Chiều tối qua (20.9), Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã thông báo kết luận thanh tra “Công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam” trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL). Đáng chú ý, trong kết luận chỉ rõ, việc chọn lựa và bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược có nhiều vi phạm, thiếu sót.
Nhà đầu tư chiến lược không thực hiện đúng cam kết
TTCP cho biết, công tác cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam (Công ty) đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khuyết điểm trong việc thực hiện quy trình các bước tiến hành cổ phần hóa; lựa chọn tổ chức tư vấn định giá doanh nghiệp và tư vấn cổ phần hóa; quản lý sử dụng và thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai…
Một nội dung rất quan trọng được TTCP chỉ rõ, đó là việc chọn lựa và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược (Tổng Công ty Vận tải Thủy – CTCP (Vivaso) - PV)
Theo TTCP, việc thực hiện thủ tục bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược của Ban chỉ đạo cổ phần hóa và Công ty cơ bản đã thực hiện theo quy định của Thông tư số196/2011/TT-BTC ngày 26.12.2011, tuy nhiên còn có hạn chế, sai sót.
Cụ thể, Ban Chỉ đạo và tổ giúp việc cổ phần hóa chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục về việc lựa chọn và phê duyệt tiêu chí nhà đầu tư chiến lược được quy định của Bộ Tài chính.
Cùng với đó, Công ty xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, không nêu cụ thể các điều kiện, làm hạn chế việc chọn được nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực liên quan đến việc sản xuất phim và văn hóa điện ảnh.
Kết luận của TTCP qua thanh tra việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam đã phát lộ hàng loạt sai phạm liên quan tới nhiều tập thể, cá nhân.
Xây dựng tiêu chí và cam kết lựa chọn nhà đầu tư chiến lược chưa đáp ứng đầy đủ những yêu cầu thực tiễn với một ngành nghề kinh doanh đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật điện ảnh.
Với Công ty cổ phần Đầu tư & Phát triển phim truyện VN, công ty này chưa thực hiện một số nội dung được đề ra trong Đại hội cổ đông lần thứ nhất.
Về phía nhà đầu tư chiến lược, TTCP xác định, nhà đầu tư chưa xây dựng đầy đủ phương án hỗ trợ kinh doanh như trong cam kết.
Ngoài ra, với việc quản lý tài sản, tiền vốn và hoạt động kinh doanh; việc xác định giá trị thương hiệu, kết luận công bố của TTCP cũng chỉ rõ nhiều tồn tại.
Việc quản lý, theo dõi, hạch toán công nợ phải thu, phải trả tại Công ty còn chưa đúng quy định dẫn đến xảy ra một số vi phạm.
“Quản lý và theo dõi khoản phải thu khác, đối tượng là Cục Điện Ảnh chưa đúng; theo dõi khoản trả trước cho Chi nhánh Công ty Cổ phần Điện ảnh truyền hình (TP.Hà Nội) chưa chính xác;
Việc hạch toán khoản vay nợ dài dạn của Công ty Cổ phần Quảng cáo Sao thế giới là không đúng; số tiền lương trả thiếu cho người lao động và số tiền lương đã chi thanh toán cho người lao động không đi làm chưa được hạch toán;
Đơn vị không thực hiện việc thông báo với cơ quan thuế trực tiếp quản lý về phương pháp và thời gian trích khấu hao; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, kết quả kinh doanh các năm đều lỗ liên tiếp.
Một số chi phí vượt so với chi phí được phê duyệt; hàng năm Công ty chưa thường xuyên đối chiếu công nợ với khách hàng” – hàng loạt vi phạm được TTCP nêu trong kết luận thanh tra.
Ngoài ra, TTCP cũng nhận định, việc xác định lại giá trị thương hiệu căn cứ vào giá trị lịch sử và bề dày truyền thống theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã được Bộ VHTT&DL tổ chức thực hiện, tuy nhiên, chưa xác định được giá trị thương hiệu cụ thể của Hãng phim.
