Sau 3 tuần thử nghiệm công nghệ Nano - Bioreactor của Nhật Bản, chỉ số về độ dày bùn, mùi hôi ở sông Tô Lịch giảm đáng kể và khớp với chỉ số dự kiến trước đó.
Sáng 6/6, Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt (JVE) công bố kết quả thí điểm công nghệ Nano - Bioreactor làm sạch sông Tô Lịch của Nhật Bản.
TS Kubo Jun - chuyên gia Nhật Bản cho biết, sau 3 tuần thử nghiệm, công nghệ Nano - Bioreactor cơ bản đáp ứng được yêu cầu, các chỉ số về độ dày bùn, mùi hôi giảm đáng kể và khớp với chỉ số dự kiến trước đó.
TS Kubo Jun lội xuống lòng sông để lấy bùn làm mẫu đối chứng.
Sau đó, vị chuyên gia Nhật Bản lội sông Tô Lịch lần lượt lấy 4 mẫu nước, bùn ở 2 khu vực trước và sau xử lý rồi đặt lên bàn để làm mẫu so sánh. Trong đó, có 2 tiêu chí được chuyên gia Nhật Bản nhắc tới là độ trong của nước lớp mặt và độ dày của lớp bùn tầng đáy.
"Những gì chúng ta nhìn thấy màu đen là lớp bùn dưới đáy vẫn gồm cát, sỏi chưa phân hủy được do không phải chất hữu cơ. Còn lớp bùn ở những khu vực không đặt máy xử lý thì vẫn còn mùi và có độ nhớt, dính do còn chứa nhiều chất thải hữu cơ", ông Kubo Jun nói.
Mẫu vật so sánh lớp bùn trước và sau khi xử lý.
Sau 3 tuần áp dụng công nghệ lọc nước, độ dày bùn ở sông Tô Lịch cũng giảm rõ rệt. Cụ thể , tại điểm B cách cầu Hoàng Quốc Việt 50 m, độ dày bùn giảm từ 91,3 cm xuống 72 cm. Tại điểm C cách 110 m, độ dày giảm từ 96,7 cm xuống còn 76 cm. Tại điểm D cách 210 m, độ dày bùn giảm từ 87,7 cm xuống còn 79 cm.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT JVE cho biết, sau 3 tuần triển khai thí điểm, mùi của nước sông giảm đáng kể dựa trên các chỉ số nồng độ NH3 và H2S. Tuy nhiên, kết quả đạt được sẽ rõ ràng hơn sau 2 tháng áp dụng công nghệ này.
Kết quả độ dày của bùn sau 2 tuần xử lý.
Trước đó, từ ngày 16/5, Hà Nội triển khai phương án thí điểm xử lý ô nhiễm, làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor của Nhật Bản.
Đoạn sông Tô Lịch (từ ngã tư Bưởi - Hoàng Quốc Việt xuôi về Cầu Giấy) được thí điểm lắp đặt 4 máy sục khí kèm các tấm vật liệu thiên nhiên.
Sau vài ngày đưa máy vào hoạt động, ở một đố điểm đặt máy, nước sông Tô Lịch bắt đầu chuyển màu từ đen sang trắng đục, lượng khí amoniac (NH3) gây mùi hôi thối giảm nhanh chóng, cùng với đó là lượng bùn giảm.
Ông Trần Văn Toàn (người dân ở phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy) chia sẻ: "Từ khi có máy làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano, mùi hôi thối giảm đến 80-90%. Vào buổi trưa nắng nóng nhưng tôi vẫn ung dung ngủ ngon lành, không ngửi thấy mùi gì. Nằm ở đây gió mát như Sầm Sơn, rất thích".
Theo ông Toàn, trước đây vì sông Tô Lịch quá hôi thối nên người dân ven sông cứ ăn cơm lại phải đóng cửa, các nhà nghỉ, khách sạn cũng vắng khách lui tới. Tuy nhiên, từ khi thí nghiệm công nghệ Nhật Bản để làm sạch nước sông, nhiều du khách nước ngoài liền trở lại và người dân ăn uống cũng ngon miệng hơn.
Chuyên gia Nhật công bố kết quả làm sạch sông Tô Lịch
Theo kết quả chuyên gia môi trường công bố, lượng bùn và mùi hôi ở sông Tô Lịch (Hà Nội) đã giảm đáng kể sau ... |
Hà Nội thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng Redoxy3C
Chế phẩm Redoxy3C được phun rải trực tiếp xuống đoạn sông đã quây kín bằng rào sắt để theo dõi sự biến đổi chất lượng ... |