COVID-19 đổ bộ lần thứ tư, "phao cứu sinh" nào tiếp theo cho doanh nghiệp?

Chuyên gia nêu các giải pháp cần thiết giúp doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua đại dịch, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của những chính sách thuế.

COVID-19 lần thứ 4 bùng phát tại Việt Nam đúng vào lúc nền kinh tế đang sáng sủa, các doanh nghiệp khẩn trương phục hồi sau nhiều lần liên tiếp lao đao vì đại dịch. Theo chuyên gia, tuy phải đối diện với rất nhiều khó khăn nhưng nếu có chính sách đúng đắn, doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn vượt qua được.

Doanh nghiệp có đề kháng nhưng không được chủ quan

Nhận định về sức khỏe của các doanh nghiệp giữa đợt dịch COVID -19 thứ 4, nhiều chuyên gia cho rằng tuy không được chủ quan nhưng cũng không cần phải quá quan ngại hay lo lắng. Lý do là sau 3 mùa dịch, người dân đã trưởng thành lên và doanh nghiệp không còn bị quá "sốc" như trước. Với những kinh nghiệm đúc rút được qua nhiều khó khăn, doanh nghiệp chắc chắn có cách xoay xở để thích nghi, tồn tại.

Trả lời VTC News, TS. Lê Thẩm Dương nhận định đợt dịch thứ tư này giống như một đợt thử lửa, thử cả sức mạnh chính quyền và sức mạnh của nền kinh tế. Qua ba đợt dịch, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn tốt. Dự trữ ngoại tệ vẫn còn, giá trị tiền tệ cũng còn nguyên.

Trong khi đó, Chính phủ điều hành rất thận trọng và có sự chuẩn bị cho mục tiêu dài hạn. Chính phủ cũng đã lên phương án giả định với 30.000 người nhiễm COVID-19, cho thấy ta đang trong tư thế chủ động sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.

Tuy vậy, theo ông Dương, lạc quan nhưng không chủ quan. Vì nhiều doanh nghiệp vẫn lâm tình trạng khó khăn tê liệt do Chính phủ giãn cách nhiều địa phương, kiểm soát chặt nhiều ngành hàng, dịch vụ.

Trong khi đó, TS Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh - lại khá lo lắng khi đưa ra con số hơn 40.000 doanh nghiệp tạm thời rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm, mà phần lớn là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ có sức cạnh tranh kém. Đặc biệt, những con số trên dừng lại ở cuối tháng 4, nghĩa là chưa tính đến ảnh hưởng của đợt dịch này từ giai đoạn tháng 5 trở đi. "Nền kinh tế còn rất nhiều khó khăn", ông Thành cảnh báo.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, doanh nghiệp vốn đang háo hức chờ sự phục hồi của các thị trường quốc tế để tăng tốc, tìm cách khai thác cơ hội mới, song COVID-19 bùng phát có thể làm gián đoạn quá trình này.

Đợt bùng phát dịch lần này, tôi tiếc nhất là bỏ lỡ việc nắm bắt cơ hội phục hồi từ các nền kinh tế lớn mà Việt Nam có quan hệ thương mại và đầu tư nhiều như là Mỹ hoặc Liên minh châu Âu, Nhật Bản”, bà Lan nói.

Bà Lan cũng lo ngại nhiều cú sốc nhỏ mà cứ diễn ra liên tục thì tác động của nó cũng không kém gì một cú sốc thật lớn.

Dự đoán về kịch bản của nền kinh tế sau đợt dịch lần này, TS Cấn Văn Lực cho biết có 3 kịch bản, trong đó xấu nhất có thể xảy ra là nền kinh tế tăng trưởng khoảng 5%, kịch bản trung bình là 6,5% - 7% và kịch bản lạc quan nhất là 7,5%.

Ông Lực thiên về khả năng tăng trưởng đạt mức 6% - 6,5% do ở Ấn Độ và thế giới dịch bệnh vẫn đang còn rất phức tạp, chắc chắn có tác động đến Việt Nam.

Giãn thuế, giảm thuế với doanh nghiệp

Nêu ý kiến về các biện pháp hiệu quả nhất để "cứu" doanh nghiệp, cũng như nền kinh tế trong thời điểm khó khăn này, TS Lê Thẩm Dương cho rằng, trong tình huống này việc giãn thuế, giảm thuế với doanh nghiệp là cần thiết, giúp doanh nghiệp đỡ căng thẳng hơn. Ông Dương cũng thẳng thắn khẳng định không đánh giá cao chính sách cứu nền kinh tế bằng tín dụng. "Thực tế cho thấy, nguồn tín dụng hỗ trợ này khó tiếp cận vì vướng nhiều thủ tục nhiêu khê", ông Dương nói.

