Ghi nhận đến hết ngày 16/3, COVID 19 đã lây lan tới 162 quốc gia và vùng lãnh thổ với 182,412 ca mắc bệnh trong đó 7.157 ca tử vong, số ca bình phục là 79.211 người.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: NBC)
Rạng sáng 17/3 theo giờ Việt Nam, Italy thông báo ghi nhận thêm 349 ca tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 chỉ trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 2.158 người trong tổng số 27.980 ca nhiễm bệnh.
Với số liệu mới cập nhật, Italy ghi nhận tới 700 ca tử vong do COVID-19 trong vòng 2 ngày qua.
Khu vực miền Bắc Italy hiện vẫn là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, trong đó riêng vùng Lombardy đã ghi nhận 1.420 ca tử vong, chiếm 66% số ca tử vong trong cả nước.
Vùng Piedmont cũng thông báo số ca tử vong do COVID-19 tăng gấp hai lần trong 2 ngày qua với 111 ca tử vong và 1.516 ca nhiễm. Khu vực Lazio, trong đó có thủ đô Rome, đã ghi nhận 19 ca tử vong và 523 ca nhiễm.
Ảnh minh họa: Khu vực biên giới giữa Hungary và Rumani. (Nguồn: FT)
Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Trung và Đông Âu, phát biểu trong phiên họp Quốc hội ngày 16/3, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán tuyên bố Hungary sẽ đóng cửa biên giới đối với tất cả các loại phương tiện vận chuyển hành khách và chỉ có công dân Hungary mới được phép nhập cảnh.
Hungari: Ban bố tình trạng khẩn cấp-điều chưa từng có trong lịch sử 30 năm qua.
Theo đó, từ 0h00 ngày 17/3 (giờ địa phương), Hungary cấm tất cả các sự kiện, hoạt động công cộng. Các quán rượu, rạp chiếu phim và các cơ sở văn hóa khác cũng sẽ bị đóng cửa. Các nhà hàng, quán cà phê và cửa hàng chỉ được phép mở cửa đến 15h00. Sau 15h00, chỉ có các cửa hàng thực phẩm, nhà thuốc và cửa hàng dược mỹ phẩm được phép mở cửa.
Thủ tướng Orbán kêu gọi mọi người hoãn tất cả các cuộc tụ tập trừ các sự kiện gia đình và nâng cao cảnh báo về việc người cao tuổi là đối tượng dễ bị nhiễm SARS-CoV-2.
Người trên 70 tuổi được Chính phủ yêu cầu không ra khỏi nhà để bảo vệ sức khỏe. Các chính quyền địa phương có nghĩa vụ tổ chức tiếp tế và chăm sóc cho người cao tuổi ở nhà và phải coi đây là một nhiệm vụ ưu tiên.
[Đức siết chặt kiểm soát biên giới, Serbia ban bố tình trạng khẩn cấp]
Thủ tướng Hungary Orban phát biểu: “Chúng ta đã từng ở trong nhiều tình huống khó khăn và rút ra rằng cho dù nguy hiểm lớn đến đâu thì cơ hội tốt nhất chỉ đến khi chúng ta cùng hợp tác.”
Nhận xét về hậu quả kinh tế nghiêm trọng của tình hình này, ông Orbán cho rằng những ngành như du lịch, khách sạn và dịch vụ đã gặp phải khó khăn đầu tiên. Ông đã yêu cầu Bộ trưởng phụ trách về tài sản quốc gia Andrea Bártfai-Máger tham vấn ý kiến của đại diện các ngành công nghiệp gặp khó khăn nhất để đưa ra các biện pháp nhanh chóng hỗ trợ. Dịch COVID-19 cũng đặt ra yêu cầu đối với việc soạn thảo lại chính sách tài khóa kinh tế và ngân sách nhà nước của Hungary ở tất cả các cấp độ.
Dịch COVID-19 ở Hungary dự kiến sẽ bước sang giai đoạn mới chỉ trong vài ngày tới. Tính đến ngày 16/3, đã có 39 trường hợp có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 tại Hungary, trong đó có 1 trường hợp đã phục hồi và 1 trường hợp tử vong.
