Bộ Công an vừa công bố dự thảo Thông tư quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ. Đáng chú ý, trong dự thảo Thông tư, lực lượng công an xã được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này. Trong đó có ý kiến cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ.
Lực lượng công an xã sẽ được trang bị vũ khí quân dụng. Ảnh: T.L
Sử dụng công cụ hỗ trợ sai mục đích
Bộ Công an vừa công bố dự thảo Thông tư quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ. Theo đó, Thông tư này quy định về thẩm quyền, đối tượng, chủng loại, số lượng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trang bị cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ.
Tại Mục 1 Chương II của dự thảo Thông tư quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trong Công an nhân dân, trong đó tại Điều 4 quy định về đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ. Cụ thể Cục nghiệp vụ trực thuộc Bộ Công an; Cục nghiệp vụ trực thuộc Tổng cục; Các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh; Trại giam, trại tạm giam; Học viện, trường Công an Nhân dân; Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an Nhân dân làm công tác đào tạo, huấn luyện; Công an, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
Đáng chú ý, trong dự thảo Thông tư, lực lượng công an xã cũng được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ.
Trong nhiều năm trở lại đây, có thể nói lực lượng công an xã đang có những đóng góp rất lớn việc bảo đảm an ninh trật tự ở các địa phương. Nhiều vụ việc, vụ án được phát hiện từ phía công an xã. Chính vì vậy, việc trang bị vũ khí sẽ giúp đội ngũ này thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Tuy nhiên, có không ít ý kiến trái chiều khi dự thảo thông tư được công bố với nhiều lý do đưa ra cũng rất chính đáng và hợp lý.
Hiện nay công an xã chưa phải là lực lượng chính quy nên nhiều ý kiến tỏ ra lo lắng về tình trạng lạm dụng vũ khí quân dụng tùy tiện, mất kiểm soát, gây hậu quả đáng tiếc. Trên thực tế, liên tiếp xảy ra những vụ việc xảy ra liên quan đến lực lượng này. Theo đó, mới đây nhất, chiều 9.11, ông Nguyễn Đình Thanh - Chủ tịch UBND xã Nghi Quang (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) - phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An với hai vết thương khá nặng ở vai và tay do trúng đạn. Khi đang làm việc tại trụ sở UBND xã, ông Thanh đã bị ông Nguyễn Ngọc Thấu - Trưởng Công an xã Nghi Quang - dùng súng bắn nhiều phát vào người.
Cách đó chưa đầy 1 tháng, vào ngày 20.10, Phạm Ngọc Sơn (SN 1991, Phó Trưởng Công an xã Bờ Ngoong) cùng Vũ Quang Mạnh (SN 1995, công an viên xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đi giải quyết vụ đánh nhau. Khi trở về, anh Sơn giao cho Mạnh một khẩu súng bắn đạn caosu và một còng số 8 để mang về cất vào tủ tại cơ quan. Thế nhưng, Mạnh không chấp hành mà để vào cốp xe máy rồi đi nhậu. Lê Văn Hữu (trú xã Barmaih, Chư Sê; bạn nhậu của Mạnh) thấy trong cốp xe có súng nên cầm xem thì súng bị cướp cò, phát nổ, viên đạn găm vào đầu Hữu. Về nguyên tắc, khi hoàn thành xong nhiệm vụ, Công an xã Bờ Ngoong phải bàn giao, cất giữ công cụ hỗ trợ theo quy định.
Phải nghiên cứu kỹ
Trao đổi với Lao Động, bà Bùi Thị An - đại biểu Quốc hội khóa XIII - cho rằng, việc đưa ra dự thảo để lấy ý kiến là rất tốt. Tuy nhiên, trong trường hợp này, khi cho công an xã được sử dụng các loại vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ thì cần phải nghiên cứu thật kỹ, không nên vội vàng. Bởi theo bà An lực lượng công an chuyên chính với kẻ thù nhưng bảo vệ nhân dân. Đặc biệt, công an xã, phường là đơn vị rất gần dân, sát dân, cái cần ở đây là quản lý địa bàn thế nào để tránh những vụ việc không may xảy ra.
