Lạm phát len lỏi vào cuộc sống của từng người dân Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản công bố số liệu cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng lõi (không tính giá đồ tươi sống) của nước này tăng 3,5% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ này cao hơn dự báo và cũng là cao nhất kể từ tháng 1/2023.
Nguyên nhân chính khiến lạm phát Nhật Bản tăng tốc là giá thực phẩm tăng 7%. Nhiều doanh nghiệp đã phải điều chỉnh giá từ tháng 4, trong đó riêng giá gạo tăng tới 98,6% so với năm ngoái.
Cụ thể, mức giá gạo trung bình tại 1.000 siêu thị trên toàn quốc tiếp tục xác lập kỷ lục mới, với giá 1 bao gạo 5kg tăng thêm 54 yên trong một tuần, đạt mức 4.268 yên (hơn 770.000 đồng) tính đến ngày 11/5. Điều này đồng nghĩa với việc 1kg gạo tại Nhật có giá lên tới 154.000 đồng.
Sự thiếu hụt gạo tại Nhật Bản bắt đầu vào tháng 8 năm ngoái do tình trạng mua hàng hoảng loạn, sau khi chính phủ cảnh báo về một trận động đất lớn. Áp lực cung đã giảm bớt sau vụ thu hoạch mùa thu sau đó, song tình trạng thiếu hụt và giá cả tăng cao đã trở lại vào đầu năm nay, khi lạm phát dai dẳng.
Trước tình hình này, một số người Nhật chấp nhận mua gạo ở Hàn Quốc mang về quê nhà sử dụng. Họ chỉ cần bay 2 tiếng 30 phút là đã có thể mua gạo với giá rẻ hơn từ “người anh em láng giềng”.
“Nhiệm vụ của tôi khi đến Seoul (Hàn Quốc) là mua gạo và trở về nhà. Gạo ở Nhật Bản hiện đang rất đắt nên tôi quyết định mua gạo ở Hàn Quốc. Ở Hàn Quốc, bạn phải đến quầy kiểm dịch thực vật xuất nhập khẩu và điền vào một loạt tờ khai. Tuy nhiên các tờ khai này đều có sẵn mẫu nên thủ tục rất đơn giản”, một người dùng mạng xã hội tên A chia sẻ mẹo.
Nhật Bản dự trữ khoảng 1 triệu tấn gạo khẩn cấp, đang được cất tại khoảng 300 cơ sở trên khắp cả nước. Tokyo đã hai lần xả kho dự trữ gạo để kiềm chế giá gạo tiếp tục tăng, song đến nay vẫn không hiệu quả.

Không chỉ gạo, đầu tháng 3/2025, giá của ba loại nguyên liệu chính của món lẩu Nhật, một món ăn truyền thống vào mùa đông, gồm rau cải thảo, tỏi tây và cà rốt, đã tăng lần lượt 227%, 167% và 140% so với mức bình quân trong dài hạn. Chỉ số Engel đo tỷ lệ chi phí thực phẩm trong chi tiêu của các hộ gia đình hiện ở mức cao nhất trong vòng 43 năm trở lại đây.
Các hộ gia đình Nhật cắt giảm rau trong bữa ăn gia đình trong bối cảnh đất nước đang trải qua sự dịch chuyển kinh tế lớn nhất trong hơn ba thập kỷ. Đây được coi là “sự bình thường hóa” sau một thời gian dài giá cả ở mức thấp và tăng trưởng trì trệ.
Giá bắp cải tăng cao đang khiến chị Mochizuki phải canh từng đợt khuyến mãi ở siêu thị hoặc sử dụng rong biển khô để thay thế. Cô gái này còn chuyển sang trồng hành lá trong nhà để tiết kiệm một khoản chi phí nhỏ hàng tháng. Dữ liệu mới nhất cho thấy giá bắp cải ở Tokyo đã tăng gấp ba lần trong tháng 1, trung bình 6,43 USD một cây, tương đương với mức lương một giờ làm việc.
Kazuki Nakata, 37 tuổi, đã thu hút 90.000 người đăng ký kênh YouTube với nội dung hướng dẫn trồng rau tại nhà trong các thùng chứa. Trong bối cảnh lạm phát, kênh của Kazuki Nakata tăng 4.500 người theo dõi trong hai tuần.
Anh Nakata đã bỏ công việc ở cửa hàng điện tử để trồng rau trong nhà, bao gồm lá shiso, hành tây, củ cải trong các chai nhựa, lon bia và thậm chí là giỏ xe đạp. Gia đình anh đã phải ngủ không có điều hòa vào những đêm hè oi ả.
“Với giá rau cao như hiện nay, những hy sinh đó đã được đền đáp”, anh nói.
Người tiêu dùng Nhật Bản, vốn đã quen với việc giá cả đứng yên suốt nhiều năm, đang phải đối mặt với cú sốc mới khi đồng yen yếu kéo giá mọi thứ lên cao. “Lạm phát cao nhưng chi tiêu không tăng tương ứng, cho thấy xu hướng tiêu dùng tại đây đang yếu đến mức nào”, Hideo Kumano - nhà kinh tế học tại Viện nghiên cứu Dai-Ichi Life nhận xét
Marcel Thieliant, Trưởng bộ phận châu Á - Thái Bình Dương tại Capital Economics, nhận định: “Lạm phát vẫn ở mức cao trong tháng 4, bất chấp việc Nhật Bản giảm học phí cấp trung học. Chúng tôi cho rằng Ngân hàng Trung ương BOJ sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa vào tháng 10”.
Lạm phát đã vượt mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hơn 3 năm qua. Thực trạng này củng cố khả năng BOJ tiếp tục nâng lãi suất, bất chấp rủi ro tăng trưởng do tác động từ thuế nhập khẩu của Mỹ.
Dữ liệu cho thấy áp lực giá cả vẫn dai dẳng, song một số chuyên gia kỳ vọng lạm phát sẽ hạ nhiệt cuối năm nay, khi đồng yen tăng giá giúp giảm chi phí nhập khẩu.
“BOJ vẫn sẽ tiếp tục chu kỳ tăng lãi suất, nhưng chưa phải bây giờ. Sự bất ổn từ thuế nhập khẩu sẽ khiến ngân hàng trung ương phải trì hoãn. Chúng tôi dự báo đợt tăng lãi suất tiếp theo sẽ diễn ra vào đầu năm 2026”, Stefan Angrick - nhà phân tích tại Moody’s Analytics nhận định.
https://markettimes.vn/con-dau-dau-cua-nen-kinh-te-thu-4-the-gioi-83252.html