Trước những vi phạm, tồn tại trên, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ VHTT&DL xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay các quy trình, thủ tục theo qui định để cho nhà đầu tư chiến lược là Tổng Công ty Vận tải Thủy – CTCP (Vivaso) xin rút vốn trước thời hạn.
TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ VHTT&DL xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay các quy trình, thủ tục theo qui định để cho nhà đầu tư chiến lược là Tổng Công ty Vận tải Thủy – CTCP xin rút vốn trước thời hạn.
Khi giá trị thương hiệu hãng phim chỉ 0 đồng
Hãng phim truyện việt Nam được thành lập năm 1953, gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật. Tuy nhiên 20 năm qua, nhiều dự án của hãng liên tục thua lỗ.
Năm 2016, Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) chào mời cổ phần hóa. Sau nhiều lùm xùm, Vivaso hoàn tất quá trình mua lại đơn vị hồi tháng 6.2017.
Tuy nhiên, ngay khi thực hiện cổ phần hóa, rất nhiều nghệ sĩ điện ảnh kỳ cựu bày tỏ bức xúc và ký vào bản đề nghị dừng ngay việc cổ phần hóa vì cho rằng vụ việc có dấu hiệu thiếu khách quan và minh bạch, nhất là khi thương hiệu gần 60 năm được xác định bằng 0 đồng; hàng nghìn m2 đất tại các vị trí đắc địa không được tính vào giá trị doanh nghiệp; Vivaso thâu tóm đến 65% cổ phần.
Thực tế này gây bức xúc giới nghệ sỹ điện ảnh kỳ cựu. Cuối tháng 12.2016, Thường trực Chính phủ tiến hành họp, Thủ tướng chỉ đạo rà soát toàn bộ quá trình cổ phần hoá hãng phim này. Ngày 11.1.2017, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái có công văn giao chính VFS thực hiện việc rà soát, báo cáo ngày 15.1 (tức 5 ngày sau khi có chỉ đạo, trong đó có 2 ngày nghỉ cuối tuần).
Đạo diễn Nghệ sỹ Nguyễn Thanh Vân, Phó Giám đốc VFS, người cùng nhiều nghệ sỹ điện ảnh nổi tiếng từng viết đơn kiến nghị lên các cơ quan Đảng, Chính phủ được tham gia các cuộc họp rà soát này.
Tuy nhiên, điều ông bất bình là việc rà soát lại do chính những người cũ trong ban CPH VFS và đơn vị tư vấn xác định giá trị VFS trước khi CPH (Cty TNHH Kiểm toán quốc gia VIA) và tư vấn CPH (Cty Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương) chủ trì.
Với nhà đầu tư chiến lược, sở hữu 65% vốn tại VFS, Vivaso đứng trước làn sóng phản đối của nhiều nghệ sĩ tại hãng phim, khi không đáp ứng những cam kết trước đó đối với nhà đầu tư chiến lược, cũng như mục đích thực sự của việc đầu tư.
Tháng 4.2016, Hãng phim truyện Việt Nam được cổ phần hóa. Theo phương án khi đó, vốn điều lệ sau cổ phần hóa của VFS sẽ đạt 50 tỷ đồng, trong đó cổ đông Nhà nước nắm giữ 20% vốn, cán bộ nhân viên nắm giữ 4,5%, và 10,5% được đấu giá thông qua phiên IPO, còn 65% vốn được bán cho nhà đầu tư chiến lược. Với việc chi ra hơn 32 tỷ đồng, Vivaso sau đó đã trở thành công ty mẹ chi phối hoạt động của VFS.
Đáng chú ý, chính Vivaso cũng từng bị công dân có đơn tố cáo, phản ánh cho rằng quá trình cổ phần hóa tại Vivaso thiếu khách quan, minh bạch; làm thất thoát tài sản nhà nước giá trị lớn (việc xác định giá trị đất đai, diện tích, lợi thế địa tô, việc định giá tài sản doanh nghiệp khi cổ phần hóa…), có dấu hiệu móc ngoặc tham nhũng, làm bần cùng hóa người lao động, làm tan rã hệ thống chính trị của Vivaso….
