Nên chăng bên cạnh các biện pháp đang thực hiện, Hà Nội áp dụng thêm việc kiểm tra ngẫu nhiên trên đường để phát hiện những người ra khỏi nhà không lý do chính đáng.
Mấy ngày nay, dù đang trong thời gian giãn cách xã hội nhưng người dân Hà Nội vẫn nườm nượp ra đường như tháo khoán. Sáng 12/8, trên nhiều tuyến phố, ở chỗ chờ đèn tín hiệu, hàng trăm phương tiện dừng, đỗ san sát nhau không khác gì những ngày bình thường.
Là thành phố đông dân, có nhiều cơ quan trung ương, sở, ngành, các đơn vị sản xuất, cung ứng những mặt hàng thiết yếu, nhiều người ở Hà Nội có công việc phải ra đường trong thời gian giãn cách xã hội là điều đương nhiên. Nhưng hiện tượng người xe tấp nập, đông đột biến vài ngày qua cho thấy, trong số người đổ ra đường chắc chắn có những người không lý do chính đáng, xét theo hoàn cảnh đặc biệt của những ngày chống dịch quan trọng này.
Hà Nội đã bước sang ngày giãn cách thứ 20. Việc ở trong nhà một thời gian dài hẳn là điều không dễ chịu. Ai cũng thèm ra đường, thèm được cho lồng ngực hít căng bầu không khí, thèm được nhìn thấy những người khác và cảm nhận sự gấp gáp của cuộc sống thường nhật. Và hơn cả là nhu cầu làm việc kiếm tiền để chăm lo cho cuộc sống của gia đình, người thân.
Người dân Hà Nội nườm nượp ra đường vào sáng 12/8. |
Những nhu cầu trên đều là chính đáng trong hoàn cảnh bình thường, nhưng không phải trong lúc này, khi việc phong tỏa nguồn bệnh, ngăn chặn lây lan được coi là quan trọng và cấp thiết nhất. Việc người dân đổ ra đường quá đông là điều cực kỳ nguy hiểm, có thể khiến mọi nỗ lực kiềm chế dịch COVID-19 của cả thành phố, cả đất nước đổ sông đổ biển. Nói không quá, khi ra đường với lý do không chính đáng lúc này, người ta không chỉ đặt chính bản thân mình vào nguy hiểm mà còn có thể gieo rắc, lan truyền nỗi nguy hiểm cho rất nhiều người khác.
Và trong bất cứ thời điểm nào, bất cứ xã hội nào, tính mạng của con người vẫn luôn là thứ quý giá nhất, đáng được ưu tiên giữ gìn, bảo vệ nhất.
Để bảo vệ thành quả chống dịch, bảo vệ người dân, những ngày qua Thủ đô tăng cường siết chặt người ra đường, có lúc đưa ra biện pháp chưa phù hợp nhưng cũng đã nhanh chóng thay đổi, điều chỉnh. Người dân không còn phải đến UBND phường xin xác nhận vào giấy đi đường hay phải trình lịch trực, phân công nhiệm vụ khi qua chốt. Thành phố cũng yêu cầu người dân quét mã QR khi qua chốt kiểm dịch COVID-19... Tuy nhiên trên thực tế, không phải lối đi nào cũng có chốt kiểm soát và nhiều người dễ dàng né chốt để phóng xe trên đường.
Nên chăng bên cạnh những biện pháp đang thực hiện, Hà Nội áp dụng thêm việc kiểm tra ngẫu nhiên trên đường. Cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động thường xuyên tuần tra trên các tuyến phố, yêu cầu xuất trình giấy tờ đối với một số người, nếu ai không chứng minh được mình có lý do chính đáng để ra đường trong thời gian giãn cách xã hội thì lập biên bản xử phạt nặng.
Tuy số người được kiểm tra không nhiều nhưng cách này sẽ đánh tan tâm lý "chỉ cần né chốt là có thể đi đâu thì đi", nhờ sự hiện diện của sắc phục cảnh sát trên các tuyến đường, và việc truyền thông về các trường hợp bị phạt qua kiểm tra ngẫu nhiên. Nhờ đó, trước khi ra khỏi nhà, từng người sẽ nghiêm túc cân nhắc xem việc đó có thật sự cần thiết hay không.
Chỉ khi nào hạn chế được người ra đường với lý do không chính đáng, chúng ta mới sớm chặn được đường lây virus gây dịch COVID-19, ngày trở lại với cuộc sống bình thường mới sớm đến với người dân Thủ đô.
HOÀNG ANH
"Kiểm tra giấy đi đường không phải để phạt người dân" |
Hà Nội siết chặt kiểm soát Giấy đi đường: Nhiều bất cập cần giải quyết |