Những câu chuyện "tình ngay lý gian" xảy ra rất nhiều, cần thiết phải điều tra cho rõ tránh để lãnh đạo bị hàm oan.
Mới đây, kết quả điều tra của cơ quan chức năng Sơn La đã xác định được trong số 44 học sinh được nâng điểm thi thì có tới 12 học sinh là con em cán bộ tron ngành giáo dục đào tạo của tỉnh này. Trong số đó, có học sinh là con phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo đương nhiệm, con chánh thanh tra sở, con trưởng phòng giáo dục trung học, con một số chuyên viên của Sở GD-ĐT, con hiệu trưởng, con giáo viên một số trường THPT trên địa bàn.
Nghi vấn học sinh được nâng điểm là con, cháu, người nhà lãnh đạo còn có ở Hòa Bình, Hà Giang, việc này khiến nhiều lãnh đạo địa phương rất tâm tư. Một lãnh đạo Hà Giang được cho là vướng nghi vấn sửa điểm cho con chia sẻ rằng: "tôi rất buồn vì con bị sửa điểm".
Nỗi buồn của vị lãnh đạo trên nhận được nhiều sự đồng cảm từ phía các ĐBQH. Ông Bùi Văn Xuyền - đại biểu đoàn Thái Bình cho rằng, địa phương cần phải chỉ đạo xử lý thật nghiêm, làm rõ trắng - đen vụ việc để "minh oan", trả lại sự trong sạch cho những cán bộ, lãnh đạo gương mẫu, mẫu mực.
Phân tích vụ việc, ông Xuyền nói rõ, bản chất của những vụ sửa điểm là tiêu cực, gian lận thi cử, là hành vi vi phạm pháp luật, xảy ra ở nhiều tỉnh thành, gây ra những tác động rất lớn tới tâm lý, sự tin tưởng của xã hội, người dân với ngành giáo dục. Đã là vi phạm pháp luật, phải xử lý vụ việc phải theo đúng nguyên tắc, trình tự và phải dựa trên các quy định của pháp luật.
Theo đó, đầu tiên là điều tra, xác định đối tượng, hành vi, mức độ liên quan, sau đó công bố sai phạm và hình thức xử lý.
Hiện tại, điều tra bước đầu cơ quan công an đã xác định những đối tượng là thí sinh thuộc diện được nâng, sửa điểm, những phụ huynh có liên quan tới vụ việc và cả những cán bộ tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào hệ thống nâng, sửa điểm.
Về biện pháp tiếp theo, đối với những học sinh được nâng điểm, dư luận đang có hai luồng ý kiến: Một là, công khai danh tính để bảo đảm tính công bằng; hai là không công khai để tránh các thí sinh bị tổn thương. Tuy nhiên, theo vị ĐBQH, việc công khai sẽ dựa trên tính chất của từng trường hợp cũng như phải tuân thủ theo đúng quy chế thi cử của ngành giáo dục.
"Phải cân nhắc kỹ việc công bố vì có những trường hợp thí sinh bị sửa điểm là theo nguyện vọng, mong muốn của thí sinh, song cũng có trường hợp là nạn nhân của bố mẹ, người thân, của nhân viên cấp dưới. Do đó, công khai ở mức độ nào phải cân nhắc rất thận trọng để tránh làm tổn thương những thí sinh vô tội.
Đối với những phụ huynh có con em được nâng, sửa điểm thi, tức là những người có liên quan trực tiếp tới tiêu cực trong kỳ thi tuyển vừa qua, phải điều tra, làm rõ để xác định mức độ vi phạm của từng trường hợp.
"Ở đây không đơn thuần chỉ là hành vi sửa điểm mà còn phải làm rõ các hành vi liên quan tới tiêu cực, tham nhũng, mua bán điểm trong thi tuyển nữa. Bởi không loại trừ có những trường hợp bố mẹ là thương nhân buôn bán nhiều tiền vì mong muốn con cái được đỗ đạt điểm cao, vào học các trường danh giá mà bỏ tiền để mua điểm.
Điều tra, làm rõ các hành vi tiêu cực, không những giúp làm rõ động cơ của phụ huynh mà còn giúp xác định rõ động cơ của những cán bộ vi phạm để có biện pháp xử lý cho phù hợp. Với những trường hợp này, nếu xác định được động cơ có thể phải khởi tố hình sự, truy tố trước pháp luật kể cả với phụ huynh và cán bộ trực tiếp tham gia" - Đại biểu Xuyền nêu rõ.
Vị ĐBQH còn nói thêm, có những trường hợp phụ huynh sử dụng quyền lực, chức vụ, mối quan hệ thân quen để gây sức ép, buộc cấp dưới phải sửa điểm cho con, cháu mình. Trong trường hợp này, những đối tượng không chỉ có hành vi vi phạm pháp luật mà còn có dấu hiệu lạm dụng chức vụ, quyền hạn, vi phạm đạo đức công vụ gây tác động, hậu quả nghiêm trọng, phải xử lý thật nghiêm theo cả quy định pháp luật và cả luật cán bộ công chức.
Nhìn nhận một cách khách quan, ông Xuyền còn đưa ra cả tình huống, có những trường hợp "bỗng nhiên" trở thành nạn nhân của vấn nạn xu nịnh, cấp dưới muốn lấy lòng cấp trên. Điển hình như trải lòng của lãnh đạo ở Hà Giang, nếu kết quả điều tra đúng như những gì vị lãnh đạo này chia sẻ, có phải lãnh đạo của chúng ta đang đứng trước "tình ngay mà lý gian", tự nhiên bị vướng vào tiêu cực, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín, danh dự hay không?
"Với trường hợp này, nếu không được xử lý nghiêm, hậu quả để lại sẽ rất lớn, quan trọng hơn, là lòng tin của người dân, dư luận đối với cán bộ, lãnh đạo địa phương bị suy giảm, rất khó làm việc.
Ví dụ như vụ việc xe công biển xanh đón người nhà của Bộ trưởng Bộ Công thương, đó là thói xu nịnh điển hình của cấp dưới khiến Bộ trưởng phải chịu hàm oan, tai tiếng, rất đáng tiếc. Để tránh những trường hợp tương tự, thiết nghĩ các địa phương phải chỉ đạo thật nghiêm.
Bên cạnh đó, bản thân các cơ quan sở, ngành địa phương, khi có dư luận sửa điểm thi liên quan tới con, cháu cán bộ, lãnh đạo trực thuộc đơn vị mình quản lý cũng cần kịp thời kiểm tra, xem xét để trả lại công bằng cho cán bộ, lãnh đạo đơn vị mình.
Những câu chuyện "tình ngay lý gian" thực tế xảy ra rất nhiều, vì thế, cần thiết phải điều tra cho rõ nhằm trả lại sự trong sạch cho cán bộ, lãnh đạo, tránh tai tiếng hàm oan", ông Xuyền nhấn mạnh.
ĐBQH khuyên công khai vụ sửa điểm thi: Nếu do xu nịnh...
Ngoài việc công khai danh tính thí sinh, cán bộ, phụ huynh thì còn phải tiếp tục mở rộng, điều tra, làm rõ các nguy ... |
Sẽ điều tra việc nhận tiền để sửa điểm thi THPT ở Hòa Bình
Bộ Công an cho biết sau kết luận ban đầu về vụ sửa điểm thi THPT ở Hòa Bình, cơ quan điều tra sẽ tiếp ... |
Trường đại học ở Nhật bị kiện vì sửa điểm để loại thí sinh nữ
Trường đại học Nhật Bản bị khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại sau bê bối sửa điểm bị phanh phui vào 2018. |