Chuyên gia cho rằng, việc vàng SJC tăng mạnh thời gian qua, cao hơn vàng thế giới và vàng 99,99 trong nước tới 10 - 15 triệu đồng/lượng là phi lý, cơ quan quản lý cần thay đổi chính sách để bình ổn thị trường vàng.
Lý giải “cơn sốt” vàng SJC
Thời gian gần đây, giá vàng trong nước liên tục biến động mạnh, đặc biệt là vàng SJC khi thương hiệu này liên tục thiết lập kỷ lục giá mới. Chỉ tính riêng tuần qua, vàng SJC đã tăng tổng cộng khoảng 2,5 triệu đồng/lượng, lên mức khoảng 75,70 - 76,70 triệu đồng/lượng. Thậm chí, trong phiên giao dịch hôm thứ sáu, thương hiệu vàng này đã có lúc vọt lên 77,20 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, mức kỷ lục chưa từng có trong lịch sử của thương hiệu này. Lý giải về cơn sốt giá vàng SJC, ông Đinh Nho Bảng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng, một phần do giá vàng thế giới tăng cao thời gian qua trước tín hiệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát đi dừng thắt chặt tiền tệ và chuẩn bị cho chu kỳ nới lỏng vào năm sau. Điều này khiến đồng USD giảm giá, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm, nhà đầu tư quốc tế chuyển dòng tiền sang vàng.
Liên quan đến Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian qua đã triển khai nhiều hoạt động để phục vụ cho việc tổng kết, đánh giá nghị định này. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các bên, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tu chỉnh, hoàn thiện dự thảo báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 24 trình Chính phủ và đề xuất các chính sách quản lý vàng phù hợp nếu cần thiết.
Tuy nhiên, trên thực tế đà tăng của giá vàng thế giới là không quá cao nếu so với đà tăng của vàng SJC. Trong tuần qua, giá vàng giao ngay chỉ tăng khoảng 35 USD/ounce, tương đương với mức tăng chỉ khoảng hơn 1 triệu đồng/lượng nếu quy đổi ra vàng Việt Nam. Điều này khiến chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá vàng thế giới nới rộng lên mức trên 15 triệu đồng/lượng.
Ông Đinh Nho Bảng cho rằng: “Chủ yếu do khan hiếm nguồn cung trong nước, giá tăng không phải do người dân mua quá nhiều mà chủ yếu do khan hiếm vàng SJC. Trên thực tế chỉ có vàng SJC là tăng mạnh và chênh lệch lớn so với vàng thế giới, còn vàng nhẫn, vàng 99,99 không chênh lệch đáng bao nhiêu và thấp hơn vàng SJC tới khoảng 13,5 triệu đồng/lượng”. Theo vị chuyên gia, sự khan hiếm vàng SJC xuất phát từ các quy định quản lý thị trường vàng tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP. Theo đó, kể từ khi Nghị định này có hiệu lực vào năm 2012, thị trường vàng không có nguồn cung vàng SJC mới.
Theo quy định tại Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu về để sản xuất vàng SJC. Trong khi từ đó đến nay, Ngân hàng Nhà nước không nhập khẩu vàng, dẫn đến khan hiếm nguồn cung. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đã lấy vàng SJC làm thương hiệu vàng chuẩn quốc gia, loại bỏ 6 thương hiệu vàng miếng còn lại, khiến nguồn cung vàng miếng khan hiếm. Không chỉ vậy, việc không cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu dẫn đến khan hiếm vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, một số doanh nghiệp thậm chí còn phải dùng vàng SJC để sản xuất vàng trang sức, làm cho vàng SJC càng khan hiếm.
Đã đến lúc sửa nghị định
Thừa nhận Nghị định 24 đã phát huy mặt tích cực suốt gần 12 năm qua, xóa bỏ tình trạng vàng hóa, không còn cảnh người dân xếp hàng mua vàng để tích trữ, song ông Đinh Nho Bảng cho rằng đã đến lúc phải sửa hoặc thay thế nghị định này: “Nghị định 24 ban hành vào thời điểm đó là phù hợp và đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, đến nay đã gần 12 năm, thị trường vàng Việt Nam đã cơ bản ổn định, hàng loạt đạo luật mới về đầu tư, kinh doanh đã được ban hành nên nhiều quy định tại Nghị định hiện đã không còn phù hợp với tình hình hiện nay”.
Giá vàng trong nước đang quá cao so với vàng thế giới. Người dân không nên lướt sóng vàng thời điểm này vì đây là cơn “sốt”, mà sốt thì chắc chắn sẽ hạ nhiệt. Chưa kể khi giá vàng quá nóng thì cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có các động thái chính sách.
