Quá nhiều rào cản lớn khiến Trung Quốc không thể xây dựng được các công ty công nghệ đủ sức cạnh tranh ngang ngửa với đối thủ Mỹ.
Nhậm Chính Phi, người sáng lập tập đoàn Huawei của Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Giữa lúc chiến tranh thương mại đang diễn ra quyết liệt, Mỹ và Trung Quốc dường như đang sa vào một cuộc "Chiến tranh Lạnh công nghệ" nhằm ganh đua vai trò thống lĩnh các công nghệ tương lai. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tung ra một loạt biện pháp ngăn tri thức công nghệ Mỹ rơi vào tay Trung Quốc nhằm giành lợi thế trong cuộc chiến mới này.
Giới phân tích cho rằng để thắng trong cuộc chiến, Trung Quốc cần phải trở thành một cường quốc sáng tạo với các tập đoàn quốc gia sẵn sàng thách thức Intel, Apple hay Google để chiếm lĩnh những đỉnh cao quyền thế trong thế giới công nghệ. Nhưng để phát triển đến mức trở thành một mối đe dọa như vậy, các tập đoàn công nghệ Trung Quốc cần phải vượt qua những rào cản rất lớn.
Rất ít công ty trên thế giới, đặc biệt là từ các thị trường mới nổi, chứng minh được khả năng đột phá nhanh chóng vào những liên minh lớn trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu. Ngay cả tập đoàn Samsung của Hàn Quốc cũng phải trải qua hành trình dài và gian nan mới có thể leo lên những nấc thang cao của sáng tạo.
Nỗi lo lắng ở Washington hiện nay là Trung Quốc đang xoay chuyển tình thế bằng cách trợ cấp ồ ạt cho các ngành công nghệ trong nước, từ xe điện đến linh kiện bán dẫn nhằm thu về nhiều lợi thế nhất có thể. Song theo các chuyên gia, những chính sách trên dễ làm suy yếu hơn là củng cố tham vọng công nghệ của Trung Quốc.
Lịch sử kinh tế hiện đại cho thấy phương pháp bơm tiền của chính phủ vào những ngành được ưu ái thường không thể tạo ra những công ty sáng tạo. Tỷ lệ thành công thậm chí còn thấp hơn ở Trung Quốc vì phần lớn tiền trợ cấp được rót vào các tập đoàn nhà nước cồng kềnh, mang nặng phong cách quan liêu.
Các khoản tiền trợ cấp hào phóng sẽ dẫn đến năng suất dư thừa tại các tập đoàn lớn, có thể làm thui chột những công ty có năng lực cạnh tranh hơn. Đến nay, Trung Quốc không thu được kết quả đồng đều từ các chương trình trợ cấp cho doanh nghiệp. Nước này đã chi hàng chục tỷ USD trợ cấp cho ngành công nghiệp xe điện, để rồi cuối cùng tạo ra hàng loạt công ty khởi nghiệp thiếu kinh nghiệm và những chiếc xe kém chất lượng.
Khi "Chiến tranh Lạnh công nghệ" nổ ra, chắc chắn các tập đoàn công nghệ Mỹ sẽ không ngồi yên để đợi những công ty Trung Quốc tiến lên hủy diệt họ. Khi Trung Quốc chạy đua để bắt kịp Mỹ, các công ty Mỹ và đối thủ của họ, vốn đã có chỗ đứng vững chắc trên toàn cầu, cũng sẽ tiếp tục đi lên.
Dù Trung Quốc thành lập Tổng công ty Quốc tế Sản xuất Linh kiện Bán dẫn (SMIC) cách đây gần hai thập kỷ, ngành công nghiệp chip của Trung Quốc vẫn phát triển ì ạch và đang tụt hậu 5-6 năm so với các đối thủ, theo nhận định của Linley Gwennap, Chủ tịch Linley Group, nhóm chuyên nghiên cứu ngành công nghiệp chip. Ông cho rằng trong quá trình SMIC nỗ lực san lấp khoảng cách đó, họ sẽ nhận ra đối thủ đã nhảy lên trước một bước.
Dù các công ty Trung Quốc có thể thành công trong việc phát triển những công nghệ đủ sức cạnh tranh ngang ngửa với các hãng công nghệ dẫn đầu thế giới, họ cũng sẽ không thể tự động trở thành những đối thủ cạnh tranh tầm cỡ toàn cầu. Trung Quốc sẽ phải thuyết phục các công ty và người tiêu dùng nước khác gạt bỏ nhà cung ứng và thương hiệu mà họ tin tưởng bấy lâu nay. Trong một số trường hợp, để làm được điều đó, các công ty Trung Quốc sẽ phải mất nhiều thập kỷ.