Trước đó, ngày 11/3, Chính phủ Hungary đã ban bố tình trạng khẩn cấp-điều chưa từng có trong lịch sử Hungary 30 năm qua.
Pháp: Hoạt động di chuyển và tiếp xúc sẽ bị hạn chế ở mức tối thiểu kể từ trưa 17/3
Cùng ngày, tại Pháp, vào tối 16/3 (theo giờ địa phương) Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố hàng loạt biện pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2.
Dòng xe cộ chờ làm thủ tục tại biên giới Pháp. (Ảnh: Teletrader)
Phát biểu trên truyền hình, ông Macron cho rằng, nước Pháp “đang ở trong tình trạng chiến tranh,” đối mặt với kẻ thù “vô hình, khó nắm bắt.”
Tổng thống Pháp tuyên bố, hoạt động di chuyển và tiếp xúc sẽ bị hạn chế ở mức tối thiểu kể từ trưa 17/3 và kéo dài trong ít nhất 15 ngày trên toàn lãnh thổ.
Ông Macron cũng kêu gọi người dân chỉ ra ngoài trong những trường hợp cần thiết như mua sắm nhu yếu phẩm, song phải tôn trọng khoảng cách giữa mọi người, điều trị y tế và đi làm đối với những vị trí không thể làm việc từ xa.
Bên cạnh đó, từ trưa 17/3, biên giới vào Liên minh châu Âu (EU) và khối Schengen sẽ đóng cửa, song các công dân Pháp đang ở nước ngoài vẫn có thể hồi hương.
Tổng thống Macron cũng tuyên bố, vòng 2 của cuộc bầu cử địa phương, dự kiến diễn ra ngày 22/3, sẽ được hoãn lại. Bên cạnh đó, tất cả những chính sách cải cách đang diễn ra, bao gồm cả chế độ lương hưu, cũng tạm thời dừng thực hiện.
Theo Tổng thống Macron, một bệnh viện dã chiến của quân đội sẽ được triển khai ở vùng Alsace, miền Đông Bắc Pháp. Khẩu trang y tế được ưu tiên phân phối cho các bệnh viện và cơ sở y tế địa phương.
Xe taxi và khách sạn sẽ có thể được huy động để chuyên chở nhân viên y tế, và mọi chi phí sẽ được Nhà nước Pháp thanh toán.
Tính đến tối 16/3, Pháp đã xác nhận 1.210 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới được phát hiện trong vòng 24h qua, nâng tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 ở nước này lên 6.633 trường hợp, trong đó có 148 người tử vong.
Ghi nhận đến hết ngày 16/3, COVID 19 đã lây lan tới 162 quốc gia và vùng lãnh thổ với 182,412 ca mắc bệnh trong đó 7.157 ca tử vong, số ca bình phục là 79.211 người. Riêng ngày 16/3, toàn thế giới có them 12.848 ca nhiễm mới, 638 ca tử vong.
Tại Việt Nam, ngày 16/3 có thêm 4 ca mới dương tính với virus SARS-CoV2 nâng tổng số người mắc COVID-19 lên con số 61, trong đó có 16 ca đã được chữa khỏi./.
Giáo hoàng xuống phố vắng lặng, cầu nguyện cho người dân Italia
Giáo hoàng Francis đã dạo bước trên những con đường vắng lặng của thành Rome hôm 16/3, khi ông ra ngoài để cầu nguyện cho ... |
Covid-19 làm lung lay nền y tế Italy
Giới chức y tế Italy dùng từ \\"chiến tranh\\", \\"thảm họa dịch tễ\\" để mô tả tình trạng Covid-19 bùng phát chỉ trong 3 tuần ... |
Số người chết vì nCoV ở Italy vượt 1.800
Italy ghi nhận thêm 368 người chết vì nCoV trong 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp tử vong trên toàn quốc lên 1.809. |