Vị chuyên gia cũng đặt vấn đề trước hết cần cho phép các doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên vật liệu để sản xuất vàng trang sức. Điều này vừa giúp bình ổn thị trường vàng, vừa đem lại nguồn ngoại tệ thông qua xuất khẩu vàng. Việc Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng như hiện nay chẳng khác nào cơ quan này “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. “Cơ quan Chính phủ chỉ can thiệp thị trường bằng định hướng chính sách thôi chứ không thể can thiệp thị trường bằng vật chất. Không thể nói giá xăng cao mà Bộ Công Thương lại đi nhập xăng về bán được. Vàng cũng như vậy” - Tổng thư ký VGTA nói.
Theo ông Đinh Nho Bảng, nếu Ngân hàng Nhà nước can thiệp thì phải lấy ngoại tệ dự trữ để nhập khẩu vàng, nhưng như vậy lại không được vì sẽ ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối, làm cho tình hình vàng hóa nghiêm trọng hơn. Tiếp đến, vấn đề là có nên duy trì vàng SJC làm vàng chuẩn quốc gia hay không, vì cùng chất lượng như nhau, trọng lượng như nhau, nhưng hiện nay chênh lệch giữa vàng SJC và các loại vàng khác lên tới hơn 10 triệu đồng/lượng là vô lý. “Tôi nghĩ các quy định tại Nghị định 24 đương nhiên phải thay đổi. Còn sửa hay làm mới thì sẽ phụ thuộc Ngân hàng Nhà nước, nhưng quan điểm của VGTA là nên làm mới, thay thế bằng một Nghị định khác để người dân, doanh nghiệp dễ đọc, dễ hiểu” - đại diện VGTA nói.
Người dân không nên tích trữ vàng
Giữa bối cảnh giá vàng tăng nóng trong khi các kênh đầu tư bất động sản, chứng khoán, hay lãi suất ngân hàng hiệu suất sinh lời kém, nhiều người dân băn khoăn có nên mua vàng hay không. Tuy nhiên, các chuyên gia đều đưa ra lời khuyên nhà đầu tư không nên đổ xô mua vàng thời điểm này vì rất rủi ro. “Giá vàng trong nước đang quá cao so với vàng thế giới. Người dân không nên lướt sóng vàng thời điểm này vì đây là cơn “sốt”, mà sốt thì chắc chắn sẽ hạ nhiệt. Chưa kể khi giá vàng quá nóng thì cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có các động thái chính sách. Nếu có động thái này, chẳng hạn như việc Ngân hàng Nhà nước sửa Nghị định 24 thì giá vàng chắc chắn sẽ hạ, rủi ro cho người mua” - ông Đinh Nho Bảng đưa ra lời khuyên.
Cùng chung lời khuyên, chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank cho rằng, chênh lệch giá mua, giá bán vàng tại Việt Nam rất lớn, có thời điểm chênh lệch lên tới vài triệu đồng. Chính vì vậy, khi vừa mới mua xong là người mua đã lỗ vài triệu đồng/lượng. Nếu giá vàng tăng bằng mức chênh lệch này thì mới hòa vốn, do đó đầu tư ngắn hạn sẽ rất là rủi ro. Các nhà đầu tư, người dân bán vàng thu lãi trong thời gian vừa qua đa số đều đã giữ vàng trên 1 năm, trong phạm vi đầu tư trung và dài hạn.
Dự báo về xu hướng giá vàng, chuyên gia Phan Dũng Khánh cho biết, trong ngắn hạn giá vàng còn tăng, nhưng về trung và dài hạn thì mức tăng đó sẽ khó có thể duy trì được. Ngay cả những người đầu tư dài hạn cũng không nên “tất tay”, đổ toàn bộ tài sản vào vàng. Chỉ những người muốn đa dạng danh mục thì mới nên đổ tiền vào vàng. “Chúng ta có thể chia tài sản ra đầu tư vào nhiều lĩnh vực. Bởi dù trong trung và dài hạn thì giá vàng vẫn có thể đảm bảo sinh lời, nhưng sẽ phải giữ trong một khoảng thời gian dài. Trong lúc đó, tiền gửi ngân hàng có thể tạo ra lãi, bất động sản thì có thể cho thuê, chơi chứng khoán thì nhận được cổ tức... Còn vàng giữ trong két thì không an tâm mà đem gửi ngân hàng thậm chí còn mất phí” - ông Phan Dũng Khánh nói.