Đồng hành cùng con trong những ngày cuối chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 công lập, nhiều phụ huynh Hà Nội thừa nhận áp lực hơn cả thí sinh.
Gần 3 tuần nữa sẽ diễn ra kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập, không khí gia đình chị Đoàn Diệp Anh (43 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Con gái chị miệt mài học tập, hết trên trường rồi đến trung tâm, từ sáng sớm tới tận 1-2h khuya, còn hai vợ chồng luôn trong trạng thái thấp thỏm, bồn chồn.
“Cả tuần nay, nhà tôi gần như câm, luôn trong trạng thái im lặng, không ai dám trò chuyện nhiều vì sợ làm con mất tập trung. Nhiều lúc muốn động viên, nhưng lại chẳng biết nói gì cho đúng", chị Diệp Anh thở dài.
Sống tại khu chung cư, thường xuyên phải đối diện với tiếng ồn buổi tối khi trẻ nhỏ vui chơi náo nhiệt. Mong muốn con có không gian yên tĩnh để ôn luyện, chị chủ động qua trao đổi với hàng xóm, nhắc nhở các bé giữ gìn trật tự.
"May mắn được mọi người đều thấu hiểu và phối hợp nhiệt tình, tạo điều kiện tốt nhất cho con tôi tập trung học hành", nữ phụ huynh kể. Trong thời gian cao điểm ôn thi, vợ chồng chị còn tạm gửi cô con gái út mới 5 tuổi sang nhà ông bà nội chăm sóc. Nhiều đêm, chị thức trắng để theo sát việc học của con, cứ vài tiếng lại nhìn đồng hồ, định nhắc nhở vì lo con học quá sức, nhưng rồi lại ngập ngừng, sợ con chưa chuẩn bị đủ.

Áp lực, căng thẳng "bủa vây" các sĩ tử chuẩn bị thi vào lớp 10. (Ảnh minh hoạ)
Sau khi Sở GD&ĐT Hà Nội công bố tỷ lệ chọi vào lớp 10, nỗi lo của gia đình chị Diệp Anh như nhân lên gấp bội.
Năm nay, con gái chị đăng ký nguyện vọng 1 vào trường THPT Kim Liên, một trong những trường có mức cạnh tranh cao nhất với tỷ lệ chọi lên tới 2,15, tức trung bình hơn hai học sinh mới có một em đỗ. Nguyện vọng 2 là trường THPT Đống Đa cũng không kém phần áp lực, khi tỷ lệ chọi đạt mức 2,10. Cả hai ngôi trường này đều nằm trong danh sách những điểm nóng nhất của kỳ thi năm nay.
"Biết lực học của con không tệ, nhưng nhìn tỷ lệ chọi mà tim tôi như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Cả nhà chẳng ai nói ra, nhưng ai cũng căng thẳng như dây đàn", chị Diệp Anh nói. Kinh tế gia đình không dư dả để theo học trường tư, nữ phụ huynh đặt hy vọng con gái sẽ đỗ vào trường công lập, vừa nhẹ gánh học phí, vừa có môi trường học tập ổn định.
Cũng có con chuẩn bị bước vào cuộc đua lớp 10 công lập năm nay, chị Nguyễn Hoàng Anh (40 tuổi, Hoàng Mai Hà Nội) thường xuyên rơi vào tình trạng mất ngủ, đau đầu triền miên vì lo lắng. Trong thâm tâm, chị không khỏi hoang mang với suy nghĩ, nếu con chẳng may trượt, gia đình sẽ xoay xở ra sao?
"Dạo gần đây, không gian nhà tôi yên tĩnh tuyệt đối. Chồng tôi thích nghe nhạc, nhưng cũng phải giảm âm lượng hết mức, thậm chí nhiều hôm không dám bật. Từ người lớn đến trẻ nhỏ, ai cũng phải giữ ý tứ, đi lại nhẹ nhàng, không nói to, không gây tiếng động, bất kể con đang học hay nghỉ ngơi, miễn không ảnh hưởng đến tâm lý của con", chị Hoàng Anh chia sẻ.