Theo bà An, hiện nay không phải chỗ nào cũng có kẻ cướp. Đặc biệt, người dân sống ở địa phương giản dị, rất thuần, chính vì vậy nếu cho phép công an xã sử dụng các loại vũ khí thì nặng nề quá. Trong trường hợp có đối tượng xấu, tổ chức xấu thì cũng phải ngăn chặn, theo dõi, phòng ngừa.
Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Cty Luật TNHH Trường Lộc - cho hay, ngay từ khi bàn bạc, thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các đại biểu Quốc hội cũng nêu nhiều ý kiến khác nhau về việc trang bị súng cho công an xã là có cơ sở. Vì, súng là phương tiện sát thương, do đó người sử dụng súng phải có nhân thân tốt, sức khoẻ tốt, được đào tạo cách thức sử dụng súng, nhận thức pháp luật, nhận thức được những tình huống được phép nổ súng.
Tuy nhiên, trên thực tế, theo quy định hiện hành, tiêu chuẩn trình độ học vấn trong tuyển chọn trưởng, phó trưởng công an xã là học xong THPT trở lên. Công an viên phải tốt nghiệp từ THCS trở lên, còn ở những vùng sâu, vùng xa không đủ người thì có thể học xong tiểu học trở lên. Phần lớn lực lượng công an xã không được đào tạo về pháp luật, cách thức sử dụng súng. Mặt khác, trên thực tế trụ sở các công an xã cũng chưa bảo đảm, nếu trang bị vũ khí quân dụng thì khó khăn cho việc bảo quản, dễ bị các đối tượng xấu trộm cắp làm công cụ gây án.
Theo luật sư Tuấn, với điều kiện trình độ của công an viên, điều kiện về trụ sở hiện nay thì không nên trang bị vũ khí cho công an xã. Trường hợp trang bị vũ khí cho công an xã thì phải đào tạo các công an viên về pháp luật, cách thức sử dụng, bảo quản vũ khí trước khi trang bị và có quy định cụ thể cho việc bảo quản, sử dụng, đồng thời phải thường xuyên kiểm tra và giám sát.
Ông Đỗ Anh Tuấn - Trưởng Công an xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, Hà Nội - cho rằng, hiện nay phía lực lượng công an xã đang được sử dụng một số dụng cụ hỗ trợ thô sơ như: Súng bắn đạn caosu, hơi cay hay gậy caosu. Ông Tuấn cho rằng, ở vùng quê nên buổi tối ít có đèn điện, chính vì vậy khi các cán bộ, lực lượng công an đi làm việc gặp rất nhiều khó khăn. Nếu được trang bị thêm vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ nữa thì rất tốt và thuận tiện trong công việc. Còn ông Hoàng Văn Tiền - Trưởng Công an xã Bản Xèo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai - chia sẻ, ông rất đồng tình về dự thảo Thông tư của Bộ Công an quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ. Theo ông Tiền, hiện nay, có những đối tượng khi gây án thì sử dụng những loại vũ khí hiện đại, trong khi đó lực lượng công an xã thì sử dụng những loại dụng cụ hỗ trợ còn thô sơ. Khi chống trả các đối tượng gây án lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Đề xuất cảnh sát được trang bị trực thăng vũ trang Theo Dự thảo Thông tư mới của Bộ Công an, lực lượng công an, cảnh sát được đề xuất trang bị, sử dụng trực thăng ... |
Đại gia nước đá ở Cần Thơ dí súng dọa bắn phụ nữ là ai? Nghi phạm vừa bị Cơ quan Công an bắt tạm giam là đại gia nước đá nổi tiếng tại đất Tây Đô. Ông này được ... |
Trưởng công an xã bắn chủ tịch xã từng bị... 12 tháng tù treo! Ông Nguyễn Ngọc Thấu, Trưởng công an xã Nghi Quang ở Nghệ An, người cầm súng bắn chủ tịch xã này, đã từng bị kết ... |