhiên, ông Thành lại nói rằng, trong số 278 phim do Nhà nước đặt hàng, tài trợ sau khi sản xuất đều có một bản gốc và các tài liệu, hồ sơ liên quan gửi về Viện phim Việt Nam để lưu trữ, bảo quản. Bản được giữ tại Hãng phục vụ nhiệm vụ sản xuất phim và công tác phát hành, giới thiệu phim.

"Từ khi ra đời bộ phim điện ảnh cách mạng đầu tiên do Hãng Phim truyện Việt Nam sản xuất cho đến khi Luật Điện ảnh được ban hành năm 2006, chức năng nhiệm vụ của Hãng Phim luôn được quy định là đơn vị sản xuất phim, không phải là cơ sở lưu trữ.

Luật Điện ảnh cũng quy định cơ sở lưu trữ phim của ngành văn hoá chỉ duy nhất có Viện Phim Việt Nam. Phim sau khi sản xuất được lưu chiểu tại Cục Điện ảnh và lưu trữ tại Viện Phim. Những bộ phim Nhà nước đặt hàng, đề tài chiến tranh cách mạng khi tạm lưu ở Hãng phim là những bản để phục vụ nhiệm vụ sản xuất phim", ông Thành nói thêm.

Cục trưởng Cục Điện ảnh khẳng định, hiện, các bản phim gốc do Nhà nước đặt hàng, trong đó có nhiều tác phẩm điện ảnh Việt Nam kinh điển đều đang được bảo quản trong điều kiện tiêu chuẩn quốc tế tại Viện Phim Việt Nam, có thể sẵn sàng sử dụng để trình chiếu, phục vụ các đợt phim kỷ niệm, các nhiệm vụ chính trị.

img-bgt-2021-ha-ng-phim-1680404925-width1200height900
Những cuốn phim bị ẩm mốc, hư hỏng nặng do bảo quản sơ sài tại Hãng phim truyện Việt Nam. Ảnh: Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân

Trong cuộc họp báo vào ngày 24/3, bà Phan Linh Chi - Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ VH,TT&DL) cho biết Hãng Phim truyện Việt Nam đang có 291 phim. Trong đó, 278 phim gốc do Nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng, tài trợ đang lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam. Còn lại 13 phim do Hãng Phim truyện Việt Nam tự khai thác, hợp tác sản xuất.

Do đó, bà Phan Linh Chi trấn an "mọi người nên yên tâm", không có việc các phim của hãng bị ẩm mốc bởi đó chỉ là bản sao.

Trong diễn biến mới nhất, ngày 29/3, Văn phòng Chính phủ phát đi thông báo về việc xử lý sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Thanh tra Chính phủ kiểm tra ngay việc thực hiện kết luận thanh tra về công tác cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam và thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về các nội dung liên quan.

Minh Hiếu / Báo Giao thông