Lấy hành vi vi phạm pháp luật, làm sai lệch kết quả thi tuyển, gây ảnh hậu quả nghiêm trọng thì không thể nói chỉ tặng nhau tình cảm đơn thuần...
Bà Lê Thị Thu Ba, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương bày tỏ sự bức xúc trước vụ việc gian lận thi cử đang được điều tra tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình và Hà Giang.
Trước những lời phân trần, giải thích của nhiều cán bộ, lãnh đạo, quan chức địa phương có con được nâng điểm, bà Ba cho rằng, cần thiết phải làm rõ động cơ, mục đích của các đối tượng tham gia sửa, nâng điểm thi cho con em lãnh đạo để tránh oan sai cho cán bộ chân chính. Mặt khác, cũng phải làm rõ có cán bộ, lãnh đạo nào đã sử dụng quyền lực gây sức ép, hoặc dùng tiền mua chuộc, tác động buộc cấp dưới phải sửa điểm cho con, em mình hay không?
"Tôi phải nói thẳng, không thể để nỗi oan của các vị lãnh đạo địa phương kêu mà không ai thấu, nhưng cũng không thể để những người vô liêm sỉ, không có lòng tự trọng "vừa đánh trống, vừa la làng".
Rất khó tin, ai đó tự nhiên đi sửa điểm mà biết rõ không mang lại lợi lộc gì cho mình. Người sửa điểm nếu không được thông báo cũng rất khó có thể biết chính xác tên tuổi, số báo danh của các thí sinh là con cái lãnh đạo nào để mà sửa điểm được.
Do đó, việc đầu tiên là điều tra rõ hành vi can thiệp điểm nhằm mục đích gì; ai làm; có bị tác động hay không; tác động vì sao?
Không nên để dư luận suy đoán, nhìn vào cán bộ, lãnh đạo như một tấm gương xấu. Khi danh dự và uy tín của người cán bộ... bị tổn hại thì làm sao có thể làm việc được nữa".
Bà Lê Thu Ba đề xuất: "Việc này không còn cách nào khác là phải làm thật nghiêm minh, công khai, minh bạch. Đối với trường hợp nào sử dụng tiền để mua bán điểm phải khởi tố hình sự theo tội danh đưa - nhận hội lộ với cả người đưa và nhận tiền theo quy định của luật hình sự.
Còn với trường hợp sử dụng quyền lực để gây sức ép đó cũng là một hình thức tham nhũng mềm, tham nhũng quyền lực của người lãnh đạo có chức, có quyền nhưng đồng thời cũng là sự tắc trách, thiếu trách nhiệm của cấp dưới. Với trường hợp này, cả cấp trên và cấp dưới đều phải xử lý kỷ luật, phải đình chỉ chức vụ theo đúng quy định của pháp luật.
Còn với trường hợp tặng điểm, biếu điểm, đây cũng là một dạng hối lộ, tham nhũng kiểu mới không thông qua vật chất mà lại thông qua thái độ, ứng xử, rất khó xác định. Đối với trường hợp này lại phải làm rõ ý đồ của người tặng điểm, biếu điểm nhằm mục đích gì?
Nếu tặng nhau vì tình cảm, vì ơn nghĩa, trong trường hợp này cũng cần được xem là một hành vi hối lộ. Thông thường trong cuộc sống, việc tặng nhau tình cảm là rất đáng quý, rất đáng trân trọng nhưng, lấy hành vi vi phạm pháp luật, can thiệp điểm số, làm sai lệch kết quả thi tuyển, gây ảnh hưởng tới dư luận, xã hội, tới học sinh khác thì đây không thể xem là hình thức cho, tặng tình cảm đơn thuần nữa.
Bên cạnh đó, cũng phải xác định cán bộ, lãnh đạo cấp trên có biết được hành vi của cấp dưới hay không? Nếu biết vẫn đồng ý cho làm tức là đã đồng lõa, là tiếp tay, thậm chí cũng có thể coi là đã nhận hối lộ bằng điểm số từ cấp dưới để dọn đường, tạo sự thuận lợi hơn cho con cái vào những trường, những ngành nghề tốt. Phải xử lý kỷ luật ngay, kể cả phải cách chức, buộc thôi việc nếu cần thiết.
Ngược lại, nếu do cấp dưới tự ý sửa, lãnh đạo không biết gì cũng phải điều tra để trả lại sự trong sạch cho người cán bộ, lãnh đạo tận tụy, trong sáng.
Một khi chưa điều tra rõ ràng, dù cán bộ, lãnh đạo thật sự bị oan, cũng khó có thể thanh minh được. Không thể tự nhiên nói tôi không biết, tôi là người bị hại, là nạn nhân... thì dư luận sẽ tin, sẽ nghe theo được".
Bà Ba nhấn mạnh, những vụ gian lận tại 3 tỉnh thành được phát hiện vừa qua là một điểm nhấn, xong theo bà Lê Thu Ba, muốn bảo đảm tính công bằng, khách quan, bộ GD-ĐT nên tổ chức rà soát tổng thể trên diện rộng, nhằm ngăn chặn triệt để những sai phạm xảy ra trong lĩnh vực giáo dục.
"Không nên chỉ chạy theo những dư luận rồi mới vào điều tra, xử lý, như vậy, chưa chắc đã bảo đảm được tính công bằng, chưa chắc đã ngăn chặn được tiêu cực", bà Ba nói.
Điều quan trọng hơn, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương nhấn mạnh, quyết tâm làm trong sạch ngành giáo dục là để lấy lại uy tín, danh dự của ngành giáo dục đối với học sinh, người dân, phụ huynh trên cả nước.
"Nếu ngay cả học sinh cũng không dám tin vào môi trường mình được đào tạo, rèn luyện thì ngành giáo dục làm sao giáo dục được con người?.
Tôi lấy ví dụ, những học sinh phải học ngày học đêm, những gia đình ngheo khó phải bán đất, bán nhà, phải làm thêm, làm mướn lấy tiền cho con ăn học họ sẽ nghĩ thế nào? Họ có còn tin vào sự công bằng của ngành giáo dục nữa không?
Còn đối với những học sinh được nâng điểm, cũng là tạo ra cho chúng một lối nghĩ tự phụ, ỉ lại, chỉ cần có quyền lực, có đồng tiền của bố mẹ là chúng đương nhiên có được những thứ mình muốn... Như vậy khi lớn lên những đứa trẻ đó sẽ thế nào?
Vì thế, nhân sự việc này, bắt buộc phải làm nghiêm túc", bà Ba khẳng định
Quan chức bức xúc con bị nâng điểm: Điều tự tin nhất
Nhiều lãnh đạo có con nằm trong danh sách sửa điểm thi tự tin nhất một điều, đó là con mình học giỏi, đỗ bằng ... |
Loạt quan chức có con được nâng điểm: Việc tế nhị nên...
Quan chức đang công tác tại Sơn La có con nằm trong danh sách được nâng điểm thi vẫn đi làm bình thường. |