COVID-19 đổ bộ lần thứ tư, 'phao cứu sinh' nào tiếp theo cho doanh nghiệp? - 1
Chuyên gia tin rằng, nếu áp dụng chính sách hiệu quả, hợp lý, kinh tế Việt Nam sẽ đứng vững giữa đợt COVID-19 lần thứ 4.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng giãn thuế, giảm thuế là điều rất tốt, rất nên làm và rất cần làm dù trên thực tế chưa thực hiện được bao nhiêu. "Chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp sống lại được thì người dân lại có công ăn việc làm, lại có những người đóng thuế. Ngược lại, nếu để doanh nghiệp chết, người lao động không có công ăn việc làm thì không những là không có người đóng thuế mà còn phải tăng phần trợ cấp hỗ trợ cho người dân”, bà Lan nhận định.

Tuy nhiên, bà Lan cho rằng chính sách giãn thuế thu nhập doanh nghiệp không thật sự hữu hiệu và nên tính lại để hợp lý hơn, sát thực hơn. "Khi doanh nghiệp đóng cửa vì dịch bệnh thì làm gì có thu nhập để giãn thuế", bà Lan nêu câu hỏi.

Giảm lãi suất tín dụng cũng rất cần, nhưng phải xem trong bối cảnh doanh nghiệp có điều kiện để phát triển sản xuất kinh doanh tiếp hay không, có thể khôi phục không.

Riêng về đất đai, chuyên gia Phạm Chi Lan cho biết chính phủ cũng đã đưa ra cam kết sẽ xem xét sửa đổi luật đất đai, và đây mới là thứ căn cơ hơn nhiều so với việc tạm hoãn hoặc là giảm tiền thuế đất. "Chi phí đất đai ở Việt Nam là rất lớn đối với các doanh nghiệp. Chi phí tiếp cận cao, chi phí trả thường xuyên cũng cao. Hơn nữa là đất đai ở Việt Nam còn tồn tại rủi ro “nay thế này mai thế khác”. Đôi khi doanh nghiệp bị mất mảnh đất mình đã bỏ tiền đầu tư thuê mướn bao nhiêu do nhà nước lại lấy lại giao cho dự án. Đây là rủi ro mà khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng", bà Lan nói.

Tuy nhiên, ngoài chính sách thuế, các chuyên gia cho rằng còn nhiều giải pháp căn cơ khác để hoàn thành mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Chia sẻ với VTC News, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV - đề cao vai trò của chính doanh nghiệp. Ông Lực cho rằng, để kinh tế tăng trưởng tốt thì sau dịch các doanh nghiệp cần phục hồi càng nhanh càng tốt. Muốn thế, doanh nghiệp cần tập trung vào tài chính, nhân lực, tập trung duy trì quan hệ khách hàng và đối tác.

Cần phải cơ cấu lại, những gì kém hiệu quả, không tốt thì chắc chắn phải thu gọn và những cái gì có tiềm năng phát triển thì mở rộng. Doanh nghiệp cũng cần đổi mới sáng tạo, thậm chí là còn phải thay đổi chiến lược kinh doanh. Và cuối cùng là cần phải củng cố và tăng sức đề kháng, khả năng chống chịu đối với những cú sốc bên ngoài.

Hà Nội đóng cửa cơ sở ăn uống, cắt tóc, gội đầu Hà Nội đóng cửa cơ sở ăn uống, cắt tóc, gội đầu

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid 19, thành phố yêu cầu nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ, cửa hàng ...

DN vận tải "treo xe": Đợt COVID-19 lần này khủng khiếp hơn trước rất nhiều DN vận tải "treo xe": Đợt COVID-19 lần này khủng khiếp hơn trước rất nhiều

Vốn lao đao vì những lần dịch trước thì nay nhiều doanh nghiệp vận tải lại càng điêu đứng, chỉ hoạt động cầm cự, hứng ...

Nhiều doanh nghiệp đang "hấp hối", ngân hàng có "chịu thiệt"? Nhiều doanh nghiệp đang "hấp hối", ngân hàng có "chịu thiệt"?

Theo chuyên gia, để vừa dập dịch vừa khôi phục kinh tế thì phải có một bên chịu thiệt và lúc này chỉ có thể ...

/ vtc.vn