Việc ăn uống trong nhà cũng được nữ phụ huynh đặc biệt chú ý. Chị chọn nấu những món vừa giàu dinh dưỡng, vừa dễ tiêu hóa, mong con có đủ năng lượng mà không bị đầy bụng, mệt mỏi.
"Có hôm tôi dành cả buổi cuối tuần nấu nướng, chuẩn bị cẩn thận từng món, nhưng mang lên thì con lại không động đũa. Cáu thì cáu lắm chứ, nhưng vẫn phải cố nhịn, không dám trách con một lời", chị kể lại. Biết con căng thẳng ôn thi, nhưng tâm trạng cha mẹ cũng chẳng khá hơn.

Đồng hành cùng con trong kỳ thi vào lớp 10 công lập, nhiều phụ huynh tại Hà Nội thừa nhận, họ áp lực hơn cả thí sinh. (Ảnh minh hoạ)
Theo cô Vũ Thị Thúy Hằng, giáo viên Ngữ văn tại Hà Nội, lý do khiến cuộc cạnh tranh vào lớp 10 các trường THPT công lập ở những thành phố lớn như Hà Nội trở nên ngày càng căng thẳng là bởi tâm lý phổ biến của nhiều phụ huynh, luôn mong muốn con bằng mọi giá phải đỗ trường công lập tốt.
Nữ giáo viên cho rằng, phụ huynh nên là chỗ dựa tinh thần vững vàng, thay vì là nguồn gây áp lực. "Đừng để kỳ vọng thái quá trở thành gánh nặng trên vai trẻ. Hãy thể hiện sự quan tâm bằng những hành động giản dị nhưng đầy ý nghĩa như một lời động viên đúng lúc, một bữa ăn yêu thích, hay đơn giản là lắng nghe con sau một ngày học tập mệt mỏi", nữ giáo viên nói.
Cô Hằng lưu ý, bản thân cha mẹ cũng cần học cách giữ bình tĩnh. Căng thẳng từ người lớn rất dễ lan truyền và tạo áp lực ngược lại cho con trẻ. Thái độ bình tĩnh, lạc quan của phụ huynh sẽ góp phần tạo ra môi trường ổn định, giúp con cảm thấy an tâm và tự tin hơn trong giai đoạn ôn thi.
Nhiều bậc phụ huynh vì quá lo lắng mà vô tình biến ngôi nhà thành một "phòng thi thứ hai", nơi con luôn cảm thấy bị theo dõi, giám sát và phải gồng mình để đáp ứng kỳ vọng. Sự mất bình tĩnh hay thường xuyên nhắc nhở quá mức như "phải cố lên" hay "đừng làm bố mẹ thất vọng" tuy có ý tốt nhưng lại khiến trẻ rơi vào trạng thái căng thẳng kéo dài.
"Thái độ điềm tĩnh, lạc quan của cha mẹ chính là liều thuốc tinh thần quý giá. Khi bố mẹ giữ được sự bình thản, tin tưởng thay vì thúc ép, con sẽ cảm thấy yên tâm, được tiếp thêm sức mạnh", nữ giáo viên nhấn mạnh.
So với các tỉnh thành khác, tại Hà Nội, kỳ thi THPT được đánh giá vô cùng khốc liệt.
Năm nay, trong 127.000 học sinh tốt nghiệp THCS, có hơn 103.456 em đăng ký thi lớp 10 THPT công lập. Trong đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 được Sở GD&ĐT Hà Nội giao cho 115 trường công lập không chuyên là 75.670. Số còn lại, gần 30.000 học sinh có thể chọn trường tư, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên hay trường trung cấp, cao đẳng nghề đào tạo chương trình 9+.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, ngành giáo dục Thủ đô rất cố gắng tăng tỷ lệ học sinh được tuyển vào lớp 10 của các trường THPT công lập lên mức 64%, cao hơn so với mức 60-61% của các năm học trước.
https://vtcnews.vn/con-sap-thi-lop-10-ca-nha-toi-nhu-bi-cam-ar943080.html