Công nghệ sẽ bao phủ TP HCM

TP HCM tập trung mọi nguồn lực để trở thành một thành phố đáng sống dựa trên sự phát triển của công nghệ

Phát biểu khai mạc diễn đàn Mems/Sensor (vi cơ điện tử/cảm biến) TP HCM năm 2017 tổ chức ngày 9-11, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh đây là cơ hội quý cho các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về công nghệ liên quan tới vi mạch bán dẫn và cảm biến, các nhà hoạch định chính sách cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm.

Ưu tiên tối đa

"Thông qua diễn đàn này, TP khẳng định tiềm năng to lớn, cơ hội phát triển của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và bán dẫn, đặc biệt trong thời điểm TP tập trung mọi nguồn lực để trở thành một thành phố đáng sống, thành phố của kinh tế tri thức dựa trên sự phát triển của công nghệ tiên tiến hiện đại" - ông Tuyến nói.

Theo ông Tuyến, điều này thấy rõ qua chính sách thu hút đầu tư của các tập đoàn công nghệ thế giới như Intel, Samsung, Nidec… Một hệ sinh thái đầy đủ về công nghiệp vi mạch bán dẫn, đặc biệt về cảm biến Mems đang dần dần hình thành. Ông Tuyến cam kết TP sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi; kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và cảm biến; trong đó tập trung ưu tiên phát triển sản phẩm ứng dụng cảm biến trong các lĩnh vực nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân TP như y tế, giáo dục, giao thông, chống ngập, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, môi trường, an toàn thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao.

Theo Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Lê Hoài Quốc, cảm biến có tính ứng dụng rất cao trong công nghiệp và cuộc sống hằng ngày của người dân. "Ví dụ như cảm biến áp suất có thể sử dụng cho hệ thống cân tự động. Có thể cân ở mức rất thấp, cho đến cân những vật rất lớn, rất nặng. Hay trong lĩnh vực y tế, cảm biến dùng trong máy đo huyết áp. Dễ nhận thấy nhất là cảm biến dùng trong đồng hồ đeo tay, có thể đo nhịp tim, bước đi… Tương lai có thể đo lường trước được sự té ngã của người sử dụng" - ông Quốc dẫn chứng.

Ông Quốc còn đưa ra một ứng dụng từ cảm biến mà TP đang thử nghiệm trong công tác cảnh báo ngập. Đó là Khu Công nghệ cao TP đã phối hợp với một số cơ quan chức năng lắp đặt hệ thống cảm biến áp suất, cảnh báo ngập tại các điểm ngập trên địa bàn TP. Các thiết bị cảm biến áp suất tại các cống thoát nước nhằm thu thập dữ liệu về tình hình ngập nước, gửi lên hệ thống và thông báo cho người dân. Hiện đang thử nghiệm tại quận - huyện 9, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Chánh… Ông Quốc thông tin tuần sau các đơn vị sẽ tiến hành đánh giá, nếu hiệu quả sẽ nhân rộng toàn TP.

Nhiều tiềm năng, lắm thách thức

Giám đốc điều hành Công ty DunAn Sensing Tom Nguyễn, người có 30 năm hoạt động trong lĩnh vực hệ thống vi cơ điện tử/cảm biến, nhìn nhận sản phẩm cảm biến đang ứng dụng nhiều trong ngành công nghiệp, lĩnh vực, sản phẩm công nghệ khác nhau… Với một thị trường gần 100 triệu dân, ông Tom Nguyễn cho rằng Việt Nam là một thị trường rất lớn và nhiều tiềm năng để rót vốn đầu tư phát triển. Tuy nhiên, các nhà khoa học và kỹ sư phải đưa ra công nghệ để bảo đảm chi phí thấp, giá thành hợp lý. Mặt khác, cần có sự cam kết từ Chính phủ và tư nhân. Chính phủ ngoài việc cấp vốn cần tạo môi trường sản xuất.

