Việc sử dụng công tơ điện tử đã được ứng dụng từ lâu, điều này cũng sẽ được ứng dụng tại Việt Nam trong bối cảnh người dân khát khao sự minh bạch từ ngành điện.
Dùng công tơ điện tử để giảm sai số điện
Vài ngày trở lại đây, tiền điện, số điện và lỗi sai chỉ số công tơ đang là những chủ đề nóng thu hút được sự quan tâm chú ý lớn từ phía dư luận. Trong số đó, rất nhiều ý kiến thắc mắc về cách thu thập số điện và sai số trong quá trình ghi số của ngành điện lực.
Ở thời điểm hiện tại, việc thu thập chỉ số tiêu thụ điện đang được thực hiện qua 2 loại thiết bị là công tơ cơ và công tơ điện tử.
Trong đó, với công tơ điện tử, việc thu thập chỉ số tiêu thụ điện được thực hiện hoàn toàn tự động và từ xa. Đối với công tơ cơ, việc ghi chỉ số được thực hiện bằng phần mềm trên máy tính bảng. Tuy được thực hiện bằng tay, phần mềm này có các tính năng cảnh báo vượt sản lượng, hỗ trợ phát hiện các số liệu bất thường, đảm bảo hạn chế tối đa việc xảy ra sai sót trong công tác ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện.
Để giảm sai số trong quá trình thu thập chỉ số tiêu thụ điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang đẩy mạnh việc chuyển đổi thiết bị đo điện từ công tơ cơ sang công tơ điện tử. Đây cũng là biện pháp nhằm tăng tính minh bạch của ngành điện cũng như khả năng giám sát của người dân.
Tính đến hết năm 2019, hiện có hơn 10 triệu hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng công tơ điện tử. Mục tiêu của EVN là thay thế 100% công tơ cơ bằng công tơ điện tử tại các thành phố, thị trấn, thị xã và 50% ở khu vực nông thôn trong năm 2020.
Công tơ điện tử là gì?
Khác với công tơ cơ khí, công tơ điện tử được tích hợp bên trong đó thiết bị đọc chỉ số của từng hộ gia đình. Số liệu này sau đó được truyền bằng sóng RF tới thiết bị ghi chỉ số cầm tay (Handheld Unit).
Nhân viên ghi chỉ số chỉ cần cầm thiết bị ghi chỉ số cầm tay đến gần các công tơ để thu nhận số liệu thay vì phải trèo lên quan sát trực tiếp theo cách thông thường. Số liệu được thu thập từ công tơ điện tử cũng sẽ chính xác và được giám sát, quản lý chặt chẽ hơn so với công tơ cơ truyền thống.
Thông tin về chỉ số điện sau đó sẽ được truyền trực tiếp từ Handheld Unit tới hệ thống máy tính đã cài đặt phần mềm phù hợp, không cần phải nhập bằng tay. Khi hạ tầng CNTT đáp ứng, các công tơ được kết nối tới máy tính, số liệu sẽ được truyền về tự động, không cần nhiên viên ghi chỉ số.
Các số liệu được truyền về trung tâm theo chương trình phần mềm quản lý định sẵn gồm, dòng điện, điện áp, tần số, góc lệch pha... với tần suất 30 phút/lần và hiển thị trực quan trên biểu đồ.
Những số liệu này sẽ giúp cho khách hàng có thể quản lý và giám sát chất lượng dịch vụ của nhà cung cấp điện. Những sự cố bất thường xảy ra trên công tơ điện, cũng như hệ thống điện đều được thống kê, cảnh báo và chuyển đến Bảng thống kê cảnh báo sự kiện công tơ trong ngày.
Việc triển khai công tơ điện tử sẽ giúp xây dựng một hệ thống thu thập thông số từ xa với khả năng tự động hóa hầu hết các thao tác, từ ghi chỉ số, phân tích và truyền số liệu theo nhu cầu quản lý. Toàn bộ quy trình, từ khâu ghi chỉ số đến in hóa đơn, số liệu được truyền tự động đều không có sự can thiệp thủ công nên hạn chế được sai sót.
Khi quản lý công tơ điện tử, ngành điện có thể giám sát, phát hiện các hành vi tác động vào hệ thống đo đếm điện năng, từ đó giảm tổn thất điện trong kinh doanh. Việc ứng dụng công tơ điện tử không chỉ giúp tối ưu hóa năng suất lao động, giảm chi phí vận hành mà còn nâng cao được chất lượng dịch vụ phục vụ người dân của ngành điện.
Với người dùng, bên cạnh việc giám sát chỉ số tiêu thụ điện, đèn cảnh báo trên công tơ điện tử sẽ phát tín hiệu trong trường hợp có thiết bị điện rò rỉ.
Mơ ước về công tơ thông minh
Trên thế giới, việc sử dụng công tơ điện tử đã được ứng dụng từ lâu và ngày càng trở nên phổ biến. Tại Singapore - một quốc gia gần sát với Việt Nam, nước này cũng đang dần thay thế công tơ cơ truyền thống sang sử dụng loại công tơ thông minh có tên AMI (Advanced Metering Infrastructure).
So với công tơ điện tử của Việt Nam, hệ thống công tơ AMI có thể gửi dữ liệu tự động về trung tâm điều khiển bằng cả kết nối có dây (cáp quang, cáp đồng, PLC, dial-up) lẫn không dây (Mesh network, giao tiếp điểm - đa điểm, mạng di động) tuỳ theo đặc điểm từng khu vực.
Mô hình vận hành của hệ thống quản lý điện Singapore. Tại đây, những chiếc công tơ điện thông minh chính là một thiết bị IoT với khả năng kết nối đa dạng. Người dân Singapore có thể tiếp cận với các thông tin này gần như theo thời gian thực thông qua màn hình hiển thị của công tơ, website, tin nhắn hoặc email. Hệ thống này còn có chức năng đo lượng điện năng tiêu thụ trong khoảng thời gian 5, 15, 30 hoặc 60 phút, từ đó giúp người dùng tự điều chỉnh hoạt động sử dụng điện của mình.
Với những tiện ích mang lại, AMI cũng là công nghệ được áp dụng tại khá nhiều bang ở Mỹ với khoảng 16,1 triệu công tơ thông minh đã được triển khai, chiếm tới 29% tổng số công tơ thông minh tại nước này.