Ông chủ thực sự của Vivaso là ai?
Đứng sau công ty này lại là một “ông lớn” trong ngành xây dựng hạ tầng đường giao thông - Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường (Vạn Cường).
Cuối tháng 3.2014, Vivaso thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với việc chào bán hơn 15 triệu cổ phiếu (46% vốn điều lệ). Phiên đấu giá đã không thành công như mong đợi khi đơn vị này chỉ bán được hơn nửa triệu cổ phần với mức giá đấu thành công ngang với mệnh giá - 10.000 đồng mỗi cổ phần.
Tuy nhiên, 7 ngày sau khi phiên đấu giá được tổ chức, Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường đã gửi công văn tới Bộ Giao thông vận tải xin mua toàn bộ số cổ phần chưa bán hết trong phiên đấu giá. Chưa dừng ở đó, dù người đứng đầu Vạn Cường từng lên tiếng nhận định ngành vận tải thủy gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp tư nhân này vẫn tiếp tục chi ra hàng trăm tỷ đồng để nâng sở hữu tại Vivaso lên hơn 77%.
Tháng 2.2016, ông Nguyễn Thủy Nguyên, Tổng giám đốc của Vạn Cường cũng là một trong ba nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua toàn bộ số cổ phần khi Bộ Giao thông vận tải đăng ký thoái hơn 22% vốn điều lệ còn lại tại doanh nghiệp này.
Công ty Vạn Cường được thành lập từ năm 1992 với vốn điều lệ 300 tỷ do ông Nguyễn Thủy Nguyên là chủ tịch. Ông Nguyên hiện cũng nắm giữ gần 99% cổ phần tại doanh nghiệp này, số còn lại do một số cá nhân khác sở hữu.
Không có nhiều liên quan đến hoạt động vận tải đường thủy của Vivaso hay sản xuất phim truyện của VFS, Vạn Cường thực tế lại là một doanh nghiệp tư nhân lớn hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. Là doanh nghiệp không còn xa lạ với Bộ Giao thông vận tải và các ban quản lý dự án, Vạn Cường từng được Bộ giao thi công hạ tầng nhiều dự án đường bộ quan trọng như quốc lộ 1A và quốc lộ 14.
Sau khi chi hàng trăm tỷ để thâu tóm Vivaso, ông Nguyễn Thủy Nguyên trở thành tân Chủ tịch Hội đồng quản trị của doanh nghiệp này. Ông cũng là đại diện đơn vị thâu tóm VFS giải quyết thắc mắc của các nghệ sĩ trong phiên đối thoại căng thẳng ngày 19.9.
Trước thông tin cho rằng mua lại hãng phim với giá hơn 30 tỷ đồng, nhưng mục đích là nhắm đến giá trị quỹ đất mà VFS đang sở hữu lên tới trên 2.000 tỷ, ông Nguyên khẳng định đó là đất thuê, nên bất cứ khi nào thành phố yêu cầu thu hồi thì doanh nghiệp sẽ tuân thủ.
Hãng phim truyện Việt Nam cho thuê nhà đất trái thẩm quyền
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ VH, TT&DL xác định giá trị thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam để ... |
Nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam mong sớm có kết quả thanh tra
Tập thể nghệ sĩ cho biết hãng hoạt động trì trệ, không có dự án mới, xảy ra nhiều mâu thuẫn trong hơn sáu tháng ... |
Nghệ sĩ và đại gia ở hãng phim: \'Cuộc chiến\' không hồi kết năm 2017
Hàng chục cuộc họp lớn nhỏ với không ít nước mắt và cãi vã. Câu chuyện ở Hãng phim truyện Việt Nam năm 2017 được ... |
Cổ phần hóa hãng phim thất bại vì thiếu định hướng
TS. Nguyễn Đình Cung nhận định, câu chuyện cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam là bài học đắt giá về việc thiếu định ... |