Viễn cảnh trên không phải là bất khả thi, minh chứng là sự trỗi dậy của hãng sản xuất thiết bị viễn thông khổng lồ Huawei. Song những cản lực đối với các công ty Trung Quốc muốn vươn ra nước ngoài vẫn rất lớn.
Hai hãng bán dẫn của Mỹ là Intel và Advanced Micro Devices vẫn thống trị lĩnh vực bộ vi xử lý cho máy tính và máy chủ bởi ngành công nghiệp máy tính đang phát triển dựa trên nền tảng phần mềm xoay quanh những con chip của hai hãng này. Thực tế trên khiến những kẻ mới gia nhập cuộc chơi khó lòng tạo được bước đột phá.
"Trung Quốc rốt cục có thể tạo ra hệ sinh thái và hạ tầng công nghệ của riêng họ nhưng điều này không giúp các công ty Trung Quốc thành công trên thị trường thế giới", Linley Gwennap nhận xét.
Thay vào đó, công cuộc tìm kiếm sự độc lập về công nghệ lại tiềm ẩn nguy cơ khiến nền kinh tế Trung Quốc bị cô lập trong không gian thị trường của riêng họ, nơi các công ty và người tiêu dùng nội địa sử dụng những công nghệ không được đón nhận rộng rãi trên thị trường quốc tế.
Những chính sách "cấm cửa" của Tổng thống Donald Trump có thể đẩy Trung Quốc rơi sâu vào sự cô lập không có cạnh tranh này bằng cách phong tỏa đường tiếp cận của các công ty Trung Quốc với công nghệ Mỹ.
Gần đây, Huawei cho biết đã sẵn sàng sử dụng hệ điều hành tự phát triển để thay thế Android của Google và Windows của Microsoft. Song Huawei cũng nói rõ rằng hãng chỉ triển khai bước đi trên nếu Washington vẫn duy trì lệnh cấm, ngăn các công ty Mỹ bán linh kiện và công nghệ cho họ. Các lãnh đạo ở Huawei đủ thông minh để hiểu rằng việc chuyển sang một hệ điều hành tự phát triển sẽ cắt các dòng smartphone của họ khỏi hệ sinh thái phần mềm chủ đạo trên thế giới và điều đó sẽ hạn chế người dùng tiếp cận những dịch vụ phổ biến như Google Search, Google Maps hay YouTube...
Trung Quốc đủ sức tạo ra một số tập đoàn công nghệ hàng đầu trên toàn cầu vì họ không thiếu những công ty triển vọng và có tiềm lực lớn. Tuy nhiên, điều đó khác xa với việc Trung Quốc trở thành mối đe dọa có thể đánh bại Mỹ trong "chiến tranh công nghệ". Dường như các công ty Trung Quốc còn không có khả năng thách thức công nghệ Mỹ, chưa nói đến việc vượt mặt các đối thủ Mỹ dù nhà nước Trung Quốc sẵn sàng chi tiền trợ cấp.
Con đường tốt nhất mà Trung Quốc có thể đi theo là tiếp bước Nhật Bản và Hàn Quốc để tạo ra một vài công ty có khả năng thiết lập sự hiện diện trên toàn cầu, qua đó trở thành một phần không thể thiếu trong bức tranh công nghệ thế giới. Song nếu Trung Quốc hành động như vậy, kịch bản này giống với một cuộc cạnh tranh theo kiểu tư bản hơn là một cuộc "Chiến tranh Lạnh công nghệ" với Mỹ.
Hồng Vân (Theo Bloomberg)
Chiến tranh công nghệ có thể là dấu chấm hết cho nhiều công ty TQ
Trong khi Huawei đủ tiềm lực để sống sót qua cuộc chiến tranh lạnh công nghệ, nhiều công ty nhỏ hơn không may mắn như ... |
Thung lũng Silicon Mỹ 'thấm đòn' vì chiến tranh công nghệ với Trung Quốc
Hàng loạt doanh nghiệp tại Thung lũng Silicon Mỹ bị sụt giảm doanh thu vì cuộc chiến công nghệ đang nổ ra giữa nước này ... |