cong nghe se bao phu tp hcm

Nhờ công nghệ mà nhân viên Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn chỉ cần ngồi một chỗ vẫn giám sát được tình hình giao thông trên địa bàn TP HCM Ảnh: GIANG ANH

Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP cũng khẳng định thế giới đang diễn ra một cuộc đua mạnh mẽ trên lĩnh vực công nghệ vi mạch, bán dẫn. Tại TP HCM, dù ngành này còn non trẻ nhưng triển vọng rất lớn. Chủ trương của TP lấy khoa học công nghệ làm công cụ để giải quyết những vấn đề của TP, trong đó có 7 chương trình đột phá. Đây là quyết tâm rất lớn của lãnh đạo TP. Do đó, TP đã có chính sách về phát triển công nghiệp vi mạch. Cụ thể là chương trình kích cầu hỗ trợ lãi suất cho món vay không quá 100 tỉ đồng tiền lãi trong vòng 7 năm.

Ông Quốc nhìn nhận: "Cơ hội nhiều nhưng thách thức không nhỏ. Đó là việc cạnh tranh về giá thành sản phẩm với các nước trong khu vực và thế giới; việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhất là đối với những ý tưởng, phát minh mới còn hạn chế nên không thúc đẩy được sự sáng tạo; sự phát triển nhanh về công nghệ dẫn đến các sản phẩm nhanh chóng lạc hậu". Từ những thách thức nêu trên, ông Quốc khuyến nghị các sản phẩm vi mạch của chúng ta phải hướng vào chất lượng. Ngoài ra, nhà nước cần bổ khuyết chính sách cho hệ sinh thái và chuỗi giá trị. Theo đó, không chỉ ưu đãi cho khâu sản xuất mà ưu đãi cho những công đoạn đem lại giá trị gia tăng cao như khâu thiết kế, xây dựng thương hiệu… Muốn thu hút đầu tư để có thị trường trong nước phát triển thì phải đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ ý tưởng mới trong việc thiết kế và thương mại hóa sản phẩm vi mạch.

TP HCM đủ thế để làm

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết từ năm 2012, TP đã chủ động nghiên cứu và triển khai Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch dựa vào thế mạnh của 4 yếu tố.

Thứ nhất, nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao đang được đào tạo, làm việc và các chuyên gia đầu ngành từ các nước trên thế giới đến TP làm việc, sinh sống. Thứ hai, tính chủ động, tiên phong đột phá trong tư duy phát triển và ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp. Thứ ba, TP là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai chương trình phát triển công nghiệp vi mạch, được Chính phủ và các bộ, ngành trung ương đánh giá cao và đang xem xét để nâng cấp thành Chương trình quốc gia trong thời gian tới. Thứ tư, TP là địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trung tâm giáo dục - khoa học - y tế và công nghệ cao của cả nước; địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. TP hứa hẹn sẽ là thị trường rộng lớn, nhiều tiềm năng cho phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và cảm biến. Đặc biệt, TP đang xây dựng và triển khai Đề án xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh, trong đó xác định công nghệ vi mạch và cảm biến đóng vai trò cốt lõi trong việc hình thành hạ tầng để vận hành các ứng dụng trong đô thị thông minh.

cong nghe se bao phu tp hcm Xe ôm công nghệ và cuộc chiến “lấy ngắn nuôi dài”

Thời gian gần đây, hình thức chạy xe ôm công nghệ thu hút rất nhiều lao động trẻ tham gia. Trong số họ, rất nhiều ...

cong nghe se bao phu tp hcm Mở hướng cho công nghệ cao

Khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang dần trở nên mạnh mẽ, thì việc nhanh chóng vào cuộc của Việt Nam là vô cùng ...

http://nld.com.vn/thoi-su/cong-nghe-se-bao-phu-tp-hcm-20171109215134581.htm

/ Phan Anh/nld.com.vn